Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Thế nào là hành vi vượt quá của người thực hành trong vụ án có đồng phạm? (tiếp theo)

07/09/2016, 10:42

Khoa học luật hình sự chia hành vi vượt quá ra làm hai loại chính: vượt quá về chất lượng của hành vi và vượt quá về số lượng của hành vi.

Vượt quá về chất lượng của hành vi là trường hợp người thực hành trong vụ án có đồng phạm thực hiện hành vi vượt quá đó không cùng tính chất với tội phạm mà những người đồng phạm khác có ý định thực hiện, nếu hành vi vượt quá cấu thành tội phạm thì tội phạm đó không cùng tính chất với tội phạm mà những người đồng phạm khác có ý định thực hiện. Ví dụ: Trần Văn T bàn với Đặng Văn H và Phạm Quốc V chặn đường để cướp của, nhưng trước khi đi, H bị kẹt nên chỉ có T và V thực hiện. Khi phát hiện thấy người đi xe máy chạy qua H và T ra chặn lại để cướp tài sản thì phát hiện người đi xe máy là một phụ nữ, nên cả hai tên nảy ý định hiếp dâm và chúng đã thực hiện hành vi hiếp dâm, đồng thời cướp đi của nạn nhân sợi dây chuyền. Hành động xong, V và T về kể cho H nghe đã cướp được sợi dây chuyền vàng, hôm sau H mang dây chuyền đi bán thì bị phát hiện và bị bắt giữ. Trong quá trình điều tra, H mới biết ngoài hành vi cướp tài sản thì V và T còn hiếp dâm người bị hại. Hành vi thái quá của V và T là hành vi vượt quá về chất lượng vì tội hiếp dâm không cùng tính chất với tội cướp tài sản. Việc xác định vượt quá về chất lượng không khó khăn nên việc loại trừ trách nhiệm hình sự đối với những người đồng phạm khác cũng dễ dàng hơn so với trường hợp vượt quá về số lượng hành vi.

Thái quá về số lượng hành vi là trường hợp người thực hành trong vụ án có đồng phạm thực hiện hành vi vượt quá mà hành vi đó cùng tính chất với hành vi phạm tội mà những người đồng phạm khác có ý định thực hiện. Trường hợp vượt quá này rất khó xác định, cho nên không ít trường hợp rõ ràng là người thực hành trong vụ án có đồng phạm có hành vi vượt quá nhưng những đồng phạm khác vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá đó. Do đó để phân biệt hành vi đã vượt quá hay chưa cần phải nghiên cứu nó ở những mức độ khác nhau.

Trường hợp thứ nhất:

Hành vi vượt quá của người thực hành trong vụ án có đồng phạm đã cấu thành một tội phạm khác và tội phạm này cùng tính chất với tội phạm mà những người đồng phạm khác có ý định thực hiện. Ví dụ: do có thù tức với Đặng Văn H nên Trần Tuấn A, Phạm Quốc B, Nguyễn Hồng C bàn bạc tìm đánh cho H một trận. Khi gặp H, cả ba tên lao vào dùng chân tay đấm đá cho tới khi H ngã gục. Thấy vậy, B và C nói thôi, thế là đủ đừng đánh không thì nó chết mất, rồi B và C bỏ đi. Nhưng A vẫn ở lại tiếp tục dùng gót chân thúc mạnh vào hai mạng sườn và dậm chân lên ngực H cho tới khi H bất tỉnh mới thôi. Hậu quả là H bị chết. Kết quả giám định kết luận H bị chết là do bị vỡ lá lách, chảy máu trong, phổi xung huyết mất máu cấp. Với hành vi phạm tội như trên Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều kết án cả A, B và C về tội giết người. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định chỉ kết án Trần Tuấn A về tội giết người, còn Phạm Quốc B và Nguyễn Hồng C không bị kết án về tội giết người mà chỉ bị kết án về tội cố ý gây thương tích, vì xác định hành vi của Trần Tuấn A là hành vi vượt quá nên B và C không phải chịu về hậu quả do hành vi thái quá của A gây ra. Trong trường hợp này, hành vi vượt quá của người thực hành đã cấu thành tội phạm khác (tội giết người), nhưng hành vi này cùng tính chất với hành vi của những người đồng phạm khác (cùng đấm đá, cùng xâm phạm đến sức khỏe của con người).

Trường hợp thứ hai:

Hành vi vượt quá của người thực hành chưa cấu thành tội phạm khác mà nó vẫn là tội phạm mà những người đồng phạm khác có ý định thực hiện. Ví dụ: Lê Khắc T là thủ kho, Trần Thị M là kế toán và Vũ Văn B là bảo vệ Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ một thành viên, bàn với nhau về việc vào lấy trộm 100kg mì chính (bột ngọt) ở kho do T quản lý bán lấy tiền chia nhau. T và B được phân công trực tiếp vào kho lấy mì chính còn M có nhiệm vụ sửa chữa sổ sách để hợp thức hóa việc thiếu 100kg mì chính. Nhưng trước khi vào kho lấy mì chính T bàn với B lấy thêm 50kg để chia nhau mà không cho M biết. Trường hợp này, rõ ràng B và T có hành vi vượt quá, nhưng hành vi vượt quá này không cấu thành một tội phạm khác riêng biệt, cả M, T và B đều phạm tội tham ô tài sản, nhưng tính chất và mức độ phạm tội của B và T có khác M. trách nhiệm hình sự của T và B phải nặng hơn M.

Sự phân biệt hai loại hành vi vượt quá như trên chỉ có ý nghĩa trong công tác nghiên cứu khoa học, còn thực tiễn xét xử dù là vượt quá về chất lượng hay về số lượng của hành vi thì những người đồng phạm khác đều không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.

Trong thực tiễn, khi xác định những người đồng phạm khác có phải chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá của người thực hành hay không cũng phức tạp. Bởi vì, trong quá trình thực hiện tội phạm, người thực hành có nhiều hành vi nhằm đạt được mục đích mà những người đồng phạm khác cũng mong muốn, trong đó có hành vi được những người đồng phạm khác biết trước và đồng tình, nhưng cũng có những hành vi không được những người đồng phạm khác biết trước, không mong muốn hậu quả của những hành vi đó xảy ra, nhưng thái độ bỏ mặc, muốn ra sao thì ra. Vậy vấn đề trách nhiệm hình sự được xác định như thế nào khi người thực hành có những hành vi gây ra hậu quả mà mình không biết, không mong muốn ? Ví dụ: A, B và C chỉ bàn bạc với nhau về việc đến uy hiếp chủ nhà để cướp tài sản. Khi đi chúng có mang theo dao găm, dây trói, giẻ và trái chanh để bịt miệng. Tới nơi, A và B trói chủ nhà, nhét trái chanh vào miệng, lấy giẻ buộc lại và giao cho C canh giữ. Thấy giẻ bịt miệng chủ nhà tuột ra, C sợ chủ nhà kêu cứu, nên đã bóp cổ làm chủ nhà bị chết. Có ý kiến cho rằng hành vi bóp cổ chủ nhà của C là hành vi vượt quá nên C phạm tội giết người và cướp tài sản, còn C và B không chịu trách nhiệm về hành vi và hậu quả do hành vi vượt quá của C gây ra nên chỉ phạm tội cướp tài sản. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể này, tuy A, B và C không bàn bạc với nhau từ trước về việc giết người, nhưng A và B bỏ mặc cho C hành động, không quan tâm đến hậu quả do hành vi của C gây ra, miễn là cướp được tài sản; việc C bóp cổ chủ nhà cũng là nhằm cho đồng bọn thực hiện trót lọt việc lấy tài sản mà cả A và B đều mong muốn. Do đó cái chết của chủ nhà do C trực tiếp gây ra nhưng phải buộc cả A và B cùng phải chịu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, nếu những người đồng phạm để cho người thực hành hoàn toàn tự do hành động nhằm đạt được mục đích của tội phạm mà mình mong muốn, thì mọi hành vi của người thực hành không được coi là hành vi vượt quá và những người đồng phạm khác phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi và hậu quả của người thực hành gây ra.

Việc để cho người thực hành tự do hành động, tức là người thực hành không bị hạn chế hay ràng buộc nào của những người đồng phạm khác. Nếu những người đồng phạm khác lại có hành vi ngăn cản hay hành động tích cực để ngăn chặn hậu quả, thì những người này cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự. Ví dụ: Trương Quang T, Vũ Minh H và Hoàng Công V bàn bạc đến nhà cậu ruột của V để cướp. V không trực tiếp thực hiện mà giao cho T và H chỉ được trói chủ nhà để uy hiếp lấy tài sản chứ không được gây án mạng. Vì sợ bọn H và T làm ẩu nên trước khi trước khi đi, V đã kiểm tra và giữ lại hai dao găm mà bọn H và T định mang theo. Trên đường đến nhà cậu của V để cướp, H và T tự ý về nhà H lấy một khẩu súng ngắn mà H đã chuẩn bị từ trước, vì chúng cho rằng không có vũ khí thì không thể làm gì được. Tới nơi, H và T dùng súng uy hiếp bắt trói chủ nhà, rồi lục soát tài sản. Trong khi bọn chúng đang lục soát thì chủ nhà tự cởi được trói, kêu cứu, H đã dùng súng bắn chết chủ nhà. Trong trường hợp này hành vi của H cũng là hành vi nhằm thực hiện tội cướp mà cả V đã bàn bạc từ trước, nhưng V đã có những hành động tích cực nhằm hạn chế, ngăn chặn hậu quả nên V không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người do H và T gây nên.

Thực tiễn xét xử cũng có những trường hợp nếu chỉ căn cứ đơn thuần vào hành động hoặc lời nói của những người đồng phạm khác (chủ mưu, tổ chức, xúi giục, giúp sức) thì thấy họ có ý thức bỏ mặc cho hậu quả do người thực hành thực hiện tội phạm, nên đã buộc những người này phải chịu trách nhiệm về hậu quả mà người thực hành gây ra. Nhưng nếu căn cứ vào nội dung của hành động và lời nói của họ thì họ không ý thức bỏ mặc cho hậu quả do người thực hành gây ra vì nếu như vậy thì họ không thực hiện được mục đích của mình. Ví dụ: Nguyễn Tiến N là đội phó đội điều tra Công an huyện Y và Tống Viết Q là điều tra viên được phân công điều tra vụ án mà Hà Văn T là người tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Trong quá trình điều tra, mặc dù có căn cứ để xác định rằng T đã tiêu thụ 17 cái máy bơm bị trộm cắp chứ không phải chỉ có 4 cái như T thừa nhận, nên phải ra lệnh bắt giam T để tiếp tục làm rõ hành vi phạm tội của T. T được giam chung với một số phạm nhân trong đó có Bùi Xuân P được các phạm nhân khác mệnh danh là “đầu gấu” trong buồng giam. Q đã nhiều lần lấy lời khai của T nhưng T một mực không nhận, N và Q nói với P phải đánh cho T một trận thì nó mới khai đúng sự thật. Để lấy lòng cán bộ điều tra và cũng vì sợ không đánh T thì sẽ không được yên nên P tổ chức cho các phạm nhân cùng buồng đánh đập T rất dã man làm cho T bị ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu thì bị chết.

Khi xem xét trách nhiệm của Nguyễn Tiến N và Tống Viết Q, có ý kiến cho rằng, mặc dù Q và N không có ý định tước đoạt tính mạng của T từ trước, nhưng đã có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra, không có biện pháp ngăn chặn. Việc P cùng các phạm nhân khác đánh chết T là do câu nói của Q và N “đánh cho nó một trận để nó khai ra sự thật”, do đó, N và Q phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người với vai trò xúi giục. Tuy nhiên, căn cứ vào lời nói của N và Q thì thấy, nếu N và Q để mặc cho bọn P đánh chết anh T thì về thực tế không đạt được mục đích là làm cho anh T khai ra sự thật, còn về pháp lý nói đánh cho một trận sẽ khai ra chứ không phải đánh một trận cho nó biết thế nào là tù tội, hoặc mày cứ đánh cho một trận muốn ra sao thì ra. Vì thế trong trường hợp này việc bọn P đánh T bị chết là ngoài mục đích của N và Q nên hành vi của P và đồng bọn là hành vi vượt quá của người thực hành. Do đó N và Q không phải chịu trách nhiệm hình sự về cái chét của anh T. Tuy nhiên hành vi của N và Q nói đánh cho nó một trận cũng tức là mong muốn cho T bị thương tích hoặc bị tổn hại đến sức khỏe, nên hành vi của N và Q phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích.

Tóm lại, vấn đề loại trừ trách nhiệm hình sự đối với những người đồng phạm khác (không phải là người thực hành) trong vụ án có đồng phạm không chỉ liên quan đến hành vi vượt quá của người thực hành mà còn liên quan đến nhiều chế định khác như: tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, vấn đề lỗi, các điều kiện của đồng phạm và phạm tội có tổ chức, v.v.. Hành vi vượt quá của người thực hành lại liên quan trực tiếp đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự của người đồng phạm khác, nên có thể nói hành vi vượt quá của người thực hành chính là điều kiện (căn cứ) để loại trừ trách nhiệm hình sự đối với những người đồng phạm khác.

Đinh Văn Quế - Nguyên Chánh tòa Hình sự TANDTC


[1]Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến người thực hành, còn những người khác bạn đọc có thể tham khảo Cuuón Bình luận phần chung BLHS của tác giả NXB Tổng hợp Tp.HCM-1999 (Phần nói về đồng phạm)

[2] Điều luật này sắp tới sẽ được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết 144 của Quốc hội vì có nhiều điểm không hợp lý

Nguồn: TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TAND TỐI CAO

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê