Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Chậm có công lý là không có công lý.

17/04/2017, 12:12

Quan niệm “Công lý đến muộn còn hơn không” ở một mức độ nào đó, phản ánh sự nỗ lực của các cơ quan tư pháp trong việc hạn chế oan sai, nhưng nó cũng thể hiện sự gian nan, vất vả của người dân trong hành trình đi tìm công lý và lẽ phải. Và đó, không phải là cái đích cho một nền tư pháp văn minh, hiện đại hướng tới.

Thông thường, sứ mệnh của các toà án được nhìn nhận từ góc độ chất lượng xét xử. Theo đó, người ta cho rằng, điểm mấu chốt trong hệ thống tư pháp là sự hiện diện của một đội ngũ thấm phán vô tư và giỏi về luật để giải quyết các tranh chấp tại toà án một cách độc lập, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bên đương sự cũng như không để xảy ra các trường hợp oan sai.

Tuy nhiên, với một nền tư pháp ưu việt, các yêu cầu và đòi hỏi như trên là chưa đủ, mà những khía cạnh khác cũng cần phải được tính đến trong việc thực thi công lý. Đó là, các toà án phải ra quyết định một cách không chậm trễ, thủ tục tố tụng không gây phiền hà, tốn kém cho công dân. Đồng thời, chất lượng và tính chặt chẽ, mạch lạc của các bản án, quyết định của toà án phải bảo đảm sự rõ ràng về mặt pháp lý.

Thực tiễn tố tụng ở ta cho thấy, hành trình tố tụng trong các vụ án dân sự là một hành trình lê thê, không có điểm dừng. Có vụ án kéo dài hàng chục năm, trong khi đương sự là những người đã quá lớn tuổi, già yếu, nên không theo đuổi được vụ kiện đến cùng. Và cứ mỗi lần có đương sự chết, vụ án lại càng trở nên phức tạp, thậm chí bế tắc.

Cũng có vụ án kéo dài và trải qua nhiều giai đoạn tố tụng, sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, rồi quay lại từ đầu. Điều đáng nói là, khi vụ án được cấp sơ thẩm thụ lý lại, có trường hợp đương sự bị mất quyền khởi kiện, vì lý do phải khởi kiện lại bằng một quan hệ pháp luật tranh chấp khác, trong khi đó, thời hiệu khởi kiện đối với quan hệ này đã hết.

Mặc dù Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) của ta có quy định, thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện, nhưng không hiểu sao những sai lầm của tòa án trong việc thụ lý, giải quyết vụ án, dẫn đến việc đương sự mất quyền khởi kiện, lại không được nhà làm luật nhìn nhận như một trở ngại khách quan để có thể miễn trừ việc áp dụng thời hiệu trong các trường hợp này.

Cũng có trường hợp, khi vụ án có quyết định giám đốc thẩm thì tài sản của người phải thi hành án đã được cơ quan thi hành án phát mãi giao cho bên được thi hành án. Trong khi đó, quá trình tố tụng lại vụ án với kết quả sau cùng là người phải thi hành án thắng kiện. Nhưng tài sản, nhà cửa đất đai của họ đã không còn nữa, quyền và  lợi ích hợp pháp của họ đã không được pháp luật bảo vệ một cách kịp thời…

Chúng ta đều biết, kể từ năm 2004 ( thời điểm BLTTDS đầu tiên được ban hành) đến nay đã gần 13 năm, Quốc hội đã một lần sửa đổi (năm 2011) và một lần ban hành mới BLTTDS ( năm 2015) nhưng tình trạng “ngâm án”, kéo dài quá trình tố tụng đối với các vụ án dân sự thì hình như vẫn chưa có chiều hướng khắc phục, nếu không muốn nói là càng nghiêm trọng hơn.    

Trong viễn tượng tiến tới một nền tư pháp văn minh, hiện đại, thiết nghĩ, chúng ta cần hướng đến mục tiêu “Chậm có công lý là không có công lý” thay vì quan niệm “ Công lý đến muộn còn hơn không” như một sự an ủi cho một vài trường hợp may mắn tìm thấy được ‘ánh sáng cuối đường hầm”.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê