
Quyền im lặng của nghi can.
Khởi đi từ quá trình dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (sau đây gọi là Bộ luật tố tụng hình sự), thuật ngữ quyền im lặng được nhiều người nhắc đến trên các phương tiện truyền thông cũng như trên các diễn đàn của Quốc hội.
Gần đây, nhiều vụ án cũng được báo chí tường thuật về việc bị can, bị cáo đã sử dụng quyền im lặng như một phương cách để tránh những sơ suất pháp lý trong quá trình tham gia tố tụng.
Vậy, pháp luật hình sự Việt Nam có quy định về quyền im lặng?
Trước hết chúng ta đều biết rằng, việc “im lặng” hay “lên tiếng” vốn là một nhu cầu nội tại thuộc bản năng giao tiếp của con người (chứ không phải một tố quyền do luật pháp ban phát). Không ai có thể bắt buộc một người im lặng khi bản thân họ có nhu cầu lên tiếng. Và ngược lại, cũng không ai có thể bắt buộc một người lên tiếng khi họ cần im lặng, trừ phi họ bị đe doạ hoặc bị người khác sử dụng vũ lực để buộc phải hành động trái với ý chí của mình.
Vì vậy, nếu luật pháp chỉ quy định nghi can được quyền giữ im lặng (hay không trình bày lời khai) mà không có một quy định bắt buộc nào để đảm bảo cho việc thực thi tố quyền này (như quyền được có luật sư trong khi thẩm vấn; quyền được thông báo các nội dung như cảnh báo Miranda của luật pháp Hoa Kỳ) thì quy định này khó có thể phát huy tác dụng trên thực tế. Bởi lẽ, cho dù luật pháp cho phép nghi can im lặng, nhưng liệu họ có im lặng được không, nếu cảnh sát sử dụng vũ lực để buộc họ phải “lên tiếng” thừa nhận hành vi phạm tội?
Cho nên, quyền im lặng theo luật pháp Mỹ không phải là sự im lặng theo nghĩa “cơ học”. Mà đó là một định chế pháp lý nhằm đảm bảo không để xảy ra bất kỳ một hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp nào trong quá trình điều tra vụ án. Đây chính là điểm mấu chốt làm nên ý nghĩa đặc biệt của cái gọi là quyền im lặng trong tư pháp hình sự Hoa Kỳ.
Như vậy, nếu hiểu quyền im lặng với tính chất là một định chế pháp lý liên quan đến một thủ tục tố tụng bắt buộc như đã nêu trên, thì pháp luật tố tụng hình sự của ta hiện nay không có điều khoản nào quy định về quyền im lặng theo đúng ý nghĩa của thuật ngữ này.
Khảo sát các quy định từ Điều 58 đến Điều 61 Bộ luật tố tụng hình sự về các quyền cơ bản của nghi can trong vụ án (gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) có thể nhận thấy, trong số các quyền của nghi can thì quyền “Không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình” là mang nhiều ý nghĩa và có nét tương đồng với thuật ngữ quyền im lặng.
Tuy nhiên khác với quyền im lặng trong luật pháp Mỹ, việc nghi phạm không trình bày lời khai phải được thực hiện song hành với nội dung cảnh báo Miranda của cảnh sát, và thủ tục này cũng chỉ được thực hiện ở giai đoạn nghi can bị bắt giữ hoặc bị thẩm vấn, chứ không đặt ra trong các phiên tòa xét xử vụ án hình sự.
Trái lại, quyền “Không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình” theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, có thể được thực hiện ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng vụ án. Mặt khác, pháp luật tố tụng của ta cũng không bắt buộc Cơ quan Điều tra phải cảnh báo nghi phạm như nội dung cảnh báo Miranda trong pháp luật Hoa Kỳ.
Sự khác nhau giữa quyền “Không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình” theo luật tố tụng hình sự Việt Nam với định chế quyền im lặng hay cảnh báo Miranda trong luật pháp Hoa Kỳ, đã đưa đến những hệ quả pháp lý khác nhau về quyền có luật sư cũng như giá trị chứng cứ đối với các bản cung được thu thập từ lời khai nghi phạm.
(i) Về quyền có luật sư: Luật tố tụng hình sự của ta chỉ bắt buộc phải có sự tham gia của luật sư khi nghi phạm bị điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình…
Trong khi đó theo luật pháp Mỹ, bất kỳ trường hợp phạm tội nào cũng phải có sự tham gia của luật sư. Nếu người bị tình nghi phạm tội không có khả năng tự mình thuê luật sư thì cơ quan công quyền phải cử luật sư bảo vệ quyền lợi cho họ mà không phân biệt trường hợp phạm tội là trọng án hay thường án.
(ii) Về giá trị chứng cứ của các bản cung:
Pháp luật hình sự Việt Nam thừa nhận giá trị chứng cứ đối với mọi lời khai nhận tội của nghi can trong giai đoạn điều tra (trừ trường hợp có chứng cứ về việc bức cung, nhục hình…) mà không cần Cơ quan Điều tra, Điều tra viên phải thông báo trước cho nghi can về quyền “ Không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình” hay quyền được có luật sư trong khi thẩm vấn.
Trái lại, theo luật pháp Mỹ một bản cung có tính chất buộc tội bởi lời khai của nghi phạm, sẽ không tạo thành chứng cứ, trừ phi nghi phạm đó đã được thông báo cho biết các quyền Miranda của mình.
Như vậy, mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự hiện nay có mở rộng hơn các quyền của bị can, bị cáo so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Nhưng việc mở rộng các quyền này, đặc biệt là quyền “Không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình” cũng chỉ hàm chứa một số yếu tính của quyền im lặng. Còn bản thân các quyền này, chưa phải là quyền im lặng với tính chất là một định chế pháp lý liên quan đến một thủ tục tố tụng mang tính bắt buộc như tinh thần của luật pháp nơi khai sinh ra định chế này.