Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Tranh chấp “Hợp đồng đại lý” và vấn đề bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện.

05/08/2016, 21:51

Tòa án cấp Phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án vì cấp sơ thẩm áp dụng sai Điều 162 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về việc “Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện”.

1/ Sơ lược nội dung vụ án.

Từ năm 2000 đến ngày 31/3/2003 bà Trần Thị Kim Hạnh - chủ Doanh nghiệp Tư nhân N.C có mua các loại nước giải khát của Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm C.S.CO, thuộc Tổng Công ty xây dựng M.T (nay là Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm P.Y) thông qua chi nhánh Đ.L và Phòng tiêu thụ Số 2 của Công ty. Ngày 19/8/2003 các bên lập biên bản xác nhận công nợ. Theo đó, Doanh nghiệp Tư nhân N.C còn nợ số lượng vỏ két chai là:

Két nhựa 20 ô: 4.396 két

Két nhựa 24 ô: 80 két

Két nhựa 24 ô (thấp): 221 két

Chai thủy tinh 460 ml: 87.920 chai

Chai thủy tinh 330 ml: 1.920 chai

Chai thủy tinh 230 ml: 5.304 chai

Ngày 16/12/2006 Công ty tiếp tục lập biên bản đối chiếu công nợ. Tại biên bản đối chiếu lần này, bà Hạnh ký tên và có ghi thêm dòng chữ “số lượng vỏ két chưa xác định đựơc. Cần đối chiếu, kiểm tra lại”. Nhưng sau đó các bên không tiến hành việc đối chiếu để xác định có còn nợ hay không?

Ngày 12/11/2007 Công ty Cổ phần kỹ nghệ thực phẩm P.Y có đơn khởi kiện vụ việc tại Tòa án nhân dân Thành phố B.M.T – tỉnh Đ.L, yêu cầu bà Trần Thị Kim Hạnh - Chủ Doanh nghiệp Tư nhân N.C thanh toán số lượng vỏ, két chai nói trên.

2. Nhận định và quyết định của án sơ thẩm

Tại bản án Kinh doanh Thương mại sơ thẩm số 07/2008/ ST – KDTM ngày 17/9/2008, Tòa án nhân dân Thành phố B.M.T  đã nhận định:

“… về thời hiệu khởi kiện: tuy việc mua bán giữa hai bên diễn ra từ năm 2000 cho đến năm 2003, nhưng việc đối chiếu công nợ lần cuối cùng được tiến hành vào ngày 16/2/2006, về số nợ ghi trong biên bản đối chiếu giữa các lần đối chiếu thì vẫn giữ nguyên, nhưng lần cuối cùng thì bà Hạnh ký tên và sau đó ghi rõ “ số lượng vỏ, két chưa xác định được, cần đối chiếu kiểm tra lại”. Như vậy, quyền và lợi ích của hai bên đang có tranh chấp, xâm phạm kể từ ngày 16/2/2006, đến ngày 14/1/2008, Công ty Cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm P.Y làm đơn khởi kiện bà Hạnh tại Tòa án là chưa quá 02 năm nên thời hiệu khởi kiện vụ án vẫn còn, cần được chấp nhận theo quy định tại Điều 156, Điều 159 và Điều 162 BLDS.

Về nội dung, việc bà Hạnh là Chủ Doanh nghiệp Tư nhân N.C nhân danh chính mình làm Đại lý N.C đã mua bán hàng nước giải khác với Công ty Cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm P.Y làm phát sinh quan hệ hợp đồng đại lý

Căn cứ vào bản đối chiếu , xác nhận nợ ngày 19/8/2003 và ngày 3/12/2003 cũng như bản đối chiếu và xác nhận nợ ngày 16/2/2006 cùng với sổ theo dõi bán hàng  do Công ty lập có chữ ký của bà Hạnh ký xác nhận từng lần nhận hàng và trả vỏ chai, vỏ két và lời trình bày của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đã có đủ cơ sở xác định bà Hạnh còn nợ số vỏ chai, vỏ két như đại diện Công ty đã trình bày trên. Vì vậy, cần chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn…”

 Từ nhận định trên, Tòa án nhân dân Thành phố B.M.T đã tuyên xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Buộc bà Trần Thị Kim Hạnh phải có trách nhiệm trả cho Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm P.Y số két và vỏ chai còn nợ, tương đương với số tiền là 295.369.400đ ngay sau khi bản án có hiệu lực.

 Ngày 18/9/2008 bà Trần Thị Kim Hạnh có đơn kháng cáo, yêu cầu Tòa án cấp trên xem xét lại vụ án theo trình tự phúc thẩm.

3. Nhận định và quyết định của án phúc thẩm

Tại bản án Kinh doanh Thương mại số 02/2009/ KDTM – PT ngày 16/2/2009, Tòa án nhân dân tỉnh Đ.L nhận định:

“… kết thúc giai đoạn 1 kết quả thực hiện: về phần tiền hàng đã được hai bên thanh toán dứt điểm, về phần bao bì, số lượng bên đại lý còn nợ được thể hiện qua các biên bản đối chiếu xác nhận nợ giữa đại diện hợp pháp của hai bên, cụ thể:

Ngày 19/8/2003 đối chiếu xác nhận:

Tính đến ngày 30/6/2003, Doanh nghiệp Tư nhân Thương mại N.C còn nợ Công ty Cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm P.Y số vỏ két:

Két nhựa 20 ô: 4.396 két

Két nhựa 24 ô: 80 két

Két nhựa 24 ô (thấp): 221 két

Chai thủy tinh 460 ml: 87.920 chai

Chai thủy tinh 330 ml: 1.920 chai

Chai thủy tinh 230 ml: 5.304 chai

Bình 20 lít: 01 bình

Chân đế: 01 cái

Ngày 03/12/2003, đối chiếu xác nhận: số vỏ két Doanh nghiệp Tư nhân Thương mại N.C còn nợ tính đến ngày 30/11/2003 về số lượng và chủng loại như kết quả đối chiếu xác nhận ngày 19/8/2003

Ngày 26/2/2006 đối chiếu xác nhận: số vỏ két Doanh nghiệp N.C còn nợ về số lượng, chủng loại như kết quả đối chiếu ngày 3/12/2003. Tại lần này, Doanh nghiệp N.C đề nghị đối chiếu, kiểm tra lại, nhưng sau đó các bên không phối hợp thực hiện. Xét, số lượng bao bì hai bên đối chiếu xác nhận nợ trong việc mua bán ở giai đoạn 1 là có cơ sở. Việc Công ty Cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm P.Y cho rằng vào các ngày 04/4/2006 và 21/4/2006, Công ty đã thu hồi tại Doanh nghiệp N.C một số vỏ chai và đã khấu trừ vào nợ cho Doanh nghiệp, nhưng phía Doanh nghiệp N.C đã phủ nhận không có sự việc này, nên không có cơ sở để cho rằng Doanh nghiệp Tư nhân Thương mại N.C đã thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình với Công ty Cổ phần thực phẩm P.Y.

Theo biên bản đối chiếu xác nhận công nợ ngày 16/2/2006 thì số lượng bao bì Doanh nghiệp N.C còn nợ Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm P.Y là số lượng bao bì nợ của giai đoạn 1: từ năm 2000 đến 2003. Từ 19/8/2003 kết thúc mua bán giai đoạn 1, hai bên đã đối chiếu xác nhận nợ nhưng Doanh nghiệp N.C không thanh toán là xâm phạm lợi ích hợp pháp của Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm P.Y. Tại biên bản đối chiếu xác nhận nợ ngày 16/2/2006 số bao bì Doanh nghiệp N.C còn nợ mua bán giai đoạn 1 không có gì thay đổi và phía Doanh nghiệp N. C chưa xác nhận số công nợ này. Vì vậy, lợi ích hợp pháp của Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm P.Y bị xâm phạm là ngày 19/8/2003; do đó thời hiệu khởi kiện được chấm dứt vào ngày 19/8/2005; nhưng tới ngày 12/11/2007 Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm P.Y mới có đơn khởi kiện là đã hết quyền khởi kiện. Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý và giải quyết vụ án là không phù hợp với quy định của pháp luật.”

Từ nhận định trên , Tòa án nhân dân tỉnh Đ.L đã căn cứ khoản 3 Điều 132, điểm a khoản 1 Điều 168; khoản 2 Điều 192; khoản 4 Điều 275; Điều 278 BLTTDS, tuyên xử:

Chấp nhận kháng cáo của bà Trần Thị Kim Hạnh - Chủ Doanh nghiệp Tư nhân Thương mại N.C

Hủy bản án Kinh doanh Thương mại sơ thẩm số 07/2008/ KDTM – ST ngày 17/9/2008 của Tòa án nhân dân Thành Phố BMT và đình chỉ giải quyết vụ án.

4. Bình luận:

Bản án sơ thẩm số 07/2008 ngày 17/9/2008 của Tòa án nhân dân TP. B.M.T tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là hoàn toàn không có căn cứ. Vi phạm nghiêm trọng về tố tụng. Cụ thể là vi phạm quy định về thời hiệu khởi kiện –  một chế định cơ bản của pháp luật tố tụng dân sự  nói chung.

Theo quy định tại Điều 319 Luật Thương Mại năm 2005 cũng như Điều 159 BLDS thì thời hiệu khởi kiện đối với vụ án Kinh doanh Thương mại cũng như vụ án dân sự nói chung, là 02 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như lời trình bày của nguyên đơn thì số lượng két và vỏ chai phía nguyên đơn cho rằng bà Hạnh còn nợ là số lượng két, vỏ chai do các bên mua bán từ tháng 8/2003 trở về trước được xác định theo biên bản đối chiếu công nợ ngày 19/8/2003.

Như vậy, trong trường hợp bị đơn có nghĩa vụ hoàn trả số lượng két, vỏ chai cho nguyên đơn thì thời điểm phải thực hiện nghĩa vụ là từ ngày 19/8/2003. Nếu bị đơn không thực hiện nghĩa vụ thì đây cũng là thời điểm được xem là quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị xâm phạm.

Như vậy, quyền khởi kiện của nguyên đơn bắt đầu từ ngày 19/8/2003 và kết thúc vào ngày 19/8/2005. Thế nhưng đến ngày 12/11/2007 nguyên đơn mới khởi kiện vụ việc ra Tòa.

Căn cứ vào các quy định pháp luật về thời hiệu thì thời hiệu khởi kiện trong trường hợp này đã kết thúc sau ngày 19/8/2003. Do vậy, Ngày 22/01/2008 Tòa án cấp sơ thẩm đã ra “Thông báo trả lại đơn kiện” là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, sau đó cấp sơ thẩm lại căn cứ Điều 162 BLDS quy định về việc bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện và cho rằng thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị xâm phạm là thời điểm đối chiếu công nợ theo biên bản ngày 16/2/2006 nên tiếp tục thụ lý và giải quyết vụ án. Đây là một sai lầm nghiêm trọng về áp dụng pháp luật, vì cấp sơ thẩm đã không hiểu đúng tinh thần quy định tại Điều 162 BLDS. 

Theo quy định tại Điều 162 BLDS thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự chỉ được bắt đầu lại trong các trường hợp sau đây:

a/ Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện.

Ví dụ: Cách đây 03 năm  A nợ B 10.000.000 đồng, nhưng  nay A chỉ thừa nhận có nợ B 5.000.000 đồng (thừa nhận một phần) hoặc nay A thừa nhận có nợ B toàn bộ số tiền 10.000.000 đồng, nhưng không trả (thừa nhận toàn bộ).

b/ Bên có nghĩa vụ thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện.

Ví dụ: Cũng trường hợp trên, nhưng thời gian sau đó A thực hiện nghĩa vụ trả nợ một phần cho B. Trong trường hợp này, thời hiệu khởi kiện sẽ được bắt đầu lại từ ngày A trả nợ một phần cho B.

Như vậy, đối chiếu với biên bản ngày 16/2/2006 rõ ràng đây không thuộc trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự theo quy định của pháp luật. Vì rằng, tại biên bản này, bị đơn – bà Trần Thị Kim Hạnh chỉ ghi nội dung: “ số lượng vỏ két chưa xác nhận được, cần đối chiếu, kiểm tra lại”, ngoài ra hoàn toàn không có một sự thừa nhận nào của bà Hạnh về số nợ vỏ, két do Công ty đưa ra. Và trên thực tế , bà Hạnh cũng không có việc trả nợ một phần số vỏ, két chai nói trên (thực hiện xong một phần nghĩa vụ) như điều luật đã quy định. Do vậy, việc bản án sơ thẩm áp dụng Điều 162 BLDS để cho rằng, vụ án thuộc trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện là không phù hợp với quy định của pháp luật.

                                                                      Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê