Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Vụ Hồ Duy Hải: Một tiền lệ nguy hiểm trong lập luận án văn?

11/05/2020, 23:00

Sau khi Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TAND Tối cao công bố quyết định giám đốc thẩm (ngày 8-5-2020) tuyên bác toàn bộ kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao đối với vụ án Hồ Duy Hải, nhiều ý kiến đã tỏ ra băn khoăn về cách lập luận tại bản án này.

Bác đơn xin ân giảm có phải là quyết định tố tụng?

Theo nhận định của HĐTPpháp luật tố tụng hình sự (TTHS) quy định các quyết định TTHS chỉ được thay thế, huỷ bỏ bằng một quyết định TTHS khác của cấp có thẩm quyền chứ không thể thay thế bằng một văn bản hành chính.

Trong khi quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực pháp luật, Viện trưởng VKSND Tối cao lại có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm là vi phạm pháp luật TTHS, không đúng thẩm quyền…

Như vậy, trước hết cần phải làm rõ, quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của Chủ tịch nước, có phải là một quyết định tố tụng hình sự không?

Theo quy định của pháp luật hình sự, một quyết định được xem là quyết định tố tụng, trước hết phải được ban hành bởi các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án) hoặc người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tại các cơ quan này.

Trong khi đó, định chế Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp cũng như Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) không phải là một định chế tố tụng, và Chủ tịch nước với tư cách là nguyên thủ quốc gia, càng không phải là người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng.

Thủ tục bị án được phép làm đơn xin ân giảm án tử hình cũng như việc Chủ tịch nước xem xét quyết định việc ân giảm hay không, là một chế định đặc biệt và chủ yếu mang tính nhân đạo, hoàn toàn không phải là một quyết định tố tụng theo đúng ý nghĩa của thuật ngữ pháp lý này. 

Vì là một chế định mang tính nhân đạo, nên quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của Chủ tịch nước, không nằm trong quy trình tố tụng vụ án hình sự, và nó cũng không phải là dấu chấm hết cho mọi hoạt động tố tụng, đặc biệt là đối với các quyết định kháng nghị giám đốc thẩm hay tái thẩm của người có thẩm quyền kháng nghị.

Điều này cũng được thể hiện rõ tại khoản 2 điều 379 BLTTHS như sau: Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.

Chứng cứ có sai sót thì không được dùng.

Cùng với việc phủ định tính hợp pháp và có căn cứ của quyết định kháng nghị, khi đánh giá về những sai sót, vi phạm trong quá trình thu thập chứng cứ của vụ án, Quyết định giám đốc thẩm cũng cho rằng, mặc dù "có sai sót trong hoạt động điều tra nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án"

Có thể nói, đây là cụm từ được sử dụng khá phổ biến trong nhận định (hoặc kết luận) của nhiều bản án. Tuy nhiên, cách nhận định này lại mang tính chủ quan và không được pháp luật ghi nhận. Bởi lẽ, theo tinh thần quy định tại điều 86 BLTTHS về chứng cứ thì, “ chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định…”

Điều đó cũng có nghĩa, những gì không có thật hoặc không được thu thập đúng theo trình tự, thủ tục của BLTTHS thì không được xem là chứng cứ. Và do vậy, nó cũng không được  sử dụng để chứng minh cho việc buộc tội hay gỡ tội trong vụ án hình sự nói chung.

Tinh thần trên cũng được cụ thể hóa tại điểm k khoản 1 điều 6 Thông tư số 02/2017 ngày 22/12/2017 của VKSND Tối cao -  TAND Tối cao -  Bộ Công an -  Bộ Quốc phòng về trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Theo đó, “ Việc điều tra, thu thập chứng cứ để chứng minh đối với vụ án không đúng trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nên không có giá trị chứng minh trong vụ án hình sự” được xác định là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, và thuộc trường hợp phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. 

Như vậy, khi sử dụng và đánh giá chứng cứ, người tiến hành tố tụng bắt buộc phải tuân theo một nguyên tắc, đó là “ đã sai thì không được dùng, đã dùng thì không được phép sai” chứ không thể sử dụng những tài liệu, chứng cứ có sai sót, vi phạm trong quá trình thu thập, nhưng lại tự cho mình cái quyền đánh giá những sai sót, vi phạm đó, là không ảnh hưởng đến bản chất hay sự thật khách quan của vụ án.

Trở lại với vụ án Hồ Duy Hải, để đảm bảo thực hiện đúng quy định của BLTTHS về chứng minh và chứng cứ, trước hết cần phải thực hiện một cuộc “tổng rà soát” tất cả những chứng cứ buộc tội có trong hồ sơ vụ án. Theo đó, những tài liệu, chứng cứ nào không được thu thập đúng trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định, thì cần phải loại ngay ra khỏi hồ sơ vụ án, không được phép sử dụng để làm căn cứ buộc tội.  

Đối với những tài liệu, chứng cứ hợp pháp còn lại, sẽ được xem xét, đánh giá nhằm làm rõ giá trị chứng minh của từng chứng cứ. Đặc biệt là phải xác định, với những tài liệu, chứng cứ còn lại này, đã đủ cơ sở vững chắc để kết tội bị án hay chưa? Nếu chưa đủ cơ sở thì nhất thiết phải hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại.

Việc quyết định giám đốc thẩm thừa nhận, có sai sót trong hoạt động điều tra, nhưng lại không chấp nhận kháng nghị hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đối với vụ án Hồ Duy Hải, vì cho rằng, những sai sót này không làm thay đối bản chất vụ án, là không đúng với tinh thần của BLTTHS và có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trong cách lập luận án văn của tòa án các cấp sau này.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác