Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Vụ BQL chợ ĐỒNG XOÀI : Cần một quyết định sòng phẳng

03/05/2016, 10:14

Lâu nay, đâu đó trên các phương tiện truyền thông, người ta vẫn thường nghe nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng đình chỉ vụ án, nhưng không chấp nhận việc bồi thường cho người bị truy tố, xét xử oan sai vì những lý do này nọ. Câu chuyện này, một lần nữa được đặt ra tại Nghị trường Quốc hội vào chiều ngày 16/11/2015.

Trong phần trả lời chất vấn của Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) Nguyễn Hoà Bình cho rằng, việc đình chỉ đối với vụ án xảy ra tại Ban quản lý chợ Đồng Xoài trước đây, là căn cứ theo khoản 2 điều 25 BLHS quy định về miễn trách nhiệm hình sự, chứ không phải đình chỉ vụ án vì hành vi không cấu thành tội phạm. Vì vậy, vấn đề bồi thường oan sai sẽ không được đặt ra trong vụ án này.

Vậy, khoản 2 điều 25 BLHS quy định miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp nào? việc các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Phước đình chỉ vụ án theo quy định trên là đúng pháp luật, hay chỉ là một cách để “né ” trách nhiệm bồi thường oan sai?

Trước hết, theo tinh thần quy định tại khoản 1 Điều 169 Bộ luật Tố tụng hình sự  (BLTTHS) thì có rất nhiều căn cứ để cơ quan tố tụng ra quyết định đình chỉ vụ án. Trong đó có căn cứ thuộc trường hợp miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 25 BLHS.

Vụ án xảy ra tại Ban quản lý chợ Đồng Xoài trở thành điển hình của cả nước về mâu thuẫn quan điểm giữa các cơ quan tố tụng

Tuy nhiên, việc đình chỉ vụ án trong mọi trường hợp, nhất thiết phải tuân thủ các quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế khách quan của vụ án. Tức là, vụ án thuộc trường hợp đình chỉ theo quy định nào, căn cứ pháp lý nào, thì phải áp dụng đúng theo quy định, căn cứ pháp lý đó. Việc áp dụng sai căn cứ pháp lý trong việc đình chỉ vụ án, vừa có thể xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của người bị truy tố, xét xử oan sai, vừa có thể dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm.

Trở lại với vụ án Ban quản lý chợ Đồng Xoài, chúng tôi cho rằng, việc các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Phước áp dụng khoản 2 điều 25 BLHS để đình chỉ vụ án là không đúng với tinh thần của điều luật này. Bởi lẽ, khoản 2 điều 25 BLHS quy định: “ Trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự”

Đối chiếu với vụ án xảy ra tại Ban quản lý chợ Đồng Xoài, có thể thấy, hoàn toàn không có một tình tiết nào phù hợp với quy định nêu trên, nên cơ quan tiến hành tố tụng không thể áp dụng khoản 2 điều 25 BLHS để ra quyết định đình chỉ vụ án. Cụ thể, hành vi phạm tội ở đây (nếu có) thì cũng đã xảy ra trước thời điểm khởi tố vụ án đến 3 năm và đã được xử lý bằng biện pháp hành chính (chứ không phải trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú theo quy định của điều luật).

Mặt khác, các bị can (bị cáo) trong vụ án này cũng không thuộc trường hợp “góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, hay cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm…” 

Như vậy, xét về căn cứ pháp lý, việc đình chỉ vụ án trong trường hợp này là không có cơ sở, không phù hợp với tinh thần quy định tại khoản 2 điều 25 BLHS.

Vì vậy, thiết nghĩ VKSNDTC cần xem xét lại căn cứ đình chỉ vụ án mà các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Phước đã áp dụng trong trường hợp này. Theo đó, nếu hành vi của các bị can (bị cáo) trước đây, không cấu thành tội phạm mà chỉ dừng lại ở việc vi phạm hành chính, và được điều chỉnh bởi quan hệ pháp luật hành chính, thì nhất thiết phải căn cứ khoản 2 điều 107 BLTTHS (hành vi không cấu thành tội phạm) để đình chỉ vụ án. Trong trường hợp này, cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm xem xét việc bồi thường oan sai cho những người bị truy tố, xét xử oan theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Trái lại, nếu xác định hành vi của các bị can (bị cáo) đã cấu thành tội phạm và thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự vẫn còn, thì cần phục hồi điều tra để tố tụng lại vụ án theo thủ tục chung. Ngoài ra, không có căn cứ để áp dụng khoản 2 điều 25 BLHS đình chỉ vụ án trong trường hợp này.     

Chúng ta đều biết, áp dụng pháp luật là vấn đề luôn đòi hỏi sự chuẩn mực và chính xác từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc áp dụng không đúng các quy định pháp luật về đình chỉ vụ án, hoặc sẽ xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của người bị truy tố, xét xử oan sai, hoặc sẽ dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm.

Cả hai trường hợp nêu trên, đều có thể làm tổn hại đến vấn đề thực thi công lý và công bằng xã hội nói chung.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP.

(Bài viết đã đăng trên ấn phẩm Công lý & xã hội của TAND Tối cao) 

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác