Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Vì sao luật sư hay phản ứng về cách xét hỏi của tòa?

31/03/2017, 10:36

Thực tiễn xét xử cho thấy, nhiều Hội đồng xét xử (HĐXX) khi xét hỏi bị cáo thường có tâm lý muốn khuất phục bị cáo nhận tội hoặc có định kiến sẵn về việc phạm tội của bị cáo. Và đây là lý do các luật sư (LS) thường phản ứng về cách xét hỏi tại phiên tòa.

Xét hỏi như kết tội bị cáo?

Cách đây không lâu, TAND tỉnh Kon Tum đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án Phan Tiến Dũng và đồng phạm bị TAND huyện Đắk Hà kết tội về hành vi “Trộm cắp tài sản” khi cưa cây gỗ chết khô trong rừng.

Ngay trong phần xét hỏi, phiên tòa đã “nóng” lên bởi sự phản ứng của các LS khi cho rằng, chủ tọa phiên tòa thực hiện việc xét hỏi như kết tội bị cáo. Đáp lại, chủ tọa phiên tòa cho rằng, mình là chủ tọa nên có quyền điều khiển phiên tòa…

Gần đây nhất là một trường hợp báo Pháp luật TP.HCM vừa phản ánh. Đó là  phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Bích Khiêm bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, diễn ra vào ngày 28-3 tại TAND tỉnh Đồng Tháp.

Khi tòa đang thẩm vấn thì LS bào chữa cho bị cáo bỗng nói lớn: “Tôi phản đối chủ tọa hỏi mớm cung bị cáo!”, rồi cùng một LS đồng nghiệp đứng phắt lên, không chịu ngồi. Hai LS giữ nguyên tư thế đứng thẳng người, khiến không khí phòng xử khá căng thẳng.

Chúng ta đều biết, mặc dù BLTTHS  không quy định cụ thể các nội dung hay vấn đề nào cần phải được xét hỏi tại phiên tòa. Tuy nhiên, bản chất của việc xét hỏi tại phiên tòa là nhằm kiểm tra tính hợp pháp của chứng cứ cũng như xác định sự thật khách quan của vụ án. Vì vậy, về nguyên tắc, HĐXX phải xét hỏi một cách khách quan, toàn diện vụ án. Không thành kiến hoặc định kiến trước, không quy chụp hay đặt câu hỏi theo kiểu dụ cung, mớm cung hay bức cung đối với bị cáo.

Nói chung, cách xét hỏi của HĐXX phải làm sao cho bị cáo cũng như những người tham gia tố tụng khác, không có cảm giác tòa đang muốn kết tội bị cáo hoặc thông qua việc xét hỏi, họ có thể biết được ý định của HĐXX về bản án sẽ tuyên.

Không nhất thiết phải khuất phục bị cáo nhận tội.

Theo tinh thần quy định tại khoản 2 các điều 64, 72 BLTTHS thì lời khai của bị can, bị cáo cũng chỉ là một trong những nguồn chứng cứ của vụ án. Riêng đối với  lời nhận tội của bị can, bị cáo thì chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.

Điều 66 BLTTHS về đánh giá chứng cứ cũng quy định: mỗi chứng cứ phải được đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án… Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và Hội thẩm xác định và đánh giá mọi chứng cứ với đầy đủ tinh thần trách nhiệm…

Từ những quy định nêu trên về đánh giá chứng cứ, có thể thấy, pháp luật tố tụng hình sự nói chung, hoàn toàn không có sự quy định về mức độ tin cậy của các loại chứng cứ, cũng như không khẳng định trước, chứng cứ nào có giá trị hơn chứng cứ nào.

Như vậy, cho dù bị can, bị cáo nhận tội tại phiên tòa, nhưng nếu lời nhận tội đó không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án hoặc cơ quan tố tụng không chứng minh được một cách đầy đủ hành vi phạm tội của bị cáo thì lời nhận tội đó cũng không thể là chứng cứ để kết tội họ.

Vì vậy, HĐXX cũng không nhất thiết phải thông qua việc xét hỏi để  khuất phục bị cáo nhận tội tại phiên tòa.

Tôi tin rằng, sự thay đổi quan niệm của HĐXX trong cách xét hỏi, không những sẽ làm cho phiên tòa không còn sự căng thẳng giữa luật sư và HĐXX, giữa người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, mà không khí phiên tòa còn tôn nghiêm hơn. Và lúc đó, tòa án sẽ thực sự là cơ quan tài phán cả về vị trí tố tụng lẫn cung cách, tác phong theo đúng nghĩa của chế định này.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP.

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê