Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Trách nhiệm dân sự trong luật Hồng Đức (3)

02/12/2016, 08:40

Phương thức bồi thường: Bồi thường thiệt hại dựa trên thiệt hại thực tế gây ra về vật chất và tinh thần. Xác định thiệt hại đồng thời xác định phương thức bồi thường khá quan trọng bởi thực tế không phải bao giờ bồi thường cũng được ấn định bằng một cách thức nhất định nào đó, mà phải căn cứ vào hoàn cảnh, điều kiện có liên quan. Các phương thức bồi thường rất đa dạng, phong phú và nhiều cung bậc.

Hiện vật, khôi phục

Khôi phục lại tình trạng bang đầu là trường hợp bù đắp triệt để nhất, thuyết phục nhất bởi lẻ gây thiệt hại là sự làm biến đổi đi tình trạng ban đầu của đối tượng tác động của hành vi gây thiệt hại. Điều 30 khái quát đối với hình thức bồi thường thiệt hại, hoàn trả vật từ khế ước[18] “về việc hoàn lại các vật mua bán, tiền làm văn tự tính một phần mười giá của vật lấy lại được”.

Điều 382 xử phạt người bán trộm ruộng đất của người khác, phải trả lại tình trạng ban đầu “Bán ruộng đất của người khác thì trả tiền mua cho người mua và phải trả thêm một lần tiền mua nữa, để trả cho người chủ có ruộng đất và người mua một người một phần nữa, ruộng đất thì phải trả cho người chủ có…”.

Điều luật trên cho thấy không chỉ người gây thiệt hại phải hoàn trả lại, khôi phục lại tình trạng như ban đầu mà thậm chí còn phải chịu bồi thường nặng gấp đôi thiệt hại gây ra. Tính trừng phạt của nhà nước trong trường hợp này là rất nghiêm khắc và cần thiết.

Điều 386 dự liệu trường hợp nô tỳ bán trộm ruộng đất của chủ bên cạnh trách nhiệm hình sự còn buộc nô tỳ phải trả lại ruộng đất cho chủ và tiền mua cho người mua.[19] Cụ thể: “Nô tỳ mà bán trộm ruộng đất của chủ, thì xử phạt 90 trượng và thích vào mặt sáu chữ, lưu đi châu gần, ruộng đất phải trả lại cho chủ và tiền mua trả lại cho người mua”.

Bộ luật dân sự hiện đại quy định về bồi thường thiệt hại khá cụ thể và rõ ràng:[20]

1.Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất, trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần.

2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

3. Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại.

Tiền

Điều 353 quy định trường hợp khai man ruộng đất công hoặc của người khác thành của riêng mình thì xử biếm và trả lại ruộng đất cho chủ cũ “nếu những ruộng đất không vào sổ công, dân chiếm ở đã lâu, mà khai gian là của riêng mình, hay là đem nhũng văn khế và dấu vết đã lâu đời ra mà cố tranh thì phải biếm hai tư. Đem ruộng đất của người khác mà khai vào sổ là cửa mình, thì phải biếm ba tư và trả lại ruộng đất cho chủ cũ“.

Điều 355 quy định trường hợp hà hiếp, ức hại để mua ruộng của người khác thì cũng phải chịu biếm và cho phép lấy lại tiền mua: “Người nào ức hiếp để mua ruộng đất của người khác thì phải biếm hai tư và cho lây lại tiền mua“.

Chịu hình phạt nặng hơn là trường hợp là trường hợp tá điền cấy nhờ ruộng đất của người khác nhưng sau đó lại tranh là ruộng của mình “những tá điền cấy nhờ ruộng của nhà người khác mà giở mặt tranh làm của mình thì phải phạt sáu mươi trượng, biếm hai tư nếu ngươi chủ ruộng đất có văn tự xuất trình thì người tá điền phải bồi thườg gấp đôi số tiền ruộng dất, không có văn tự thì tr nguyên tiền thôi”.

Như vậy, trường hợp này người nào có lỗi lớn thì ngoài khoản bồi thường tương ứng còn phải chịu phạt bồi thường nhiều hơn so với thiệt hại.

Phạt nghiêm

Điều 328 quy định cụ thể về trường hợp này: “Tiền bồi thường chia làm hai bậc: bồi thường hai lần (về tang vật của công) bồi thường một lần (về các tang vật của các tội vặt), tội nặng thì bồi thường thêm năm lần, chin lần (nếu cố ý tái phạm) cộng với nguyen trạng vật tịch thu vào nhau mà cùng phải tội, hay không có chủ, thì tịch thu vào nhà nước, còn thì trả lại co người chủ. Phần bồi thường trả lại cho người chủ chia làm mười phần, trả chủ tám phần, quan ty hai phần, hai phần này lại chia làm mười phần, hình quan[21] được sáu phần, ngục quan[22] được ba phần, nha lại binh được một phần“.

Các quy định về bồi thường nhiều lần so với thiệt hại được các nhà làm luật dự liệu và dành những chế tài nghiêm khắc nhằm mục đích trừng phạt, nghiêm trị những kẻ xâm phạm đến các quan hệ xã hội được coi trọng đặc biệt là về vấn đề ruộng đất.

Điều 344 quy định về việc nhận bừa ruộng của người khác, theo đó hình phạt dân sự khi lấn giới hạn ruộng đất của người khác là “biếm một tư và phải bồi thường gấp đôi tiền hoa màu”.

Điều 345 dự liệu trường hợp dấu số ruộng đất đầm ao của công (khi nộp thuế) từ một mấu trở lên thì xử tội biếm, từ mười mẫu trở lên thì xử tội đồ, năm mươi mẫu trở lên thì xử lưu và phải “bồi thường gấp ba lần tiền thuế nộp kho”.

Ngoài ra các quy định khác được cho là có liên quan như: Điều 347 việc chia ruộng công cho dân địa phương và thu lại khi cần thiết theo quy định của triều đình, Điều 360 trường hợp ruộng đất đang có tranh chấp mà đánh người để gặt lúa má thì cũng bị xử phạt, Điều 365 tự tiện thích chữ vào mặt con cái người khác và bán dân đinh làm nô tỳ thì bị xử lí, Điều 445 về việc đánh trộm cá ở ao nhà người khác, Điều 448 ăn trộm văn tự cầm cố, Điều 453 bắt người bán làm nô tỳ và giết người cướp của Điều 463 về bọn gian phi xảo trá ở hương thôn

Hiện vật

Điều 360 quy định về “đương tranh kiện nhau về ruộng đất mà lại đánh người để gặt cướp lúa, thì phải phạt…bắt trả gấp đôi phần lúa cho người kia“.

Điều 361 về “Cấy rẽ ruộng công hay tư, không báo cho chủ mà tự tiện đến gặt trước thì phạt 80 trượng và trả lại số lúa đã gặt”.

Điều 362 quy định về khả năng các bên kiện nhau về ruộng đất mà chưa xử xong, đến khi lúa được gặt thì quan cho cắm nêu và cho người vẫn cày ruộng được tạm gặt, nếu người vẫn cày không đến hầu kiện thì phải bắt đến, nếu hai bên đều tự xưng là người cấy ruộng thì bắt gặt lúa đem chia một nửa đến khi xử xong nếu người gặt lúa là trái thì trả lúa cho người được kiện, nếu người tạm gặt lại được kiện thì cũng xử như vậy.

Đây là những quy định có kế thừa những tập quán xã hội cũ khi phương thức trao đổi hàng đổi hàng vẫn tồn tại phổ biến bên cạnh phương thức hàng – tiền hoặc tiền – hàng.

Giảm nhẹ và miễn trách nhiệm

Mục đích của pháp luật bao giờ cũng là thiết lập sự ổn định xã hội, đảm bảo bằng ý thức chấp hành nghiêm minh từ phía người dân. Vì lẽ đó, việc thuyết phục giáo dục luôn được đặt lên hàng đầu thể hiện thông qua chính sách khoan hồng nhân đạo của pháp luật nhà Lê.

Nhờ đó, Nhà nước một mặt tạo điều kiện cho thần dân tự ý thức mặt khác khuyến khích xã hội tuân theo những chuẩn mực đã đặt ra. Pháp luật dân sự hiện đại cũng quy định các trường hợp miễn giảm trách nhiệm dân sự căn cứ vào thiệt hại, lỗi của các bên, sự kiện khách quan, khả năng kinh tế của các bên…[23]

Luật Hồng Đức thể hiện sự tiến bộ rất rõ khi đề cập đến yếu tố miễn giảm trách nhiệm dân sự.

Giảm nhẹ

Luật Hồng Đức dự liệu một vài sự kiện tự nhiên, khách quan ngoài sức quan sát và khả năng chống đỡ của con người và nếu như trường hợp đó xảy ra thì trách nhiệm dân sự được giảm nhẹ.

Trường hợp này được Quốc triều hình luật xem như: “lầm lở”. Điều 499 xác định nguyên tắc chung cho việc xét giảm tội trong các trường hợp vô ý làm hại đến sức khỏe hoặc tính mạng của người khác: “những việc lầm lỡ làm người bị thương hay chết, đều xét theo tình trạng sự việc mà giảm tội(nghĩa là việc xảy ra ngoài sức khỏe, tai mắt không kịp nhận thấy, không kịp nghe thấy, hay vì vật nặng, sức người không chống nổi, hoặc trèo lên cao, tới chỗ nguy hiểm, săn bắt cầm thú, để đến nỗi thành ra sát thương đều là việc lầm lỡ“.

Có thấy quan điểm nhân đạo và rất hợp lý của các nhà lập pháp về hình phạt và trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự. Yếu tố lỗi có ý nghĩa trong việc xác định tiền bồi thường thiệt hại và các chế tài hình sự kèm theo. Khái niệm “lầm lỡ” được đưa ra như một minh chứng cho sự khoan hồng, giảm nhẹ nếu trên thực tế thiệt hại gây ra không hoàn toàn nằm trong ý thức chủ quan của đương sự.

Nguyên tắc xét xử lầm lỡ để giảm tội cũng được thể hiện rõ tại điều 553 với việc quy định xử phạt nghiêm khắc tới 60 trượng với người vô cớ mà phóng ngựa chạy trong phố phường, đường ngõ trong kinh thành, hay trong đám đông người, nếu vì thế mà làm bị thương hay chết người thì bị xử tội nhẹ hơn tội đánh bị thương hay chết người một bậc, làm bị thương hay chết các súc vật thì phải đền số tiền theo sự mất giá, nhưng vẫn đưa người gây ra tình huống để xét nhẹ tội.

Điều 553 quy định: “Nếu vì việc công hay tư cần phải di gấp mà phóng ngựa chạy,thì không phải tội, vì thế mà làm bị thương hay chết người thì xử theo tội vì làm lỡ mà xảy ra. Nếu vì ngựa sợ hãi mà lồng lên, không thể gìm được để xảy ra việc làm bị thương, chết người, thì được xử giảm nhẹ hơn tội lầm lỡ hai bậc“.

Quan điểm xem xét về sự lầm lỡ để giảm tội cũng được thể hiện tại điều 555 về việc thi đấu võ nghệ lại bắn vào người. Ở dây người gây ra thiệt hại vẫn phải chịu chế tài nghiêm khắc nhưng được chiếu cố.

Điều 555 quy định: “Trong khi thi đấu võ nghệ lại nhằm vào người mà bắn, làm cho bị thương hay chết, thì xử nhẹ hơn tội đánh bị thương, chết người một bậc, nếu vì sai lầm xảy ra thì chỉ phải khép vào tội lầm lỡ

Và điều 557 cũng dự liệu trường hợp “Ở trong chợ và chỗ đông người, mà cố ý làm cho người ta sợ hãi đến nỗi rối loạn cả lên thì xử phạt 80 trượng. Nếu vì thế mà làm người khác bị thương hay chết thì xử tội nhẹ hơn tội cố ý giết người hay làm bị thương một bậc, nếu vì thế mà làm người mất của thì xử tội đồ, còn vì sự lầm lỡ làm kinh động đến người khác bị thương hay chết thì xử theo tội theo tội lầm lỡ“.

Như vậy, có thể thấy yếu tố lầm lỡ được nhắc đến nhiều trong Bộ luật như là sự dự liệu hợp lý của Nhà nước đối với hành vi gây thiệt hại. Nguyên tắc này cho thấy sự tiến bộ của luật trong việc quy kết trách nhiệm hình sự và dân sự cho người mà hành vi gây ra là do một sự kiện nằm ngoài ý muốn của họ. Sự miễn giảm hợp lý tạo nên tính chất thực tiễn cho các điều luật.

Luật dân sự hiện đại cũng quy định về vấn đề giảm mức bồi thường thiệt hại nếu thiệt hại trên thực tế gây ra là do lỗi của cả hai bên gồm lỗi của người có quyền và lỗi của người có nghĩa vụ. Căn cứ vào mức độ lỗi của các bên để phân chia mức độ bồi thường thiệt hại hợp lí cho các bên.

Xá miễn

Quốc triều hình luật cũng dự liệu trường hợp được miễn nghĩa vụ bồi thường thiệt hại dân sự.

Điều 582 quy định: “Người thuê đến để chữa bệnh cho gia súc, hay là vô cơ trêu ghẹo những súc vật kia, mà bị thương hay chết thì người chủ không bị xử tội. Đồng thời, trường hợp một người vô cớ trêu ghẹo dẫn đến sự tổn thiệt hì cũng phải tự mình chịu sự tổn thiệt, người chủ súc vật không chịu trách nhiệm bồi thường“.

Quy định trên nhấn mạnh đến yếu tố lỗi của người chữa bệnh cho gia súc mà bị gia súc làm cho bị thương hay trêu ghẹo dẫn đến việc bị thươg thì hoàn toàn là do họ.

Luật dân sự hiện đại quy định trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trog trường hợp có sự kiện bất khả kháng và trường hợp thiệt hại hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại. Điều này cho thấy sự tương đồng giữa hai bộ luật cách nhau hơn 500 năm.

Nhận xét chung

Luật Hồng Đức được xem là bộ luật tiến bộ nhất, đặc sắc nhất trong hệ thống pháp luật phong kiến Việt Nam, biểu tượng của triều đại hoàng kim nhất trong lịch sử Việt Nam. là sự kết hợp hài hòa, sáng tạo giữa yếu tố nội sinh và yếu tố ngoại sinh, là sự học hỏi thành tựu, tinh hoa của pháp luật hướng Nho của Trung Quốc và vận dụng sáng tạo vào điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước.

Bộ luật còn là sự thể chế hóa những luật tục, truyền thống đầy tính nhân văn trên cơ sở bám sát thực tiễn đất nước, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân và các quyền lợi ich cơ bản thiết thân của người dân hướng đến mục tiêu bảo vệ sự bền vững của vương triều, xây dựng đất nước giàu mạnh.

Với tư tưởng tiến bộ đó cùng với sự tiếp thu kĩ thuật lập pháp của Trung Quốc và các trải nghiệm của triều đại trước, Bộ luật được đánh giá cao cả về nội dung và hình thức thể hiện tiêu biểu cho một nhà nước phong kiến giàu mạnh, thịnh vượng. Bộ luật để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lịch sử nước ta, gây được sự ảnh hưởng đối với các triều đại sau đó và thậm chí cho đến ngày nay các chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu, học tập và ứng dụng trong công tác lập pháp hiện đại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức) do Viện Sử học Việt Nam biên dịch, Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, năm 1998
  • Bộ Luật dân sự Việt Nam năm 2005
  • Lê triều quan chế, Viện sử học, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin.
  • Giáo trình lịch sử Nhà nước và Pháp luật Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nhà xuất bản Công an nhân dân, năm 2002.
  • Giáo trình Luật dân sự Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nhà xuất bản Công an nhân dân, năm 2003
  • Chế độ sở hữu ruộng đất và kinh tế nông nghiêp thời Lê sơ – Thế kỷ XV, Phan Huy Lê, Nhà xuất bản Văn Sử Địa, năm 1959.
  • Quá trình hình thành và phát triển pháp luật về sở hữu ở Việt Nam, Nguyễn Huy Anh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 1999.

CHÚ THÍCH

1. Xem Lời nhận xét của ông Oliver Oldman – Chủ nhiệm Khoa Luật Á Đông của Trường Đại học Luật khoa Havard

2. “Quốc triều hình luật cần được vận dụng để hoàn thiện hệ thống pháp luật”. Báo Điện tử Tiền Phong. Truy cập 4 tháng 6 năm 2014.

3. Giáo trình Luật dân sự Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nhà xuất bản Công an nhân dân, năm 2003, Chương V: Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự

4. Giáo trình lịch sử Nhà nước và Pháp luật Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nhà xuất bản Công an nhân dân, năm 2002, phần pháp luật nhà Lê sơ

5. những điều kiện khác là hành vi trái pháp luật, lỗi, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại

6. Những quan điểm này được thể hiện trong luật

7. Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng là việc một bên phải bồi thường cho bên vì thiệt hại gây ra do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, đầy đủ các nghĩa vụ trong hợp đồng. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là việc phải bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra

8. Tức đồ hình, tội giam cấm và bắt làm việc khổ sai

9. Luật Hồng Đức có tất cả 722 Điều, tuy vậy cách đánh số điều không liên tục, mỗi một chương lại bắt đầu từ Điều 1. Các phiên bản Luật Hồng Đức được biên tập lại theo hướng đánh số điều liên tục

10. Pháp luật thời kỳ này chưa phân biệt rạch ròi giữa chế tài dân sự và hình sự, thường thì trách nhiệm dân sự cũng được thực thi bằng một chế tài hình sự

11. Một hình thức hạ thấp tư cách

12. Quy định này cũng đã đặt ra vấn đề thời hiệu

13. Bộ luật dân sự 2005, phần thứ ba

14. Tiền tạ là loại tiền bồi thường danh dự khi người bị xâm phạm có địa vị xã hội hoặc danh giá hoàng tộc nhất định

15. Theo khoa học pháp lý lỗi là trạng thái tâm lý mang tính chủ quan của chủ thể khi thực hiện hành vi và biết hậu quả của hành vi mình đang thực hiện

16. Theo pháp luật hiện hành thì việc bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra được quy định tài Điều 625 của Bộ Luật dân sự năm 2010

17. Xem Điều 625 Bộ Luật dân sự 2005

18. Khế ước là một từ cổ dùng để chỉ về một văn tự có chứa sự thỏa thuận của hai bên, trong pháp luật hiện đại thì đây chính là hình thức hợp đồng bằng hình thức văn bản

19. Pháp luật thời Lê vẫn thừa nhận việc sở hữu nô tỳ

20. Điều 307 Bộ Luật dân sự Việt Nam năm 2005

21. Quan xử án kiện ở Bộ Hình

22. Quan coi ngục xử kiện

23. Bộ Luật dân sự 2005, Chương XXI

SOURCE: BÁCH KHAO TOÀN THƯ WIKIPEDIA

Dẫn lại từ:  THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác