Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Quyền im lặng trong tư pháp hình sự Hoa Kỳ

13/11/2021, 19:51

“Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng có thể được dùng để chống lại anh trước tòa. Anh có quyền có luật sư…”

Đó là câu nói quen thuộc mà nhiều người đã từng nghe và thích thú khi xem các bộ phim Mỹ liên quan đến việc bắt giữ người của cảnh sát. Nhưng đây không phải là một tình tiết hư cấu trong phim ảnh, mà xuất phát từ một nguyên tắc pháp lý cơ bản trong tố tụng hình sự Hoa Kỳ, được gọi là cảnh báo Miranda hay quyền im lặng của nghi can.

1. Nguồn gốc của định chế “Quyền im lặng”.

Thuật ngữ "Quyền im lặng" (cũng được gọi là cảnh báo Miranda - Miranda warning) bắt nguồn từ  hai quyết định của Toà án tối cao Hoa Kỳ liên quan đến việc bảo vệ quyền con người và nguyên tắc được xét xử công bằng trong hai vụ án nổi tiếng vào thập niên 1960. Đó là vụ Gideon kiện Wainwright (1963) và Miranda kiện Bang Arizona (1966).

Vụ Gideon kiện Wainwright.

Clarence Earl Gideon bị bắt giữ vì đã đột nhập vào một phòng bỏ phiếu tại Florida năm 1961. Khi ông yêu cầu tòa cử một luật sư bào chữa cho mình thì Thẩm phán khước từ yêu cầu của ông, nói rằng luật pháp của Bang  chỉ yêu cầu cử luật sư trong những vụ trọng án - những vụ án liên quan đến cái chết của một người hoặc đòi hỏi một án tử hình.

Gideon tự bào chữa cho mình và bị kết án là có tội. Ở trong tù, ông dành nhiều thời gian đến thư viện, nghiên cứu các sách luật và viết một kiến nghị gửi đến Tòa án tối cao yêu cầu tòa xem xét lại trường hợp của mình.

Sau khi xem xét nội dung kiến nghị của Gideon, Tòa án tối cao Hoa Kỳ cho rằng, Gideon đã bị tước quyền có một cuộc xét xử công bằng và quyết định rằng, các Bang đều phải cung cấp luật sư cho những người bị tố cáo phạm tội mà không có khả năng tự mình thuê luật sư.

Khi được xét xử lại với sự tham gia bào chữa của một luật sư thì Gideon được toà tuyên trắng án.

Có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ thắc mắc rằng, việc Thẩm phán khước từ yêu cầu có luật sư của Clarence Earl Gideon là căn cứ vào chính quy định luật pháp của  Bang (chỉ yêu cầu cử luật sư trong những vụ trọng án - những vụ án liên quan đến cái chết của một người hoặc có thể dẫn đến một án tử hình). Vậy, tại sao Toà án tối cao Hoa Kỳ lại đưa ra một phán quyết đi ngược lại luật pháp của Bang?

Đây là vấn đề liên quan đến thẩm quyền đặc biệt của toà án nước Mỹ mà giới nghiên cứu luật học thường gọi bằng những thuật ngữ pháp lý khác nhau, như: Quyền rà soát pháp lý, quyền Tái kiểm tư pháp hay quyền Kiểm soát hiến tính. Theo đó, thông qua việc xét xử một vụ án, toà án có quyền từ chối áp dụng một đạo luật, nếu xét thấy đạo luật đó trái với tinh thần chung của Hiến pháp Mỹ.

Alexis De Tocqueville trong tác phẩm nổi tiếng "Nền dân trị Mỹ" đã nhận xét về nguồn gốc và sức mạnh pháp lý của quyền lực tư pháp đặc biệt này như sau: “… Người Mỹ thừa nhận ở các quan toà cái quyền xây dựng các quyết án dựa trên hiến pháp hơn là dựa trên các đạo luật. Nói cách khác, người Mỹ cho phép các quan toà của họ không áp dụng các bộ luật tỏ ra là không hợp hiến trước mắt các quan toà…

Khi quan toà từ chối áp dụng một bộ luật trong một vụ án, thì ngay lập tức bộ luật ấy mất đi một phần sức mạnh tinh thần của nó…. các vụ án gia tăng lên, và bộ luật đó rơi vào tình trạng bất lực. Khi đó sẽ diễn ra một trong hai điều sau: nhân dân thay đổi hiến pháp hoặc ngành lập pháp điều chỉnh luật…”

Như vậy, mặc dù Thẩm phán viện dẫn pháp luật của Bang để khước từ yêu cầu có luật sư của Clarence Earl Gideon, nhưng theo quan điểm của Toà án tối cao Hoa Kỳ, đạo luật này của Bang đã tỏ ra vi hiến nên không có giá trị áp dụng.  

Vụ Ernesto Miranda kiện Bang Arizona

Năm 1966, tức là đúng ba năm, sau khi xảy ra vụ Gideon kiện Wainwright. Thông qua vụ án nổi tiếng Ernesto Miranda kiện Bang Arizona, Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã đưa ra một phán quyết lịch sử, chính thức thừa nhận quyền im lặng và quyền được có luật sư của nghi can.

Ernesto Arturo Miranda là một tội phạm chuyên nghiệp. Từ năm 12 tuổi, anh ta đã phải “ vào tù ra tội” với nhiều tội danh như: trộm xe, ăn cắp và xâm hại tình dục.

Ngày 13 tháng 3 năm 1963, ở tuổi 22, Miranda bị cảnh sát quận Phoenix tạm giữ để thẩm vấn sau khi người anh trai của nạn nhân bị bắt cóc và hiếp dâm trông thấy Miranda trên một chiếc xe tải có biển kiểm soát trùng với mô tả của em gái.

Ở đồn, sau khi được cảnh sát cho biết, mình đã bị nạn nhân nhận diện, Miranda đã thừa nhận hành vi phạm tội.

Sau đó, Miranda được dẫn tới một căn phòng kín và phải ngồi viết lại bản thú tội của mình ra giấy, trên tờ giấy có in sẵn dòng chữ: “… Lời khai của tôi hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện và tự do ý chí. Tôi không hề bị đe doạ, ép buộc hoặc được hứa hẹn vô tội. Tôi nhận thức đầy đủ về quyền lợi hợp pháp của mình và hiểu rằng, bất cứ phát ngôn nào của tôi đều có thể và sẽ được dùng để chống lại tôi”.

Tuy nhiên trên thực tế, Miranda chưa bao giờ được cảnh sát cho biết mình có quyền giữ im lặng hoặc có quyền được gặp luật sư.

Sau đó vụ việc được đưa ra toà và Miranda bị toà kết án phạm tội hiếp dâm với mức hình phạt 30 năm tù, nhưng luật sư được toà chỉ định của Miranda lại quyết tâm kháng án ra trước Toà án tối cao.

Năm 1966, trong phán quyết có tính lịch sử của mình, Toà án tối cao Hoa Kỳ đã nhất trí rằng, một nghi phạm có quyền được giữ im lặng, và công tố viên không được dùng lời nói của họ khi bị cảnh sát bắt giữ làm bằng chứng, trừ khi cảnh sát đã cho nghi phạm biết quyền lợi của mình. Và Enersto Miranda được trả tự do.

Phán quyết của toà án cũng yêu cầu các sĩ quan cảnh sát khi bắt giữ người, phải báo cho người bị bắt giữ biết những điều mà ngày nay được gọi là nội dung cảnh báo Miranda. Đó là kẻ bị tình nghi có quyền im lặng, rằng những điều anh ta nói ra có thể được dùng để chống lại anh ta, rằng anh ta có thể yêu cầu sự có mặt của một luật sư trong khi bị thẩm vấn, và một luật sư sẽ được cung cấp nếu anh ta không tự thuê được.

Theo luật pháp Hoa Kỳ, lời cảnh báo Miranda là một lời cảnh báo được cảnh sát thông báo cho nghi phạm hình sự ngay lúc bị bắt giữ, hay khi đang ở tình trạng giam giữ, trước khi nghi phạm bị thẩm vấn hoặc lấy cung liên quan đến hành vi phạm tội. Nguyên văn lời cảnh báo này như sau: 

“Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa. Anh có quyền có luật sư trước khi khai báo với cảnh sát và luật sư sẽ hiện diện khi cảnh sát thẩm vấn anh. Nếu anh không thể tìm được luật sư, anh sẽ được cung cấp một luật sư trước khi trả lời các câu hỏi. Anh có thể trả lời câu hỏi khi không có luật sư, nhưng anh vẫn có quyền ngưng trả lời bất cứ lúc nào để chờ sự có mặt của luật sư".

Một bản cung có tính chất buộc tội bởi lời khai của nghi phạm sẽ không tạo thành chứng cứ, trừ phi nghi phạm đó đã được thông báo cho biết các quyền Miranda của mình.

Tuy nhiên, cảnh sát có thể yêu cầu cung cấp các thông tin về nhân thân như: tên gọi, ngày sinh, địa chỉ mà không cần đọc các cảnh báo Miranda này cho nghi phạm.

Như vậy, khái niệm quyền im lặng trong luật pháp Hoa Kỳ không đơn giản chỉ là việc thừa nhận quyền không trình bày lời khai của nghi phạm, mà nó còn là một định chế pháp lý liên quan đến một thủ tục tố tụng mang tính bắt buộc.

Theo đó, quyền giữ im lặng hay không trình bày lời khai của nghi phạm phải được thực hiện song hành với nội dung cảnh báo Miranda của cảnh sát. Một bản cung hay biên bản lấy lời khai có tính chất buộc tội bởi lời trình bày của nghi phạm, sẽ không có giá trị chứng cứ nếu cảnh sát không thực hiện thủ tục cảnh báo Miranda này cho họ.

2. Nền tảng pháp lý của quyền im lặng.

Ngày nay, quyền im lặng hay cảnh báo Miranda được xem là một trong những “điểm son” của nền tư pháp Hoa Kỳ và có sức ảnh hưởng sâu rộng đến sinh hoạt lập pháp của nhiều quốc gia. Nhưng ít ai biết rằng, định chế pháp lý này đã từng là chủ đề gây tranh cãi trong giới luật học nước Mỹ. 

Với kết quả biểu quyết (05 phiếu thuận và 04 phiếu chống) phán quyết Miranda cũng cho thấy, ngay trong nội bộ các Thẩm phán của Toà án tối cao Hoa Kỳ đã có sự chia rẽ sâu sắc về quan điểm trong việc đưa ra quyết án này.

Vậy, nền tảng pháp lý của quyền im lặng là gì? Tại sao một vấn đề từng gây tranh cãi bởi chính những người đưa ra phán quyết, lại có thể trở thành một định chế pháp lý có giá trị phổ quát và được nhiều quốc gia thừa nhận?

Trước hết chúng ta đều biết rằng, nguyên tắc đầu tiên và căn bản trong tố tụng hình sự của mọi quốc gia, là quyền được xét xử công bằng. Vì vậy, không thể nói đến yếu tố công bằng khi một nghi phạm không hề biết luật pháp cho phép họ được làm gì, hay có những quyền gì trong quá trình tố tụng vụ án. Và cũng không thể xem là công bằng, khi một người có điều kiện tốt hơn về kinh tế, được phép sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư, còn người kia thì không.

Luật pháp không phải là một loại hàng hoá hay dịch vụ để có thể chỉ cung cấp cho những ai có tiền, có đủ điều kiện kinh tế. Trái lại, luật pháp cần phải được đối xử công bằng và như nhau trong mọi trường hợp. Nếu bị can, bị cáo không có khả năng tự mình mời luật sư, thì cơ quan công quyền phải có nghĩa vụ chu toàn trách nhiệm này, mà không phân biệt đó là tội phạm thuộc trường hợp trọng án hay thường án. Đây là căn bản pháp lý đầu tiên tạo nên quyền Miranda trong luật pháp Mỹ.

Nền tảng pháp lý thứ hai của quyền Miranda, được xem là xuất phát từ nguyên tắc “Nghi ngờ hợp lý” và trách nhiệm chứng minh tội phạm. Theo nguyên tắc này, mọi lời thú nhận về tội trạng hay những lời khai có tính chất bất lợi của nghi can, đều phải được đặt trong tình trạng nghi vấn, cho đến khi nó được xác quyết bằng một thủ tục tố tụng về quyền Miranda.

Ngoài ra, từ góc độ chứng minh tội phạm có thể thấy, sự thật về người phạm tội và quá trình thực hiện tội phạm trong một vụ án, chỉ có thể được xác định trên cơ sở của một cuộc điều tra khách quan, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật tố tụng.

Mọi sự hà tỳ hay nghi ngờ hà tỳ (vi phạm) trong quá trình điều tra (trong đó có việc nghi ngờ về hành vi dụ cung, bức cung, nhục hình…) đều đưa đến sự hoài nghi về tính xác thực của vụ án. Và như vậy, đương nhiên sẽ không đủ căn cứ và độ tin cậy để Thẩm phán đưa ra phán quyết về một trường hợp nào đó, là phạm tội hay không phạm tội. Vì thế, cách tốt nhất để tránh mọi sự hà tỳ (hay nghi ngờ hà tỳ) trong quá trình điều tra - là ngay từ đầu, định chế về quyền im lặng phải được thực hiện.

Cuối cùng, quyền im lặng hay cảnh báo Miranda còn được đặt trên một căn bản pháp lý liên quan đến mối tương giao giữa nhà nước và công dân, giữa nghi phạm với cơ quan công quyền. Theo đó, bằng hình thức này hay hình thức khác, luật pháp của hầu hết các quốc gia đều đưa ra những cam kết về quyền bình đẳng cũng như đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa mọi công dân trước pháp luật.

Tuy nhiên vì nhiều lý do, không ít các nhân viên công lực hay cơ quan công quyền đã không thực hiện các nguyên tắc này trên thực tế. Vì vậy, thông qua việc ban hành ra các quyết án, toà án sẽ sử dụng quyền lực tư pháp để yêu cầu các nhân việc công lực hay cơ quan công quyền, phải hiện thực hoá các cam kết đó trên thực tế.

Như vậy, quyền im lặng hay cảnh báo Miranda không chỉ là một định chế pháp lý nhằm đảm bảo quyền lợi cho chính nghi phạm, mà hơn thế nữa, nó còn là một sự bảo đảm cho việc thực thi các cam kết pháp lý giữa nhà nước và công dân, giữa nghi phạm với cơ quan công quyền. Và có lẽ, đây mới chính là yếu tố làm nên giá trị phổ quát của định chế luật pháp này.

3. Luật tố tụng của ta có quy định “quyền im lặng”?

Khởi đi từ quá trình dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự 2015, thuật ngữ quyền im lặng được nhiều người nhắc đến trên các phương tiện truyền thông cũng như trên các diễn đàn của Quốc hội.

Gần đây, nhiều vụ án cũng được báo chí tường thuật về việc bị can, bị cáo đã sử dụng quyền im lặng như một phương cách để tránh những sơ suất pháp lý trong quá trình làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Vậy, pháp luật hình sự Việt Nam có quy định về quyền im lặng?

Trước hết có thể khẳng định rằng, nếu hiểu quyền im lặng với tính chất là một định chế pháp lý liên quan đến một thủ tục tố tụng bắt buộc như đã nêu trên, thì pháp luật tố tụng hình sự của ta hiện nay không có điều khoản nào quy định về quyền im lặng theo đúng nghĩa của thuật ngữ này.

Khảo sát các quy định từ điều 58 đến điều 61 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 về các quyền cơ bản của nghi can trong vụ án (gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) có thể nhận thấy, trong số các quyền của nghi can thì quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình” là mang nhiều ý nghĩa và có nét tương đồng với thuật ngữ quyền im lặng.

Tuy nhiên, khác với quyền im lặng, việc nghi phạm không trình bày lời khai phải được thực hiện song hành với nội dung cảnh báo Miranda của cảnh sát, và thủ tục này cũng chỉ được thực hiện ở giai đoạn nghi can bị bắt giữ hoặc bị thẩm vấn, chứ không đặt ra trong các phiên tòa xét xử vụ án hình sự.

Trái lại, quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình” theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có thể được thực hiện ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng vụ án. Mặt khác, pháp luật tố tụng của ta cũng không bắt buộc cơ quan điều tra phải cảnh báo nghi phạm như nội dung cảnh báo Miranda trong pháp luật Hoa Kỳ.

Sự khác nhau giữa quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình” theo luật tố tụng hình sự Việt Nam với định chế “Quyền im lặng” hay cảnh báo Miranda trong luật pháp Hoa Kỳ, đã đưa đến những hệ quả pháp lý khác nhau về quyền có luật sư cũng như giá trị chứng cứ đối với các bản cung được thu thập từ lời khai nghi phạm.

(i) Về quyền có luật sư: luật tố tụng hình sự của ta chỉ bắt buộc phải có sự tham gia của luật sư khi nghi phạm bị điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình…

Trong khi đó, theo luật pháp Mỹ, bất kỳ trường hợp phạm tội nào cũng phải có sự tham gia của luật sư. Nếu người bị tình nghi phạm tội không có khả năng tự mình thuê luật sư thì cơ quan công quyền phải cử luật sư bảo vệ quyền lợi cho họ mà không phân biệt trường hợp phạm tội là trọng án hay thường án.

(ii) Về giá trị chứng cứ của các bản cung:

Pháp luật hình sự Việt Nam thừa nhận giá trị chứng cứ đối với mọi lời khai nhận tội của nghi can trong giai đoạn điều tra (trừ trường hợp có chứng cứ về việc bức cung, nhục hình) mà không cần Cơ quan Điều tra, Điều tra viên phải thông báo trước cho nghi can về quyền “ không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình” hay quyền được có luật sư trong khi thẩm vấn.

Trái lại, theo luật pháp Mỹ, một bản cung có tính chất buộc tội bởi lời khai của nghi phạm, sẽ không tạo thành chứng cứ, trừ phi nghi phạm đó đã được thông báo cho biết các quyền Miranda của mình.

Như vậy, mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có mở rộng hơn các quyền của bị can, bị cáo so với Bộ luật tố tụng hình sự 2003, nhưng việc mở rộng các quyền này, đặc biệt là quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình”, cũng chỉ hàm chứa một số yếu tính của quyền im lặng. Còn bản thân các quyền này, chưa phải là quyền im lặng với tính chất là một định chế pháp lý liên quan đến một thủ tục tố tụng mang tính bắt buộc như tinh thần của luật pháp nơi khai sinh ra định chế này.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

Rút từ sách “ Những suy nghiệm về luật pháp” sắp xuất bản

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê