Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Trao đổi nghiệp vụ: Các vấn đề về dân sự, hôn nhân & gia đình (kỳ 2)

21/08/2016, 05:55

luatsuhongocdiep.vn tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc những nội dung trao đổi nghiệp vụ của Học viện Toà án liên quan đến các vấn đề về dân sự, hôn nhân & gia đình.

Câu hỏi 6. Trong vụ án tranh chấp thừa kế là quyền sử dụng đất. Nếu thửa đất được cấp giấy CNQSDĐ cho một người không đúng thì Tòa án có đồng thời hủy giấy CNQSDĐ đó không? Nếu hủy giấy CNQSDĐ đất thì có đưa Uỷ ban nhân dân nơi cấp giấy vào tham gia tố tụng không?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 32a BLTTDS quy định: “Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết. Trong trường hợp này, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng.”

Như vậy, trong trường hợp nêu trên nếu việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là rõ ràng trái pháp luật thì Tòa án có quyền hủy GCNQSDĐ đã được cấp. Nếu Tòa án dự kiến sẽ hủy GCNQSDĐ đó thì phải đưa Ủy ban nhân dân đã cấp giấy chứng nhận đó tham gia tố tụng và thẩm quyền của Tòa án được xác định theo Luật tố tụng hành chính.Ví dụ: cơ quan cấp GCNQSDĐ là UBND cấp huyện thì Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự và hủy GCNQSDĐ là TAND án cấp huyện; nếu cơ quan cấp GCNQSDĐ là UBND cấp tỉnh thì thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự và hủy GCNQSDĐ là TAND cấp tỉnh. Như vậy, sẽ có tình trạng vụ án dân sự đang thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện, do có dự kiến hủy quyết định hành chính, vụ án trở thành thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh.

Cần chú ý là điều kiện để áp dụng Điều 32a trên là quyết định cá biệt phải rõ ràng trái pháp luật. Trong trường hợp chưa phải rõ ràng trái pháp luật thì Tòa án không được giải quyết ngay trong vụ án dân sự. Việc Tòa án không giải quyết hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không làm cản trở Tòa án giải quyết vụ án dân sự. Sau khi Tòa án có bản án, quyết định về việc giải quyết vụ án dân sự thì cơ quan hành chính có nghĩa vụ thay đổi giấy chứng nhận theo quyết định của Tòa án căn cứ vào Điểm đ, Khoản 5 Điều 41 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ.

Trường hợp cơ quan hành chính không thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án thì đương sự có quyền khởi kiện vụ án hành chính.

Câu hỏi 7.

Năm 2005, UBND huyện A cấp giấy CNQSDĐ đất diện tích 550m2 đất đình làng cho thôn B để xây dựng nhà văn hóa thôn. Trước khi cấp giấy CNQSDĐ, ông C đã  chiếm một phần diện tích đất trên  làm nhà ở.

Năm 2012, Trưởng thôn B đã làm đơn kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông B phải trả lại đất và bồi thường cho thôn do sử dụng đất trái pháp luật là 93.000.000 đồng.

Vụ kiện trên có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án không? Trưởng thôn hay già làng có được quyền tham gia tố tụng không?

Trả lời:

Thôn không phải là một pháp nhân và cũng không phải là một chủ thể độc lập theo quy định của pháp luật dân sự. Theo quy định của pháp luật dân sự thì chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân, pháp nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình.

Thôn không phải là một pháp nhân nên Trưởng thôn không đương nhiên thay mặt cho thôn trong các quan hệ pháp luật dân sự và tố tụng dân sự. Ủy ban nhân dân cấp đất cho thôn là cấp cho cộng đồng dân cư thôn đó nên Trưởng thôn phải tham gia tố tụng với tư cách là người được cộng đồng dân cư ủy quyền.

Như vậy, chủ thể tố tụng là cộng đồng dân cư, cộng đồng dân cư cũng là người được giao đất, là chủ sử dụng đất nên có quyền khởi kiện yêu cầu người đang chiếm giữ một phần đất trả lại đất. Do đó, đây là quan hệ tranh chấp dân sự, đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Quyền tham gia tố tụng phải là đại diện theo ủy quyền của cộng đồng dân cư. Đại diện ở đây có thể là Trưởng thôn hoặc người khác được cộng đồng dân cư ủy quyền tham gia tố tụng.

Câu hỏi 8. Trong vụ án ly hôn mà bị đơn đang bị tạm giam, thi hành án phạt tù thì Tòa án có thể hòa giải tại trại giam được không?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 180 BLTTDS quy định:

“1. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Toà án tiến hành hoà giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hoà giải hoặc không tiến hành hoà giải được quy định tại Điều 181 và Điều 182 của Bộ luật này.”

Trường hợp một bên đương sự (bị đơn) đang bị tạm giam, đang thi hành án phạt tù thì không thuộc trường hợp không được hòa giải theo Điều 181 BLTTDS, do vậy, việc hòa giải phải được thực hiện trừ trường hợp không tiến hành hòa giải được theo Điều 182 BLTTDS.

Về nguyên tắc, chưa có quy định cơ quan đang quản lý người bị tạm giam, trại giam nơi người �ang thi hành án phạt tù phải có nghĩa vụ dẫn giải người bị tạm giam, người đang thi hành án phạt tù đi thực hiện công việc riêng hay việc giải quyết vụ án dân sự. Vì vậy,việc hòa giải được tiến hành nếu cơ quan đang quản lý người bị tạm giam, trại giam nơi người đang thi hành án phạt tù tổ chức được việc hòa giải tại trại giam. Trường hợp cơ quan đang quản lý người bị tạm giam, trại giam nơi người đang thi hành án phạt tù không tổ chức được việc hòa giải thì phải coi là trường hợp không tiến hành hòa giải được.

Pháp luật không quy định về địa điểm tiến hành hòa giải giữa các đương sự nên việc hòa giải nói chung được thực hiện tại trụ sở của Tòa án nhưng cũng có thể được thực hiện ở nơi khác, kể cả nơi đương sự (bị đơn) đang bị tạm giam hay thi hành án phạt tù.

Câu hỏi 9. Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Tòa án đã định giá tài sản. Một bên đương sự khiếu nại cho rằng giá mà Hội đồng định giá là thấp và có đưa ra một số chứng cứ chứng minh. Tòa án đã trưng cầu định giá lại. Khi có kết quả định giá lại, đương sự này vẫn không đồng ý với kết quả định giá mặc dù không đưa được chứng cứ chứng minh và cũng không có đơn đề nghị định giá lại. Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, kiểm sát viên tham gia phiên tòa, nghiên cứu hồ sơ vụ án có kiến nghị đề nghị Tòa án xem xét lại kết quả định giá. Trường hợp này Tòa án có phải tiến hành định giá lại không?

Trả lời:

Cần phải phân biệt quyền yêu cầu định giá tài sản,tức là quyền yêu cầu giám định về giá cả là một quyền tố tụng của đương sự, khác với quyền đánh giá của đương sự về kết quả định giá, giá cả của tài sản tranh chấp. Do vậy, nếu đương sự không có yêu cầu định giá mà chỉ cho rằng kết quả định giá chưa đúng thì chưa có căn cứ để Tòa án quyết định định giá lại. Tòa án tự quyết định định giá lại trong trường hợp này là không đúng.

Sau khi có kết quả định giá lại mà đương sự vẫn có ý kiến về kết quả định giá thì đó là quyền của đương sự. Cũng như ý kiến kiến nghị của Kiểm sát viên về định giá cũng sẽ được Hội đồng xét xử xem xét khi giải quyết vụ án.

Câu hỏi 10. Anh A nộp đơn yêu cầu Tòa án cho ly hôn với chị B. Trong quá trình Tòa án giải quyết, anh A và chị B đã thỏa thuận ly hôn và thỏa thuận về việc  nuôi con chung. Tuy nhiên, về tài sản thì còn có một mảnh đất mà chị B đã ký chuyển nhượng cho C và anh A không đồng ý việc chuyển nhượng này. Chị B thừa nhận chị đã đã ký vào hợp đồng và được công chứng (trong hợp đồng ghi phần bên bán có cả tên của anh A). Hiện nay C đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tòa án có giải quyết về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất này trong cùng một vụ án hay tách ra giải quyết bằng một vụ án khác?

Trả lời:

Đây là trường hợp ly hôn có tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là tài sản chung vợ chồng.

Khoản 1 Điều 5 BLTTDS quy định:

“1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Toà án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.”

Với nguyên tắc quy định như trên, khi ly hôn, đương sự yêu cầu giải quyết về tài sản nào thì Tòa án giải quyết tài sản đó. Vợ chồng có thể tự giải quyết chia tài sản và việc tự chia ấy cũng là có hiệu lực nếu thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Vợ chồng cũng có quyền thỏa thuận về việc chia tài sản và yêu cầu Tòa án công nhận. Đối với tài sản tranh chấp thì vợ chồng cũng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết đối với từng loại tài sản và có thể yêu cầu giải quyết ở các thời điểm khác nhau, các vụ án khác nhau. Do vậy, nếu hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà có đương sự yêu cầu giải quyết cùng với vụ án ly hôn (hoặc anh A, hoặc chị B, hoặc C) thì quan hệ tranh chấp này cần phải được giải quyết.

(còn tiếp…)

Nguồn: TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỌC VIỆN TOÀ ÁN

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác