Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Thiết chế phản biện xã hội (2)

12/12/2016, 05:49

Nội dung của phản biện xã hội: Phản biện xã hội là đưa ra các lập luận, phân tích nhằm phát hiện, chứng minh, khẳng định, bổ sung hoặc bác bỏ một đề án (phương án, dự án) xã hội đã được hình thành và công bố trước đó.

Một đề án, dự án, phương án xã hội khi đưa ra bao giờ cũng dựa trên những cơ sở lập luận nhất định. Vì vậy, phản biện xã hội dựa vào các lập luận, phân tích từ một góc nhìn khác, một hệ thống công cụ khác với góc nhìn và hệ thống công cụ đã dùng ở đề án xã hội nói trên. Như vậy, phản biện xã hội chỉ có thể triển khai trên cơ sở đa nguyên ý kiến, lập luận và công cụ phân tích (không nên đánh đồng đa nguyên này với đa nguyên về tổ chức chính trị và hệ tư tưởng).

Phản biện xã hội có thể được thực hiện với bất cứ một phương án xã hội nào được công bố, cho dù là từ đâu: từ phía lực lượng lãnh đạo xã hội hay từ các lực lượng hoạt động xã hội khác. Phương án xã hội nhằm chỉ bất cứ một kế hoạch, chủ trương… nào có tính chất xã hội, tức là liên quan đến quyền lợi và đời sống của đông đảo mọi người trong quốc gia. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể này, chúng ta giới hạn “phản biện xã hội” là sự nhận xét đối với các phương án xã hội lớn do lực lượng đang nắm quyền lãnh đạo xã hội đưa ra (đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, các quyết định kinh tế – xã hội lớn…).

Khi giới hạn như vậy, một nội hàm hẹp hơn của phản biện xã hội là: những ý kiến, lập luận, quan điểm được đưa ra khác với phương án “chính thống”, nhằm mục đích vạch ra những điểm thiếu sót, bổ sung, làm rõ những khía cạnh chưa hợp lý, hoặc khẳng định, hoặc bác bỏ phương án “chính thống”.

Lập luận phản biện đương nhiên khác với lập luận “chính thống” là cơ sở của đề án xã hội đã được đưa ra. Tuy nhiên “dải tần” của sự khác biệt này rất rộng, dẫn đến các kết quả cuối cùng rất khác nhau. Như trên đã chỉ ra, phản biện có thể dẫn đến kiểm tra, rà soát, bổ khuyết, và có thể cả phê phán và bác bỏ phương án được đưa ra để trưng cầu phản biện.

Phản biện có thể dẫn đến phản bác. Nhưng phản biện khác phản bác chính là ở chỗ “dải tần” của phản biện rộng, và phản bác chỉ là một khả năng, một tình huống có thể có trong phản biện.

Phản biện xã hội và phản biện khoa học có những điểm giống và khác biệt rất quan trọng.

Phản biện xã hội cũng phải dựa trên cơ sở các lập luận và ý kiến hướng đến chân lý khách quan như phản biện khoa học. Trong nhiều trường hợp (tùy thuộc nội dung và chủ thể phản biện xã hội), phản biện xã hội cũng chính là phản biện khoa học. Ví dụ: Chính phủ đưa ra chủ trương phát triển nguồn năng lượng, trong đó đề xuất xây dựng nhà máy điện nguyên tử. Đây vốn là vấn đề kinh tế – kỹ thuật, nhưng do tầm quan trọng lớn lao của nó với an sinh xã hội nên cần phải tranh thủ rộng rãi ý kiến khác nhau, trong đó có phản biện của các nhà khoa học.

Điểm khác nhau giữa phản biện xã hội và phản biện khoa học:

– Phản biện khoa học bao giờ cũng phải có sự hoàn chỉnh tương đối của lập luận để “đua tranh” với lập luận “chính thống”. Phản biện xã hội không phải bao giờ cũng như vậy. Có những trường hợp phản biện xã hội là sự tập hợp của nhiều ý kiến, phản ứng, dư luận, lý lẽ… riêng rẽ, không có tính hoàn chỉnh tương đối, nhưng vẫn có thể tác động mạnh đến phương án xã hội “chính thống” đã được đưa ra.

– Phản biện khoa học về bản chất là khách quan, không có tính giai cấp. Phản biện xã hội bên cạnh thuộc tính khoa học, có thuộc tính xã hội, tức là phản ánh các quan điểm, quyền lợi của các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Vì vậy phản biện xã hội không phải lúc nào cũng dựa trên cơ sở lập luận khoa học thuần túy. Ngược lại, trong đa số các trường hợp của phản biện xã hội có thể thấy yếu tố quyền lợi chính trị – kinh tế – xã hội được phản ánh thông qua chủ thể phản biện.

Đây là khác biệt hết sức quan trọng. Không nắm vững điểm khác biệt này sẽ dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng trong việc nhìn nhận và tổ chức, xây dựng cơ chế phản biện xã hội, nhất là trong bối cảnh xã hội có những quyền lợi khác biệt, trong giai đoạn quá độ.

Về khái niệm, không khó phân biệt phản biện xã hội và phản kháng xã hội. Tuy nhiên, thực tế đây là vấn đề rất phức tạp. Trong bối cảnh đấu tranh giai cấp, xung đột quyền lợi (kể cả trong nước và quốc tế), phản kháng xã hội có thể nấp dưới hình thức phản biện xã hội, ít ra là trong một giai đoạn nhất định. Trong trường hợp này, phản biện xã hội là hình thức đấu tranh hợp pháp của lực lượng theo đuổi mục tiêu xã hội đối lập với mục tiêu xã hội “chính thống”.

Từ một góc nhìn khác, cần lưu ý rằng phản biện xã hội mặc dầu có tính chất xây dựng nhưng trong những bối cảnh, tình huống nhất định có thể bị lực lượng theo đuổi phản kháng xã hội lợi dụng để phục vụ cho hoạt động phản kháng, ít nhất là trong quá trình vận động, tập hợp lực lượng, gây dư luận xã hội. Do vậy, trong bối cảnh cụ thể của nước ta, khi Đảng cộng sản là đảng cầm quyền duy nhất, việc xây dựng cơ chế phản biện xã hội cần phải khoa học, chặt chẽ, tránh kẽ hở để các lực lượng thù địch lợi dụng.

Nội dung của phản biện xã hội rất rộng. Lực lượng lãnh đạo trong xã hội có những đường lối, hệ thống các quan điểm lãnh đạo chính trị – kinh tế – xã hội cho từng giai đoạn, thể chế và pháp chế hóa các chủ trương, quan điểm đó, đồng thời thường xuyên phải cụ thể hóa đường lối của mình thành các chính sách. Đó là đối tượng của phản biện xã hội. Tiếp nữa, vì ở vị thế cầm quyền, lực lượng này phải đưa ra các quyết sách cụ thể. Không phải tất cả các quyết định có tính chất điều hành này đều là đối tượng của phản biện. Nhưng nhiều quyết định có ảnh hưởng lớn đến đời sống và tâm trạng của toàn xã hội hoặc của một bộ phận, tầng lớp dân cư, một khu, vùng miền… cũng cần có phản biện xã hội. Phản biện xã hội thực hiện chủ yếu ở hai trường hợp: Một là, đối với các dự thảo chủ trương, chính sách; Hai là, phát hiện các điểm chưa hoàn thiện, thậm chí sai sót, hoặc không còn phù hợp trong đường lối, chính sách, quy định pháp lý… đang được thực hiện trong thực tế, để lực lượng cầm quyền có những điều chỉnh, sửa đổi hoặc thay đổi chính sách cho phù hợp, ưu việt. Phản biện không hoàn toàn giống với việc đề xuất, phát biểu, kiến nghị nói chung. Phản biện là hoạt động sau khi đã có những công bố (diện hẹp hoặc rộng) các quan điểm, chủ trương, chính sách và nhằm vào các chủ trương, chính sách… đã công bố. Còn việc biểu lộ quan điểm, chính kiến, đề xuất có thể không gắn với một chủ trương, chính sách đã đưa ra thì không thuộc phạm vi khái niệm phản biện xã hội.

Ý nghĩa và giá trị của phản biện xã hội

A – Phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách, pháp luật do lực lượng cầm quyền đề xuất và chủ trương thực hiện là hoạt động thường xuyên diễn ra, là hiện tượng không thể thiếu trong cuộc sống chính trị của mỗi đất nước trong các thời kỳ. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến điều này:

– Thứ nhất, các lực lượng cầm quyền có nhu cầu về phản biện xã hội đối với các chính sách của mình. Thực tế đã chứng minh rằng cá nhân hoặc lực lượng lãnh đạo, cầm quyền thường cần phản biện xã hội để kiểm tra, khẳng định hay để điều chỉnh, sửa đổi, thay đổi các chủ trương, chính sách, quyết định xã hội của mình. Các hình thức để có được phản biện xã hội thay đổi tùy theo từng thời kỳ, phụ thuộc từng chính thể, có thể rất thô sơ, và cũng có thể rất phức tạp. Trong lịch sử, các nhà cầm quyền khôn ngoan luôn biết cách sử dụng phản biện xã hội như một kênh thông tin rất quan trọng phục vụ cho công việc của mình. Bản thân việc chấp nhận và sử dụng phản biện xã hội chưa có nghĩa là nhà nước đó là nhà nước tiến bộ. Đối với nhà nước “do dân, vì dân”, phản biện xã hội là hình thức sinh hoạt chính trị dân chủ giúp thực hiện mục đích xã hội tốt đẹp. Nhưng các thể chế khác cũng có thể chấp nhận phản biện xã hội như là phương thức thu thập thông tin để xử lý theo hướng đối phó với tâm trạng xã hội. Trong xã hội tư bản, các đảng tư sản đấu tranh quyết liệt để giành vị trí cầm quyền. Điều này phản ánh sự xung đột trong lợi ích của một bộ phận giai cấp tư sản với bộ phận khác. Nhưng giai cấp tư sản có quyền lợi chung, nên xung đột này chỉ giới hạn trong một chừng mực nhất định. Sau khi một đảng thắng cử, đảng tư sản kia trở thành đảng đối lập. Điều ấy không có nghĩa là đảng này đối lập về đường lối và mục tiêu với đảng cầm quyền. Quá trình chỉ trích, phê phán diễn ra trong toàn bộ thời gian sau đó chỉ có ý nghĩa như cuộc tranh cử sớm, và cũng lại có vai trò như một hình thức phản biện xã hội của giai cấp tư sản. Quá trình này phục vụ một cách hiệu quả cho sự cầm quyền của giai cấp tư sản trong nhiều thập kỷ qua.

– Thứ hai, trong lịch sử có những thể chế, cá nhân cầm quyền “dị ứng” với sự nhận xét, phê phán của xã hội nhằm vào các chính sách của mình. Nhưng phản biện xã hội là phản ứng tự nhiên của các thành phần trong xã hội đối với các chủ trương, chính sách (đã được áp dụng hoặc mới là dự định) của phía cầm quyền, nó khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn của nhà cầm quyền. Khi chính sách được áp dụng hoặc được công bố, nó sẽ động đến quyền lợi của các tầng lớp xã hội. Do vậy các tầng lớp này bao giờ cũng biểu lộ ý kiến của mình. Tùy theo bản chất nhà nước và cách thức vận hành của hệ thống phản biện xã hội mà các ý kiến này được ghi nhận đến đâu, nhưng trong mọi trường hợp nó đều hiện hữu. Một nhà nước không chấp nhận phản biện đối với các chính sách của mình, cũng không thể có phương tiện để ngăn chặn triệt để sự xuất hiện, lan truyền và tác động của phản biện xã hội đối với các chính sách của nhà nước đó. Hơn thế, thực tế chứng minh rằng, ngăn chặn phản biện xã hội là con đường ngắn nhất dẫn đến phản kháng xã hội. Đó là điều mà một thể chế chính trị tỉnh táo nên tránh.

Thực tế diễn ra ở Liên Xô trước đây, riêng trong vấn đề phản biện xã hội, cho ta hai bài học đau xót.

Bài học đầu tiên là mặc dầu có một hệ thống nghiên cứu khoa học xã hội rất đồ sộ và trình độ dân trí rất cao, nhưng các đường lối, chính sách lớn lại không có sự phản biện xã hội thật sự. Thông thường một số cơ quan nghiên cứu trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô soạn thảo các văn kiện quan trọng, và dự thảo văn kiện được thông qua dưới sự chỉ đạo của một nhóm nhỏ các cá nhân lãnh đạo trong lĩnh vực đó. Ngay trong nội bộ Viện Hàn lâm khoa học xã hội trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô – một trung tâm có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, hình thành các văn kiện – quá trình soạn thảo cũng có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng không có sự thảo luận dân chủ kỹ càng. Một đặc điểm nữa là việc giao nhiệm vụ chuẩn bị văn kiện cho cơ quan nghiên cứu nào phụ thuộc nhiều vào việc cá nhân người lãnh đạo là ai. Nếu như Tổng Bí thư Brê-giơ-nhép dựa chủ yếu vào bộ máy của Ban Chấp hành Trung ương, thì Tổng Bí thư Goóc-ba-chốp hầu như “không tin tưởng” các cơ quan này. Thời Goóc-bachốp, Viện Hàn lâm khoa học xã hội trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô hầu như chỉ là nơi thực hiện các khóa đào tạo. Các văn kiện chủ yếu được tin tưởng giao phó cho một số viện nằm trong cơ cấu Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (ví dụ: Viện nghiên cứu kinh tế của A-ban-kin và Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế của Pri-ma-cốp). Hậu quả là quan điểm, chủ trương lớn của toàn Đảng nhiều khi chỉ là “tác phẩm” của một nhóm, một trường phái, một cơ quan khoa học. Có thể nêu ví dụ học thuyết về giai đoạn “chủ nghĩa xã hội phát triển” được Tổng Bí thư Brê-giơ-nhép đưa ra và thể chế hóa trong Hiến pháp Liên Xô năm 1977, đóng vai trò như là định hướng quan trọng nhất của đường lối chính trị – kinh tế – xã hội của Liên Xô giai đoạn này – không phải là sản phẩm khoa học được hình thành qua sự nghiên cứu, chà xát khoa học kỹ lưỡng của toàn bộ các lực lượng nghiên cứu khoa học xã hội. Ngay từ thời gian đó, nhiều nhà khoa học, nhiều cán bộ Đảng đã có ý kiến cho rằng: xã hội Liên Xô có những biểu hiện trì trệ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ (công nghệ thông tin không được áp dụng để đẩy mạnh nền kinh tế), lĩnh vực kinh tế (cơ chế quản lý hành chính quan liêu mệnh lệnh trong kinh tế khiến cho Liên Xô tụt hậu trong việc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của tiêu dùng trong nước, chưa nói đến phát triển để thích ứng với bối cảnh “chiến tranh kinh tế” trên thế giới). Do đó, thuyết “Giai đoạn chủ nghĩa xã hội phát triển” không vạch ra được con đường bứt phá khỏi trì trệ, mà như sự “hợp thức hóa” trì trệ. Điều này về lâu dài sẽ không có lợi cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển chủ nghĩa xã hội tại Liên Xô. Tuy nhiên, những ý kiến đó hầu như không có diễn đàn để thảo luận nghiêm túc, chỉ âm ỉ trong phạm vi hẹp.

Phải nói rằng thiếu phản biện xã hội thực sự, phản biện xã hội có tổ chức trong giai đoạn thể chế chính trị còn rất ổn định tại Liên Xô thời kỳ Brê-giơ-nhép đã khiến cho Ban lãnh đạo Xô-viết khi đó không nắm bắt được các yêu cầu và thách thức xã hội đang ngầm trở thành hiểm họa, do đó không sớm xử lý được nhiệm vụ chính trị, góp phần dẫn đến tình trạng sụp đổ ở giai đoạn sau.

Bài học thứ hai, còn cay đắng hơn, là khi đứng trước tình huống bị tụt hậu khá xa về kinh tế, khi cả xã hội nhận thức được rằng chủ nghĩa xã hội chỉ có thể đứng vững và vượt lên nếu tạo được năng suất lao động không thua kém (điều mà Lê-nin từng khẳng định như một nguyên tắc sống còn), khi cần đưa ra những chủ trương, đường lối mới, thì nhóm Goóc-bachốp vừa không thoát khỏi cách làm cũ (quá trình dự thảo chính sách vẫn thiếu sự chuẩn bị khoa học), nhưng đồng thời lại phạm vào những sai lầm mới: biến phản biện xã hội thành một quá trình không kiểm soát được, biến hoạt động khoa học và lý luận của các cơ quan soạn thảo văn kiện nhiều khi thành một hoạt động dạng câu lạc bộ vô chính phủ. Như vậy, phản biện xã hội vừa là một nhu cầu khách quan của công việc lãnh đạo xã hội, vừa là một hiện thực tất yếu luôn tồn tại trong đời sống xã hội. Không nên và cũng không thể ngăn cản phản biện xã hội, nhưng lại có thể và cần thiết tổ chức phản biện xã hội để phục vụ cho các mục tiêu phát triển xã hội đúng đắn, phân biệt để hạn chế và đấu tranh với việc lợi dụng phản biện xã hội vào các mục đích chống lại thể chế.

B – Phản biện xã hội có ý nghĩa và giá trị lớn, thể hiện qua hai khía cạnh:

– Phản biện xã hội, nếu được thực hiện đúng đắn, sẽ đem lại kết quả tích cực trực tiếp: chủ trương, đường lối, chính sách sẽ phù hợp với vận động của thực tiễn khách quan; các chính sách và chế tài phản ánh đúng nhu cầu thực tế, có cơ sở khoa học vững chắc, đem lại hiệu quả cao, không hoặc ít gây ra các hậu quả trái với mục tiêu đề ra.

Thực tế chỉ ra rằng có những chủ trương, chính sách không hẳn là vấn đề chính trị – xã hội, nhưng ảnh hưởng nhiều đến dân sinh, như: cải cách sách giáo khoa, chế tài về an toàn giao thông, quản lý giá thuốc…, hoàn toàn có điều kiện để trưng cầu phản biện xã hội rộng rãi trước khi đưa vào thực hiện, nhưng do không làm tốt việc này, nên gặp rất nhiều khó khăn. Phản biện xã hội tạo điều kiện để chúng ta có những phương án hợp lý nhất, chắc chắn nhất, hiệu quả nhất, gặp được sự ủng hộ rộng rãi khi đưa vào thực hiện.

– Phản biện xã hội cũng có thể không đem lại hiệu quả cụ thể trước mắt vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, nhưng vẫn đem lại hiu quả xã hội tích cực về lâu dài là góp phần xây dựng nền nếp dân chủ trong hoạch định chính sách, không khí đồng thuận trong xã hội và nhất là tránh được hiện tượng bàng quan chính trị trong dân chúng.

Bàng quan chính trị là hiện tượng nguy hiểm đối với chính thể. Hiện tượng này là kết quả của quá trình giảm sút lòng tin của quần chúng đối với Nhà nước, và cũng là kết quả của việc quần chúng không hoặc ít có cơ hội tham gia vào các quyết sách xã hội. Hiện tượng bàng quan chính trị do không có biểu hiện gay gắt như chống đối và phản kháng, nên mức độ nguy hiểm của nó ít khi được đánh giá đúng mức. Một phân tích kỹ càng sẽ cho ta thấy: Liên Xô sụp đổ không phải do lực lượng chống chế độ có sức mạnh to lớn vào thời điểm đó. Thậm chí vào lúc đó các lực lượng này chưa có một cơ sở xã hội rõ ràng (về cơ bản, hạ tầng kinh tế và xã hội khi đó chưa bị biến dạng quá nhiều so với giai đoạn ổn định). Sự phản bội của nhóm người lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô là một yếu tố rất quyết định, nhưng không phải có tính chất gốc rễ, bởi trong một bối cảnh khác, sự phản bội này gây thiệt hại lớn, nhưng không thể dẫn đến sự sụp đổ thể chế. Thể chế chính trị của Liên Xô sụp đổ chủ yếu do đông đảo đảng viên, quần chúng đã không bảo vệ chính thể lúc cần thiết. Và xảy ra điều này là do trước đó, đã có trạng thái bàng quan chính trị trong xã hội, khi đông đảo cán bộ, đảng viên và người dân đã không còn thấy mình là người trong cuộc đối với các vấn đề lớn của xã hội. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bàng quan chính trị tại Liên Xô trước đây có nhiều, nhưng trong đó có phần thiếu dân chủ trong việc hình thành các chủ trương, chính sách điều chỉnh đời sống xã hội, vi phạm các nguyên tắc dân chủ của Lê-nin.

– Thấy hết ý nghĩa và giá trị của phản biện xã hội là điều cần thiết, nhưng cũng không nên tuyệt đối hóa vai trò của phản biện xã hội, cho đó là giải pháp vạn năng trong đời sống chính trị. Mặc dù là một yếu tố rất quan trọng, phản biện xã hội chỉ là một trong các biểu hiện của cơ chế tập trung dân chủ, nó chỉ có ý nghĩa và giá trị khi nằm trong tổng thể cơ chế tập trung dân chủ. Cũng cần phải vạch ra rằng, phản biện xã hội không thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi tình huống, bối cảnh. Một nhà nước phải điều hành hoạt động xã hội hằng ngày, trong các bối cảnh trong nước và quốc tế rất đa dạng, không thể áp dụng phản biện xã hội cho mọi quyết sách của mình. Phản biện xã hội áp dụng tràn lan và cứng nhắc có thể làm mất đi tính năng động và kịp thời của quá trình điều hành hoạt động xã hội. Nếu tổ chức không tốt quá trình phản biện xã hội, dẫn đến bị lợi dụng, thì có thể còn làm tê liệt nhất thời sự điều hành của nhà nước. Do đó, nhìn nhận phản biện xã hội phải theo tư duy nguyên tắc, nhưng cũng phải biện chứng. Điều này rất quan trọng khi chúng ta bàn về phương thức thực hiện phản biện xã hội.

(còn tiếp…)

TRÍCH DẪN TỪ TÀI LIỆU THAM KHẢO “VỀ PHẢN BIỆN XÃ HỘI” CỦA TRUNG TÂM THÔNG TIN KHOA HỌC – VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIÊN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP CỦA QUỐC HỘI

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác