Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Chứng Cứ Và Cung Cấp Chứng Cứ Trong Tố Tụng Dân Sự

04/05/2016, 12:18

Điều 93 BLTTDS quy định: Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.

Như vậy, việc cung cấp và sử dụng chứng cứ trong tố tụng dân sự, về thực chất chính là quá trình tiến hành các hoạt động chứng minh. Do hoạt động chứng minh thuộc về những người tham gia tố tụng nên các đương sự phải có nghĩa vụ chứng minh, nghĩa vụ chứng minh này được thể hiện chủ yếu bằng việc cung cấp chứng cứ.

Quyền và nghĩa vụ của đương sự trong hoạt động cung cấp chứng cứ.

Điều 79 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) quy định về nghĩa vụ chứng minh như sau:

“ Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp.

Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải chứng minh sự phản đối đó là có căn cứ và phải đưa ra chứng cứ để chứng minh.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước hoặc yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho việc khởi kiện, yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ đó.”

          Việc pháp luật quy định các đương sự phải cung cấp chứng cứ và chứng minh cho yêu cầu của mình là một trong những nguyên tắc xuất phát từ quyền tự định đoạt của đương sự đối với việc khởi kiện của mình. Nguyên tắc này thể hiện tính đặc thù, sự khác biệt lớn giữa tố tụng dân sự với tố tụng hình sự.

          Trong tố tụng hình sự, các bị can, bị cáo không có nghĩa vụ phải cung cấp chứng cứ, không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội. Như vậy, dù bị can, bị cáo không cung cấp được chứng cứ, không chứng minh được sự vô tội của mình thì Cơ quan tiến hành tố tụng cũng không thể dựa vào đó để kết tội họ.

          Một cách tổng quát có thể thấy rằng, trong tố tụng hình sự, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các Cơ quan tiến hành tố tụng. Trong khi đó, đối với tố tụng dân sự, việc cung cấp chứng cứ để chứng minh cho các yêu cầu của mình vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của đương sự.

          Theo tinh thần quy định tại Điều 79 BLTTDS thì người đưa ra yêu cầu phải có nghĩa vụ chứng minh trước. Theo đó, họ phải xuất trình các chứng cứ, đưa ra lý lẽ để chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ. Đồng thời cũng phải chỉ ra các quy định của pháp luật cho phép chấp nhận các  yêu cầu đó. Khi bên đưa ra yêu cầu đã chứng minh được tính có căn cứ và hợp pháp đối với yêu cầu của mình thì bên phản đối yêu cầu cũng phải đưa ra chứng cứ, lý lẽ để chứng minh sự phản đối của mình là có căn cứ.

          Như vậy, theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, việc cung cấp chứng cứ và nghĩa vụ chứng minh không chỉ đặt ra đối với bên khởi kiện, mà còn đặt ra cả với bên bị kiện cũng như người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi có yêu cầu độc lập. Điều này thể hiện sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các đương sự trong việc cung cấp chứng cứ và chứng minh để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong các tranh chấp dân sự.

Nhìn chung, hoạt động cung cấp chứng cứ trong tố tụng dân sự chủ yếu thể hiện qua việc giao nộp chứng cứ của các đương sự và quá trình thu thập chứng cứ của Tòa án.

Giao nộp chứng cứ.

Giao nộp chứng cứ là hành vi của đương sự được thực hiện do chủ động hoặc theo yêu cầu của Tòa án. Chứng cứ mà đương sự giao nộp có thể do họ đang lưu giữ, nhưng cũng có thể họ mới thu thập được và giao nộp cho Tòa án để thực hiện nghĩa vụ chứng minh mà pháp luật đã quy định.

Khoản 1, Điều 84 BLTTDS quy định:

Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp chứng cứ cho Tòa án, nếu đương sự không nộp hoặc nộp không đầy đủ thì phải chịu hậu quả của việc không nộp hoặc nộp không đầy đủ đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác

Về nguyên tắc, việc giao nộp chứng cứ của các đương sự có thể được tiến hành ở bất kỳ thời điểm nào trong quá trình giải quyết vụ án.

Thế nhưng, vấn đề đặt ra ở đây là, nếu tại phiên tòa đương sự mới xuất trình chứng cứ, mà chứng cứ đó cần phải trưng cầu giám định hoặc phải tiến hành xác minh thì mới có cơ sở để giải quyết vụ án. Trong trường hợp này Toà án có phải hoãn phiên tòa để xác minh hoặc trưng cầu giám định không? hay vẫn tiến hành xét xử và không chấp nhận chứng cứ mới đó?

Khoản 4, Điều 230 BLTTDS quy định:

“…Đối với trường hợp người tham gia tố tụng không đồng ý với kết luận giám định được công bố tại phiên tòa và có yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại thì Hội đồng xét xử có thể xem xét quyết định hoãn phiên tòa để tiến hành giám định bổ sung hoặc giám định lại

Tuy nhiên, đối với trường hợp đương sự xuất trình chứng cứ mới tại phiên tòa thì  hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể. Trên thực tế, khi gặp những trường hợp này, hầu hết các Tòa án đều phải hoãn phiên tòa để xác minh hoặc giám định. Mặc dù đây không phải là trường hợp cần phải hoãn phiên tòa theo quy định của BLTTDS.

Nói chung, việc cung cấp chứng cứ để chứng minh cho các yêu cầu của mình vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của các đương sự. Do vậy, các đương sự trong vụ án cần phải chủ động giao nộp chứng cứ cho Tòa án trong thời gian sớm nhất . Việc giao nộp chứng cứ cần phải được tiến hành theo đúng thủ tục luật định.

Chúng ta đều biết rằng, pháp luật về tố tụng trước đây, cụ thể là các Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án Dân sự, Lao động, Kinh tế đều không quy định cụ thể  về thủ tục giao nhận chứng cứ  giữa đương sự với Cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn đến một thực tế: khi đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức giao nộp chứng cứ cho Toà án, nhiều Thư ký Tòa án, Thẩm phán  đưa vào hồ sơ vụ kiện mà không thể hiện rõ tài liệu đó có từ đâu, do ai cung cấp, ai thu nhận… điều này đã gây khó khăn cho việc sử dụng, đánh giá chứng cứ nói chung và cũng không loại trừ khả năng thất lạc chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án. Khắc phục thiếu sót này, khoản 2 Điều 84 BLTTDS hiện nay quy định rõ thủ tục giao nhận chứng cứ như sau:

Việc đương sự giao nộp chứng cứ cho Tòa án phải được lập biên bản về việc giao nhận chứng cứ. Trong biên bản phải ghi rõ tên gọi, hình thức, nội dung đặc điểm của chứng cứ; số bản, số trang của  chứng cứ và thời gian nhận; chữ ký hoặc điểm chỉ của người giao nộp, chữ ký của người nhận và dấu của Tòa án. Biên bản phải lập thành hai bản, một bản lưu vào hồ sơ vụ việc dân sự và một bản giao cho đương sự nộp chứng cứ giữ” 

Ngoài ra, theo tinh thần hướng dẫn tại các điểm 1,3,4 Mục 3 Nghị quyết số 04/2005/NQ – HĐTP ngày 17- 9 – 2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS về “Chứng minh và chứng cứ” (Nghị quyết số 04/2005/ NQ – HĐTP) thì tuỳ từng trường hợp, việc giao nhận chứng cứ được thực hiện như sau:

Trong trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu giao nộp trực tiếp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và chứng cứ kèm theo tại Tòa án thì cán bộ bộ phận chuyên môn nghiiệp vụ của Tòa án được Chánh án Tòa án phân công nhận đơn chịu trách nhiệm nhận đơn và chứng cứ kèm theo đó. Cán bộ Tòa án phải ghi việc nhận đơn và chứng cứ kèm theo vào sổ nhận đơn, đồng thời phải tiến hành lập biên bản về việc giao nhận chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 84 của BLTTDS

Trong trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu gửi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu kèm theo chứng cứ qua bưu điện, thì cán bộ Tòa án phải ghi vào sổ nhận đơn, phải đối chiếu chứng cứ theo danh mục chứng cứ gửi kèm theo đơn khởi kiện hoặc ghi trong đơn khởi kiện để ghi vào sổ nhận đơn chứng cứ đó; nếu thấy chứng cứ nào còn thiếu hoặc không đầy đủ so với danh mục thì phải thông báo ngay cho họ biết để họ giao nộp bổ sung.

Trong trường hợp đương sự giao nộp chứng cứ tại phiên tòa, phiên họp thì Thư ký Tòa án thực hiện việc giao nhận chứng cứ. Nếu việc giao nhận chứng cứ trước khi mở phiên tòa, phiên họp thì Thư ký Tòa án phải lập biên bản về việc giao nhận chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 84 BLTTDS. Nếu việc giao nhận chứng cứ trong quá trình xét xử hoặc trong quá trình phiên họp, thì ghi vào biên bản phiên tòa, biên bản phiên họp.

Biên bản về việc giao nhận chứng cứ phải được người có thẩm quyền của Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng hoặc theo hướng dẫn trong Nghị quyết này ký tên, xác nhận và đóng dấu của Tòa án.

Sở dĩ việc giao nộp chứng cứ phải được tiến hành theo một thủ tục chặc chẽ như thế là nhằm bảo đảm cho tài liệu, chứng cứ mà các đương sự cung cấp không bị đánh tráo, giả mạo, sửa chữa, thất lạc… cũng như tránh trường hợp chứng cứ bị thủ tiêu. Đồng thời đảm bảo được giá trị pháp lý của chứng cứ trong quá trình sử dụng.

Tuy nhiên, trên thực tế không ít Thẩm phán, Thư ký Tòa án đã không tuân thủ các quy định về giao nhận chứng cứ. Việc làm này đã dẫn đến những “rắc rối” không đáng có mà trường hợp dưới đây (xảy ra tại Tòa án quận P.N Thành phố H.) là một ví dụ.

Trong vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế”, khi đương sự giao nộp tài liệu là bản photo (không rõ khi giao nộp tài liệu này đương sự có xuất trình bản chính để Tòa án đối chiếu hay không?) nhưng Thư ký Tòa án lại ghi nội dung xác nhận là “ đã đối chiếu bản chính do bị đơn cung cấp” và ký tên mình vào bản photo nói trên mà không yêu cầu người cung cấp bản chính cùng ký tên xác nhận. Đến khi bị đơn không thừa nhận việc cung cấp tài liệu này, thì Tòa án đành phải “thúc thủ” chấp nhận. Xem như không có tài liệu, chứng cứ này trong hồ sơ vụ án.     

Ở đây chúng ta thấy rằng, nếu sự thật bị đơn là người đã cung cấp bản chính cho Tòa án thì chính sự khinh suất, cẩu thả của Thư ký Tòa án trong việc tiếp nhận chứng cứ đã tạo điều kiện cho đương sự phủ nhận và tiêu hủy chứng cứ gốc. Làm ảnh đến quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn cũng như gây khó khăn trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Còn nếu trên thực tế, bị đơn không phải là người đã cung cấp bản chính thì lỗi này hoàn toàn thuộc về Thư ký Tòa án.

Rõ ràng, việc không tuân thủ các quy định pháp luật về giao nhận chứng cứ trong trường hợp này, đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

(Rút từ sách BÌNH LUẬN ÁN)

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác