Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Nhân vụ cà phê Xin Chào: bàn về tính hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật.

26/08/2016, 07:30

Sự giải thích hay trả lời không đúng về các quy định của pháp luật trên phương tiện truyền thông, đôi khi để lại những hệ quả phức tạp cho xã hội. Bởi người dân thường có tâm lý tin vào báo chí, một khi báo chí đã xác tín một văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) nào đó đã hết hiệu lực thì khi xảy ra vi phạm, chính quyền địa phương áp dụng văn bản đó để xử phạt sẽ dẫn đến việc người dân thắc mắc, khiếu nại, gây bất ổn xã hội.

Từ nguyên tắc bất hồi tố …

Sau khi chủ tịch UBND Thị trấn Tân Túc, Huyện Bình Chánh áp dụng Nghị định 180/2007 của Chính phủ, ra quyết định xử phạt hành vi xây dựng trái phép đối với ông Nguyễn Văn Tấn – Chủ quán cà phê Xin Chào. Rất nhiều ý kiến đã đặt vấn đề về tính hiệu lực của văn bản này.

Theo quan điểm của một số chuyên gia pháp lý thì việc chủ tịch UBND Thị trấn Tân Túc, Huyện Bình Chánh áp dụng Nghị định 180/2007 của Chính phủ để ra quyết định xử phạt đối với ông Nguyễn Văn Tấn trong trường hợp này là trái với các quy định của pháp luật. Bởi theo các ý kiến này, tại khoản 4 điều 154 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 có quy định “…văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hết hiệu lực thì VBQPPL quy định chi tiết thi hành cũng đồng thời hết hiệu lực”

Trong trường hợp này, Nghị định 180/2007 của Chính phủ là VBQPPL hướng dẫn thi hành Luật xây dựng 2003. Tuy nhiên, hiện nay luật xây dựng 2003 đã hết hiệu lực nên về nguyên tắc, Nghị định 180/2007 cũng đồng thời hết hiệu lực.

Đúng là tại khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành VBQPPL 2015 có quy định, một khi “văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hết hiệu lực thì VBQPPL quy định chi tiết thi hành cũng đồng thời hết hiệu lực” . Tuy nhiên, chúng ta không thể căn cứ vào quy định này để cho rằng nghị định 180/2007 hiện nay đã hết hiệu lực. Bởi lẽ, theo nguyên tắc bất hồi tố của luật pháp, quy định này chỉ  áp dụng cho các VBQPPL được ban hành từ ngày 1-7-2016 (thời điểm Luật Ban hành VBQPPL 2015 có hiệu lực thi hành)  mà không có ý nghĩa hồi tố đối với các VBQPPL đã được ban hành trước đó.

Thế nhưng, vấn đề đặt ra ở đây là, nếu như tính chất bất hồi tố được xem là một nguyên tắc tổng quát của pháp luật, thì tại sao khoản 2 điều 172 Luật ban hành VBQPPL 2015  còn quy định thêm, đối với một số loại VBQPPL như: Thông tư liên tịch giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ hay chỉ thị của Ủy ban nhân dân các cấp… tiếp tục có hiệu lực cho đến  khi có văn bản bãi bỏ hoặc bị thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác?

Vậy , đối với các loại VBQPPL như, Nghị định của Chính phủ, Nghị quyết của Quốc hội hay của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì sao?

Ở đây, có thể hiểu rằng, sở dĩ khoản 2 điều 172 Luật ban hành VBQPPL 2015 quy định riêng đối với một số loại văn bản như đã nêu trên, tiếp tục có hiệu lực… là vì các loại văn bản này, trước đây được quy định trong Luật ban hành VBQPPL 2008 (khoản 3 điều 20) và Luật ban hành VBQPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân 2004 (điêu 17) nhưng nay, theo quy định tại điều 4 về Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được Luật ban hành VBQPPL 2015 điều chỉnh thì không có các loại VBQPPL này. Chính vì vậy, Luật ban hành VBQPPL 2015 cần phải có quy định riêng về tính hiệu lực đối với các loại văn bản trên.

Còn đối với các loại VBQPPL khác, như Nghị định của Chính phủ, Nghị quyết của Quốc hội hay của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao … thì hiện nay vẫn nằm trong Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được Luật ban hành VBQPPL 2015 điều chỉnh. Vì vậy, tính hiệu lực của các loại VBQPPL này chịu sự chi phối chung của nguyên tắc bất hồi tố cũng như các quy định cụ thể về trường hợp VBQPPL hết hiệu lực được quy định tại điều 81 Luật ban hành VBQPPL 2008  và điều 154 Luật ban hành VBQPPL 2015 nói chung.

đến xác định luật áp dụng  

Trở lại với việc xác định tính hiệu lực của Nghị định 180/2007, chúng ta có thể thấy rằng, tại thời điểm Luật xây dựng 2003 hết hiệu lực (ngày 01 tháng 01 năm 2015) thì Luật ban hành VBQPPL 2008 đang có hiệu lực thi hành. Vì vậy, để xác định tính hiệu lực của các VBQPPL hướng dẫn thi hành Luật xây dựng 2003, chúng ta cần phải căn cứ vào Luật ban hành VBQPPL 2008.

Theo quy định tại điều 81 Luật ban hành VBQPPL 2008 thì, văn bản quy phạm pháp luật  hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:

1. Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản;

2. Được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó;

3. Bị bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

Ngoài ra, không có điều khoản nào quy định " văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì VBQPPL quy định chi tiết thi hành cũng đồng thời hết hiệu lực" cả.

( Ở đây cũng cần lưu ý là, điều 154 Luật ban hành VPQPPL 2015 vẫn giữ nguyên các quy định trên, chỉ thêm vào khoản 4 là " văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành cũng đồng thời hết hiệu lực". Tuy nhiên, do đây là quy định mới nên không có ý nghĩa hồi tố đối với các VBQPPL đã ban hành trước thời điểm Luật ban hành VBQPPL 2015 có hiệu lực).

Như vậy, mặc dù hiện nay Luật xây dựng 2003 đã hết hiệu lực, nhưng nếu chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào thay thế hoặc  huỷ bỏ Nghị định 180/2007 của Chính phủ, thì về nguyên tắc nghị định này  vẫn đang có hiệu lực thi hành.

Nhìn chung hệ thống văn bản pháp luật của bất kỳ một quốc gia nào cũng hết sức phức tạp, nhưng phức tạp không có nghĩa là tù mù. Phức tạp thuộc phạm trù bản chất của vấn đề, như là cái vốn có của nó, còn tù mù lại mang tính chủ quan, thuộc về cách diễn giải, sắp xếp đối với một sự kiện hay vấn đề pháp lý nào đó. Chúng ta không nên nhầm lẫn giữa hai khái niệm này.

                                                                                                                                   Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

(Bài viết đã đăng trên ấn phẩm Công lý & Xã hội của TAND Tối cao)

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê