Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Những điều ít biết về "túi khôn của thời đại" Lê Quý Đôn

26/08/2016, 07:56

Người đương thời khuyên nhau: “Thiên hạ vô tri vấn Bảng Đôn”, tức là: Có điều gì không biết, hãy đến hỏi Lê Quý Đôn!

Thiên tài bậc nhất trong lịch sử Việt Nam đầu tiên phải kể đến đó là nhà bác học Lê Quý Đôn. Ông được người đương thời gọi là "túi khôn của thời đại".

Ham hiểu biết, thích sưu tầm, ưa khám phá, lại có một trí nhớ siêu việt... đó chính là những tố chất để ông trở thành một vị danh nhân, một nhà bác học lớn. 

Lê Quý Đôn sở hữu một gia tài tri thức đồ sộ mà bất cứ ai nhìn vào cũng khâm phục và ngưỡng mộ.

Ông có những cống hiến trên nhiều lĩnh vực khoa học: Triết học, luật học, sử học, nông học, dân tộc học, xã hội học, thiên văn học, từ điển học…

Người đương thời khuyên nhau: “Thiên hạ vô tri vấn Bảng Đôn” (thiên hạ có điều gì không biết, đến hỏi Lê Quý Đôn).

Trong cuốn “Trí thức Việt Nam xưa và nay” tác giả Văn Tân đã nói “Lê Quý Đôn là nhà bác học lớn nhất của nước Việt Nam thời phong kiến. Suốt đời ông tỏ ra là một người đọc sách không biết mệt mỏi và viết sách không mệt mỏi”.

Hãy cùng nhìn lại những thành tích tuyệt vời của nhà bác học Việt Nam đại tài Lê Quý Đôn!

1. Thời thơ ấu thông minh hơn người

Ngay từ thuở nhỏ, Lê Quý Đôn đã nổi tiếng là người ham học, thông minh, có trí nhớ tốt, được người đương thời coi là "thần đồng".

Năm 5 tuổi: đọc được nhiều bài trong Kinh Thi.

Năm 12 tuổi: đọc hết các sử sách của Bách Gia Chư Tử.

Năm 14 tuổi: xong toàn bộ sách kinh, sử của Nho gia và theo cha lên học ở kinh đô Thăng Long.

Năm 17 tuổi: đỗ đầu kỳ thi Hương

Tiếp sau đó ông ở nhà dạy học và viết sách trong khoảng 10 năm.

2. Những câu chuyện bộc lộ tư chất hơn người của Lê Quý Đôn

Giai thoại 1: Chữ Đại hay chữ Thái?

Tương truyền thuở nhỏ, một hôm cậu bé cởi truồng đi tắm với các bạn. Có một vị quan Thượng thư đồng liêu với cha (là Lê Trọng Thứ) tới thăm, hỏi đường đến nhà. Cậu liền đứng dạng chân và dang tay ra bảo quan Thượng:

“Nếu ông biết được cháu đang ra dấu chữ gì, cháu sẽ chỉ nhà cho ông”.

Quan Thượng cũng tha thứ cho sự nghịch ngợm của tuổi trẻ nên bỏ đi. Cậu cười ầm lên và bảo với các bạn: Ông ấy làm quan to mà không biết chữ các bạn ơi!

Quan Thượng bực mình quay lại nói: Trẻ con đừng hỗn láo. Mày mới học lỏm được chữ Đại  (大) mà đã dám đi trêu chọc người rồi.

Thằng bé cười rộ lên, rồi nói:– Là chữ thái, có thế mà không biết! (太)

Giai thoại 2: Rắn đầu, rắn cổ

Khi quan Thượng vào nhà ông Lê Trọng Thứ, mới biết cậu bé ấy là con của bạn mình. Ông kể lại câu chuyện dọc đường. Lê Trọng Thứ gọi con ra trách mắng và đánh đòn.

Quan Thượng thấy ông thông minh nên đã xin tha cho ông với điều kiện phải ứng khẩu một bài thơ tạ tội. Cậu xin quan Thượng ra đầu đề. Quan Thượng nói:

Phụ thân cậu đã bảo cậu "rắn đầu, rắn cổ", cậu cứ lấy đó làm đề bài. Lê Quý Đôn ngẫm nghĩ một chốc rồi đọc:

Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà!

Rắn đầu biếng học quyết không tha

Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ,

Nay thét, mai gầm rát cổ cha.

Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo,

Lằn lưng chẳng khỏi vết roi da.

Từ nay Trâu Lỗ xin siêng học,

Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia!

Đề bài là do quan Thượng đặt ra, ý nói cậu bé cứng đầu, lười học. Vậy mà Lê Quý Đôn đã tài tình sử dụng từ “rắn” để ghép vào trong nội dung các câu thơ của mình.

Quan Thượng khi đó đã hết sức thán phục: Giỏi quá! Giỏi quá! Quả là thần đồng!

Giai thoại 3: Tam xuyên, tứ mục

Nhà Lê Quý Đôn ở gần ngã ba sông Hồng và sông Trà Lý. Một hôm, một vị quan bên Liêu Xá đến thăm ông Lê Trọng Thứ. Vị quan có nghe tiếng cậu bé con quan Thượng Lê rất hay chữ, muốn trực tiếp thử tài.

Nể tình, ông Lê Trọng Thứ cho gọi Lê Quý Đôn tới. Khoanh tay, kính cẩn chào khách xong, Lê Quý Đôn đứng nép bên cha, chờ đợi. Ông khách nói: "Nhà cháu gần ngã ba sông, vậy ta ra vế đối là tam xuyên (三川)!"

Vế đối giản dị mà hóc búa, chữ tam (三) có ba nét sổ ngang nhưng dựng lên, thành ba nét sổ đứng và là chữ xuyên (川). "Tam xuyên" (三川) có nghĩa "ba con sông".

Lê Quý Đôn chưa đáp ngay mà cứ trân trân nhìn ông khách có mang cặp kính. Ông khách rất vui vì tìm được vế đối rất hiểm. Thấy Lê Quý Đôn chưa đối được, ông khách hỏi: "Sao, có đối được không, cháu bé?"

Lê Quý Đôn lễ phép thưa: "Dạ, cháu xin đối là tứ mục (四目)."

Chữ đối lại thật chuẩn, chữ "tứ" (四) viết quay dọc lại, cũng là chữ "mục" (目). "Tứ mục" (四目) có nghĩa "bốn con mắt". Ông khách chỉ còn biết thốt lên: "Tuyệt vời! Thằng bé này về sau văn chương sẽ lẫy lừng đấy!"

3. Những đánh giá về con người nhà bác học huyền thoại

Bùi Huy Bích, danh sĩ, học trò của Lê Quý Đôn coi thầy mình “là người thông minh nhất đời”, “nước ta, trong mấy trăm năm mới có một người như thầy”.

Ngô Thì Sĩ, trí thức nổi tiếng cùng thời, gọi ông là “lãnh tụ của nền đại học”.

Phan Huy Chú viết: “Ông tư chất khác đời, thông minh hơn người mà giữ tính nết hiền hậu, lại chăm học không biết mỏi. Tuy đỗ đạt vinh hiển, tay vẫn không rời quyển sách”.

Trần Danh Lâm, bạn cùng thời, nhận xét rằng Lê Quý Đôn “không sách gì không đọc, không vật gì không xem xét đến cùng. Ngày thường ngẫm nghĩ đến điều gì đều viết thành sách. Sách chứa đầy bàn, đầy tủ, kể ra khôn xiết”.

4. Kho tài sản tri thức quý báu để lại cho đời

Phan Huy Chú từng nhận xét về Lê Quý Đôn: "Ông là người học vấn rộng khắp, đặt bút thành văn. Cốt cách thơ trong sáng.

Lời văn hồn nhiên..., không cần suy nghĩ mà trôi chảy dồi dào như sông dài biển cả, không chỗ nào không đạt tới, thật là phong cách đại gia".

Tác phẩm của Lê Quý Đôn thống kê có tới 40 bộ, bao gồm hàng trăm quyển, nhưng một số bị thất lạc. Những tác phẩm tiêu biểu của Lê Quý Đôn còn giữ được có thể kể ra như sau:

- Quần thư khảo biện, tác phẩm chứa đựng nhiều quan điểm triết học, lịch sử, chính trị được viết trước năm ông 30 tuổi.

- Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn làm xong lúc ông 30 tuổi. Đây là một loại "bách khoa thư", trong đó tập hợp các tri thức về triết học, khoa học, văn học...

Và đây cũng được coi là bộ sách đạt tới trình độ phân loại, hệ thống hóa, khái quát hóa khá cao, đánh dấu một bước tiến bộ vượt bậc đối với nền khoa học Việt Nam thời phong kiến.

- Công trình biên soạn lớn nhất của Lê Quý Đôn là bộ Toàn Việt thi lục 6 quyển, tuyển chọn 897 bài thơ của 73 tác giả từ thời Lý đến đời Lê Tương Dực.

Lê Quý Đôn hoàn thành Toàn Việt thi lục năm 1768, dâng lên vua, được thưởng 20 lạng bạc.

Ngoài ra, ông còn vô vàn những sáng tác văn xuôi và thơ, nhưng đều bị thất lạc, chỉ còn lại Quế Đường thi tập bao gồm khoảng vài trăm bài làm ở trong nước và trong thời gian đi sứ Trung Quốc.

Theo Tri Thức Trẻ

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê