Thủy Kính tiên sinh: Sự ẩn hiện huyền cơ trong Tam Quốc. Bài 2: Một kỳ nhân đầy bí ẩn
Trao đổi nghiệp vụ: Các vấn đề về hình sự (kỳ 1)
Với tư cách là cơ quan chuyên môn, có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho thẩm phán, cán bộ ngành toà án các cấp… hàng năm, Học viện Toà án (trực thuộc TAND Tối cao) đều có những văn bản mang tính hệ thống hoá việc trao đổi nghiệp vụ trong năm. Luatsuhongocdiep.vn xin giới thiệu đến bạn đọc những nội dung trao đổi và giải đáp pháp luật này.
PHẦN I: CÁC VẤN ĐỀ VỀ HÌNH SỰ
Câu hỏi 1. Những trường hợp được đương nhiên xóa án tích theo Nghị Quyết 33 năm 2009 (và Nghị quyết 32 năm 1999) của Quốc Hội có giống những trường hợp đương nhiên xóa án tích quy định tại Điều 64 Bộ luật hình sự không?
Trả lời:
Là một chế định của pháp luật hình sự nên “đương nhiên xóa án tích” theo Điều 64 Bộ luật hình sự (BLHS) và “đương nhiên xóa án tích” theo Nghị quyết số 33 năm 2009 của Quốc hội (và Nghị quyết 32 năm 1999) cũng đều chung một hệ quả pháp lý: đương nhiên xóa án tích là trường hợp được coi là chưa can án mà không cần có sự xem xét, quyết định của Tòa án.
Tuy nhiên, do có tính chất pháp lý khác nhau (đối tượng, điều kiện, ý nghĩa pháp lý…) nên đây là hai trường hợp hoàn toàn khác nhau:
Đương nhiên xóa án tích theo quy định Điều 64 BLHS là trường hợp đương nhiên xóa án tích theo các điều kiện quy định của BLHS.
Điều 64 BLHS quy định những trường hợp sau thì được đương nhiên xóa án tích:
Một là: Là người được miễn hình phạt;
Hai là: Người bị kết án không phải về các tội quy định tại chương XI và chương XXIV của Bộ luật này, nếu từ khi chấp hành xong bản án và không phạm tội mới trong khoảng thời gian nhất định nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) Một năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) Ba năm trong trong trường hợp hình phạt là tù đến ba năm;
c) Năm năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên ba năm đến mười lăm năm;
d) Bảy năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên mười lăm năm”.
Đương nhiên xóa án tích theo Nghị quyết số 33 năm 2009 của Quốc Hội là trường hợp xóa án tích theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS (Nội dung của Nghị quyết này cũng tương tự như Nghị quyết số 32/1999/NQ-QH10 ngày 21/12/1999 về việc thi hành BLHS năm 1999). Theo quy định tại điểm d, đ, e Nghị quyết số 33 năm 2009 của Quốc Hội thì đối với các trường hợp đã bị kết án về tội phạm theo BLHS năm 1999 nhưng Luật sửa đổi, bổ sung không quy định đó là tội phạm nữa thì những người này đương nhiên được xóa án tích.
Nói cách khác, đương nhiên xóa án tích tại Điều 64 BLHS là trường hợp xóa án tích có điều kiện theo quy định của BLHS (ví dụ người bị kết án mà không thuộc trường hợp được miễn hình phạt thì phải chấp hành xong hình phạt và không phạm tội mới trong thời gian…), còn đương nhiên xóa án tích theo Nghị quyết 33 năm 2009 của Quốc Hội (và Nghị quyết số 32 năm 1999) là hệ quả tất yếu khi Luật sửa đổi, bổ sung quy định hành vi đó không phải là tội phạm nữa nên không cần thỏa mãn điều kiện về xóa án tích của BLHS.
Câu hỏi 2. BLHS có một số tội danh được quy định ghép các hành vi phạm tội khác nhau vào cùng một điều luật (Tội danh ghép), ví dụ Điều 230 về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khi quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự. Nếu một người phạm tội đủ cấu thành tất cả các tội ghép như trong điều luật thì Tòa án xét xử tất cả các tội như điều luật quy định hay chỉ xét xử về một tội chung?
Trả lời:
BLHS có quy định nhiều tội danh ghép, đây là các tội phạm độc lập khác nhau, có cấu thành tội phạm khác nhau nhưng được quy định cùng trong một điều luật.
Về nguyên tắc xử lý hình sự, người thực hiện nhiều hành vi phạm tội mà mỗi hành vi đều đủ dấu hiệu cấu thành các tội độc lập thì phải chịu trách nhiệm hình sự về từng tội độc lập. Khi xét xử, Tòa án áp dụng Điều 50 của BLHS để quyết định hình phạt chung về trường hợp phạm nhiều tội.
Ví dụ: A mua bán một loại tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy và bị bắt, khi khám nhà phát hiện người đó còn tàng trữ một loại tiền chất khác nhưng không nhằm mục đích để mua bán. Trong trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội mua bán tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy” và “Tội tàng trữ tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy” theo quy định tại Điều 195 của BLHS. Nếu mỗi tội A bị phạt 5 năm tù thì tổng hợp hình phạt A phải chịu là 10 năm tù.
Tuy nhiên cần lưu ý: Trong các tội danh ghép, nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội nhưng các hành vi đó có liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện hoặc là hệ quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội.
Ví dụ: B mua ma túy tại Quảng Ninh rồi vận chuyển về Hà Nội và tàng trữ ma túy đó tại quận Đống Đa để bán và bị bắt thì B chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội với tên tội danh là “Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy” theo Điều 194 của BLHS và chỉ phải chịu một chung một hình phạt.
Tham khảo Thông tư số liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn một số quy định tại chương XVIII “các tội phạm về ma túy”
Câu hỏi 3. Điều 115 BLHS quy định: “Người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm”. Quy định như vậy có trái với Điều 12 BLHS “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm” hay không ?
Trả lời:
Điều 115 BLHS quy định chỉ người đã thành niên (đủ 18 tuổi) mới phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội giao cấu với trẻ em” mà không trái với Điều 12 BLHS, bởi vì:
Điều 2 BLHS đã khẳng định rõ: “chỉ người nào phạm một tội đã được BLHS quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Mỗi một tội phạm cụ thể có cấu thành tội phạm khác nhau, các tội phạm khác nhau có thể có sự giống nhau nhất định nhưng không bao giờ hoàn toàn giống nhau.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là một dấu hiệu pháp lý về mặt chủ thể của tội phạm được phản ánh trong tất cả các cấu thành tội phạm và được quy định là một quy định chung tại Điều 12 BLHS “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm”.
Tuy nhiên, đối với một số tội phạm cụ thể, tùy thuộc vào chính sách hình sự, đường lối xử lý, mục đích và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm mà BLHS có quy định riêng về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Nói cách khác, cấu thành tội phạm của loại tội này “Tội giao cấu với trẻ em” (Điều 115) và “Tội dâm ô với trẻ em” (Điều 116) được BLHS quy định là cấu thành tội phạm đặc biệt, chủ thể thực hiện tội phạm phải là người đủ 18 tuổi trở lên (người đã thành niên) mới cấu thành tội phạm.
Câu hỏi 4. Một người dùng gậy đập phá tài sản của người khác trong đó có những tài sản bị phá hỏng hoàn toàn (trị giá trên 2 triệu đồng) có những tài sản chỉ hư hỏng một phần (trị giá cũng trên 2 triệu đồng). Vậy, định tội danh là “Tội hủy hoại tài sản” hay “Tội hủy hoại và cố ý làm hư hỏng tài sản”?
Trả lời:
“Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” là một tội ghép, vì vậy việc truy cứu trách nhiệm hình sự phải tuân theo nguyên tắc xử lý về tội ghép, tức là nếu người thực hiện có cả hành vi hủy hoại và hành vi cố ý làm hư hỏng mà mỗi hành vi đều đủ dấu hiệu cấu thành hai tội độc lập thì phải chịu trách nhiệm hình sự về từng tội độc lập. Khi xét xử, Tòa án áp dụng Điều 50 của Bộ luật hình sự để quyết định hình phạt chung về trường hợp phạm nhiều tội.
Về ý chí chủ quan của Tội hủy hoại và Tội cố ý làm hư hỏng tài sản, mặc dù khác nhau về mục đích của tội phạm, nhưng không phải trường hợp nào cũng xác định được ý chí chủ quan của người phạm tội. Thực tiễn trong hầu hết các trường hợp chỉ có thể xác định được sự khác nhau về tính chất mức độ thiệt hại gây ra của hành vi trái pháp luật. Do đó, để phân biệt là Tội hủy hoại hay cố ý làm hư hỏng tài sản thì hậu quả thiệt hại thường được xem là cơ sở chủ yếu để xác định tội danh.
Cùng một hành vi phạm tội như nhau, nếu tài sản chỉ bị hư hại một phần thì cấu thành tội cố ý làm hư hỏng tài sản, nhưng nếu tài sản bị hủy hoại hoàn toàn thì cấu thành tội hủy hoại tài sản.
Thực tiễn phạm tội cho thấy, hành vi phạm tội có thể làm cho nhiều tài sản bị thiệt hại, trong đó có tài sản chỉ bị hư hỏng một phần, có tài sản bị hủy hoại hoàn toàn (tài sản bị hư hỏng và tài sản bị hủy hoại đều có giá trị trên hai triệu đồng); có trường hợp nhiều tài sản mà giá trị tài sản bị hiệt hại lại khác nhau, trong đó có tài sản bị thiệt hại giá trị dưới hai triệu đồng và có tài sản bị thiệt hại trên hai triệu đồng.
Theo nguyên tắc một hành vi phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội phạm nên người phạm tội chỉ phải chịu về một tội và thực tiễn xét xử cho phép thực hiện nguyên tắc cộng tổng giá trị thiệt hại của tài sản bị hủy hoại và tài sản bị hư hỏng để xác định giá trị thiệt hại chung (Thông thường Tội bị truy cứ trách nhiệm hình sự là tội danh mà giá trị tài sản bị thiệt hại nhiều hơn).
Ví dụ 1: A đập phá tài sản của người khác, tổng thiệt hại được xác định là 10 triệu nhưng phần tài sản bị hủy hoại là 7 triệu đồng và phần tài sản bị hư hỏng giá trị là 3 triệu đồng thì A phải chịu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại tài sản với mức thiệt hại xác định là 10 triệu đồng.
Ví dụ 2: B đập phá tài sản của người khác, tổng thiệt hại được xác định là 10 triệu nhưng phần tài sản bị hủy hoại là 2 triệu đồng và phần tài sản bị hư hỏng giá trị là 8 triệu đồng thì A phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm hư hỏng tài sản với mức thiệt hại xác định là 10 triệu đồng.
Câu hỏi 5. Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán được phân công xét xử vụ án hình sự triệu tập bị can và bị hại để hòa giải phần bồi thường dân sự trong vụ án hình sự có vi phạm về thủ tục tố tụng hình sự không?
Trả lời:
BLTTHS không quy định thủ tục Thẩm phán triệu tập bị can và bị hại để thực hiện việc hòa giải vì hòa giải trong tố tụng hình sự không phải là thủ tục bắt buộc (trừ trường hợp việc giải quyết vấn đề dân sự được tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự theo Điều 28 BLTTHS thì trình tự, thủ tục phải theo tố tụng dân sự). Tuy nhiên, nếu đương sự hoặc bị can (trường hợp bị can được tại ngoại) có đề nghị hoặc Thẩm phán xét thấy cần thiết mà Thẩm phán triệu tập các bên để thương lượng, thỏa thuận với nhau về việc bồi thường thì cũng không coi là vi phạm thủ tục tố tụng hình sự.
Thực tiễn xét xử cho thấy khi đương sự và bị can có yêu cầu, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn tạo điều kiện cho các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự và trường hợp các bên tự nguyện thỏa thuận được với nhau thì Tòa án công nhận việc thỏa thuận của các đương sự và sự thỏa thuận này được ghi vào phần quyết định của bản án (mà không ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự).
(Còn tiếp…)
Nguồn: TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỌC VIỆN TOÀ ÁN.