Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Kế không thành của Khổng Minh

10/04/2017, 16:40

Gia Cát Lượng là một nhà ngoại giao cự phách và cũng là một nhà phát minh tài năng. Đóng góp lớn nhất của Gia Cát Lượng chính là việc giúp hình thành thế chân vạc Tam quốc, liên minh Thục-Ngô chống Tào. Ông được công nhận là một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc nhất trong thời đại của ông, và được so sánh với một chiến lược gia tài ba khác của Trung Quốc là Tôn Tử.

Sau khi Mã Tốc để mất Nhai Đình, Gia Cát Lượng về Tây thành, trong thành khoảng 2000 quan văn, cùng Quan Hưng và 500 lính kị mã. Tư Mã Ý mang 15 vạn đại quân đuổi đến nơi, ông không những không triển khai quân đối phó mà còn mở cổng thành, có ý mời quan quân Tư Mã Ý vào thành. Còn mình thì ngồi trên thành, gẩy đàn rất bình thản.

Tư Mã Ý đến nơi, thấy vậy liền sinh nghi, không dám tiến vào thành vì sợ trong thành có bẫy. Tư Mã Ý nghe tiếng đàn của Gia Cát Lượng, thấy được sự bình thản trong con người ông, càng thêm lo sợ và quyết định rút lui.

Sau đó Quan Hưng cùng 500 lính phục kích hò reo làm cho Tư Mã Ý sợ có nghi binh nên bỏ chạy. Sau này, khi biết được trong thành chỉ có vài trăm binh sĩ già yếu, mà một mình Gia Cát Lượng có thể đẩy lui được đại quân của mình, Tư Mã Ý rất khâm phục và cho rằng mình còn kém tài ông rất nhiều.

Bối cảnh diễn ra sự kiện này là khi Gia Cát Lượng thống lĩnh binh mã nước Thục, Bắc phạt lần thứ nhất. Quân Thục liên tiếp đại thắng quân Ngụy, bắt sống phò mã nước Ngụy là Hạ Hầu Mậu, đả bại Đô đốc Ngụy quốc Tào Chân, thu nạp danh tướng Khương Duy.

Cùng khi đó Mạnh Đạt ở Tân Thành mưu phản biến nhà Ngụy, định cất binh đánh úp Ngụy đế Tào Duệ. Ngụy quốc lâm nguy, Ngụy Đế cấp tốc trọng dụng lại Tư Mã Ý. Ý nhận lệnh của vua liền đưa binh từ Uyển Thành kéo tới Tân Thành, trong ứng ngoài hợp đánh giết Mạnh Đạt rồi dẫn quân tiếp ứng cho Tào Chân. 

Chống lại Tư Mã Ý, Gia Cát Lượng sai tiên phong Mã Tốc, phó tướng Vương Bình ra chiếm Nhai Đình bảo vệ sườn cũng là đường vận lương huyết mạch của Thục quân. Thay vì theo lời Vương Bình là lập đồn chiếm giữ cửa ải thì Mã Tốc cậy mình thông hiểu binh pháp đã kéo binh lên đóng trên một quả núi đất, định dồn quân Thục vào chỗ chết, từ đó toàn quân quyết tử để đại phá quân Ngụy. 

Chẳng ngờ Tư Mã Ý bủa vây núi, rồi chặt đứt đường nước của quân Thục. Thục binh đại loạn. Mã Tốc may nhờ Vương Bình cố chết cứu mới chạy thoát về Hán Trung được.

Về phần Gia Cát Lượng, đường lương bị cắt, vô kế khả thi bèn ra lệnh rút quân. Trước khi rút, ông ra Tây Thành để vận chuyển nốt hai mươi vạn thạch lương còn lại. Binh sỹ đi theo ngoài bộ tướng Khương Duy với 300 giáp sĩ hộ vệ chỉ còn lại 2000 binh sỹ già yếu.

Vận lương Tây Thành chưa xong, Tư Mã Ý đột nhiên kéo đại binh đến. Khói bụi mù trời, Khương Duy kiến nghị nhanh chóng rời bỏ Tây Thành tháo chạy về Thục. Nhưng Gia Cát Lượng cho rằng, chạy tất chết không thể nào thoát khỏi thiết kỵ của Tư Mã Ý.

Lượng quyết định đánh cược một phen với số phận của chính mình. Quân Thục mở tung của thành, cắt mấy chục lính làm dân phu, bản thân Gia Cát Lượng ôm đàn lên lầu độc tấu chống hùng binh Tư Mã Ý.

Ý dẫn quân kéo đến Tây Thành, thấy phong cảnh như vậy, đăm chiêu nghe Gia Cát Lượng gẩy đàn rồi hạ lệnh đổi tiền quân làm hậu quân nhanh chóng tháo lui.
Theo Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung thì trên đường tháo chạy, Tư Mã Ý còn bị Quan Hưng, Trương Bào, dóng trống mở cờ đuổi quân Ngụy hồn xiêu phách tán.

Tuy nhiên, khi xem bộ phim Tam Quốc Diễn Nghĩa 2010, thì trong tiếng đàn của Gia Cát có rất nhiều thâm ý. Quân Ngụy rút chạy rồi, Gia Cát Lượng thốt lên: "Trời xanh cứu ta, Tư Mã Ý thực là hiểu âm luật". Về phần Tư Mã Ý về đến trại, kéo ghế cho Tư Mã Sư ngồi, nghe con nói qua tình hình Tây Thành rồi bảo: "Ta thua Khổng Minh ở số trời, số trời không giúp ta".

Vậy trong tiếng đàn Gia Cát ở Tây Thành hàm chứa điều gì, âm luật gì vậy? Có lẽ qua tiếng đàn (qua âm luật) Gia Cát Lượng đã chuyển đến Tư Mã Ý thông điệp: Nhà Ngụy ba đời liền nghi ngờ, cảnh giác anh. Sở dĩ anh được làm nguyên soái thống lĩnh ba quân là bởi tôi cầm binh nước Thục công phá Ngụy Quốc. Tôi chết rồi, mối lo về Thục quân không còn, Ngụy Đế tất sẽ khiến anh không toàn mạng sống. Xưa nay thỏ khôn chết thì chó săn bị nấu, chim bay cao chết thì cung mạnh  bị cho vào bếp, đó là lẽ thường.

Lắng nghe tiếng đàn Gia Cát Khổng Minh, Tư Mã Ý cấp tốc tháo lui khỏi Tây Thành. Thả Gia Cát Lượng đi thoát cũng đồng thời tạo đường sống, hậu vận cho mình và con cháu.

Đấy là "ý trời" mà cả Gia Cát Lượng và Tư Mã ý đều nói đến. Những lời còn lại của Gia Cát nói với Khương Duy, hay Tư Mã ý nói với con trai, chỉ là một phần sự thật để che đi pha thương thuyết qua tiếng đàn giữa hai nhân vật cự phách này. 

Quả nhiên sau này Khổng Minh Bắc phạt, Tư Mã Ý soái lĩnh Ngụy quân chống lại, dần dần bồi dưỡng thực lực làm nên cuộc đảo chính phế Tào Sảng, nắm giữ binh quyền nước Ngụy. Tài trí Khổng Minh vang danh hậu thế phần nhiều cũng nằm ở những lần đối trận với Tư Mã Ý. 

Họ sinh ra là Tri Kỷ nhưng cũng là đối thủ không đội trời chung. 

VA (sưu tầm)

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê