Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Môi trường kinh doanh và tình cảnh tòa án đang “mất khách”

28/04/2017, 19:04

Nếu như năm 2013 có đến 58% doanh nghiệp được hỏi cho biết sẽ khởi kiện ra tòa khi có tranh chấp với đối tác thì đến năm 2016, con số này chỉ còn 37%. Nói cách khác, nếu coi tòa án là nhà cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp, thì nhà cung cấp này hiện đang "mất khách".

Tinh thần “Nhà nước phục vụ” do Thủ tướng phát động, dường như chưa lan tỏa đến ngành tòa án khi nhiều doanh nghiệp không thể tìm được sự bảo vệ từ tòa mà phải tìm kiếm các giải pháp khác cho các vấn đề của mình.

Doanh nghiệp ngày càng kém mặn mà với tòa án

Giữa tháng 3/2017, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội thảo về phòng chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp nhằm bảo đảm lợi ích cho hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Hầu hết những người tham dự (chủ yếu là cán bộ ngành nội chính, tư pháp) đều cảm thấy cái tiêu đề Hội thảo rất lạ. Việc chống tham nhũng trong ngành Tòa án là chuyện hoàn toàn bình thường, vì sao lại gắn nó với hoạt động kinh doanh?

Gần đây, trong công việc, tôi có cơ hội được ngồi nói chuyện với nhiều thẩm phán, thư ký tòa án, luật sư, doanh nghiệp, ngân hàng về chủ đề doanh nghiệp sử dụng tòa án để giải quyết tranh chấp hay còn gọi là án kinh doanh, thương mại. Tôi có hỏi họ về vai trò của tòa án trong nền kinh tế và tòa án cần phải làm gì để thực hiện vai trò này tốt hơn. Điều khiến tôi ngạc nhiên là sự đối lập trong câu trả lời giữa bên tòa án và bên doanh nghiệp.

Hầu hết thư ký tòa và thẩm phán mà tôi nói chuyện thì đều không hình dung được vai trò của tòa án trong nền kinh tế. Họ nói rất chung chung về bảo vệ công lý, hay niềm tin của người dân vào pháp luật. Và giải pháp chủ yếu mà họ đưa ra là nâng cao trình độ hay chế độ đãi ngộ dành cho cán bộ.

Hệ thống tòa án hiện tỏ ra không hiệu quả trong việc bắt các bên tranh chấp phải tuân thủ hợp đồng

Còn về phía doanh nghiệp và luật sư, họ trả lời rành mạch hơn rất nhiều. Trong nền kinh tế, vai trò quan trọng nhất của tòa án là bảo vệ hợp đồng. Vì không có nền kinh tế nào vận hành được mà thiếu các hợp đồng, và hợp đồng chỉ có thể được tôn trọng nếu các bên biết rằng nếu mình vi phạm thì tòa án sẽ đứng ra bảo vệ nó.

Có doanh nghiệp kể, khi đối tác nợ tiền không trả, họ tìm đủ mọi cách không biết làm sao, đành phải khởi kiện ra tòa. Tòa án gây khó dễ, thẩm phán nói: "Tòa đi đòi nợ thuê cho các anh à?", doanh nghiệp đành phải im lặng. Khi mà quyền hợp đồng, quyền tài sản của doanh nghiệp bị xâm phạm, họ đã tìm đến tòa án như một sự lựa chọn cuối cùng, nếu tòa án không làm thì tòa án tồn tại làm gì nữa?

Không phải vô cớ mà Ngân hàng thế giới đưa "Thực thi hợp đồng" và "Giải quyết phá sản" trở thành 2 trên 10 tiêu chí để đánh giá môi trường kinh doanh tại mỗi quốc gia.  Và trọng trách cải thiện 2 tiêu chí này đặt lên vai của tòa án và thi hành án.

Thế nhưng, tinh thần Nhà nước phục vụ do Thủ tướng phát động, dường như chưa lan tỏa đến ngành tòa án. Theo kết quả khảo sát Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng mất niềm tin vào hệ thống tòa án. Nếu như năm 2013 có đến 58% doanh nghiệp được hỏi cho biết sẽ khởi kiện ra tòa khi có tranh chấp với đối tác thì đến năm 2016, con số này chỉ còn 37%. Nói cách khác, nếu coi tòa án là nhà cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp, thì nhà cung cấp này hiện đang "mất khách".

Lý do chủ yếu của việc doanh nghiệp ngày càng kém mặn mà với tòa án chủ yếu nằm ở vấn đề thời gian và tình trạng chạy án ngày một gia tăng. Nếu như năm 2013, chỉ có 39% doanh nghiệp không đến tòa khi có tranh chấp vì lý do thời gian kéo dài, thì năm 2016, con số này tăng lên đến 48%. Tỷ lệ doanh nghiệp lo ngại tình trạng chạy án phổ biến cũng tăng từ mức 26% năm 2013 lên 37% năm 2016.

Hành xử ra sao khi không thể đến tòa?

Không tìm đến tòa, vậy khi có tranh chấp thì doanh nghiệp đi đâu? Trong đa số trường hợp là chấp nhận thua thiệt. Điều này gây tác hại rất lớn cho nền kinh tế vì nó tạo tâm lý nhờn hợp đồng, nhờn luật trong kinh doanh. Các doanh nghiệp sẽ nghĩ: Mình có chây ỳ thì chắc gì đối phương đã kiện. Nếu kiện thì chắc gì đã thắng. Nếu thắng thì cũng chắc gì đã đòi được tiền. Mà nếu có đòi được tiền thì cũng mất vài năm rồi. Vậy tội gì mà phải trả tiền sớm?

Lại có vụ việc, con nợ có tiền nhưng không trả. Chủ nợ kiện ra tòa đòi tài sản bảo đảm. Con nợ nói thẳng vào mặt chủ nợ: Khai thác tài sản bảo đảm mỗi ngày sinh ra vài trăm triệu doanh thu. Chúng tôi chỉ cần trích doanh thu của một ngày, chạy một vòng Tòa án, Viện Kiểm sát, Thi hành án thì cũng kéo dài được vài năm. Chủ nợ ngồi đó mà đợi nhé.

Một cán bộ pháp chế ngân hàng lớn cho biết: Anh đang làm một vụ, con nợ có tiền, nhưng không trả. Kiện ra tòa để đòi tài sản bảo đảm. Con nợ nói luôn: Tài sản bảo đảm mỗi ngày sinh ra vài trăm triệu doanh thu. Họ chỉ cần trích doanh thu của 1 ngày, chạy 1 vòng tòa án, thi hành án, viện kiểm sát thì ít nhất kéo dài được vụ án vài năm. Ngân hàng cứ ngồi đó mà đợi.

Doanh nghiệp thiếu niềm tin vào hệ thống tư pháp vì tính kém hiệu quả trong thi hành án

Nếu không chấp nhận thua thiệt, các doanh nghiệp sẽ nghĩ đến việc nhờ bên khác can thiệp như cán bộ nhà nước quen biết, báo chí, xã hội đen… Dù bất kể phương án nào thì cũng sẽ để lại những hậu quả rất xấu cho xã hội và nền kinh tế. Sự việc Ngân hàng Techcombank đòi nợ bằng một đội quân mặc áo giáp, mang dùi cui là biểu hiện sự bất lực của hệ thống tư pháp. Mặc dù cách làm của Techcombank bị nhiều ý kiến chỉ trích là không hợp tình, hợp lý, nhưng nhiều ngân hàng khác cũng phải công nhận là nó hiệu quả hơn ra tòa.

Trong cuộc hội thảo của Ban Nội chính, vị diễn giả chính, người từng là Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đưa ra hai nhận định mà nhận được nhiều ý kiến đồng tình. Một là "Lương của thẩm phán không đủ sống" và hai là "Các thẩm phán sợ nhất là không được tái bổ nhiệm".

Thẩm phán làm việc cho Nhà nước cũng là một người lao động làm việc cho chủ. Tại sao chủ trả lương tệ bạc như thế mà vẫn không muốn chuyển việc? Chỉ có hai khả năng. Một là các thẩm phán của ta thật sự dĩ công vi thượng, sợ mình nghỉ thì Nhà nước sẽ thiếu nhân lực, tòa án sẽ quá tải, người dân và doanh nghiệp sẽ lại tiếp tục phải chờ đợi mỏi mệt để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Hai là chẳng thẩm phán nào sống bằng lương cả, và phần thu nhập ngoài lương chỉ có thể có được nếu họ vẫn là thẩm phán.

Nhìn ra xung quanh, khi mà Singapore mất trung bình có 164 ngày từ lúc nộp đơn đến lúc thi hành án xong, trong khi Việt Nam là 400 ngày (theo World Bank). Khi mà Thái Lan có tòa án du lịch, cam kết giải quyết các vụ án có liên quan đến khách du lịch nước ngoài chỉ trong 1-3 ngày, để khách vẫn có thể vừa đi chơi vừa theo kiện, trong khi Tòa VN vẫn chưa biết phải áp dụng thủ tục rút gọn như thế nào.

Chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta đang yếu kém!

NGUYỄN MINH ĐỨC

SOURCE: VIETNAM FINANCE

Trích dẫn từ: http://vietnamfinance.vn/dien-dan-vnf/moi-truong-kinh-doanh-va-tinh-canh-toa-an-dang-mat-khach-20170427091944533.htm

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê