Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Từ vụ cà phê "XIN CHÀO" : Đừng tự biến mình thành một đạo luật khô khốc

23/04/2016, 19:51

Vụ việc ông Nguyễn Văn Tấn – một người kinh doanh mặt hàng ăn uống nhỏ lẻ tại quận Bình Chánh – TP.HCM, đang trong thời gian chờ đợi cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, thì bất ngờ bị các cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh khởi tố điều tra về hành vi “Kinh doanh trái phép”, đã để lại những bài học sâu sắc đối với những người tiến hành tố tụng nói chung.

Câu chuyện này cũng làm tôi nhớ lại một vụ án khá nổi tiếng, liên quan đến khái niệm “Lẽ công bằng” -  một quan niệm pháp lý mang tính nhân bản, nhưng cũng gây nhiều tranh cãi trong giới luật học Phương tây. Đó là vụ án “Cô Ménard ăn cắp bánh mỳ”, xảy ra tại nước Pháp vào thế kỷ XIX.  Cô Ménard có con nhỏ nhưng không chồng, nên vụ án còn được gọi là vụ án “ Cô gái – mẹ”.

Trong cơn túng quẩn và đói khát của cả hai mẹ con, Ménard đã đập vỡ cửa kính của một cửa hiệu để ăn cắp bánh mỳ và bị bắt đưa ra Toà. Chánh án Magnaud của Toà Tiểu Hình Château – Thierry, ngày 4 tháng 3 năm 1898 đã tha bổng Ménard với lập luận trong bản án như sau:

“ Thật đáng tiếc rằng, trong một xã hội được tổ chức chu đáo, lại có một thành viên của xã hội ấy, mà nhất là một người làm mẹ của một gia đình, có thể thiếu bánh mỳ để ăn mà không phải do lỗi của chính mình. Khi một trường hợp như vậy xảy ra và được xác định rõ như trường hợp của cô Ménard, Thẩm phán có nghĩa vụ phải giải thích một cách nhân đạo những quy định thiếu mềm dẻo của luật pháp; sự bần cùng và đói khát có thể làm cho con người mất đi một phần của tự do ý chí, và cũng có thể, trong một chừng mực nào đó, làm giảm đi nơi người này khái niệm về cái đúng và cái sai; một hành vi thông thường đáng trách cứ, sẽ trở nên không đáng trách khi người vi phạm chỉ hành động vì nhu cầu khẩn thiết, phải tìm cho mình một miếng ăn thuộc nhu yếu phẩm hàng đầu…”

Mặc dù sau đó, với quan điểm bảo thủ, toà Thượng thẩm Amiens đã không chấp nhận lập luận trên của Toà tiểu hình, nhưng cũng nhận định rằng, Ménard không có ý chí gian xảo, nên đã chấp nhận việc tha bổng bị cáo.

Tất nhiên, vụ việc của ông Nguyễn Văn Tấn không hoàn toàn giống trường hợp của cô Ménard, và luật pháp của ta cũng không cho phép những người thừa hành công vụ trong lĩnh vực tư pháp, được phép xử lý vụ việc theo cảm tính, “lương tri” hay nói rộng hơn là một ý niệm về “lẽ công bằng xã hội”, mà bỏ qua các quy định của pháp luật nói chung.

Thế nhưng, vấn đề đặt ra ở đây chính là sự mềm dẻo trong cách hiểu và cách vận dụng luật pháp. Tức là, làm sao để luật pháp luôn được thực thi một cách thấu tình đạt lý, đúng người, đúng tội, chứ  không phải chỉ biết dùng nó như một “thước đo” để chụp lên bất kỳ một thân phận hay hành vi   nào, khả dĩ được xem là có dấu hiệu tội phạm.

Nhất là trong trường hợp này, bản thân ông Tấn không cố tình trốn tránh việc đăng ký kinh doanh, mà chỉ đang trong thời gian chờ đợi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét việc cấp phép theo quy định của pháp luật, thì việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án lại càng tỏ ra thiếu sức thuyết phục, nếu không muốn nói là quá khiên cưỡng và máy móc.

Xi rê on - một luật sư và là nhà hùng biện nổi tiếng thời La mã cổ đại, từng nói  : “ Quan toà là một đạo luật biết nói, còn đạo luật là một vị quan toà im lặng”.

Mong rằng, những người thừa hành công vụ trong lĩnh vực tư pháp, hãy luôn là “một đạo luật biết nói”, đừng bao giờ tự biến mình thành “một đạo luật” khô khốc, chỉ vì sự “im lặng”, máy móc và vô cảm đến lạnh lùng.  

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP 

( Bài viết đã đăng trên báo điện tử Người đưa tin và ấn phẩm Công lý & xã hội của TAND Tối cao) 

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê