Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Giải đáp pháp luật (4)

22/04/2017, 01:41

Luatsuhongocdiep.vn tiếp tục giới thiệu một số nội dung giải đáp pháp luật, rút từ sách “Tình huống pháp lý và thực tiễn tố tụng” vừa được NXB Phương Đông ấn hành (*)

Huỷ giấy đăng ký kết hôn trong vụ án thừa kế.

Hỏi: Trước đây, vào năm 2007, cha tôi có thời gian chung sống với bà H. khoảng 2 năm (lúc này cha tôi đã 75 tuổi) năm 2009, cha tôi mất, bà H. đã xuất trình giấy đăng ký kết hôn với cơ quan chức năng để tiến hành việc kê khai toàn bộ di sản thừa kế nhà đất do cha tôi để lại.

Sau khi phát hiện bà H. tự ý kê khai di sản thừa kế và giấy đăng ký kết hôn có dấu hiệu giả mạo, tôi đã khởi kiện vụ việc, yêu cầu Toà án huỷ bỏ giấy chứng nhận đăng ký kết hôn và bác bỏ tư cách thừa kế của bà H. thế nhưng, Toà án lại cho rằng, nếu tôi muốn yêu cầu huỷ bỏ giấy chứng nhận đăng ký kết hôn  giữa bà H. với cha tôi thì phải có đơn đề nghị Toà án giải quyết bằng một việc dân sự khác, chứ không chấp nhận giải quyết ngay trong vụ án tranh chấp thừa kế này.

Vậy xin hỏi, cách giải thích trên của Toà án có đúng quy định của pháp luật không?

(Hứa Thị Tuyết, quận 2 – TP.HCM)

Trả lời: Về nguyên tắc, để chứng minh mối quan hệ cha, mẹ, vợ, chồng, con… của người để lại di sản trong các vụ án tranh chấp về thừa kế, đương sự phải xuất trình những giấy tờ, tài liệu là các chứng thư hộ tịch như giấy khai sinh, khai tử, hôn thú… trên cơ sở đó, Toà án sẽ xác định đương sự có quyền được hưởng di sản thừa kế hay không. Nếu đương sự không xuất trình được các tài liệu, chứng cứ này, hoặc có xuất trình nhưng tài liệu, chứng cứ đó bị đương sự khác tố cáo là giả mạo, không hợp pháp thì Toà án sẽ xem xét tính hợp pháp của chứng cứ đó để công nhận hoặc không công nhận tư cách thừa kế của đương sự trong một vụ án cụ thể.

Như vậy, các chứng thư hộ tịch (khai sinh, khai tử, hôn thú…) do đương sự xuất trình trong các vụ án tranh chấp về thừa kế, thực chất là những tài liệu, chứng cứ để chứng minh tư cách thừa kế của họ trong vụ án. Trên cơ sở đó, họ có thể đưa ra yêu cầu hoặc phản đối yêu cầu đối với người khác. Vì là chứng cứ trực tiếp để Toà án xem xét tư cách thừa kế của họ, hay nói chính xác hơn là chứng cứ trực tiếp để giải quyết vụ án, nên việc nhận định, đánh giá chứng cứ đối với các tài liệu là các chứng thư hộ tịch này, phải được thực hiện ngay trong quá trình giải quyết vụ án thừa kế.

Việc Toà án yêu cầu bà phải nộp đơn đề nghị Toà án giải quyết bằng một việc dân sự khác là không đúng pháp luật. Bà có thể làm đơn khiếu nại gửi đến Chánh án để được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Quá thời hạn 10 năm, sao toà vẫn chia thừa kế?

Hỏi: Sinh thời, cha mẹ tôi có tạo lập được một căn nhà và một vườn cây ăn trái khoảng 1.000m2. Cha tôi mất vào năm 2000, đến năm 2002 mẹ tôi cũng bệnh nặng rồi qua đời (không để lại di chúc).

Cha mẹ tôi có ba người con. Năm 2003, trong một cuộc họp gia đình, tôi và hai người em trai có lập biên bản xác nhận căn nhà và mảnh vườn là tài sản do cha mẹ để lại cho ba anh em, nhưng giao cho tôi quản lý.

Từ năm 2004, hai người em trai của tôi bỏ đi biệt xứ. Mãi đến đầu năm 2014, cả hai đột nhiên quay về yêu cầu tôi bán toàn bộ tài sản nhà đất để chia cho họ. Tôi không đồng ý thì họ khởi kiện tôi ra toà và toà án xét xử buộc tôi phải phân chia tài sản nhà đất do cha mẹ để lại cho cả hai người em trai của tôi. Theo tôi được biết, quá thời hạn 10 năm kể từ ngày người để lại di sản chết thì không có quyền kiện chia thừa kế.

Vậy xin hỏi, cha mẹ tôi đã chết hơn 10 năm, sao toà vẫn xử buộc tôi phải chia tài sản nhà đất cho hai người em trai? toà xử như vậy, có đúng không?

(Lê Văn Sơn –  Cai Lậy, Tiền Giang)

Trả lời: Đúng là pháp luật có quy định, thời hạn khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết các tranh chấp về thừa kế nói chung, là 10 năm kể từ ngày người để lại di sản chết. Tuy nhiên, theo tinh thần hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì, trong thời hạn 10 năm, nếu các đồng thừa kế không có tranh chấp và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế… thì khi có tranh chấp, Toà án sẽ không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết.

Sở dĩ Nghị quyết số 02/2004 quy định một số trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện về thừa kế (trong đó có trường hợp của anh) là vì các trường hợp này có những đặc điểm phù hợp với quy định của pháp luật về tài sản chung. Theo đó, một tài sản được xem là tài sản chung khi các chủ sở hữu chung cùng thừa nhận.

Như vậy, việc anh và hai người em trai lập biên bản vào năm 2003, cùng xác nhận căn nhà và mảnh vườn là di sản do cha mẹ để lại cho ba anh em, được xem là văn bản thoả thuận về việc chuyển di sản thừa kế thành tài sản chung.

Vì vậy, khi có tranh chấp, Toà án không áp dụng thời hiệu khởi kiện về thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết, phân chia tài sản cho hai người em trai của anh là hoàn toàn đúng pháp luật.

-----------------------------------

(*) Tập sách hiện đang được phát hành trên tất cả các nhà sách của hai đơn vị Phahasa và Phương Nam trên phạm vi cả nước.

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê