Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Nghĩa vụ chứng minh trong vụ án dân sự. Kỳ 1: Xác định nghĩa vụ chứng minh.

09/07/2016, 21:50

Trong một vụ kiện, việc xác định đương sự nào phải dẫn chứng, ai là người có trách nhiệm cung cấp chứng cứ, thực hiện nghĩa vụ chứng minh, là vấn đề rất quan trọng.

Thông thường,  nghĩa vụ chứng minh của đương sự được xác định dựa trên nguyên tắc: ai đưa ra một sự kiện thì phải chứng minh rằng sự kiện đó là có thật.

Ví dụ: Nguyên đơn kiện đòi nhà cho ở nhờ thì họ phải chứng minh căn nhà đó thuộc sở hữu của mình và giữa họ với bị đơn có một quan hệ hợp đồng về việc cho ở nhờ nhà ở.

Một ví dụ khác: Nguyên đơn khởi kiện đòi một tài sản mà họ là chủ sở hữu nhưng đã giao cho người khác giữ hộ. Trong trường hợp này, họ phải chứng minh có một quan hệ hợp đồng gửi giữ tài sản đã được xác lập giữa họ với bị đơn. Bị đơn có thể thừa nhận hoặc không thừa nhận sự kiện do nguyên đơn đưa ra. Tuy nhiên, nếu bị đơn cho rằng mình có giữ tài sản của nguyên đơn nhưng đã trả lại thì bị đơn có nghĩa vụ chứng minh việc giao trả đó.

Thế nhưng, trên thực tế, việc xác định trách nhiệm dẫn chứng trong những trường hợp cụ thể, nhiều khi không đơn giản. Nhất là khi bằng chứng do các bên cung cấp là các loại tài liệu, giấy tờ  không có công chứng, chứng thực.

Chẳng hạn A ký giấy vay B một khoản tiền. Khi A chết, B khởi kiện các thừa kế của A yêu cầu trả nợ. Bằng chứng mà B đưa ra là “giấy vay tiền”  (viết tay) do A ký trước đây. Trong trường hợp này, nếu các thừa kế của A không thừa nhận chữ ký trong văn tự vay tài sản là của A thì trách nhiệm chứng minh thuộc về ai? Và bên nào (B hay các thừa kế của A) có nghĩa vụ cung cấp mẫu chữ ký để Tòa án thực hiện thủ tục giám định?

Ở đây nếu chiếu theo nguyên tắc: Ai đưa ra một sự kiện thì phải chứng minh tính xác thực của sự kiện đó, thì trách nhiệm chứng minh và cung cấp chứng cứ, trước hết thuộc về B. Tức là B phải chứng minh văn tự vay tài sản là có thật, bằng cách cung cấp mẫu chữ ký của A để Tòa án tiến hành trưng cầu giám định.

Tuy nhiên, đây lại là một nhiệm vụ bất khả thi đối với B. Vì ngoài “ giấy vay tiền” trên, B không thể có những tài liệu, giấy tờ có chữ ký của A; hoặc giả nếu có, nhưng các thừa kế của A không thừa nhận thì Tòa án cũng không thể tiến hành việc trưng cầu giám định.

Như vậy có thể thấy rằng, nguyên tắc người đưa ra sự kiện phải có nghĩa vụ chứng minh, đôi lúc gặp phải những khó khăn. Thậm chí trong một số trường hợp, một bên đương sự có thể lợi dụng nguyên tắc này để né tránh, đùn đẩy trách nhiệm chứng minh cho bên đương sự khác…

Luật tố tụng dân sự của ta trước đây cũng như hiện nay không có điều khoản nào ghi nhận cụ thể nguyên tắc này. Tuy nhiên, theo quy định tại các khoản 1, 2 Điều 91 BLTTDS 2015 thì nghĩa vụ chứng minh của đương sự được xác định như sau:

“Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho toà án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp…

Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải thể hiện bằng văn bản và phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho toà án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó ”

Như vậy, trong mọi trường hợp, nghĩa vụ chứng minh không chỉ đặt ra đối với bên đưa ra sự kiện mà cả đối với bên phản đối sự kiện. Chẳng hạn như trường hợp trên đây, các thừa kế của A không thể viện dẫn nguyên tắc người đưa ra sự kiện phải có nghĩa vụ chứng minh để gây khó khăn cho B mà chính bản thân họ cũng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh sự phản đối của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Tuy nhiên, để phân định một cách rõ ràng trách nhiệm chứng minh của các bên đương sự trong trường hợp bằng chứng mà họ đưa ra là loại tài liệu, giấy tờ  không có công chứng, chứng thực, trước hết cần phải căn cứ vào nguyên tắc “miễn trừ nghĩa vụ chứng minh” được quy định tại Điều 92 BLTTDS 2015. Bởi lẽ, theo tinh thần quy định tại điểm c khoản 1 của Điều luật này thì chỉ “những tình tiết sự kiện đã được ghi trong văn bản và được công chứng chứng thực hợp pháp” mới được xem là chứng cứ, và người đưa ra tài liệu, chứng cứ đó không phải chứng minh.

Điều đó cũng có nghĩa, đối với các văn bản không được công chứng, chứng thực hợp pháp (như các giấy vay mượn tiền, giấy mua bán nhà đất viết tay giữa các bên…)  thì về nguyên tắc, chưa được xem là chứng cứ, và người đưa ra loại tài liệu, văn bản này, theo quy định của pháp luật không được miễn trừ nghĩa vụ chứng minh. Do vậy, khi một bên đương sự phản đối, không thừa nhận tính xác thực của chứng cứ thì bên đưa ra tài tiệu, chứng cứ đó phải có nghĩa vụ chứng minh.

Ngoài ra, để xác định nghĩa vụ chứng minh của các bên đương sự trong một quan hệ pháp luật tranh chấp, cũng cần phải xem xét cụ thể nội dung yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố cũng như lý do mà các bên đương sự đưa ra để phản đối các yêu cầu này.

(còn tiếp...)

                                                Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

 

 

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác