Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

“Bác kháng cáo kêu oan thì không xét giảm án” là nguyên tắc luật định (*)

16/09/2016, 09:15

Vấn đề “bị cáo chỉ kêu oan thì tòa phúc thẩm không giảm án” vốn là một nguyên tắc pháp lý đã được minh định trong pháp luật tố tụng hình sự. Thế nhưng, từ quan điểm của luật sư tại phiên toà, nguyên tắc này “ bỗng dưng” trở thành chủ đề gây tranh cãi…

Tại phiên toà phúc thẩm xét xử vụ án Võ Văn Minh can tội “Cưỡng đoạt tài sản” của Công ty TNHH Tân Hiệp Phát, sau khi nghe vị  đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM phát biểu quan điểm luận tội, luật sư (LS) Phạm Công Hùng (một trong sáu LS bào chữa cho bị cáo Minh) đã cho rằng: “Giảm án hay không phải có căn cứ pháp luật. Làm gì có chuyện kêu oan thì không được áp dụng các tình tiết có lợi cho bị cáo”.

Quan điểm này ngay sau đó cũng được một số luật sư, chuyên gia pháp lý lên tiếng ủng hộ. Theo đó, các ý kiến này cho rằng, toà án cấp phúc thẩm hoàn toàn có quyền sửa bản án sơ thẩm theo hướng giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, kể cả trong trường hợp bị cáo chỉ kháng cáo kêu oan mà không có yêu cầu xem xét giảm nhẹ hình phạt (**)

Vậy, theo quy định của pháp luật, HĐXX phúc thẩm có được phép vừa quyết định bác kháng cáo kêu oan, vừa quyết định sửa bản án sơ thẩm theo hướng giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo hay không?

Theo tinh thần quy định tại Điều 248 BLTTHS về bản án phúc thẩm và thẩm quyền của toà án cấp phúc thẩm thì: bản án phúc thẩm phải trình bày “… nội dung kháng cáo, kháng nghị và các căn cứ để đưa ra một trong các quyết định quy định tại khoản 2 điều này…”.

Các quyết định quy định tại khoản 2 điều 248 BLTTHS bao gồm:

a/ Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm;

b/ Sửa bản án sơ thẩm;

c/ Huỷ bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại;

d/ Huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

Như vậy, theo tinh thần quy định tại điều 248 BLTTHS thì bản án phúc thẩm chỉ có thể đưa ra “một trong các quyết định” nêu trên, chứ không thể cùng lúc đưa ra nhiều quyết định theo kiểu vừa đưa ra quyết định “ không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị…” (theo điểm a) lại vừa đưa ra quyết định “ sửa bản án sơ thẩm” (theo điểm b).

Ngoài ra, quy định tại điểm a khoản 2 của điều luật này cũng cho thấy, một khi bản án phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị thì phải đồng thời giữ nguyên bản án sơ thẩm. Vì hai nội dung "bác kháng cáo..." và "giữ nguyên án sơ thẩm" cùng nằm trong một (loại) quyết định thuộc điểm a khoản 2 điều 248 BLTTHS.

Điều này còn được thể hiện qua việc nhà làm luật sử dụng liên từ “và’ nối liền giữa các cụm từ, không chỉ cho riêng điểm (a) mà còn cho cả các điểm c,d của khoản 2 điều 248 BLTTHS. Theo đó, giữ nguyên bản án sơ thẩm như là hệ quả của việc bác kháng cáo kháng nghị khi áp dụng điểm a; cũng như chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại là hệ quả của việc huỷ bản án sơ thẩm khi áp dụng điểm c; hay như đình chỉ vụ án là hệ quả của việc huỷ bản án sơ thẩm khi áp dụng điểm d…

Như vậy, trong mọi trường hợp, khi bản án phúc thẩm áp dụng điểm a khoản 2 điều 248 BLTTHS, xử: không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo thì phải đồng thời tuyên, giữ nguyên bản án sơ thẩm, chứ không thể chỉ áp dụng “một nửa” nội dung quyết định là “không chấp nhận kháng cáo kêu oan”, sau đó lại chuyển sang áp dụng tiếp nội dung quyết định tại điểm b khoản 2 để sửa bản án sơ thẩm theo hướng giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Thiết nghĩ, những quy định trên đã quá rõ ràng, và trên thực tế, nguyên tắc này cũng đã được hầu hết toà án cấp phúc thẩm áp dụng từ nhiều năm qua. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì nó lại “bỗng dưng” trở thành chủ đề gây tranh cãi, đến nổi có ý kiến còn cho rằng, cần phải có văn bản hướng dẫn đối với nội dung này (?)

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

(*) Bài viết đã đăng trân ấn phẩm Công lý & Xã hội của TAND Tối cao. Tác giả có chỉnh sửa và rút gọn để phù hợp nội dung trang web

(**) Thực tiễn xét xử vẫn có những trường hợp HĐXX phúc thẩm xem xét giảm án cho cả những bị cáo kháng cáo kêu oan, nhưng số lượng không nhiều và có tính chất “nhiệm ý” chứ không phải là một nguyên tắc (bắt buộc) thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác