Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Nghĩa vụ chứng minh trong vụ án dân sự. Kỳ 2: Đối với nguyên đơn.

11/07/2016, 11:40

Nguyên đơn trong vụ án dân sự là bên cho rằng mình có quyền hoặc lợi ích hợp pháp đang bị xâm phạm nên đã khởi kiện vụ án , yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp đó.

Như vậy, trong vụ án dân sự nguyên đơn là người có nghĩa vụ chứng minh trước. Họ phải xuất trình các chứng cứ, đưa ra lý lẽ để chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ, đồng thời họ cũng phải chỉ ra quy định của pháp luật cho phép chấp nhận yêu cầu của họ (tính hợp pháp của yêu cầu)

Ví dụ: Trong vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, bên cạnh việc chứng minh phía bị đơn đã gây ra thiệt hại, mức thiệt hại thực tế cụ thể là bao nhiêu ? nguyên đơn còn phải viện dẫn các quy định pháp luật cho phép chấp nhận yêu cầu của họ đối với việc đòi bồi thường thiệt hại này.

Trước đây, theo tinh thần quy định tại Điều 165 BLTTDS 2005 (đã được sửa đổi bổ sung năm 2011) thì khi khởi kiện, người khởi kiện phải gởi kèm theo đơn kiện tài liệu, chứng cứ để chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Quy định trên đã gây rất nhiều khó khăn cho đương sự trong việc nộp đơn khởi kiện tại toà án; mặt khác, nó cũng không phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng dân sự về chứng minh và chứng cứ. Theo đó, việc cung cấp chứng cứ của đương sự có thể được thực hiện ở bất kỳ thời điểm nào trong quá trình tố tụng vụ án. Do vậy, không có lý do gì buộc họ phải cung cấp chứng cứ ngay từ khi nộp đơn khởi kiện thì Tòa án mới thụ lý vụ án.

Khắc phục điểm bất cập này, BLTTDS năm 2015 không yêu cầu người khởi kiện phải gởi kèm theo đơn kiện tài liệu, chứng cứ để chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp, mà chỉ yêu cầu người khởi kiện gửi kèm theo đơn kiện các tài liệu, chứng cứ, chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm

Nhìn chung, nghĩa vụ chứng minh của nguyên đơn được hình thành trên cơ sở các yêu cầu của nguyên đơn trong vụ kiện. Khi nguyên đơn đưa ra một yêu cầu nào đó thì phải có nghĩa vụ chứng minh yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Điều đó cũng có nghĩa là khi đưa ra yêu cầu mà nguyên đơn không chứng minh được tính hợp pháp và có căn cứ của yêu cầu thì sẽ không được Tòa án chấp nhận. Do vậy, cùng với việc trình bày yêu cầu trong đơn khởi kiện, ngay từ đầu nguyên đơn phải chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ và phương thức chứng minh để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Ở đây cũng cần lưu ý rằng , theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 71 BLTTDS năm 2015 thì nguyên đơn có quyền thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện. Tuy nhiên, việc thay đổi, bổ sung nội dung yêu cầu khởi kiện theo mọi chiều hướng chỉ được chấp nhận trong giai đoạn trước phiên tòa sơ thẩm. Tại phiên tòa, việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của nguyên đơn không được vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu. Tức là, không làm “xấu” hơn tình trạng pháp lý của bị đơn cũng như những người tham gia tố tụng khác.

Ví dụ: nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn tiếp tục thực hiện hợp đồng, thì tại phiên tòa sơ thẩm không được bổ sung thêm yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng.

Như vậy, trong trường hợp có sự thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện thì nguyên đơn cần phải lưư ý đến phạm vi quyền được thay đổi trong từng thời điểm tố tụng. Trên cơ sở đó hướng hoạt động chứng minh vào những vấn đề trọng tâm, phù hợp với sự thay đổi, bổ sung yêu cầu đó.

Quá trình thực hiện nghĩa vụ chứng minh của nguyên đơn trong vụ án dân sự bắt đầu từ khi khởi kiện và chấm dứt khi vụ kiện kết thúc. Trong suốt quá trình này, tuỳ thuộc vào đặc điểm và các yêu cầu về tố tụng mà nguyên đơn có những cách thức thể hiện việc chứng minh khác nhau.

Chẳng hạn ở giai đoạn khởi kiện vụ án, việc chứng minh của nguyên đơn chủ yếu là cung cấp những tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung vụ kiện cũng như liên quan đến các yêu cầu khởi kiện của mình.

Trong giai đoạn Tòa án thụ lý và tiến hành các hoạt động điều tra, xác minh vụ án, bên cạnh việc bổ sung chứng cứ, yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp thu thập thêm chứng cứ (nếu có); trong một số trường hợp, theo yêu cầu của Tòa án, nguyên đơn còn phải phân tích, giải trình về một số vấn đề liên quan đến nguồn gốc hoặc tính xác thực của chứng cứ do mình cung cấp.

Xuất phát từ nguyên tắc: mọi tài liệu, chứng cứ của vụ án phải được xem xét và thẩm tra một cách công khai taị phiên tòa, nên trong giai đoạn xét xử, hoạt động  chứng minh của nguyên đơn có phần phức tạp và nặng nề hơn.

Ở giai đoạn này, ngoài việc cung cấp thêm chứng cứ hoặc giải trình về các vấn đề liên quan đến chứng cứ do mình cung cấp, nguyên đơn còn phải vận dụng khả năng phân tích và đánh giá chứng cứ, khả năng vận dụng pháp luật, chỉ ra các quy định pháp luật cho phép chấp nhận yêu cầu của mình trong vụ án…

Thông thường, việc phân tích và đánh giá chứng cứ trong hoạt động chứng minh của nguyên đơn thể hiện trên hai phương diện.

Thứ nhất, phân tích và đánh giá chứng cứ do mình cung cấp để khẳng định giá trị chứng minh của chứng cứ. Qua đó khẳng định tính có căn cứ  và hợp pháp đối với các yêu cầu của mình trong vụ kiện.

Thứ hai, phân tích và đánh giá các tài liệu, chứng cứ do bị đơn cũng như các đương sự khác trong vụ án đưa ra để phản đối yêu cầu của mình. Qua đó nhằm khẳng định việc phản đối của bị đơn cũng như các đương sự khác là không có cơ sở, không được pháp luật thừa nhận…

   (còn tiếp…)

 

                                          Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê