Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Sự tích “Áo lụa Hà Đông”

24/06/2017, 06:50

Những giai điệu trữ tình, mượt mà của ca khúc Áo lụa Hà Đông làm lay động tâm hồn của người yêu nhạc bao thập kỉ nay nhưng ít ai biết về hoàn cảnh ra đời khá độc đáo của nó.

Chuyện kể rằng, vào năm 1930, xứ Bắc kỳ tổ chức cuộc thi hoa hậu ở Hà Nội mà không giới hạn đối tượng tham dự, chỉ có duy nhất một điều kiện khi đi thi phải mặc áo lụa Hà Đông. Điều bất ngờ của cuộc thi, người đăng quang là Lý Lệ Hằng- một cô thôn nữ xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở Thái Bình, vì mưu sinh phải trôi nổi lên Hà Nội kiếm sống và làm nghề hát cho các quán rượu. Sau khi đổi đời, cô trở nên nổi tiếng và là niềm ước mơ của bao chàng công tử nhà giàu. Tuy nhiên người đẹp chân lấm, tay bùn Lý Lệ Hằng đã nhanh chóng lọt vào mắt xanh của quốc vương Bảo Đại và trở thành người tình của ông. Vậy, câu chuyện này có liên quan gì đến ca khúc Áo lụa Hà Đông?

Như bao chàng trai si mê cái đẹp, dù đã hơn 20 năm sau khi Lý Lệ Hằng đoạt vương miện hoa hậu, nhà thơ Nguyên Sa vẫn mơ tưởng đến nụ cười, ánh mắt khuynh đảo của nàng. Ông đã viết bài thơ Áo lụa Hà Đông trong đó có bóng dáng yêu kiều của người đẹp mặc áo lụa. Đến năm 1969, câu chuyện về hoa hậu thuần nông phút chốc trở thành người yêu của ông vua cuối cùng Việt Nam, đã khiến Ngô Thụy Miên động lòng trắc ẩn viết nên ca khúc nổi tiếng Áo lụa Hà Đông khi mới 21 tuổi.

Trên thực tế, thi ca luôn được coi là mũi nhọn và mở đường cho những thử nghiệm nghệ thuật mới mẻ. Thi ca chính là điểm gặp gỡ, tạo thi hứng mạnh mẽ nhất cho âm nhạc phát khởi. Và từ những vần thơ tình nổi tiếng của cố thi sĩ Nguyên Sa, nhạc sỹ Ngô Thụy Miên đã biến nó trở thành những giai điệu tình ca bất hủ, sống mãi cùng năm tháng. Thơ và nhạc đã cùng hòa quyện, thăng hoa để làm đắm say bao thế hệ yêu nghệ thuật.

Nói về cái duyên của sự gặp gỡ này, Ngô Thụy Miên đã chia sẻ với báo chí là giữa ông và thi sĩ không có liên hệ gì ngoài sự cảm thông của hai con người cùng yêu nghệ thuật. Ông đến với thơ Nguyên Sa không từ một chọn lựa, mà vì ông đã nhìn thấy mình trong thơ Nguyên Sa, đã nghe những rung động thầm kín nhất của tuổi trẻ qua những lời thơ ngọt ngào, tình tứ, tươi mát.

Bởi thế, khi gieo nhạc bài thơ này, Ngô Thụy Miên đã biến nó trở thành một giai điệu bất hủ, sống mãi cùng thời gian: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng… … Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn Mà mùa Thu dài lắm ở chung quanh…”

Hình ảnh thiếu nữ mặc áo lụa Hà Đông quá ư dịu dàng, như đem đến cả một trời thu Hà Nội làm xua đi cái nắng của phương Nam. Người thiếu nữ ấy đã gieo một nỗi buồn da diết: “Em chợt đến, chợt đi anh vẫn biết Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại…”

Áo lụa Hà Đông từng được sử dụng trong chương trình Duyên dáng Việt Nam. Bài hát cũng được nhiều ca sĩ nổi tiếng trình diễn thành công, nằm trong danh sách những bài hát được cho là thành công nhất của Thái Thanh, Tuấn Ngọc, Duy Trác… Cũng vì sức lan tỏa của ca khúc này mà ít ai không biết tới làng lụa Vạn Phúc- Hà Đông !

Nguồn: vtv.vn

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê