Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Quyền điều khiển của chủ tọa phiên tòa đến đâu?

14/03/2017, 21:18

Ngày 14-3, TAND tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm vụ án Phan Tiến Dũng và đồng phạm bị TAND huyện Đắk Hà kết tội “Trộm cắp tài sản” khi cưa cây gỗ chết khô trong rừng.

Ngay trong phần xét hỏi, phiên tòa đã “nóng” lên bởi sự phản ứng của các luật sư khi cho rằng, chủ tọa phiên tòa thực hiện việc xét hỏi như kết tội bị cáo. Đáp lại, chủ tọa phiên tòa cho rằng, mình là chủ tọa nên có quyền điều khiển phiên tòa…

Đúng là điều 185 BLTTHS có quy định: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa điều khiển việc xét xử tại phiên tòa và giữ kỷ luật phiên tòa. Tuy nhiên, việc pháp luật quy định, chủ tọa có quyền điều khiển tại phiên tòa, phải được hiểu là điều khiển đúng theo trình tự, thủ tục đã được quy định trong BLTTHS, chứ không phải điều khiển một cách tùy tiện, ngẫu hứng, đi ngược lại những quy định của pháp luật tố tụng nói chung.

Chúng ta đều biết, mặc dù BLTTHS  không quy định cụ thể, các nội dung hay vấn đề nào cần phải được xét hỏi tại phiên tòa. Tuy nhiên, bản chất của việc xét hỏi tại phiên tòa là nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án. Vì vậy, nếu việc xét hỏi của Hội đồng xét xử hay Kiểm sát viên có tính cách phiến diện hoặc thể hiện sự định kiến về việc bị cáo có tội (hoặc không có tội) thì luật sư hoàn toàn có quyền đề nghị Hội đồng xét xử hay Kiểm sát viên phải thực hiện việc xét hỏi bị cáo (cũng như những người tham gia tố tụng khác) theo đúng tinh thần của BLTTHS.

Trong trường hợp này, chủ tọa phiên tòa không thể lấy quyền điều khiển phiên tòa để bác bỏ các đề nghị của luật sư.

Trở lại với phiên tòa nêu trên, vấn đề đặt ra ở đây là, Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa có thực hiện đúng thủ tục xét hỏi theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự hay không?

Từ thông tin phản ánh trên báo chí, chúng tôi cho rằng, việc xét hỏi của vị chủ tọa trong phiên tòa này đã thể hiện rất rõ sự phiến diện, và trong một vài trường hợp, đã tỏ ra mang tính định kiến về việc bị cáo có tội. Những câu “xét hỏi” mang tính cách nhận định, như “Theo tôi, hành vi đó đã đủ yếu tố cấu thành tội…” hay “ Tôi thấy án sơ thẩm xử các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội”… cho dù được giải thích theo cách nào đi chăng nữa, thì bản thân nó cũng đã thể hiện rõ sự định kiến về việc bị cáo có tội. Và như vậy, hoàn toàn không đảm bảo tính vô tư khách quan của người tiến hành tố tụng.

Trong trường hợp này, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác hoàn toàn có thể đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng theo quy định tại khoản 3 điều 42 BLTTHS.

Trường hợp HĐXX không chấp nhận việc thay đổi, thì các tài liệu, chứng cứ thể hiện sự không vô tư, khách quan của vị chủ tọa phiên tòa trong quá trình xét hỏi nêu trên, sẽ là cơ sở để yêu cầu tòa án cấp trên xem xét lại tính hợp pháp của bản án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê