Thủy Kính tiên sinh: Sự ẩn hiện huyền cơ trong Tam Quốc. Bài 2: Một kỳ nhân đầy bí ẩn
Chế tài dân sự áp dụng cho hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động Ngân hàng.
Trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay, hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng cần được coi là hành vi xâm phạm cả lợi ích tư và lợi ích chung của xã hội. Vì vậy, chủ thể thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng vừa phải chịu các chế tài hành chính hoặc hình sự và chế tài dân sự.
Chế tài dân sự bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại và các biện pháp chế tài phi vật chất. Pháp luật hiện hành của Việt Nam đã quy định tương đối đầy đủ các biện pháp chế tài dân sự. Tuy nhiên, có một số quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại chưa thực sự phù hợp với thực tế để áp dụng đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng. Vì vậy, những quy định này cần được tiếp tục hoàn thiện để có thể sử dụng hiệu quả trong xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng.
1. Bản chất của hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng
Điều 3, khoản 3 Luật Cạnh tranh năm 2004 định nghĩa về cạnh tranh không lành mạnh như sau: “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng.” Như vậy, hành vi cạnh tranh không lành mạnh có những đặc điểm sau: (1) là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh; (2) là hành vi cạnh tranh trái với chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh; và (3) hành vi gây thiệt hại, có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp khác và người tiêu dùng.1 Hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng đã được quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.2 Điều 9, khoản 3 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 giao cho “Chính phủ quy định cụ thể các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng và hình thức xử lý các hành vi này.” Trong dự thảo Nghị định quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng và hình thức xử lý các hành vi này được công bố vào tháng 6/2010 có định nghĩa về “hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng” như sau:
“Hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng là hành vi cạnh tranh của tổ chức và cá nhân có liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng vì quá chạy theo mục tiêu lợi nhuận mà trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, có nguy cơ gây tổn hại hoặc gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân khác.”
Về bản chất, cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng cũng có những đặc điểm của hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói chung. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng cũng là hành vi cạnh tranh trái với chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh có thể gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại cho lợi ích của nhà nước (lợi ích chung của xã hội do nhà nước đại diện), đối thủ cạnh tranh và người tiêu dùng. Điểm đặc thù của cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng là chủ thể thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh là các tổ chức tín dụng hoặc các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động trên thị trường ngân hàng. Đối thủ cạnh tranh là các tổ chức tín dụng. Người tiêu dùng bao gồm người gửi tiền, người vay tiền và những người khác sử dụng dịch vụ ngân hàng. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng thường liên quan đến các nghiệp vụ ngân hàng cụ thể. Ví dụ, hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng thường liên quan đến các bí quyết, nghiệp vụ kinh doanh ngân hàng của tổ chức tín dụng có bí mật kinh doanh bị xâm phạm. TS. Nguyễn Kiều Giang phân tích: “Thực tế thời gian qua cho thấy, các ngân hàng đã tham gia vào “cuộc chiến lãi suất tiền gửi” nhằm mục đích tăng thị phần huy động vốn của mình. Để thực hiện được điều này, các ngân hàng đua nhau nâng mức lãi suất huy động tiền gửi trong dân cư mà không cần hiệu quả kinh tế cao. Nếu việc đưa ra lãi suất huy động cao dựa trên cơ sở sự tính toán hiệu quả kinh tế và có lợi nhuận thì đây là cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, nếu lãi suất được đưa ra trên cơ sở tổ chức tín dụng chấp nhận lỗ để dành thị phần (đây được coi như bán dịch vụ dưới giá thành) thì lại là cạnh tranh không lành mạnh.”3 Như vậy, hành vi vi phạm quy định về lãi suất huy động vốn có thể được coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, và hành vi này liên quan chặt chẽ đến nghiệp vụ ngân hàng. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng có thể xâm hại đến lợi ích của đối thủ cạnh tranh, của người tiêu dùng và/hoặc lợi ích chung của xã hội.
Gây thiệt hại cho lợi ích của đối thủ cạnh tranh có thể là làm giảm doanh thu, giảm số lượng khách hàng, giảm lượng tiền gửi, giảm uy tín của đối thủ cạnh tranh hoặc những thiệt hại khác. Thiệt hại cho lợi ích của đối thủ cạnh tranh cũng có thể được biểu hiện ở các hậu quả như đối thủ cạnh tranh bị lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả do người gửi tiền rút tiền hàng loạt do hành vi xúi giục rút tiền hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác. Tính nguy hiểm của hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng được thể hiện ở chỗ hành vi này không chỉ gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại cho một đối thủ cạnh tranh nhất định mà có thể còn gây mất ổn định cho hệ thống tài chính.
Thiệt hại cho lợi ích của người tiêu dùng có thể bao gồm người tiêu dùng phải trả các khoản phí bất hợp lý và không minh bạch, các khoản tiền gửi của người tiêu dùng không được sử dụng đúng mục đích, người tiêu dùng bị mất các quyền lợi một cách bất hợp lý, bị cản trở trong việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng,… Thiệt hại cho lợi ích của người tiêu dùng trong lĩnh vực ngân hàng, trong nhiều trường hợp là những thiệt hại với qui mô lớn. Ví dụ, hành vi cạnh tranh không lành mạnh làm sụp đổ một số định chế tài chính, dẫn đến hiện tượng nhiều người gửi tiền bị mất tiền. Hiện tượng này dẫn đến hậu quả là hệ thống tài chính và nền kinh tế mất ổn định.
Thiệt hại cho lợi ích của nhà nước bao gồm: (1) gây mất ổn định cho hệ thống tài chính quốc gia, thậm chí gây khủng hoảng cho nền kinh tế quốc dân; (2) ảnh hưởng tiêu cực đến các chính sách công như chính sách tiền tệ, chỉ tiêu kinh tế; và (3) ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước trong quản lý và điều hành nền kinh tế.
Ở Việt Nam, nguồn vốn cho nền kinh tế vẫn phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng. Bởi vì, các kênh dẫn vốn khác như thị trường chứng khoán, thị trường hối phiếu còn yếu. Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tính đến năm 2009, có tới 80% vốn cho nền kinh tế trong tổng số 1,7 triệu nghìn tỷ đồng quy mô tín dụng phụ thuộc vào hệ thống NHTM.4 Vì lẽ đó, kiểm soát chặt chẽ hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.
Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng, ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, cần coi hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng vừa xâm phạm lợi ích tư vừa xâm phạm lợi ích chung của xã hội. Do vậy, chủ thể thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh vừa phải chịu chế tài của luật công (chế tài hành chính hoặc chế tài hình sự) vừa phải chịu các chế tài dân sự. Các chế tài dân sự tỏ ra mềm mỏng nhưng không kém phần nghiêm khắc.
2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng
Bồi thường thiệt hại là khoản bồi thường vật chất mà pháp luật dành cho một người bị thiệt hại bởi hành vi của người khác.5 Các nhà bình luận Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 cũng cho rằng: Bồi thường thiệt hại là sự bù đắp bằng tiền thiệt hại xảy ra.6 Như vậy, mục đích của bồi thường thiệt hại là bù đắp cho người có quyền bị xâm phạm những thiệt hại mà người này phải gánh chịu do hành vi vi phạm của người khác. Thiệt hại là các tổn thất hoặc thương tích hoặc hư hại về con người hoặc tài sản.7 Hành vi cạnh tranh không lành mạnh không gây tổn thất hay thương tích về con người. Thiệt hại mà hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể gây ra là những tổn thất về tài sản hoặc về kinh tế mà chủ yếu là các tổn thất về kinh tế8.
Có thể thấy, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh có mục đích làm mất lợi thế cạnh tranh chính đáng của đối thủ cạnh tranh, như chỉ dẫn gây nhầm lẫn, xâm phạm bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng khác có đối tượng trực tiếp chính là quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng hình ảnh, dấu hiệu riêng của tổ chức tín dụng khác, đây là các lợi thế cạnh tranh của đối thủ cạnh tranh. Lee Chin Yen (1970) phân tích về tổn thất do hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn về xuất xứ hàng hóa/dịch vụ (passing off) (chỉ dẫn gây nhầm lẫn) như sau: “Nhìn chung, thiệt hại duy nhất được gây ra bởi hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn là hàng hóa của bị đơn được bán thay vì hàng hóa của nguyên đơn, do đó khoản bồi thường chính là lợi nhuận bị mất. Trong hoàn cảnh này, lợi nhuận do bị đơn có được không phải là thiệt hại của nguyên đơn. Thiệt hại của nguyên đơn có thể được xác định bằng các yếu tố khác không phải là lợi nhuận của bị đơn. Khi áp lực cạnh tranh được gây ra bởi hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn buộc nguyên đơn phải giảm giá và chịu lỗ, khoản lỗ này cũng có thể được bồi thường. Kể cả chi phí quảng cáo để chống lại tác động của hành vi của bị đơn cũng có thể được bồi thường. Sự tổn thất về uy tín do hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn cũng có thể được bồi thường.”9 Như vậy, thiệt hại do các hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra chủ yếu là lợi nhuận mà tổ chức tín dụng cạnh tranh bị mất, khoản lỗ mà tổ chức tín dụng phải gánh chịu, các khoản chi phí và tổn thất mà bên bị vi phạm phải gánh chịu là hậu quả trực tiếp của hành vi vi phạm và các chi phí phát sinh để khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra. Ví dụ, do tổ chức tín dụng A xâm phạm bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng B nên buộc tổ chức tín dụng B phải thay đổi hệ thống bảo mật. Chi phí này cần phải được tổ chức tín dụng A bồi thường cho tổ chức tín dụng B. Đương nhiên, nguyên đơn có nghĩa vụ chứng minh các thiệt hại thực tế này.
Ngoài lợi nhuận bị mất, khoản lỗ phải chịu, chi phí hoặc tổn thất là hậu quả trực tiếp của hành vi vi phạm và các chi phí cần thiết để khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra, hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể làm mất uy tín của tổ chức tín dụng cạnh tranh. Hành vi gièm pha có đối tượng tác động trực tiếp là uy tín của đối thủ cạnh tranh. Vậy, chủ thể vi phạm có phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về uy tín không? Về mặt nguyên tắc, chủ thể vi phạm phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về uy tín. Nếu hành vi gây thiệt hại về uy tín dẫn đến tổ chức tín dụng bị giảm sút hoặc mất lợi nhuận hoặc phải gánh chịu một khoản lỗ nhất định và các khoản chi phí khác để khắc phục hậu quả như, tổ chức họp báo để cải chính,… Các thiệt hại này được coi là thiệt hại về uy tín và bên vi phạm phải bồi thường cho bên bị vi phạm. Tuy nhiên, ngoài các thiệt hại nêu trên, bên vi phạm có phải bồi thường thiệt hại khác không? Thiệt hại về uy tín chưa chắc đã được biểu hiện ở những tổn thất đã trình bày trước nhưng rõ ràng là uy tín của đối thủ cạnh tranh có bị tổn hại và họ phải được bồi thường. Nhưng, nguyên đơn sẽ gặp khó khăn trong việc chứng minh thiệt hại này. Pháp luật của Anh coi đây là thiệt hại chung và nguyên đơn không phải chứng minh mà tòa án sẽ xem xét. “Theo nguyên tắc chung áp dụng cho hành vi xâm phạm uy tín của người khác, không cần chứng cứ về thiệt hại riêng đối với hành xâm phạm uy tín trái luật (the defamation is actionable per se). Trong trường hợp này, nguyên đơn chỉ cần đưa ra yêu cầu có chứng minh cho bồi thẩm đoàn và để họ xác định thiệt hại chung.”10
Thiệt hại đối với người tiêu dùng có thể bao gồm những khoản lãi mà người tiêu dùng bị mất, các khoản chi phí bất hợp lý mà người tiêu dùng phải chi trả là hậu quả trực tiếp của hành vi vi phạm. Ngoài ra các thiệt hại khác mà có đủ cơ sở chứng minh là hậu quả trực tiếp của hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng được coi là thiệt hại mà người vi phạm phải bồi thường cho người tiêu dùng. Một vấn đề cần đặt ra về lý luận là liệu rằng người vi phạm có phải bồi thường cho người tiêu dùng chi phí cơ hội. Ví dụ, các hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn khiến người tiêu dùng tưởng lầm rằng dịch vụ ngân hàng của tổ chức tín dụng A tốt và bỏ qua dịch vụ ngân hàng của tổ chức tín dụng B. Như vậy, nếu không bị nhầm lẫn, người tiêu dùng sẽ sử dụng dịch vụ của tổ chức tín dụng B và sẽ được thụ hưởng nhiều tiện ích và dịch vụ gia tăng. Vậy tổ chức tín dụng A có phải bồi thường cho người tiêu dùng các tiện ích và dịch vụ gia tăng không? Rõ ràng, tổ chức tín dụng A không biết và cũng không buộc phải biết là người tiêu dùng sẽ sử dụng dịch vụ của tổ chức tín dụng B hay của bất kỳ tổ chức tín dụng nào khác, vì vậy, việc không được thụ hưởng các tiện ích và dịch vụ gia tăng từ tổ chức tín dụng B không được coi là hậu quả trực tiếp của hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn. Như vậy, chi phí cơ hội và hành vi cạnh tranh không lành mạnh không có mối quan hệ nhân quả, nên bên vi phạm không có trách nhiệm bồi thường chi phí cơ hội cho người tiêu dùng.
Nguyên tắc chung về bồi thường thiệt hại là phải có thiệt hại thực tế thì mới phải bồi thường. Tuy nhiên, pháp luật của các nước thuộc dòng họ thông luật có học thuyết về bồi thường có tính chất phạt. Bồi thường thiệt hại có tính chất phạt trong các vụ việc vi phạm dân sự ngoài hợp đồng được tòa án áp dụng để phạt người vi phạm và ngăn ngừa người khác vi phạm.11 Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đều là các hành vi vi phạm với lỗi cố ý, vì vậy, tòa án sẽ xem xét tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm mà bắt buộc người vi phạm phải bồi thường cho bên bị vi phạm mặc dù không có chứng cứ để chứng minh cho có thiệt hại thực tế. Mặc dù biện pháp chế tài này đi ngược nguyên tắc chung về bồi thường thiệt hại nhưng biện pháp chế tài này có tính chất ngăn ngừa vi phạm. Bởi vì, với mức bồi thường mà người vi phạm phải chịu trách nhiệm thường lớn hơn mức thiệt hại thực tế sẽ buộc chủ thể phải cân nhắc kỹ trước khi thực hiện hành vi vi phạm. Vì vậy, biện pháp chế tài này sẽ tỏ ra có hiệu quả nhằm ngăn ngừa các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng.
(còn tiếp)
NGUYỄN LAN ANH – Khoa Luật, Đại học Ngoại thương Hà Nội