Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Nguyễn Trường Tộ với vấn đề cải cách văn hoá xã hội dưới thời cận đại

05/12/2016, 04:59

Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) người làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ Tĩnh là một người công giáo yêu nước, thông hiểu nho học và là người tiếp thu văn hóa tiến bộ của phương tây sớm nhất ở nước ta.

Trước tình hình đất nước bị thực dân Pháp đe dọa, xâm lược, mà triều đình nhà Nguyễn thì ngày càng suy yếu, phản động không có đối sách đúng đắn khả dĩ đưa nước nhà thoát khỏi họa ngoại xâm. Nguyễn Trường Tộ lúc bấy giờ với lập trường chính trị “tạm thời hòa hoãn” với giặc đã đưa ra một loạt những đề nghị “cải cách đất nước” gửi triều đình Tự Đức bao gồm những ý kiến về đường lối đối nội đối ngoại như gấp rút chấn chỉnh võ bị, xây dựng kinh tế đổi mới cơ chế Nhà nước... và cả vấn đề cải cách giáo dục, tư tưởng văn hóa xã hội nữa.

Dưới đây chúng tôi xin lược thuật những ý kiến của ông về vấn đề cải cách văn hóa - xã hội, mà đến nay sau hơn 100 năm, xem ra vẫn còn có thể tham khảo tốt đối với công cuộc cách mạng tư tưởng văn hóa của chúng ta.

Nguyễn Trường Tộ từng sống gần gũi nhân dân lao động, tận mắt chứng kiến đầy đủ cảnh sống tối tăm nghèo khổ của mọi người, do đó trong một số điều trần gởi cho Tự Đức ông đã kiến nghị cụ thể những vấn đề sau đây:

1. Lập trại tế bần và viện dục anh.

Trong khuôn khổ cứu tế xã hội, nhằm giúp đỡ những người già yếu nghèo khổ không có sức lao động, không thể làm được việc gì để tự nuôi sống cũng như trẻ mồ côi không có nơi nương tựa... thì triều đình cần phải lập trại tế bần và viện dục anh để chẩn cấp lương thực áo quần thuốc thang nuôi dưỡng chu đáo. Đặc biệt đối với trẻ hài nhi mồ côi, công lao nuôi nấng dạy bảo thành người hữu ích là một việc làm hết sức nhân đạo. Ông nói “giữa việc sinh và việc nuôi thì việc nuôi quan trọng hơn nhiều lắm. Những trẻ mồ côi khốn khổ ấy, nếu không có ai chăm lo, nuôi nấng thì sẽ bị chết uổng”. Do đó, triều đình cần phải sớm cắt cử người phụ trách và khuyến khích việc lập các nhà nuôi trẻ mồ côi, lập các viện dưỡng lão, trại nuôi người tàn tật. Số tổn phí để xây dựng các sở từ thiện đó, theo Nguyễn Trường Tộ thì Nhà nước phải dựa vào sự hảo tâm của phú hộ, của những người có lòng từ thiện. Ông nêu lên cảnh trái ngược: “Ngoài đường có người đói khát ăn xin, da bọc xương, giơ tay xin miếng ăn thừa mà không chịu cho, láng giềng có trẻ mồ côi ngồi khóc bên đường mà không thèm ngó tới, như thế mà gọi là hiếu thiện được sao? Khi đề cập đến nghĩa vụ cứu tế của triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ ông nói: “Tuy có xuất của xuất công một ít nào đó để tế bần, nhưng kẻ thừa hành không làm tròn nhiệm vụ, cho nên người nghèo khó không được giúp đỡ bao lăm”. Vì vậy, ông đề nghị nước ta cần bắt chước phương tây, quyên tiền nhà giàu để tổ chức việc cứu tế, ở nhà thờ, trường học, hội phục thiện đều đặt hòm cứu tế để người qua lại ai giúp tiền thì bỏ vào đấy. Đối với người nghèo thì chia làm hai hạng: hạng người còn có ít nhiều sức lao động thì phải tổ chức cho họ sản xuất thêm của cải vật chất, hạng già yếu và có bệnh thì được nuôi bằng quỹ công và tiền của quyên góp được. Còn việc nuôi dạy trẻ mồ côi, thì phải tổ chức chu đáo phải chọn người có tư cách đạo đức như những người mẹ đẻ của các cháu.

2. Tăng cường việc giáo dục bọn côn đồ, du đãng, trộm cướp:

Chính bọn này là thủ phạm của nạn rượu chè, cờ bạc, phá rối an ninh, ngăn trở việc giao lưu buôn bán, gieo rắc mê tín dị đoan trong nhân dân, cho nên Nhà nước phải chú ý trừ hết mối tệ đoan này bằng cách tăng cường giáo huấn họ. Nhà nước nên dựa vào việc điều tra dân số để nắm tình hình cụ thể về loại người bất trị này. Phải tổ chức tập trung bọn chúng thành đội ngũ và đưa đi quản thúc, an trí ở những địa điểm xa xóm làng. Nhà nước hoặc cấp cho chúng cơm ăn áo mặc và cải tạo chúng bằng lao động hoặc bắt chúng phục dịch việc quân, có thể cho phép chúng mang theo gia đình lên miền núi nơi biên thùy để khai khẩn đất đai làm ăn sinh sống lâu dài. Nếu thực hiện được điều này thì có lợi cho quốc gia về rất nhiều mặt như: đỡ được nạn trộm cướp, gây rối trị an, nhất là tạo điều kiện tốt cho chúng đoạn tuyệt được cuộc đời hung ác, trở thành người lương thiện có nghề nghiệp, sản phẩm tự nuôi sống mình và gia đình”...

3. Cải tạo phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.

Đây cũng là một nội dung quan trọng trong những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ. Trong bản điều trần ngày 10 tháng 3 năm Tự Đức thứ 24 (1871) Nguyễn Trường Tộ trình bày về một số vấn đề cụ thể như sau:

- Vấn đề ăn mặc và ở: Ông cho rằng con người khác con vật chính là ở chỗ đầu tóc không thể để bù xù như đống cỏ, thân thể không thể để trần truồng và con người không thể sống ở ngoài trời được. Loài người làm ra mũ để đội, áo quần để mặc, nhà cửa để ở và dùng những “cơ xảo” để làm ra những vật dụng ấy. Đó là những vấn đề mà nước ta còn có nhiều thiếu sót. Không kể ở nông thôn nghèo khó bùn lầy nước đọng mà ngay ở nơi phồn hoa đô hội của Kinh thành từ Lục Bộ cho đến Nha thự, từ chợ quán đến vườn hoa bến sông, ngả phố... Chỗ nào cũng có uế khí. Sở dĩ như vậy là vì ở nước ta bất cứ ở đâu, bất cứ đồ vật gì như gạch, ngói vỡ, nồi niêu hư nát, cành lá cây khô, rơm rác tro than... người ta đều đem đổ cả ra đường mà không biết thu dọn lại để vừa được sạch sẽ phong quang vừa có thể còn ít nhiều hữu dụng trong số đó. Thật là nhà ở với sân bãi rác bẩn không phân biệt. Vừa ăn ở bẩn thỉu đó là nguồn gốc của mọi bệnh tật: “Người đời sinh bệnh, nhưng bệnh đó từ lỗ mũi mà vào; những nơi uế độc, nhân khí nặng mà chương lên, lẫn trong không khí theo gió bay vào khắp nơi nếu người thở hít phải thì khí độc ấy theo mạch máu mà tràn vào phủ tạng và các thi thể, mà sinh ra bệnh tật, đến huyết khí trong người hư hỏng mà chết”.

- Những tập quán xấu, thiếu văn minh khác cũng cần phải được xóa bỏ như: Đi tiểu tiện ngang nhiên chỗ đông người qua lại; hoặc phóng uế bừa bãi “vừa thiếu lịch sự, vừa mất vệ sinh chung”. Thói xấu chửi bới lẫn nhau cũng nên bỏ. “Ở nước ta, trong các thành phố hoặc chợ búa ở hương thôn, không kể nghèo hèn sang giàu đều hay chửi rủa lẫn nhau, lời nói rất thô bỉ tục tĩu, đó là một điều rất xấu, nên bỏ”. Một vài thói quen xấu khác như ở trần đi ra đường, tắm gội suồng sã nơi bến sông, giếng nước chỗ đông người qua lại cũng rất không đẹp mắt, cần phải bỏ tiệt.

4. Chấm dứt những tệ nạn xã hội:

Những tệ nạn này có nguồn gốc ở thói xa hoa lãng phí, lười biếng không chịu lao động. Theo Nguyễn Trường Tộ, trong xã hội, người nào sống như vậy tức là những kẻ ích kỷ không biết đến nhân nghĩa là gì, ông chỉ trích mạnh mẽ “Những kẻ phong lưu chơi bời, dám bỏ ngàn vàng để mua tiếng cười của ca sĩ, dám ném trăm vạn bạc vào cuộc sát phạt đỏ đen, nhưng lại không nỡ bỏ ra một đồng tiền cho người ăn xin đứng chờ chực trước cửa hoặc không cho người cùng làng thiếu thuế vay một quan tiền, thật là lòng sắt dạ thú!”.

- Về nạn cờ bạc: Nguyễn Trường Tộ đề nghị cần phải nghiêm cấm bằng cách đánh thuế thật nặng từ một ngàn đến ba ngàn quan. Nếu ai bắt được sòng bạc lậu nào sẽ được thưởng và người phạm tội sẽ bị tịch thu gia sản.

Còn về nạn rượu chè hút xách: Ông vạch rõ “rượu không thể uống no bụng được, lại hao tổn lúa gạo rất nhiều, chính là một điều hại lớn”, Nhà nước cần phải nghiêm cấm và đánh thuế rượu thật nặng ở cả nông thôn lẫn thành thị. Còn như việc nghiện thuốc lá “nhất là thuốc phiện, phải đánh thuế năm, sáu lần nặng hơn thuốc lá. Nếu không nó sẽ lan ra thành một tai họa lớn cho nhân dân, cho nòi giống. Những người làm quan có lỡ mắc nghiện thuốc phiện thì phải dứt bỏ, nếu không thì phải thải hồi”.

Về tệ mê tín dị đoan. Trước hết, Nguyễn Trường Tộ đề nghị cấm lưu hành những loại sách truyện hoang đường “Những tiểu thuyết chuyện hoang đường bùa chú, sấm truyền, bói quả, xem số và các thứ sấm ký Trạng Trình, Trạng Lợn lưu truyền trong dân gian là những chuyện làm cho lòng người hư hỏng hoang mang”. Ông nói thêm “tôi đau đớn vì những chuyện đó mà phải va chạm nhiều với thiên hạ... Tất cả những chuyện đó không cho phép lưu truyền, không cho phép đàm luận và cấm hẳn không cho khắc in ra nữa. Tệ mê tín dị đoan tác hại không ít đến quốc kế dân sinh. Ví như có nơi chỉ cần đắp một con đê nhỏ thì phải bỏ hoang hàng trăm mẫu ruộng, nhưng vì dân ở làng ấy sợ động long mạch, sợ kỳ hào hương lý mang bệnh mà không dám đào đất đắp đê, thật là tai hại”...

Cùng với toàn bộ những ý kiến đề nghị cải cách khác của Nguyễn Trường Tộ, những ý kiến về cải cách văn hóa xã hội trên đây đã bị triều đình Tự Đức gác bỏ, không thi hành. Đất nước ta hồi đó dưới sự thống trị của chế độ phong kiến đã suy yếu dần và cuối cùng bị thực dân Pháp thôn tính. Với những hiểu biết của mình và nhất là với nhiệt tình yêu nước của mình, Nguyễn Trường Tộ đã có những ý kiến đóng góp chân tình. Tất nhiên những ý kiến đề nghị cải cách đất nước của ông còn có nhiều hạn chế do quan điểm chính trị và lập trường giai cấp của ông chi phối, nhưng mà triều đình biết nghe ra và thực hiện những kiến nghị hợp lý nhất của ông, thì không phải không có lợi cho đất nước.

Ngày nay, ở một thời đại mới, chúng ta đang tích cực xây dựng chủ nghĩa xã hội, những ý kiến trên đây của ông dĩ nhiên đã bị vượt qua rất xa rồi, nhưng chúng ta vẫn trân trọng tấm lòng vì dân vì nước mà hiến kế của ông lúc đó.

CHƯƠNG THÂU.
(Trích tập san Văn Hóa Nghệ Thuật Nghệ Tĩnh)
Dẫn lại từ TẠP CHÍ SÔNG HƯƠNG

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác