Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Trách nhiệm dân sự trong luật Hồng Đức (1)

23/11/2016, 07:51

Chế định trách nhiệm dân sự trong Luật Hồng Đức là tổng thể các quy định của Luật Hồng Đức (Hay còn được gọi là Quốc Triều Hình Luật) quy định các vấn đề liên quan đến trách nhiệm dân sự của cá nhân trong thời đại phong kiến nhà Lê.

Khái yếu

Luật Hồng Đức là một trong những bộ luật phong kiến tiến bộ nhất và đặc sắc nhất trong lịch sử pháp luật Việt Nam. Bộ luật đánh dấu thời kỳ hoàng kim nhất, rực rỡ nhất của chế độ phong kiến Việt Nam dưới triều đại Lê sơ, đặc biệt là dưới thời vua Lê Thánh Tông. Luật Hồng Đức được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá rất cao về tư tưởng và trình độ lập pháp, vượt xa so với khuôn mẫu tư duy của thời đại phong kiến và để lại những dấu ấn sâu đậm cho đến tận ngày nay,[1] và một trong những nội dung đó là trách nhiệm dân sự.

Chế định trách nhiệm dân sự là nét đặc sắc, độc đáo đáng quan tâm trong Luật Hồng Đức. Mặc dù về tính chất, đây là bộ luật hình sự (Quốc triều hình luật), nhưng Luật Hồng Đức chứa đựng trong đó những yếu tố khá tiến bộ trong việc điều chỉnh quan hệ dân sự, quy định, dự liệu phong phú các trường hợp về tổn thất, thiệt hại trong thực tế cả về vật chất lẫn tinh thần từ đó xác định trách nhiệm hình sự và dân sự.

Chế định trách nhiệm dân sự trong Luật Hồng Đức đưa tầm vóc của bộ luật lên tầm cao hơn so với tư duy lập pháp phong kiến. Sự dự liệu sinh động, đầy tính thực tiễn của nó vẫn còn dư âm mạnh mẽ cho đến ngày nay, có ý nghĩa lớn trong công tác xây dựng và áp dụng pháp luật dân sự hiện đại.[2]

Trong Luật Hồng Đức không có quy định riêng hoặc gọi đích danh về chế định này, tuy nhiên qua đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành, qua phân tích dưới góc độ khoa học pháp lý, có thể phân chia những nội dung về trách nhiệm dân sự như sau:[3][4] Tổn thất trên thực tế; Lỗi; Trường hợp đặc biệt phát sinh trách nhiệm; Nguyên tắc bồi thường; Phương thức bồi thường thiệt hại; Các trường hợp giảm nhẹ và miễn trách nhiệm.

Tổn thất thực tế

Trong quy định của pháp luật hiện hành cũng như về mặt khoa học pháp lý, tổn thất thực tế (bao gồm tổn thất vật chất và tổn thất về tinh thần) là một trong những điều kiện làm phát sinh trách nhiệm dân sự.[5]Luật Hồng Đức cũng quy định rõ về tổn thất vật chất và tổn thất về tinh thần

Tổn thất vật chất

Theo các nhà lập pháp thời Lê,[6] tổn thất vật chất ở đây là sự xâm phạm đến tính mạng con người, tài sản và theo đó vừa phải chịu chế tài hình sự là hình phạt tương ứng đồng thời còn phải bồi thường thiệt hại cho người bị xâm hại các giá trị nói trên về thể chất và quyền sở hữu.

Yếu tố tổn thất này được xem xét trong việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và trong hợp đồng.[7]

Quy định trên được cụ thể hóa tại Điều 435: “Những kẻ thừa cơ lúc có trộm, cướp, cháy, lụt mà lấy trộm của cải của người ta hay giữa ban ngày mà đoạt lấy tiền tài của người, cũng là lấy của đánh rơi, mà lại đánh lại người mất của thì cũng đều phải tội như ăn trộm thường, mà giảm một bậc, lột lấy quần áo và đồ vật của trẻ con, người điên, người say thì phải tội đồ[8] và phải bồi thường gấp đôi“.

Với nội dung nhân lúc có lụt cháy trộm cướp mà trộm cướp tài sản hoặc ngang nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác gây ra tổn thất cho họ đã khẳng định có sự tổn thất vật chất nhưng đây là quy định xen lẫn tổn thất vật chất với chế tài hình sự và bồi thường dân sự.

Các quy định khác cũng thể hiện rõ như Điều 436 quy định về sự dọa nạt người để lấy của, Điều 438 quy định trường hợp lấy trộm đồ của sứ thần người nước ngoài, Điều 444 là chế tài nghiêm khắc nhất trước hành vi lấy trộm trâu, ngựa, thuyền bè; Điều 445 lại có dự liệu phong phú về việc đánh trộm cá ở ao nhà người khác.[9]

Đây là những tổn thất phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, xuất phát từ các hành vi trái pháp luật.

Những tổn thất phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng (trong hợp đồng) cũng được Luật Hồng Đức quy định rất rõ ràng và cụ thể:

Điều 579 quy định về bồi thường trong trường hợp các bên đã xác lập một khế ước nhận giữ súc vật và của cải của nhau mà bên nhận giữ lại tự tiện mang đi tiêu dùng. “Những người nhận giữ của ai gửi súc vật của cải mà đem dùng hay tiêu đi thì xử phạt 80 trượng và đền tiền theo tổn thất, nói dối là chết hay mất thì phải biếm một tư và đền tiền gấp đôi, nếu mà đánh mất thì bị xử phạt 40 trượng và đền tiền theo giá trị súc vật bị mất“.[10]

Điều 356, Điều 361, Điều 383, Điều 384, Điều 587, Điều 888, Điều 589; Điều 603 quy định về nhiều loại khế uớc rất quan trọng và thông dụng trong dân chúng như khế ước mua bán, cho vay, cho thuê và Điều 383 quy định rằng một người đã cầm ruộng đất cho người khác chưa đem tiền chuộc trả cho chủ cầm mà lại đem bán đứt ruộng đất cho người khác thì phải chịu phạt 50 roi và chịu biếm một tư, truy hồi tiền trả người chủ cầm; người bán ruộng đất mà lấn ruộng đất của người khác cho rộng them ruộng của mình thì cũng phải xử tội như vậy và phải trả gấp đôi chỗ ruộng đất lấn cho người chủ có ruộng bị lấn.

Điều 588 quy định trường hợp một người mắc nợ quá hạn không trả thì tùy theo nặng nhẹ mà phải xử tội trượng, nếu cự tuyệt không chịu trả thì phải xử biếm hai tư,[11] bồi thường gấp đôi; nhưng nếu người chủ nợ quá niên hạn mà không đòi nợ thì mất.[12]

Đối với vấn đề này, pháp luật dân sự hiện đại phân định rất rõ ràng về tổn thất vật chất. Cụ thể Luật dân sự hiện đại quy định rõ về việc gây thiệt hại giữa các củ thể trong quan hệ hợp đồng và quan hệ ngoài hợp đồng.[13] Điều này giúp cho việc áp dụng pháp luật dễ dàng hơn. Có thể thấy Luật Hồng Đức thể hiện khá chung về thiệt hại hại vật chất, không phân biệt rõ mối quan hệ giữa các chủ thể mà chỉ chú trọng đến tổn thất trên thực tế.

Tổn thất tinh thần

Đây là loại thiệt hại vô hình mà trong một số trường hợp gắn liền với quan niệm lập pháp. Vào thời Lê, danh giá, danh dự, nhân phẩm hoặc xứng đáng được bồi thường của cả hai bên hoặc chỉ một trong hai bên. Quy định cụ thể tại Điều 472, Điều 473, và Điều 474.

Điều 472 quy định về trường hợp kẻ dưới đánh quan lại, quan lại đánh lẫn nhau thì khi một người đánh quan chức bị thương, ngoài việc phải chịu hình phạt, đền bù thương tổn còn phải đền tiền tạ.[14] Trái lại, nếu đánh người không phải quan chức, theo quy định tại các điều luật khác thì không phải chịu khoản tiền tạ.

Điều 473 quy định khả năng kẻ dưới mắng nhiếc quan lại, quan lại mắng nhiếc nhau. Quy định này đã không những chỉ đưa ra hình phạt mà còn quy định phạt tiền tạ nếu phạm tội lăng mạ quan chức, các trường hợp khác không phải chịu tiền tạ.

Điều 474 cũng dự liệu trường hợp đánh người thân thuộc trong hoàng tộc cũng quy định trách nhiệm tiền tạ, nếu đánh hoặc lăng mạ người trong hoàng tộc từ hàng cháu năm đời của vua trở lên.

Những quy định này phần nào thể hiện đặc điểm pháp luật phong kiến trong việc bảo vệ quyền lợi cho một bộ phận có địa vị trong xã hội bấy giờ. Nhưng đây cũng là một quy định rõ nét về việc bồi thường thiệt hại gây ra đối với tinh thần (danh dự, nhân phẩm, tình cảm…)

Tổn thất tinh thần cũng được quy định trong Luật dân sự hiện đại cùng với chế tài bồi thường một khoản tiền nhất định tượng trưng đối với hành vi xâm hại. Điều này cho thấy pháp luật hiện hành đã có sự kế thừa nhất định những quy định của Luật Hồng Đức và điều đó còn thể hiện những giá trị của bộ luật này.

Lỗi

Yếu tố lỗi[15] cũng là một yếu tố không thể thiếu trong việc thành lập trách nhiệm. Pháp luật nhà Lê không chỉ xem xét đến thiệt hại mà còn quan tâm đến việc hành vi đó gây ra trong hoàn cảnh như thế nào, nhận thức chủ quan của đương sự khi thực hiện hành vi gây tổn thất cho người khác như thế nào. Luật Hồng Đức quy định về điều này khá chặt chẽ, phần nào cho thấy sự đánh giá nghiêm khắc của các nhà làm luật ngay cả trong lĩnh vực dân sự.

Khác với tư duy lập pháp trên, pháp luật dân sự hiện đại chỉ chú trọng đến yếu tố thiệt hại mà không quan tâm đến thái độ tâm lý của người gây thiệt hại. Xuất phát từ việc không tách bạch rõ ranh giới giữa ngành luật hình sự và ngành luật dân sự nên các nhà làm luật thời Lê đương thời quan tâm đến yếu tố lỗi ngay cả trong quan hệ bồi thường thiệt hại dân sự.

Điều đó là có thể hiểu được bởi trong xã hội phong kiến thì thiết lập sự phục tùng cả về tư tưởng lẫn hành vi là rất quan trọng. Luật Hồng Đức xem xét đến hành vi của người gây thiệt hại với những dự liệu hết sức phong phú, hết sức sâu sắc đáng quan tâm.

Lỗi cố ý

Luật Hồng Đức đánh giá nghiêm trọng lỗi cố ý của đương sự đối với hành vi gây thiệt hại, theo các nhà làm luật thời Lê,với lỗi cố ý, tính chất nghiêm trọng của nó tăng lên nhiều lần so với các trường hợp khác. Và tương ứng với nó, chế tài hình sự và cả tiền bồi thường thiệt hại cũng tăng lên gấp bội.

Một loạt các quy định về những lỗi cố ý của người gây thiệt hại như: Điều 435 quy định việc nhân lúc có lụt, cháy, trộm cướp mà lại trộm tài sản của người khác, Điều 437 dự liệu việc quan lại tự tiện lấy của trong kho, Điều 438 quy định việc tự tiện lấy trộm đồ vật của sứ thần nước ngoài, Điều 445 quy định về việc đánh trộm cá ở ao nhà người khác, Điều 448 liên quan đến việc ăn trộm văn tự cầm cố, Điều 462 đề cập đến việc bắt được trộm cướp nhưng tự tiện lấy đồ vật đem đi mà không trả lại cho người mất của, Điều 579 quy định về việc nhận giữ của cải súc vật của người khác mà lại tự tiện tiêu dùng, Điều 581 dự liệu việc cố ý thả trâu ngựa phá hoại hoa màu của người khác, Điều 588 quy định nợ quá hạn mà chây ì không chịu trả, Điều 589 quy định về việc con nợ đã trả xong nợ mà chủ nợ lại cố ý không trả lại văn tự, Điều 601 quy định chặt phá cây cối, lúa má của người khác.

Điều 581 quy định trường hợp xử phạt nặng hơn khi một người cố ý thả trâu ngựa phá hoại hoa màu của nhà người khác so với thiệt hại không phải lỗi cố ý. Nếu như trong trường của một người thả trâu ngựa cho giày xéo, ăn lúa dâu của người khác thì chỉ bị xử phạt 80 trượng và đền bù sự thiệt hại thì khi sự gây thiệt hại do lỗi cố ý sẽ bị xử biếm một tư hoặc đền gấp đôi.

Về hình phạt cho những hành vi có lỗi cố ý này: Điều 589 đưa ra hình phạt và sự bồi thường giữa các bên theo quan điểm áp dụng chế tài nghiêm khắc hơn cho người không trung thực, gian dối khi tham gia quan hệ khế ước vay mượn. Theo đó, nếu như mắc nợ đã trả nợ rồi mà chủ nợ còn cố ý không trả văn tự hoặc lại nói dối là văn tự bị đánh mất đồng thời cũng không cấp giấy làm bằng cho người trả nợ thì chủ bị xử phạt 50 roi, biếm một tư. Nhưng nếu chủ nợ đã giao giấy làm bằng cho người trả nợ rồi sau đó lại đem văn tự đòi nợ lần hai thì chủ nợ không chỉ bị xử phạt 50 roi, biếm một tư mà còn phải bồi thường gấp đôi số tiền nợ cho người trả nợ.

Lỗi vô ý

Nếu các nhà làm luật thời Lê nghiêm trọng hóa hành vi gây thiệt hại với lỗi cố ý thì đối với lỗi vô ý, sự khoan dung độ lượng được thể hiện khá rõ. Những hành vi phạm pháp với lỗi vô ý, sơ ý thì hình phạt và bồi thường thiệt hại được giảm bớt. Những quy định đầy chất nhân văn này gồm:

Điều 494 dự liệu trường hợp người trông nom công dịch mà đánh người phục dịch đến chết thì bị xử tội đồ và bị phạt một nửa số tiền đền mạng nhưng nếu đó chỉ là sự không may ngộ sát thì người trông nom công dịch chỉ phải đền tiền mai táng 20 quan, còn nếu mượn cớ việc công để đánh chết ngườivì oán thù riêng thì xử phạt theo tội đánh chết người.

Điều 498 là trường hợp một người do chơi đùa mà làm người bị thương hay lỡ làm chết người khác cũng được xử nhẹ hơn so với tội đánh người bị thương hay chết người thông thường, sau đó hình phạt và sự bồi thường tăng dần phụ thuộc vào sự đánh giá lỗi của kẻ vi phạm là nhẹ hay nặng.

Điều 498 quy định: “Vì chơi đùa mà làm người khác bị thương hay chết thì xử nhẹ hơn tội đánh bị thương hay chết người hai bậc, bắt trả tiền mai táng 20 quan. Tuy đôi bên cùng thuận ý cầm đồ nhọn trèo lên cao, lội nước sâu vì thế mà đến nỗi làm bị thương hay giết nhau, thì cỉ bị xử tội giảm một bậc và phải trả một nửa tiền đền mạng. Nếu không hẹn trứơc, hay là làm bị thương hay chết bậc tôn trưởng vào hàng cơ thân, cùng ông bà ngoại,ông bà nhà ben nội và chồng thì không gọi là đấu sức chơi, mà phải khép như tội đánh nhau bị thương và chết“.

Cơ sở phân định

Về vấn đề nguyên tắc xem xét trong việc coi là có lỗi hay không, có thể xem Điều 499 là nguyên tắc chung cho việc xét giảm tội trong các trường hợp vô ý làm hại đến sức khỏe hoặc tính mạng của người khác:

Điều 499 quy định: “Những việc lầm lỡ làm người bị thương hay chết, đều xét theo tình trạng sự việc mà giảm tội, nghĩa là việc xảy ra ngoài sức khỏe, tai mắt không kịp nhận thấy, không kịp nghe thấy, hay vì vật nặng, sức người không chống nổi, hoặc trèo lên cao, tới chỗ nguy hiểm, săn bắt cầm thú, để đến nỗi thành ra sát thương đều là việc lầm lỡ”.

Điều luật này đã định rõ về cơ sở để phân định các lỗi, đối với các lỗi “phàm đã biết mà vẫn làm” thì lỗi cố ý rất rõ ràng. Tuy nhiên những lỗi mang tính chất vô ý (lầm lỡ) thì Luật Hồng Đức đã soi xét thấu đến hoàn cảnh, điều kiện chủ quan, khách quan của người vi phạm để làm cơ sở phân định.

( còn tiếp…)

SOURCE: BÁCH KHOA TOÀN THƯ WIKIPEDIA

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê