Phúc thẩm vụ công an dùng nhục hình ở Phú Yên: Cần xem xét về tội giết người .
Phiên toà phúc thẩm vụ 5 công an dùng nhục hình, dẫn đến cái chết của nạn nhân Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên, dự kiến sẽ được mở lại vào ngày 23-8 tới đây. Vấn đề dư luận quan tâm trong phiên xử phúc thẩm này là hành vi của các bị cáo sẽ được xem xét theo tội danh nào, giết người hay dùng nhục hình?
Hành vi dùng nhục hình…
Sau phiên toà sơ thẩm (lần 2), rất nhiều ý kiến tỏ ra không đồng tình với quyết định của bản án sơ thẩm vì cho rằng, việc Toà án tỉnh Phú Yên xét xử các bị cáo trong vụ án này về tội “ Dùng nhục hình” là không đúng, mà cần phải điều tra, truy tố và xét xử các bị cáo về hành vi “Giết người” theo quy định tại Điều 93 BLHS.
Một chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật hình sự khẳng định, trong vụ án này, không có tội dùng nhục hình mà chỉ có tội giết người. Bởi theo chuyên gia này, hoạt động điều tra chỉ được tính từ sau khi khởi tố. Một khi chưa bị khởi tố thì nghi can nằm ngoài vòng tố tụng. Như vậy, tội dùng nhục hình chỉ xảy ra khi và chỉ khi Cơ quan Điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt người phạm tội theo đúng quy định của pháp luật… trong trường hợp cụ thể này, hành vi tra tấn anh Kiều đến chết của 5 công an không xâm phạm hoạt động đúng đắn của Cơ quan Điều tra, vì anh Kiều chưa phải là bị can…
Cũng với quan điểm anh Kiều chưa phải là bị can và cho rằng, trong mọi trường hợp, việc Điều tra viên tiến hành lấy lời khai của người bị tình nghi thực hiện tội phạm trước khi vụ án được khởi tố là không hợp pháp, vị chuyên gia này tiếp tục phân tích: “ có lẽ cũng vì trong thực tiễn phòng, chống tội phạm, Cơ quan Điều tra vẫn thường sử dụng nghiệp vụ “mời lên làm việc” với người tình nghi nên có một số người cho rằng, việc làm này được pháp luật cho phép. Nhưng nếu hỏi, căn cứ vào điều luật nào, văn bản pháp luật nào thì họ chịu, không đưa ra được…”
Ở đây tạm thời chưa bàn đến việc, hành vi tra tấn của các công an, dẫn đến cái chết của anh Kiều có phải là phạm tội giết người hay không, nhưng với cách lập luận như trên, để cho rằng, hành vi của các bị cáo trong vụ án này là giết người, chứ không phải dùng nhục hình thì chưa thật sự thuyết phục, chưa phù hợp với thực tiễn tố tụng các vụ án hình sự nói chung. Bởi lẽ, theo tinh thần quy định tại khoản 2 Điều 103 BLTTHS về nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thì trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm… Cơ quan Điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự…
Như vậy, việc kiểm tra, xác minh nguồn tin để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự, thực chất là gì, nếu không phải là thực hiện một số biện pháp nghiệp vụ về điều tra, trong đó có việc tiếp xúc, lấy lời khai của người tố giác, người bị tố giác về một hành vi phạm tội nào đó? Và, những hoạt động điều tra này, theo quy định của pháp luật, hoàn toàn có thể được tiến hành trước khi Cơ quan Điều tra có quyết định khởi tố vụ án.
Vì vậy, nếu nhận định hoạt động điều tra chỉ được tính từ sau khi khởi tố, để từ đó cho rằng, tội dùng nhục hình chỉ xảy ra khi và chỉ khi Cơ quan Điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, và anh Kiều chưa phải là bị can trong vụ án nên không thể xem là hành vi dùng nhục hình, là không phù hợp cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn tố tụng vụ án hình sự nói chung.
Nhưng cần xem xét về tội giết người.
Tuy nhiên, tại phiên toà sơ thẩm ngày 15/4/2015, với tư cách là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị hại, luật sư Võ An Đôn (Trưởng Văn phòng luật sư Võ An Đôn) đã chỉ ra một căn cứ hết sức quan trọng, làm cơ sở cho việc kiến nghị xem xét các bị cáo về hành vi giết người, đó là nội dung hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Theo đó, nếu dùng nhục hình mà hậu quả làm nạn nhân chết thì phải bị xử lý về tội giết người.
Thiết nghĩ, nội dung hướng dẫn trên đã quá rõ ràng, không cần phải phân tích hay lý giải gì thêm. Vấn đề còn lại là, cơ quan tố tụng cần phải xác định văn bản hướng dẫn này còn hiệu lực thi hành hay không. Nếu còn thì về nguyên tắc, phải được áp dụng để giải quyết vụ án.
Theo tinh thần quy định tại khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì: “văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hết hiệu lực thì VBQPPL quy định chi tiết thi hành cũng đồng thời hết hiệu lực” . Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng cho các VBQPPL được ban hành từ ngày 1-7-2016 (thời điểm Luật Ban hành VBQPPL 2015 có hiệu lực thi hành) mà không có ý nghĩa hồi tố đối với các VBQPPL đã được ban hành trước đó.
Vấn đề này, cũng đã được cụ thể hoá tại khoản 2 điều 172 Luật ban hành VBQPPL 2015 như sau: "Thông tư liên tịch giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, chỉ thị của Ủy ban nhân dân các cấp là văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thì tiếp tục có hiệu lực cho đến khi có văn bản bãi bỏ hoặc bị thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác". Vì vậy, trong trường hợp này, Luật ban hành VBQPPL số 17/2008/QH12 vẫn phải được áp dụng để xác định tính hiệu lực của Nghị quyết 04 nói trên.
Theo quy định tại Điều 81 Luật ban hành VBQPPL số 17/2008/QH12 (cũng như các khoản 1, 2, 3 điều 154 Luật ban hành VBQPPL 2015) thì, văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:
1. Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản;
2. Được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó;
3. Bị hủy bỏ hoặc bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, kể từ năm 1986 đến nay, mặc dù BLHS đã qua nhiều lần thay đổi, bổ sung, nhưng nếu chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào bãi bỏ hoặc thay thế Nghị quyết 04/1986/HĐTP thì về nguyên tắc, nghị quyết này vẫn đang có hiệu lực thi hành.
Chúng tôi hy vọng, trong phiên toà phúc thẩm lần này, Toà án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng sẽ xác định rõ tính hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật nói trên để xét xử vụ án đúng với tội danh mà các bị cáo đã thực hiện.
Luật sư HỒ NGỌC DIỆP