Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Phạm tội có tính chất côn đồ: cần tạo ra án lệ trong xét xử.

23/06/2017, 23:04

Nhiều trường hợp án mạng xảy ra là do người bị hại chủ động gây hấn, thậm chí dùng vũ lực tấn công bị cáo trước. Nhưng vì nhận thấy, sự việc xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt nên HĐXX đã cho rằng, bị cáo phạm tội thuộc trường hợp có tính chất côn đồ.

Gần đây nhất là phiên tòa phúc thẩm ngày 21/6 của TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử đối với bị cáo Nguyễn Thành Duy (SN 1981, quê Hải Phòng) về tội “giết người”.

Mặc dù cấp phúc thẩm thừa nhận, trong vụ án này, bị hại cũng có một phần lỗi, đó là lúc đường đang bị kẹt xe, nhưng người bị hại vẫn bấm còi liên tục và ra tay đánh bị cáo trước. Tuy nhiên, HĐXX vẫn cho rằng, hành vi của bị cáo mang tính chất côn đồ nên đã giữ nguyên bản án sơ thẩm 20 năm tù đối với bị cáo.

Hiểu thế nào là “có tính chất côn đồ”?

Theo tinh thần hướng dẫn tại Công văn số 38/NCPL ngày 6/01/1976 và tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1995, TAND Tối cao đã giải thích về tình tiết “có tính chất côn đồ” như sau: Khái niệm côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khoẻ, tính mạng, danh dự  người khác, gây gổ hành hung người khác một cách vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt…(trang 141,142 tập các văn bản về hình sự, dân sự và tố tụng năm 1996).

Từ nội dung hướng dẫn nêu trên, có thể thấy, khái niệm côn đồ được hiểu là một thái độ, một tính cách thuộc về bản chất của một số đối tượng, thể hiện qua việc coi thường luật pháp và có lối hành xử ngang ngược đối với người khác. Điểm nổi bật của thái độ hay tính cách này chính là sự chủ động gây hấn, thích kiếm chuyện để hành hung người khác một cách vô cớ hoặc vì những lý do nhỏ nhặt.

Chẳng hạn, một người vô tình chiếu đèn xe vào mặt, hay tình cờ nhìn vào người khác, liền bị người này kiếm cớ gây sự và đánh họ bị trọng thương.

Trái lại có những trường hợp, mặc dù mâu thuẫn xuất phát từ những lý do được xem là nhỏ nhặt. Nhưng nếu người bị hại lại là người chủ động gây hấn, có hành vi ngang ngược, thậm chí là vi phạm nghiêm trọng pháp luật, làm cho bị cáo bị kích động mạnh về tinh thần nên dẫn đến hành vi phạm tội, thì không thể xem việc phạm tội của bị cáo là có tính chất côn đồ theo nội dung hướng dẫn tại công văn số 38 của TAND Tối cao.

Bản án thiếu sức thuyết phục.

Trở lại với vụ án nêu trên, có thể thấy rằng, mặc dù mâu thuẫn giữa bị cáo và người bị hại trong vụ án này, chỉ xuất phát từ một duyên cớ nhỏ nhặt, đó là việc người bị hại liên tục bóp còi trong lúc bị kẹt xe. Nhưng điều quan trọng ở đây là, không phải do việc bóp còi này mà bị cáo bực tức, dẫn đến việc đâm chết người bị hại. Mà chính bản thân người bị hại sau đó đã liên tục có hành vi gây sự, thậm chí còn dùng vũ lực để tấn công bị cáo.

Như vậy, khác với trường hợp phạm tội có tính chất côn đồ, kẻ phạm tội luôn chủ động gây hấn, kiếm chuyện để hành hung người khác một cách vô cớ…. Trong vụ án này, bị cáo không chủ động gây gỗ, kiếm chuyện để thực hiện hành vi phạm tội. Mà trái lại, sau khi cãi vả, bị cáo còn chủ động bỏ đi để tránh sự va chạm không cần thiết có thể xảy ra. Chỉ đến khi người bị hại chặn xe và dùng vũ lực tấn công thì bị cáo mới dùng dao đâm bị hại.  

Vì vậy, việc tòa án cấp phúc thẩm cho rằng, hành vi của bị cáo có tính chất côn đồ, để từ đó giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo 20 năm tù là chưa thật sự thuyết phục.

Thiết nghĩ, hiện nay chúng ta đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện định chế pháp lý về án lệ thì những trường hợp còn có nhiều cách hiểu, cách vận dụng pháp luật khác nhau, như “Phạm tội có tính chất côn đồ”; “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” hay “ Phòng vệ chính đáng”… rất cần được nghiên cứu, trao đổi để có thể tạo ra các án lệ mang tính chuẩn mực trong hoạt động xét xử nói chung.  

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê