Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Xác định tư cách tham gia tố tụng không đúng luật

22/07/2016, 22:18

Theo quy định tại Điều 311 của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) thì Tòa án phải áp dụng các quy định tại Chương VI để xác định tư cách người tham gia tố tụng cũng như các quyền và nghĩa vụ tố tụng của họ. Tuy nhiên, các quy định tại Chương VI chưa bao quát được những vấn đề cần thiết, nên việc xác định tư cách những người tham gia tố tụng khi giải quyết việc dân sự vẫn còn sự nhận thức mơ hồ về mặt pháp lý.

Trong thời gian qua, khi giải quyết các việc dân sự như: yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế (viết gộp là mất hoặc hạn chế) năng lực hành vi dân sự, yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, yêu cầu tuyên bố một người mất tích, tuyên bố một người là đã chết, đã có nhiều Tòa án xác định người tham gia tố tụng gồm người yêu cầu và người bị yêu cầu; hoặc biến tướng thành một bên là… với một bên là…

Với cách ghi như vậy, vô hình trung các Tòa án đã xác định những người bị yêu cầu tuyên bố mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, người vắng mặt nơi cư trú, người mất tích… là đương sự tham gia tố tụng, tương tự như một bị đơn. Ngoài ra, có Tòa án lại xác định những người này là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Theo đó, một khi đã xác định họ là đương sự thì họ phải được thực hiện các quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng. Ví dụ, tại bản Thông báo kết quả giám đốc án số 01/GĐKT ngày 16.5.2007 của TAND tỉnh Q. cho rằng “Quyết định giải quyết việc dân sự số 01/2007 ngày 1.2.2007 về việc thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú của TAND huyện QT không tuyên quyền kháng cáo của người bị yêu cầu là thiếu sót”. Vậy, cách xác định và nhận định như trên liệu có đúng hay không?

Từ các quy định của BLTTDS thấy rằng, trong giải quyết việc dân sự, do không có tranh chấp nên không có nguyên đơnbị đơn như trong vụ án dân sự mà chỉ có người yêu cầu. Đương sự chỉ yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý như: sự kiện một người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, sự kiện một người vắng mặt nơi cư trú, sự kiện một người mất tích hoặc đã chết… Do đó, việc một số Tòa án xác định người mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, người vắng mặt nơi cư trú, người mất tích… như là một bị đơn là không đúng. Vậy, họ có phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan?

Như đã phân tích, theo các quy định của BLTTDS về thủ tục giải quyết việc dân sự thì không có người tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn hoặc người bị yêu cầu mà chỉ có người yêu cầu và người có liên quan (các Điều 312 đến 316 BLTTDS). Tòa án chỉ giải quyết việc dân sự khi có yêu cầu, nên người yêu cầu luôn luôn phải có, còn người có liên quan thì chỉ có trong một số trường hợp nhất định. Người có liên quan ở đây không phải là bản thân người bị yêu cầu tuyên bố mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, người vắng mặt nơi cư trú, người mất tích… mà là những người có liên quan với những người này về quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống (quyền thừa kế), quan hệ tài sản hoặc các quan hệ dân sự khác, mà khi giải quyết việc dân sự sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ.

Ví dụ: trước đây anh A kết hôn với chị B có một người con chung. Sau đó hai người đã ly hôn, Tòa án giao cho chị B nuôi con, anh A có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con hàng tháng. Sau khi ly hôn với chị B anh A đã kết hôn với chị C và tạo lập được một một số tài sản chung đang do chị C quản lý; anh A có góp vốn với ông H để mua một chiếc xe ô tô kinh doanh vận tải và cho bà G vay một số tiền. Hàng tháng anh A vẫn thường xuyên đóng góp cấp dưỡng cho con chung với vợ cũ (chị B). Tuy nhiên, sau đó anh A bỏ đi biệt tích sáu tháng liền trở lên nên không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, do đó chị B đã làm đơn yêu cầu Tòa án thông báo tìm kiếm anh A, đồng thời yêu cầu áp dụng biện pháp quản lý tài sản của anh A để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Trong trường hợp này chị C, ông H và bà G đều là những người có liên quan đến giải quyết việc dân sự nên phải tham gia tố tụng. Hoặc như trong trường hợp yêu cầu tuyên bố một người là đã chết thì tất cả những người có liên quan đến quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản với người bị tuyên bố chết là những người tham gia tố tụng với tư cách là người có liên quan.

Việc xác định người bị yêu cầu tuyên bố mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, người vắng mặt nơi cư trú, người mất tích… là đương sự như là một bị đơn hoặc người có liên quan còn không phù hợp với thực tế ở chỗ: nếu xác định những người này là đương sự thì Tòa án phải triệu tập họ tham gia tố tụng và phải bảo đảm cho họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng theo quy định của BLTTDS như: tống đạt các văn bản tố tụng, quyền khiếu nại, kháng cáo… Điều này sẽ hoàn toàn phi lý, bởi một người đã có kết luận của cơ quan chuyên môn là mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; hoặc một người hiện đang biệt tích, không biết còn sống hay đã chết mà Tòa án phải triệu tập họ tham gia tố tụng, phải tống đạt văn bản tố tụng và thực tế họ không bao giờ thực hiện được các quyền và nghĩa vụ tố tụng.

Để bảo vệ quan điểm cho cách xác định những người này là người tham gia tố tụng như các Tòa án hiện vẫn làm, ắt sẽ có người đặt câu hỏi: khi giải quyết các yêu cầu về việc dân sự có liên quan đến những người này, nhưng không xác định họ là người tham gia tố tụng – vậy quyền lợi của họ sẽ được ai bảo vệ và bảo vệ như thế nào? Trả lời câu hỏi này không khó. BLDS đã quy định về quyền yêu cầu và BLTTDS đã quy định về thủ tục để khi một người bị tuyên bố mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự không còn ở trong tình trạng đó nữa; một người bị tuyên bố mất tích, bị tuyên bố là đã chết trở về (tức là đã xuất hiện một sự kiện pháp lý mới) thì họ có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, quyết định tuyên bố mất tích, tuyên bố chết đối với họ. Còn đối với trường hợp sau khi có quyết định thông báo tìm kiếm mà người vắng mặt tại nơi cư trú trở về thì việc thông báo tìm kiếm đã đạt được mục đích và do đó, theo Điều 329 BLTTDS thì quyết định thông báo tìm kiếm đương nhiên hết hiệu lực. Do đó, việc xác định những người này là người tham gia tố tụng và tuyên quyền kháng cáo cho họ là hoàn toàn không đúng quy định của pháp luật.

PHẠM THÁI

SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê