Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Một số trao đổi về cách tính thời hiệu khởi kiện trong vụ án dân sự đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

26/07/2016, 08:39

Theo quy định tại Điều 159 BLTTDS được sửa đổi bổ sung năm 2011 thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, nếu thời hạn đó đã hết thì đương sự mất quyền khởi kiện.

Đối với thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự có quan hệ pháp luật tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng quy định tại chương XXI của BLDS năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 02 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm. (Đ607 BLDS, tiểu mục 6, mục I Nghị quyết 03/2006/NQ – HĐTP ngày 08/7/ 2006 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao).

Theo hướng dẫn tại tiểu mục 2.2 mục IV Nghị quyết 01/2005/NQ – HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng thẩm phánToà án nhân dân tối cao thì ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm được xác định là ngày xảy ra hành vi vi phạm gây thiệt hại về  tài sản, tính mạng, sức khoẻ …

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số vướng mắc về xác định thời hiệu khởi kiện khi Toà án thụ lý vụ án dân sự có quan hệ đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày xảy ra hành vi vi phạm hay tính từ thời điểm có quyết định của cơ quan có thẩm quyền đang giải quyết.

Trong vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự do không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Người bị thiệt hại khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (bồi thường về sứckhoẻ, tài sản) thì thời hiệu khởi kiện tính như thế nào? được tính từ khi quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân bị xâm phạm hay từ khi có quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Đối với những vụ án hình sự có liên quan đến tài sản, bồi thường thiệt hại nhưng không liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, không ảnh hưởng đến việc xem xét tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo ( theo hướng dẫn tại công văn số 121/2003/KHXX ngày 19/9/2003 về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản, bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự), thì được tách thành vụ kiện dân sự khác, như vậy khi đương sự khởi kiện thì thời hiệu khởi kiện được tính như thế nào? tính từ ngày xảy ra hành vi gây thiệt hại hay tính từ khi có quyết định tách vụ án, hoặc tính từ thời điểm bản án hình sự có hiệu lực pháp luật.

Nếu từ ngày thiệt hại xảy ra, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa xem xét và giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự, thì yêu cầu khởi kiện của đương sự về bồi thường thiệt hại là yêu cầu chính đáng, do vậy Toà án thụ lý là đúng pháp luật. Theo quy định của  BLDS và BLTTDS, thời hiệu để thực hiện quyền khởi kiện đối với vụ án bồi thường thiệt hại được tính từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm đến khi Toà án nhận được đơn khởi kiện  là 02 năm, nếu quá thời hạn thì đương sự mất quyền khởi kiện, trừ các trường hợp được quy định tại Điều 161 BLDS – thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự (như sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan làm cho chủ thể không thể khởi kiện, chưa có người đại diện hoặc chưa có người đại diện khác thay thế nếu người đại diện chết đối với người chưa thành niên, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự).

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng  phải tuân theo quy định của pháp luật dân sự, cụ thể tại Điều 607 BLDS và Toà án tối cao đã hướng dẫn  thời hiệu đối với vụ án bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là 02 năm tính từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Thời gian cơ quan điều tra thụ lý giải quyết vụ án hình sự là thời gian trở ngại khách quan nên họ không thể thực hiện được quyền khởi kiện của mình được quy định tại khoản 1 Điều 161 BLDS, do vậy thời hiệu 02 năm từ ngày quyền và lợi ích bị xâm phạm là có cơ sở chứ không phải từ khi có quyết định tách phần dân sự, quyết định không khởi tố hoặc quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Toà án về giải quyết hình sự.

Tuy nhiên, nếu trong quá trình điều tra, giải quyết, cơ quan điều tra kéo dài thời gian giải quyết vụ án để chứng minh sự việc phạm tội thì sẽ gây thiệt thòi lớn đối với người bị thiệt hại, sẽ có sự chênh lệch về mức bồi thường, thời gian bồi thường trong thời gian kéo dài ở quá trình điều tra. Do vậy, cần phải quy định cụ thể đương sự có quyền giải quyết vụ án dân sự, có quyền khởi kiện và yêu cầu bồi thường trách nhiệm dân sự trong quá trình cơ quan điều tra đang thụ lý.

Thời gian việc cơ  quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án hình sự có được xem là trường hợp trở  ngại khách quan theo khoản 1 Điều 161 BLDS không? Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có nghĩa vụ  dân sự không thể biết quyền và lợi  ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể  thực hiện được quyền và nghĩa vụ dân sự  của mình. Trường hợp cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án hình sự thì họ có  quyền khởi kiện vụ án dân sự không? do vậy có quan điểm không trừ thời gian này vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự mà được tính từ thời điểm bản án hình sự có hiệu lực pháp luật hoặc từ thời điểm có quyết định không khởi tố vụ án hình sự mà không tính từ thời điểm quyền và lợi ích bị xâm phạm hoặc khi có quyết định tách phần dân sự trong vụ án hình sự nhằm đảm bảo quyền khởi kiện cho người khởi kiện.

Trên đây là  một số quan điểm  về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự có quan hệ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, kính mong quý  bạn đọc quan tâm trao đổi.

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác