Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Ý niệm công bằng.

26/02/2022, 15:37

Khái niệm công bằng có nguồn gốc từ chữ equitas trong tiếng La tinh, có nghĩa là sự bình đẳng. Nhưng khi trở thành tiếng Pháp (équité) và tiếng Anh (equity) thì lại mang ý nghĩa là Lẽ công bằng.

Công bằng là ý chí nghiêm túc và liên tục nhằm đưa đến cho mỗi người những gì họ đáng được hưởng”.

Justinianus

*  *  *

“Có cái gì trên công lý chăng? Đó là lẽ công bằng”

Victor Hugo

 

Cũng như vấn đề nguồn gốc của luật pháp, ý niệm về Lẽ công bằng đã được nhiều triết gia, học giả trên thế giới đề cập từ rất sớm, và cho đến nay vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về Lẽ công bằng.

1. Từ Justinianus đến Aristote

Trong tác phẩm “Các bình luận luật học của Justinianus” (do hoàng đế La Mã Justinianus yêu cầu những nhà luật học lớn của Roma biên soạn), quan niệm về Lẽ công bằng được phát biểu qua câu mở đầu của Quyển 1 với các bản dịch quen thuộc như sau: “ Công bằng là ý chí nghiêm túc và liên tục nhằm đưa đến cho mỗi người những gì họ đáng được hưởng”.

          Mortimer J.Adler (1902 – 2001) triết gia, nhà giáo dục người Mỹ, trong tác phẩm “ Cùng suy nghĩ về những ý niệm lớn” (1) đã chỉnh sửa đôi chút bản dịch trên. Theo đó, “ Công bằng là ý chí bất biến và liên tục nhằm đem lại cho mỗi người những gì thuộc về họ”.

Tuy nhiên, cũng theo Mortimer J.Adler, ý niệm công bằng, thông thường được sử dụng theo ba nghĩa, và các nghĩa này có thể điều hoà, tương tác lẫn nhau.

Nghĩa đầu tiên trong các nghĩa đó được bao hàm bởi khái niệm bình đẳng. Công bằng chủ yếu nằm trong việc đối xử bình đẳng với những người ngang nhau và bất bình đẳng với những người không ngang nhau.

Khi hai người cùng phạm tội trộm cắp tài sản với các tình tiết của vụ án như nhau. Nhưng, một người bị toà kết án 03 năm, trong khi người kia lại phải chịu mức án 06 năm thì người ta có lý do để cho rằng, đó là một phán quyết bất công, không bình đẳng.

Trái lại, nếu một người phạm tội thuộc trường hợp nghiêm trọng và một người khác phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hơn. Nhưng mức án dành cho cả hai là như nhau thì đó cũng là sự đối xử bất công, không công bằng.         

Nghĩa thứ hai của ý niệm công bằng, chính là việc đem lại cho mỗi cá nhân những gì thuộc về họ hay những gì họ đáng được hưởng. Theo cách hiểu này, một cá nhân tự nguyện trả một khoản nợ mà anh ta đã vay mượn của người khác, được xem là cách hành xử sòng phẳng, công bằng. Trái lại, nếu anh ta tìm cách chiếm đoạt số tiền vay mượn, thì hành vi chiếm đoạt đó là bất công, không công bằng. Vì anh ta đã lấy đi của người khác những cái thuộc về họ hay những gì lẽ ra họ đáng được hưởng.    

Và cuối cùng, người ta tìm thấy ý niệm công bằng trong việc công dân tuân thủ pháp luật. Một người được xem là công bằng khi anh ta tuân theo luật pháp của cộng đồng nơi anh ta sinh sống. Tội phạm hay những cá nhân vi phạm pháp luật được xem là bất công, không công bằng. Và như vậy, luật pháp cần phải có sự chế tài đối với các hành vi sai phạm để phục hồi lại trạng thái công bằng.  

Thế nhưng, quan niệm về Lẽ công bằng với tính chất là một truyền thống (hay định chế pháp lý) được áp dụng trong hoạt động tài phán nhằm bổ khuyết cho những thiếu sót của pháp luật thực định, thì có lẽ Aristote là người có nội dung phát biểu cụ thể và rõ ràng nhất.

Trong tác phẩm “Nền luân lý lớn” triết gia người Hy Lạp nhận xét: “ Lẽ công bằng là một nền công lý tốt hơn, nó sửa sai nền công lý bằng pháp luật trong trường hợp đặc biệt, khi nền công lý bằng pháp luật này dẫn đến những kết quả bất công vì những câu chữ tổng quát của một đạo luật không dự liệu tất cả”.

Cũng với ý nghĩa tương tự, Aristote còn cho rằng “… ở chỗ nào mà nhà lập pháp không dự trù sẵn được cho ta và đã phạm lỗi sai do quá đơn giản hóa vấn đề, ta hoàn toàn đúng khi sửa chữa chỗ khiếm khuyết đó. Nghĩa là, phát biểu những gì mà chính nhà lập pháp hẳn sẽ nói nếu ông ta có mặt trước trường hợp này. Ông ta hẳn sẽ sắp đặt luật theo cách đó nếu ông ta biết được tình huống đó…”

Như vậy, Lẽ công bằng theo quan niệm của Aristote có chiều hướng gần với các nguyên lý của Luật tự nhiên, và sự tồn tại của nó bên cạnh hệ thống pháp luật thực định là để khắc phục những bất cập mà hệ thống pháp luật này (do tính cách tổng quát của nó) không thể nào thực hiện được.

Chính vì vậy, việc áp dụng Lẽ công bằng trong hoạt động tài phán, không chỉ mang lại một sự bảo đảm về mặt công lý và công bằng xã hội, mà nó còn hiện thực hoá được ý chí của nhà làm luật trong những tình huống mà khi soạn thảo luật, họ đã chưa tiên liệu được. 

Chẳng hạn, pháp luật thành văn quy định, trộm cắp là hành vi tội phạm thì quy định đó bao giờ cũng mang tính cách tổng quát và được áp dụng chung cho bất kỳ ai thực hiện hành vi trộm cắp, mà không phân biệt trường hợp nào là trộm cắp với ý chí gian xảo, và trường hợp nào trộm cắp là do sự bần cùng, đói khát của con người.

Vì vậy, khi gặp phải trường hợp, một người do quá bần cùng, đói khát mà phải tìm đến miếng ăn bằng hành vi trộm cắp, thì ý niệm về Lẽ công bằng cần phải được áp dụng để khắc phục những thiếu sót do tính chất tổng quát đó của luật pháp. Và Aristote tin rằng, nếu nhà lập pháp gặp phải tình huống này, chắc hẳn ông ta cũng sẽ không xem đó là hành vi tội phạm.

Tuy nhiên, để Lẽ công bằng được áp dụng một cách chính đáng, phù hợp với ý chí của nhà lập pháp thì Thẩm phán phải là người đóng vai trò quyết định trong việc diễn giải luật pháp. Điều này được thể hiện qua diễn ngôn nổi tiếng của Xi rê on - luật sư, nhà hùng biện tài ba thời La Mã cổ đại: “Quan toà là một đạo luật biết nói, còn đạo luật là một vị quan toà im lặng”.

Trong tác phẩm nổi tiếng “Nền dân trị Mỹ”, thông qua việc quan sát hệ thống tư pháp Hoa Kỳ, Alexis De Tocqueville cũng cho rằng, Thẩm phán có vai trò giải thích luật pháp, và trong chừng mực nhất định, sự giải thích này không vượt ra ngoài khuôn khổ của thẩm quyền tư pháp.  Ông viết “… Khi nhân một vụ xử án mà một quan toà lại đả kích một đạo luật liên quan đến phiên xử án ấy, thì ông ta đã mở rộng phạm vi quyền hạn nhưng vẫn không thoát ra khỏi phạm vi đó. Vì ông ta trong chừng mực nào đó phải phán xét luật để đi đến chỗ có thể xét xử vụ án. Còn khi ông ta phát ngôn về một đạo luật mà không xuất phát từ một vụ án, thì ông ta hoàn toàn vượt ra khỏi phạm vi hoạt động của mình, và ông ta bước sang phạm vi quyền lực lập pháp…” (2)

Nhìn chung, sự thừa nhận Lẽ công bằng cũng như vai trò diễn giải luật pháp của Thẩm phán trong xét xử, xuất phát từ quan niệm, bản chất của luật pháp là những quy phạm mang tính tổng quát, được áp dụng chung cho mọi trường hợp vi phạm. Do vậy, khi gặp phải những tình huống cá biệt, có tính ngoại lệ, Thẩm phán phải là “người phát ngôn” cho tinh thần của điều luật thông qua sự diễn giải hợp lý luật pháp. Tức là, làm cho luật pháp luôn được thực thi một cách thấu tình đạt lý, phù hợp với ý chí của nhà lập pháp, chứ  không phải chỉ biết dùng nó như một “thước đo” để chụp lên bất kỳ một thân phận hay hành vi nào, khả dĩ được xem là có dấu hiệu tội phạm.

Thế nhưng, không phải ai cũng đồng ý với quan niệm trên về Lẽ công bằng cũng như vai trò diễn giải luật pháp của Thẩm phán trong xét xử.

Vào thế kỳ thứ XVII, tại Anh tác giả J. selden đã nhận xét về Lẽ công bằng với lời lẽ châm biếm như sau: Lẽ công bằng tùy thuộc vào lương tâm của người làm quan Thượng thư, tất cũng tùy thuộc vào lương tâm đó rộng hay hẹp. Việc đó giống như người ta dùng bàn chân của quan Thượng thư làm đơn vị đo lường. Đơn vị này thật không sao chính xác. Quan Thượng thư này có bàn chân dài, [trong khi] vị quan khác lại có bàn chân ngắn… Vậy thì lẽ công bằng thay đổi theo độ dài các bàn chân của quan Thượng thư

Blackstones – một tác giả sống vào thế kỷ thứ XVIII, trong tác phẩm “Bàn về luật nước Anh” còn cực đoan hơn khi đưa ra chọn lựa dứt khoát giữa luật pháp và Lẽ công bằng: “ Pháp luật không Lẽ công bằng, dù khó khăn trong thực hiện, tuyệt đối cũng đáng chuộng hơn Lẽ công bằng không pháp luật.”

2. Áp dụng Lẽ công bằng trong thực tiễn xét xử

Mặc dù cuộc tranh luận về luật pháp và Lẽ công bằng, cho đến nay vẫn chưa có hồi kết, nhưng có một thực tế là, quan niệm về Lẽ công bằng đã được nhiều quốc gia nhìn nhận và áp dụng trong thực tiễn xét xử của Tòa án. Điển hình là các nước thuộc hệ thống Common Law như Anh, Mỹ…

Tại Thụy Sĩ, Bộ Dân luật Thụy sĩ quy định: “ Thẩm phán áp dụng các quy tắc luật pháp và sự công bằng mỗi khi luật dành cho Thẩm phán quyền quyết định hay tuyên án tùy theo trường hợp hoặc lý do chính đáng”.

Ở nước ta, trước khi Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự 2015 ra đời, khái niệm Lẽ công bằng chưa từng được nhắc đến trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng trong một chừng mực nào đó, nó vẫn được ghi nhận và thể hiện  trong các quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán – Tòa án nhân dân Tối cao. Và, chính từ những quyết định Giám đốc thẩm này, sau đó đã được Tòa án nhân dân Tối cao tuyển chọn và phát triển thành các Án lệ hiện nay.

Nhìn chung, Lẽ công bằng thường được áp dụng trong hoạt động xét xử của tòa án trong hai trường hợp: (i) Luật có quy định, nhưng trường hợp vi phạm là một ngoại lệ, (ii) Luật chưa có quy định.

Điển hình cho trường hợp thứ nhất là vụ án cô Ménard ăn cắp bánh mỳ nổi tiếng xảy ra tại nước Pháp vào thế kỷ thứ XIX.

Trong cơn túng quẩn và đói khát của cả hai mẹ con, Ménard đã đập vỡ cửa kính của một cửa hiệu để ăn cắp bánh mỳ và bị bắt đưa ra Toà. Chánh án Magnaud của Toà Tiểu Hình Château – Thierry, ngày 4 tháng 3 năm 1898 đã tha bổng Ménard với lập luận trong bản án như sau:

“Thật đáng tiếc rằng, trong một xã hội được tổ chức chu đáo, lại có một thành viên của xã hội ấy, mà nhất là một người làm mẹ của một gia đình, có thể thiếu bánh mỳ để ăn mà không phải do lỗi của chính mình.

Khi một trường hợp như vậy xảy ra và được xác định rõ như trường hợp của cô Ménard, Thẩm phán có nghĩa vụ phải giải thích một cách nhân đạo những quy định thiếu mềm dẻo của luật pháp.

Sự bần cùng và đói khát có thể làm cho con người mất đi một phần của tự do ý chí, và cũng có thể, trong một chừng mực nào đó, làm giảm đi nơi người này khái niệm về cái đúng và cái sai. Một hành vi thông thường đáng trách cứ, sẽ trở nên không đáng trách khi người vi phạm chỉ hành động vì nhu cầu khẩn thiết, phải tìm cho mình một miếng ăn thuộc nhu yếu phẩm hàng đầu

Mặc dù sau đó, với quan điểm bảo thủ, toà Thượng thẩm Amiens đã không chấp nhận lập luận trên của Toà tiểu hình, nhưng cũng nhận định rằng, Ménard không có ý chí gian xảo, nên đã chấp nhận việc tha bổng bị cáo.

3. Lẽ công bằng trong pháp luật Việt Nam

Khác với nhiều quốc gia thuộc hệ thống Common Law, nguyên tắc xét xử theo Lẽ công bằng của ta, hiện chỉ được quy định trong Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Điều đó có nghĩa, nguyên tắc này chỉ được áp dụng trong các quan hệ pháp luật dân sự, còn trong Hình luật thì không có quy định này.

Ngoài ra, việc áp dụng Lẽ công bằng cũng hết sức hạn chế. Theo đó, tòa án chỉ áp dụng Lẽ công bằng trong trường hợp không có tập quán và cũng không thể áp dụng được nguyên tắc tương tự pháp luật.

Chẳng hạn, trong vụ kiện tranh chấp về hợp đồng vay tài sản, nguyên đơn yêu cầu tòa án hủy hợp đồng tặng cho nhà ở giữa bị đơn với người thứ ba vì cho rằng, bị đơn có tài sản nhưng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ mà lại đem tài sản đó tặng cho người khác để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.

Trong trường hợp này, cả pháp luật và tập quán đều không có quy định nào cấm một người tặng cho tài sản khi bản thân họ chưa thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho người khác. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người cho vay tài sản, Thẩm phán có thể dựa vào nguyên tắc Lẽ công bằng cũng như các quy định về thực hiện nghĩa vụ dân sự nói chung, để tạo ra một án lệ với quan điểm pháp lý rằng: Khi một người chưa thực hiện một nghĩa vụ tài sản đối với người khác, thì họ không có quyền tặng cho tài sản thuộc sở hữu của mình cho người thứ ba để hủy bỏ giao dịch tặng cho nhà ở nói trên.

Và chúng ta có thể nói rằng, trong trường hợp này, Lẽ công bằng đã được tòa án áp dụng để khắc phục những thiếu sót mà luật pháp thành văn chưa tiên liệu được.

Theo tinh thần quy định tại khoản 3 điều 45 Bộ luật tố tụng dân sự thì Lẽ công bằng được xác định trên ba cơ sở: (i) lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận; (ii) phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, và (iii) không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó.

Từ trong sâu xa của ý tưởng lập pháp, người ta hiểu rằng, việc nhà làm luật quy định, Lẽ công bằng phải được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, là để tránh sự tuỳ tiện của Thẩm phán trong cách quan niệm về lẽ phải và tính công bằng.

Tuy nhiên về phương diện nhận thức, chúng ta đều biết rằng, những giá trị nền tảng thì bao giờ cũng mang tính phổ quát. Một cách hành xử được xem là công bằng, phù hợp lẽ phải thì đương nhiên sẽ được mọi người thừa nhận. Và người ta cũng chỉ thừa nhận một vấn đề hay cách xử lý nào đó khi nó đúng và phù hợp với lẽ phải mà thôi. Như vậy, bản thân từ “lẽ phải” đã hàm chứa trong nó tính phổ quát về mặt giá trị (của sự thừa nhận) mà không cần thiết phải đi kèm với bất kỳ một điều kiện nào.

Việc nhà làm luật quy định “lẽ phải” đi cùng với cụm từ “được mọi người trong xã hội thừa nhận”, không chỉ làm cho điều luật rối rắm, tối nghĩa mà còn có thể gây ra sự ngộ nhận. Vì một khi đã có sự phân biệt “lẽ phải” được mọi người (số đông) thừa nhận, thì người ta cũng có quyền suy nghĩ, có những “lẽ phải” chỉ được số ít người thừa nhận. Và như vậy, ý nghĩa hay giá trị phổ quát của từ “lẽ phải” sẽ không còn nữa.

Mặc khác cũng cần thấy rằng, việc chứng minh tính đúng đắn, phù hợp với lẽ phải của một bản án thông qua sự thừa nhận của tất cả mọi người trong xã hội, không chỉ là một yêu cầu không tưởng, bất khả thi trên thực tế, mà còn có thể dẫn đến những tranh cãi không đáng có về tính hợp pháp của bản án. Bởi lẽ, với cách quy định nêu trên của điều luật, người ta có thể không đồng ý với một bản án nào đó, vì cho rằng không có cơ sở nào để chứng minh cái gọi là “lẽ phải” hay tính công bằng mà Thẩm phán áp dụng để xét xử, đều được tất cả mọi người trong xã hội thừa nhận. Và như vậy, chính cơ quan tài phán sẽ “đuối lý” trong việc bảo vệ quan điểm cho phán quyết của mình.

Một vấn đề khác cũng cần phải đặt ra đối với tinh thần của điều luật về lẽ công bằng, đó là chúng ta có nên xem các yếu tố “Không thiên vị”; “Bình đẳng về quyền và nghĩa vụ” của các đương sự như một điều kiện của nguyên tắc công bằng hay không, và sự thừa nhận các yếu tố này, liệu có gây trở ngại cho việc thực thi Lẽ công bằng trong hoạt động tài phán không?

Trước hết, cần phải nói ngay rằng, vấn đề không thiên vị hay bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các đương sự trong vụ việc dân sự, là một trong những nguyên tắc luật định, và nó được áp dụng chung cho bất kỳ một vụ án hay tranh chấp dân sự nào. Vì vậy, việc nhìn nhận các yếu tố này như một điều kiện của nguyên tắc công bằng, chẳng những không cần thiết, mà đôi khi còn có thể gây trở ngại cho việc áp dụng Lẽ công bằng trong thực tiễn xét xử.

Chúng ta cùng xem xét trường hợp dưới đây.

Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng ông A có tạo lập được khối tài sản chung gồm ba căn nhà có giá trị tương đương nhau. Sinh thời, ông A cùng vợ đã lập hợp đồng tặng cho hai căn nhà cho hai người con (con cả và con thứ). Riêng căn nhà thứ ba được vợ chồng ông A sử dụng để ở cùng với người con út.

Mặc dù đã nhận được tài sản nhà đất do cha mẹ tặng cho, nhưng sau khi vợ chồng ông A qua đời (không để lại di chúc) người con cả lẫn người con thứ đều khởi kiện để yêu cầu toà án phân chia di sản thừa kế đối với căn nhà còn lại theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Trong trường hợp này, nếu toà án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tiếp tục phân chia di sản thừa kế là căn nhà còn lại cho cả ba người con, thì rõ ràng đã vi phạm nguyên tắc công bằng. Bởi lẽ, người con cả và người con thứ đã nhận được hai căn nhà, tương đương với hai phần ba giá trị tài sản của cha mẹ. Trong khi đó, người con út chưa hề được sở hữu một tài sản nào, nên không thể xem họ là những người có xuất phát điểm về quyền lợi ngang nhau để có thể đối xử theo nguyên tắc “Bình đẳng với những người ngang nhau”. Trái lại, chính phương châm xử sự “Bất bình đẳng với những người không ngang nhau” mới là giải pháp để đưa lại sự công bằng trong trường hợp này.

Như vậy, để đảm bảo nguyên tắc công bằng, Thẩm phán có thể căn cứ vào các yếu tố: lẽ phải được mọi người thừa nhận và phù hợp với nguyên tắc nhân đạo để bác bỏ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và công nhận quyền sở hữu nhà ở cho bị đơn.

Thế nhưng, nếu việc áp dụng Lẽ công bằng còn đòi hỏi phải đảm bảo cả điều kiện: các đương sự phải bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ, thì đây là một trở ngại rất lớn (nếu không muốn nói là mâu thuẫn) với việc thực thi nguyên tắc công bằng. Bởi vì, pháp luật về thừa kế của ta hiện nay hoàn toàn không có quy định nào nghiêm cấm hay giới hạn quyền được hưởng di sản của người thừa kế, nếu như trước đó họ đã từng nhận được tài sản tặng cho từ người để lại di sản. Nói khác, việc một người thừa kế được người để lại di sản tặng cho tài sản khi còn sống, không đương nhiên làm mất đi quyền được hưởng di sản thừa kế của họ.

Vì vậy, một khi chúng ta thừa nhận sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong trường hợp này, cũng tức là thừa nhận quyền được hưởng di sản thừa kế của người khởi kiện. Và đây là cách đối xử  “Bình đẳng với những người không ngang nhau”, vốn được xem là trái với nguyên tắc công bằng.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

Rút từ sách "Những suy nghiệm về luật pháp" sắp xuất bản

-----------------------------------------

(1)“ Cùng suy nghĩ về những ý niệm lớn” bản dịch của Phạm Viêm Phương và Mai Sơn – NXB Hồng Đức năm 2019

(2) Alexis De Tocqueville “Nền dân trị Mỹ” bản dịch của Phạm Toàn, Bùi Văn Sơn Nam hiệu đính – NXB Tri Thức năm 2016

 

 

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê