Thủy Kính tiên sinh: Sự ẩn hiện huyền cơ trong Tam Quốc. Bài 2: Một kỳ nhân đầy bí ẩn
Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam: Giải quyết tranh chấp hợp đồng vận chuyển có yếu tố nước ngoài.
Kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới WTO thì nhu cầu giao lưu thương mại quốc tế được mở rộng, song song cũng xuất hiện ngày càng nhiều các tranh chấp liên quan đến hợp đồng vận chuyển có yếu tố nước ngoài. Trong những năm gần đây, số vụ việc tranh chấp được Tòa án Việt Nam thụ lý gia tăng cả về số lượng và ngày càng có tính chất phức tạp.
Quy định chung
Liên quan đến việc xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển, pháp luật quy định: “Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển mà người vận chuyển có trụ sở chính hoặc chi nhánh tại Việt Nam” thì sẽ thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia có quy định khác. Như vậy, với quy định này, các tranh chấp liên quan đến hợp đồng vận chuyển mà một bên có trụ sở hoặc chi nhánh tại VN thì chỉ có Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết. Hệ quả pháp lý có thể phát sinh là:
– Các bên trong hợp đồng không được quyền thỏa thuận lựa chọn Trọng tài giải quyết.
– Trong trường hợp, vụ việc được giải quyết tại Tòa án hoặc Trọng tài quốc gia khác thì bản án, quyết định đó không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
Đây là quy định được một số nước trên thế giới áp dụng để xác định thẩm quyền riêng biệt của Tòa án quốc gia mình. Ví dụ theo khoản 1 Điều 403 Bộ luật tố tụng dân sự Liên bang Nga thì “Những vụ việc sau đây thuộc thẩm quyền xét xử riêng biệt của Tòa án Liên bang Nga: Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển, nếu người vận chuyển có địa chỉ trên lãnh thổ Liên bang Nga”.
Khác với pháp luật Việt Nam, pháp luật Liên minh Châu Âu không xem đây là trường hợp thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án quốc gia mà tùy theo tính chất của từng vụ việc cụ thể liên quan đến hợp đồng vận chuyển để xác định thẩm quyền dựa theo nguyên tắc chung nơi cư trú của bị đơn (defendant’s domicile), thẩm quyền đặc biệt (special jurisdiction) hoặc thẩm quyền theo sự lựa chọn của các bên (choice of jurisdiction) và sẽ do Toà án các nước thành viên áp dụng dựa trên các quy phạm pháp luật tố tụng quốc gia để xác định Toà án có thẩm quyền .
Một số kiến nghị
Mục đích ban đầu mà nhà làm luật quy định đây là trường hợp thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam là để hạn chế thiệt hại cho các chủ tàu là người Việt Nam. Qua đó thúc đẩy sự phát triển của ngành vận tải bằng đường biển, đường hàng không Việt Nam và các phương tiện vận chuyển khác. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam đã dần lớn mạnh, trong quan hệ thương mại quốc tế có thể là người vận chuyển, có thể là chủ hàng. Cho nên, thiết nghĩ trong tình hình hiện nay cần thay đổi, không nên quy định đây là trường hợp thuộc thẩm quyền riêng biệt.
Trong tranh chấp về hợp đồng vận chuyển, bị đơn có thể là người vận chuyển hoặc khách hàng, giả sử trường hợp khách hàng là bị đơn thì việc người vận chuyển khởi kiện khách hàng tại quốc gia nơi khách hàng cư trú sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Toà án thu thập chứng cứ, cũng như đảm bảo cho việc thi hành án sau này. Do vậy, nên xác định thẩm quyền chung theo nguyên tắc nơi cư trú của bị đơn là phù hợp hơn. Trên cơ sở thẩm quyền chung thì giữa các bên trong hợp đồng vận chuyển cũng có thể thỏa thuận lựa chọn Tòa án quốc gia hoặc Trọng tài có thẩm quyền giải quyết.
Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, quy định này nên sửa đổi theo hướng vẫn giữa nguyên đây là trường hợp thuộc thẩm quyền riêng biệt của Toà án nhưng Toà án Việt Nam chỉ có thẩm quyền riêng biệt khi “tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển được thực hiện ở Việt Nam mà người vận chuyển có trụ sở chính hoặc chi nhánh tại Việt Nam”.
Việc xác định thẩm quyền của Tòa án quốc gia đối với tranh chấp dân sự liên quan đến hợp đồng vận chuyển có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết xung đột thẩm quyền giữa Tòa án các quốc gia. Tuy nhiên, khi xây dựng các căn cứ xác định thẩm quyền của Tòa án quốc gia, chúng ta cần phải tôn trọng thực hiện các nguyên tắc cơ bản của Tư pháp quốc tế và tố tụng dân sự quốc tế.
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN LOGISTICS VIỆT NAM
Trích dẫn từ: http://www.vlr.vn/vn/news/co-hoi-giao-thuong/cho-thue/813/tham-quyen-cua-toa-an-viet-nam-giai-quyet-tranh-chap-hop-dong-van-chuyen-co-yeu-to-nuoc-ngoai.vlr