Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Quyền kiểm soát hiến tính của Pháp viện Hoa Kỳ

27/06/2023, 11:19

Quyền kiểm soát hiến tính không phải là thẩm quyền của các Toà án trong việc huỷ bỏ một cách trực tiếp đạo luật được xem là vi hiến

Hiến pháp phải được ưu tiên hơn quy chế,

ý đồ của nhân dân phải hơn ý đồ của người đại diện cho họ”

Alexander Hamilton

Nhà lập hiến đầu tiên của Hoa Kỳ

* * *

Nếu không thừa nhận hiệu lực tối cao của Hiến pháp Hoa Kỳ đối với luật Quốc hội,

sẽ dẫn đến tình trạng Tòa án ngó lơ Hiến pháp, chỉ làm theo pháp luật, vì luật của Quốc hội sẽ luôn luôn đúng

Án lệ Marbury kiện Madison

 

1. Kiểm soát hiến tính là gì?

Kiểm soát hiến tính hay còn gọi là “Quyền rà soát pháp lý”, “Quyền tái kiểm tư pháp”, là một tố quyền đặc biệt của Toà án Hoa Kỳ. Theo đó, thông qua việc giải quyết một vụ án cụ thể, Toà án có quyền không áp dụng một đạo luật, nếu xét thấy đạo luật đó trái với tinh thần chung của Hiến pháp Hoa Kỳ.

Alexis de Tocqueville đã nhận xét về tố quyền đặc biệt này của Toà án nước Mỹ như sau:

“… Khi đứng trước Toà án của Hoa Kỳ mà người ta viện dẫn một đạo luật bị quan toà coi là trái với hiến pháp, ông ta có thể từ chối áp dụng bộ luật đó. Đó là cái quyền duy nhất chỉ có pháp quan ở Mỹ mới có…”

“… Khi viên quan toà từ chối áp dụng một bộ luật trong một vụ án, thì ngay lập tức bộ luật ấy mất đi một phần sức mạnh tinh thần của nó. Khi ấy, những người bị bộ luật đó đưa ra toà đã được cảnh báo rằng, họ còn có một phương tiện để tránh nghĩa vụ phải tuân theo bộ luật ấy.

Các vụ án gia tăng lên, và bộ luật đó rơi vào tình trạng bất lực. Khi đó sẽ diễn ra một trong hai điều sau: nhân dân thay đổi hiến pháp hoặc ngành lập pháp điều chỉnh luật…”

Như vậy, quyền kiểm soát hiến tính không phải là thẩm quyền của các Toà án trong việc huỷ bỏ một cách trực tiếp đạo luật được xem là vi  hiến. Pháp viện Hoa Kỳ chỉ có quyền từ chối, không áp dụng (và cũng không bắt buộc người dân phải tuân theo) một đạo luật trong một vụ kiện mà cơ quan này đang giải quyết, nếu xét thấy đạo luật đó vi phạm một điều khoản của hiến pháp.

Ví dụ: Trong một vụ kiện, một bên đương sự đề nghị Toà án áp dụng một đạo luật (mà họ cho rằng có lợi cho họ). Còn bên đương sự khác thì yêu cầu Toà án không áp dụng đạo luật đó, vì cho rằng nội dung của đạo luật này vi hiến.

Trong trường hợp này, trước khi phán quyết về nội dung vụ kiện, Toà án phải xem xét đạo luật đang tranh chấp đó có phù hợp với hiến pháp hay không. Nếu phù hợp, đạo luật sẽ được áp dụng để xét xử. Nếu không phù hợp, Toà án sẽ tuyên bố không áp dụng đạo luật đó. Và như vậy, đạo luật bị xem là bất hợp hiến này không bị huỷ bỏ, vẫn còn tồn tại nhưng sẽ không được Toà án áp dụng để xét xử và ra phán quyết đối với vụ kiện.

Tuy nhiên, hậu quả của việc tuyên bố không áp dụng một đạo luật cũng chẳng khác gì đạo luật đó bị tiêu huỷ. Vì, mặc dù còn tồn tại nhưng đạo luật bị xem là bất hợp hiến đó, hoàn toàn mất tác dụng trên thực tế. Đây chính là lý do mà Alexis de Tocqueville gọi là: tình trạng bất lực của đạo luật.

2. Nguồn gốc của Quyền kiểm soát hiến tính.

Quyền kiểm soát hiến tính vốn không phải là một định chế luật pháp được minh thị trong Hiến pháp Mỹ, mà nó bắt nguồn từ một phán quyết lịch sử của Tối cao pháp viện Hoa Kỳ trong vụ án Marbury kiện Madison.

Đây là vụ án bắt nguồn từ xung đột giữa Tổng thống sắp mãn nhiệm John Adams và tân Tổng thống Thomas Jefferson vào đầu năm 1801.

Sau khi tái tranh cử tổng thống bị thất bại, John Adams đã bổ nhiệm nhiều đảng viên Đảng Liên bang làm Thẩm phán Tòa Phúc thẩm và Thẩm phán Toà hòa giải để gây khó khăn cho Jefferson và Đảng của ông.

Mặc dù Thượng viện đã phê chuẩn các đề nghị bổ nhiệm của Adams nhưng Bộ trưởng Ngoại giao John Marshall không kịp chuyển các quyết định bổ nhiệm trước khi Jefferson nhậm chức. Và Jefferson cho rằng, những quyết định bổ nhiệm chưa được chuyển là không có hiệu lực nên đã chỉ đạo tân Bộ trưởng ngoại giao James Madison không chuyển đến cho các đương sự.

William Marbury - một doanh nhân người Maryland ủng hộ Adams và Đảng Liên bang, là một trong những người được Adams bổ nhiệm trước đó, đã làm đơn khởi kiện Madison tại Tòa án tối cao, yêu cầu cơ quan này buộc Madison phải chuyển quyết định bổ nhiệm đến ông.

Trong nội dung phán quyết của mình, Tòa án tối cao Hoa Kỳ bước đầu xác định, Marbury có quyền được nhận quyết định bổ nhiệm vì quyết định đã được ký tên và đóng dấu.

Tòa án cũng bác bỏ lập luận của Madison khi cho rằng, các quyết định bổ nhiệm không có hiệu lực nếu không được chuyển đến cho các đương sự. Vì theo Toà, việc chuyển quyết định chỉ là một thủ tục, không cấu thành một yếu tố cơ bản của việc bổ nhiệm. Chữ ký của Tổng thống là cơ sở để đóng dấu quyết định bổ nhiệm, và một văn bản chỉ được đóng dấu khi đã làm xong các thủ tục. Việc chuyển quyết định bổ nhiệm là một thông lệ, nhưng không phải do pháp luật quy định nên không thể xem việc chuyển quyết định là một phần của thủ tục bổ nhiệm.

Phán quyết của Toà án tối cao cũng đồng ý với viện dẫn của Marbury về Điều 13 “Luật Tổ chức tư pháp năm 1789” cho phép Tòa án tối cao ban hành lệnh cưỡng chế cả trong quá trình xét xử sơ thẩm lẫn phúc thẩm. Tuy nhiên, Toà án cho rằng, Luật Tổ chức tư pháp đã vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ. Bởi lẽ, tại Điều III quy định về việc thành lập ngành tư pháp của chính quyền Hoa Kỳ đã xác định thẩm quyền của Tòa án tối cao như sau:

Tòa án tối cao có quyền xét xử sơ thẩm đối với những vụ án liên hệ đến đại sứ, lãnh sự, công sứ và những vụ án mà một bang là đương sự. Tòa án tối cao có quyền xét xử phúc thẩm về mặt pháp lý và bằng chứng đối với những vụ án khác đã được quy định căn cứ theo những ngoại lệ và quy định mà Quốc Hội đưa ra.

Vụ kiện của Marbury không thuộc các trường hợp nêu trên nên căn cứ Hiến pháp Hoa Kỳ, Tòa án tối cao không có quyền ban hành lệnh cưỡng chế buộc Madison phải chuyển giao quyết định bổ nhiệm đến đến Marbury theo Điều 13 Luật Tổ chức tư pháp.

Việc Quốc Hội ban hành Luật Tổ chức tư pháp năm 1789 đã mở rộng thẩm quyền của Tòa án tối cao, vượt ra ngoài khuôn khổ đã được quy định trong Hiến pháp. Vì vậy, Điều 13 Luật Tổ chức tư pháp đã vi phạm Điều III của Hiến pháp Hoa Kỳ.

Như vậy, thông qua việc giải quyết đơn kiện của Marbury, Tối cao pháp viện Hoa Kỳ đã xác quyết và tuyên bố quyền kiểm soát hiến tính đối với Hiến pháp Mỹ thuộc về Toà án Hoa Kỳ. Theo đó, với vai trò là cơ quan có nhiệm vụ giải thích hiến pháp, các Toà án có toàn quyền không áp dụng một đạo luật, nếu xét thấy đạo luật đó trái với tinh thần chung của Hiến pháp Mỹ.

Phán quyết của Tối cao pháp viện trong vụ  Marbury kiện Madison (do Chánh án John Marshall soạn thảo) được xem là án lệ quan trọng nhất trong lịch sử tư pháp Hoa Kỳ.

3. Các quan điểm khác nhau về quyền kiểm soát hiến tính.

3.1 Sự lấn lướt của quyền lực tư pháp?

Ngày nay, quyền kiểm soát hiến tính đã trở thành một thông lệ, hay nói chính xác hơn là một định chế pháp lý trong luật pháp Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tố quyền này cũng từng là chủ đề gây tranh cãi trong học giới nước Mỹ. Nhất là đối với vai trò của Toà án trong việc giải thích hiến pháp – vấn đề mà nhiều học giả xem là “sự lấn lướt” của quyền lực tư pháp sang lập pháp.

Trong tác phẩm “Hiến pháp Mỹ dân chủ đến mức nào?” (How Democratic Is the American Constitution?) Robert Dahl – một nhà xã hội học người Mỹ, người được xem là có những công trình nghiên cứu về chính trị học quan trọng nhất của thế kỷ XX, đã phê phán những thiết chế của nước Mỹ và cho rằng, những thiết chế này cần được cải cách theo hướng dân chủ hơn. Đặc biệt, ông nhấn mạnh rằng, vai trò của Toà án tối cao phải giới hạn trong việc bảo vệ “Những quyền căn bản, cần thiết đối với sự tồn tại của hệ thống chính trị dân chủ”.

Robert Dahl cũng phê phán mạnh mẽ việc Toà án tối cao Mỹ xem xét lại giá trị của những đạo luật do Quốc Hội ban hành. Vì theo ông, Toà án càng lạc ra khỏi vai trò được uỷ quyền là củng cố dân chủ thì nó càng trở thành cơ quan lập pháp, không phải do dân cử nhưng lại ban hành luật lệ và chính sách“Dưới vỏ bọc là giải thích hiến pháp, hay thậm chí còn đáng ngờ hơn, là thần thánh hoá những cản trở và những dự định thường là không hiểu nổi của những người chấp bút hiến pháp

Trái ngược hẳn với Robert Dahl, Alexis De Tocqueville  – người được xem là “đã hiểu nước Mỹ hơn cả người Mỹ”  lại tỏ ra đồng tình với thẩm quyền kiểm soát hiến pháp của Toà án Hoa Kỳ.

Trên cơ sở so sách hiến pháp của nước Anh và Cộng hoà Pháp, Alexis De Tocqueville cho rằng, việc trao quyền kiểm soát hiến pháp cho các Toà án Hoa Kỳ là một lựa chọn phù hợp với đặc tính cơ bản của Hiến pháp Mỹ. Ông viết:

“ Tại Hoa Kỳ, hiến pháp chế ngự cả các nhà lập pháp cũng như các công dân bình thường. Hiến pháp là bộ luật đầu tiên của mọi bộ luật, và không thể chỉ dùng một bộ luật mà sửa nó được. Nó chính là cái mà một khi các Toà án phục tùng hiến pháp thì cũng coi như là phục tùng tất cả các bộ luật khác. Đây chính là bản chất thực sự của quyền lực tư pháp; có thể nói, cái quyền tự nhiên của người pháp quan là chọn lựa trong những công cụ pháp lý những cái nào trói quyền lực tư pháp chặt nhất…”

Alexis De Tocqueville cũng thừa nhận, khi trao quyền kiểm soát hiến pháp cho Toà án, người Mỹ đã trao cho tổ chức tư pháp này “một quyền lực chính trị vô biên” nhưng ông cho rằng: “ Việc thông qua các Toà án để thực hiện việc kiểm duyệt luật pháp không thể mở rộng vô hạn độ sang tất cả các bộ luật, điều này không thể xảy ra khi sự phản đối chỉ có nội dung rõ rệt trong một phát biểu gọi là một vụ án…”.  

Và như vậy,  Alexis De Tocqueville tin rằng: “bằng cách bắt buộc Toà án chỉ được công kích các bộ luật bằng phương tiện pháp chế, quyền lực đó cũng giảm hiểm nguy đi rất nhiều”

Nhìn chung, sự bất đồng quan điểm giữa các học giả về thẩm quyền của Toà án trong việc giải thích hiến pháp, chủ yếu được nhìn nhận từ góc độ vai trò của các thiết chế chính trị trong đời sống – xã hội nước Mỹ. Nhất là đối với việc phân chia quyền lực giữa ba thiết chế: Lập pháp, hành pháp và tư pháp trong một nền dân chủ.

2.2 Những thách thức từ thực tiễn.

Không chỉ gây tranh cãi về phương diện lý thuyết, tính “Chính danh” của quyền kiểm soát hiến tính trên thực tế còn bị thử thách bởi quyền lực hành pháp trong suốt một thời gian dài.

Người đầu tiên thách thức quyền kiểm soát hiến pháp của Toà án Hoa Kỳ là tổng thống Andrew Jackson. Ông là người đề xướng lý thuyết chính quyền bản vị, cho rằng mỗi nhánh chính quyền đều có quyền diễn giải hiến pháp.

Trong nhiệm kỳ từ năm 1829 đến 1837, Jackson đã đưa nhiều vụ kiện ra Tối cao pháp viện nhằm thách thức quan điểm của Chánh án John Marshall về vai trò diễn giải hiến pháp của pháp viện Hoa Kỳ.

Năm 1832, ông thậm chí còn chống lại phán quyết của pháp viện trong vụ Worcester kiện Georgia - là phán quyết đặt nền tảng cho nguyên tắc chủ quyền bộ lạc. Theo đó, Andrew Jackson đã bỏ qua nội dung của phán quyết, cho phép tiếp tục cưỡng chế di dời người Cherokee ra khỏi vùng đất của họ.

Kết quả của việc tổng thống bất tuân phán quyết của pháp viện đã dẫn đến hơn 60.000 người Mỹ bản địa đã bị buộc phải rời bỏ mảnh đất của ông cha và đi bộ hàng ngàn cây số về phía “lãnh thổ da đỏ” được chỉ định. (Chương này trong lịch sử Hoa Kỳ gọi là “Con đường nước mắt” )

Năm 1905, quyền kiểm soát hiến tính lại một lần nữa bị thử thách bởi chính các Thẩm phán của Tối cao pháp viện qua vụ án Joseph Lochner kiện bang New York.

Đây là vụ kiện bắt nguồn từ việc bang New York ban hành Đạo luật Tiệm bánh vào năm 1895. Theo quy định của đạo luật này, những người thợ làm bánh vì làm việc trong môi trường kém thoáng khí nên thường gặp những vấn đề về sức khoẻ liên quan đến phổi. Do vậy, họ không thể bị ép làm việc quá 10 tiếng một ngày hay quá 60 tiếng một tuần.

Sau khi bị cáo buộc vi phạm đạo luật trên, chủ tiệm bánh Joseph Lochner đã không thừa nhận Đạo luật Tiệm bánh. Vụ kiện được tiếp tục đệ trình lên Tối cao Pháp viện. Và lần này, với tỷ lệ 5/4 (5 phiếu thuận và 4 phiếu chống) Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đưa ra phán quyết cho rằng, Đạo luật Tiệm bánh do bang  New York thông qua, đã vi phạm quy định về thủ tục tố tụng của Tu chính án 14.

Theo đó, chính quyền không được can thiệp quá đáng vào quyền của cá nhân. Phán quyết cũng cho rằng, những người thợ làm bánh hoàn toàn có quyền thương lượng hợp đồng làm việc mà không bị luật của tiểu bang can thiệp. Vì vậy, Đạo luật Tiệm bánh là vi hiến.

Nội dung của phán quyết trên đã gây ra một sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ các Thẩm phán của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Ngoài việc nghi ngờ về mục đích của phán quyết (là để bảo vệ hiến pháp hay nhằm thúc đẩy các lợi ích kinh tế và kinh doanh) những người phản đối cũng đặt vấn đề về tính chính danh của Toà án trong việc diễn giải hiến pháp. Họ cho rằng, Pháp viện Hoa Kỳ đã nhận vơ vai trò này, vì trên thực tế, không có điều khoản nào của hiến pháp minh thị Toà án có quyền giải thích hiến pháp để áp dụng hay không áp dụng một đạo luật do quốc hội ban hành.      

3. Nền tảng pháp lý của quyền kiểm soát hiến tính.

Như vậy, khi tuyên bố về quyền kiểm soát hiến tính, Tối cao pháp viện Hoa Kỳ đã đặt vấn đề trên nền tảng pháp lý nào? Tại sao cơ quan tư pháp phải sử dụng quyền lực tài phán để vô hiệu hoá một đạo luật của cơ quan lập pháp?

Một phần câu trả lời cho các vấn để trên đã được Alexis De Tocqueville luận giải trong tác phẩm “Nền dân trị Mỹ”. Theo đó, quyền lực tư pháp ở bất kỳ một quốc gia nào cũng đều có ba đặc tính: (i) Đứng ra làm trọng tài; (ii) Phán quyết về những trường hợp riêng rẽ chứ không phát ngôn về các nguyên tắc chung; và (iii) Chỉ có thể hành động khi người ta yêu cầu nó (tức là khi nó được giao xét xử)

Trong các đặc tính nêu trên, quyền lực tài phán (đứng ra làm trọng tài) được xem là quyền lực tư pháp quan trọng và căn bản nhất, nó cho phép Toà án có quyền áp dụng hoặc không áp dụng một đạo luật vào việc giải quyết một vụ án hay một quan hệ tranh chấp cụ thể.

“… Để có thể có chỗ hoạt động tại Toà án, thì phải có sự tranh tụng. Để có thể có quan toà thì phải có vụ án. Chừng nào một đạo luật không phục vụ cho một cuộc tranh tụng, thì quyền lực tư pháp cũng chẳng có cơ hội thực thi quyền lực… Khi nhân một vụ xử án mà một quan toà lại đả kích một đạo luật liên quan đến phiên xử án ấy, thì ông ta đã mở rộng phạm vi quyền hạn, nhưng vẫn không thoát ra khỏi phạm vi đó. Vì ông ta trong chừng mực nào đó phải phán xét luật để đi đến chỗ có thể xét xử vụ án. Còn khi ông ta phát ngôn về một đạo luật mà không xuất phát từ một vụ án, thì ông ta hoàn toàn vượt ra khỏi phạm vi hoạt động của mình, và ông ta bước sang phạm vi quyền lực lập pháp…”

Như vậy, khi giải quyết một vụ án hay một quan hệ tranh chấp, toà án không chỉ có trách nhiệm xem xét các tình tiết, sự kiện thực tế của vụ án, mà còn phải xác định tính hợp pháp của một đạo luật trước khi áp dụng nó vào việc giải quyết vụ án hay quan hệ tranh chấp đó. Bởi lẽ, đối tượng tranh chấp của các bên đương sự, không chỉ là những vấn đề thực tế của vụ án, mà nhiều khi còn là sự tranh chấp về việc áp dụng hay không áp dụng một đạo luật. Và, một khi đã là đối tượng tranh chấp thì đương nhiên thuộc thẩm quyền phán xét của toà án -  bất luận đó là tranh chấp về các sự kiện thực tế hay tranh chấp về tính hợp pháp của một đạo luật.

Đây chính là nền tảng pháp lý đầu tiên và quan trọng nhất, cho phép Toà án Hoa Kỳ thực hiện quyền kiểm soát hiến tính thông qua việc không áp dụng một đạo luật vi hiến do Quốc Hội ban hành.

Thế nhưng vấn đề đặt ra là, Quốc Hội lưỡng viện cũng là những đại biểu do người dân trực tiếp bầu ra để đại diện cho ý chí chung của toàn dân. Vậy, tại sao các đạo luật được ban hành lại có thể vi hiến? Có chăng một sự sai biệt giữa ý chí chung và ý chí của thiểu số đại diện? 

Trong tác phẩm kinh điển “Bàn về khế ước xã hội”, Jean Jacques Rousseau (1712 – 1778) Triết gia, nhà tư tưởng thuộc trào lưu Khai sáng đã từng cho rằng, ý chí chung của toàn dân (mà ông gọi là chủ quyền tối cao) là vấn đề không thể phát biểu (hay thực hiện) thông qua người đại diện. Ông viết:

“Chủ quyền tối cao của toàn dân là không thể dùng người đại diện được, do đó nó cũng không thể bị xoá bỏ; nó nằm ngay trong ý chí của toàn dân, là ý chí chung thì không ai nói thay được. Nó là thế này hay là thế khác chứ không thể ở dạng trung gian. Các đại diện nhân dân không phải và không thể là người thay mặt nhân dân được; họ chỉ có thể là những uỷ viên chấp hành, chứ không thể thay mặt nhân dân để kết luận một vấn đề gì dứt khoát. Mọi đạo luật mà dân chúng chưa trực tiếp thông qua đều vô giá trị, không thể gọi là luật được…

Rousseau cũng cho rằng, cái gọi là quyền tự do của người Anh, thực ra chỉ là một ảo tưởng. Khi một công dân Anh sử dụng quyền tự do bầu cử để bầu ra người đại diện cho mình, thì cũng chính là lúc họ đánh mất quyền tự do đích thực để chịu sự ước thúc bởi ý chí của người đại diện.   

“Nhân dân Anh tưởng mình là tự do; thật ra họ lầm to. Họ chỉ tự do trong khi đi bầu cử các đại biểu nghị viện mà thôi; bầu xong đại biểu, họ lại trở về nô lệ, không còn là cái thá gì nữa. Trong những ngày tự do ngằn ngủi đó, cái quyền tự do họ được dùng thật xứng đáng với cái mất tự do phải chịu sau đó

Mặc dù tư tưởng của Jean Jacques Rousseau được xem là không phù hợp với các lý thuyết khoa học chính trị hiện đại (xem chính thể đại diện như là hình thức chính thể lý tưởng nhất). Tuy nhiên, dù muốn hay không, người ta cũng phải thừa nhận rằng, có một khoảng cách, một sự sai biệt nhất định giữa ý chí ban đầu của toàn dân (thể hiện qua hiến pháp) và ý chí của những người đại diện (thông qua việc ban hành ra các đạo luật). Và đây là vấn đề luôn tồn tại trong mọi chính thể, bất luận đó là chính thể dân chủ hay độc tài.

Như vậy, nền tảng pháp lý thứ hai của việc kiểm soát hiến tính là nhằm bảo vệ sự toàn vẹn và nhất quán của nội dung hiến pháp, không cho phép bất kỳ một đạo luật nào do quốc hội ban hành đi ngược lại ý nguyện của toàn dân.

 Tư tưởng này cũng đã được Tối cao pháp viện Hoa Kỳ thể hiện rõ trong án lệ Marbury kiện Madison vào năm 1803 với các lập luận căn bản như sau:

Thứ nhất, quyền lực của cơ quan lập pháp là hữu hạn. Sở dĩ hiến pháp được quy định thành văn là để duy trì những giới hạn này. Bất cứ một nhà lập hiến nào cũng đều dự tính rằng, hiến pháp là luật cơ bản, tối cao của quốc gia, vì thế mọi chính quyền hợp hiến đều phải tuân thủ nguyên tắc rằng, luật của cơ quan lập pháp mà vi phạm hiến pháp thì không có hiệu lực.

Thứ hai, Hiến pháp Hoa Kỳ quy định giới hạn đối với chính quyền Hoa Kỳ nên phải có cơ chế giám sát hiến pháp để duy trì những giới hạn đó.

Ví dụ: Hiến pháp Hoa Kỳ cấm Quốc Hội áp đặt thuế xuất khẩu đối với các bang cũng như cấm ban hành luật tước quyền công dân, luật hồi tố. Như vậy, trong trường hợp có sự xung đột giữa Hiến pháp Hoa Kỳ với các đạo luật của Quốc Hội thì Toà án phải là người giữ vai trò bảo vệ hiến pháp.

Thứ ba, nếu không thừa nhận hiệu lực tối cao của Hiến pháp Hoa Kỳ đối với luật Quốc Hội sẽ dẫn đến tình trạng "Tòa án ngó lơ hiến pháp, chỉ làm theo pháp luật" mà trao toàn quyền cho Quốc Hội, vì luật của Quốc Hội sẽ luôn luôn đúng.

Như vậy có thể thấy, quyền kiểm soát hiến tính của Toà án Hoa Kỳ, về cơ bản được đặt trên nền tảng của “Lý thuyết về ý chí chung” (8). Theo đó, Hiến pháp là ý nguyện của toàn dân, trong khi Quốc Hội chỉ là một thiểu số đại diện.

Khi có sự xung đột giữa ý chí toàn dân với ý chí của thiểu số đại diện thì thẩm quyền giải thích hiến pháp phù hợp nhất phải là Toà án, chứ không thể trao cho quốc hội - là một bên trong quan hệ tranh chấp.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

Rút từ sách "Những suy nghiệm về luật pháp" (Sắp xuất bản)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê