Vấn đề xử lý tài sản đối với vật vô chủ, vật do người khác đánh rơi, bỏ quên.
Sự việc chị Huỳnh Thị Ánh Hồng nhặt được số tiền 5 triệu yên Nhật trong chiếc loa cũ tại TP.HCM và chị Phạm Tuyết Mai nhặt được gần 5 lượng vàng khi phân loại rác tại Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau, là những tình huống pháp lý khá thú vị liên quan đến việc áp dụng các điều 239, 241 BLDS về xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật do người khác đánh rơi, bỏ quên.
Bản thân người viết bài này cũng đã có nhiều bài viết, bài trả lời phỏng vấn trên các báo Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Người Đưa Tin, Công Lý & Xã hội… liên quan đến hai sự kiện pháp lý hy hữu nói trên.
Bài viết dưới đây, có thể xem là một sự tổng kết quan điểm pháp lý của tác giả về một số vấn đề liên quan đến việc phân định thẩm quyền giải quyết vụ việc giữa hai cơ quan, Công an và Toà án, cũng như phương thức giải quyết, cách thức bàn giao tài sản… những vấn đề mà thời gian qua, cơ quan chức năng còn lúng túng trong cách xử lý khi đối diện với những tình huống hay sự kiện pháp lý này .
KỲ 1: THẨM QUYỀN XỬ LÝ CỦA CÔNG AN ĐẾN ĐÂU?
Trước hết có thể thấy rằng, theo tinh thần quy định tại các Điều 239, 241 Bộ luật Dân sự (BLDS) về xác lập quyền sở hữu đối với vật “vô chủ” thì trách nhiệm của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã hoặc cơ quan công an, được xác định chung, là nơi có thẩm quyền tiếp nhận, thông báo và giao trả lại tài sản cho chủ sở hữu.
Ngoài những công việc nêu trên, điều luật không có quy định nào nói rõ, trong thời hạn thông báo công khai, nếu có người đến nhận tài sản thì UBND cấp xã, cơ quan công an, có thẩm quyền xem xét công nhận hoặc bác bỏ tư cách sở hữu của họ hay không? Và, việc xem xét công nhận hay bác bỏ tư cách sở hữu này sẽ được tiến hành theo trình tự, thủ tục nào?
Mặt khác, điều luật cũng không quy định, trong trường hợp có tranh chấp đối với tài sản được xem là vật vô chủ, thì cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc… Tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn giải quyết các trường hợp trả lại tài sản cho chủ sở hữu do UBND cấp xã và cơ quan công an thực hiện trong thời gian qua, hầu hết ý kiến đều cho rằng, việc xác định ai là chủ sở hữu tài sản đối với vật vô chủ, thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã và cơ quan công an nơi xảy ra vụ việc. Cách hiểu này dựa trên một logic căn bản là, điều luật quy định các cơ quan này có trách nhiệm thông báo và trả lại tài sản cho chủ sở hữu thì đương nhiên họ phải có thẩm quyền xác định tài sản đó thuộc sở hữu của ai.
Về cơ bản, cách hiểu này không sai. Thế nhưng, cũng cần thấy rằng, việc các cơ quan này xác định ai là chủ sở hữu tài sản để giao trả lại cho họ, thông thường chỉ xảy ra trong những tình huống đơn giản, và trong nhiều trường hợp, phải có sự xác tín của người nhặt được tài sản, rằng đó chính là chủ sở hữu của tài sản mà họ đã nhặt được. Đây cũng là lý do khoản 1 các Điều 239 và 241 quy định: UBND và công an cơ sở đã nhận vật, phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu. Mục đích của việc thông báo này, là nhằm xác định xem ý kiến của người nhặt được tài sản như thế nào? Họ có đồng ý người đến nhận tài sản là chủ sở hữu thực sự của tài sản đó không?
Ví dụ: một tài xế taxi mang một túi xách do hành khách bỏ quên trên xe anh ta đến giao nộp cho cho công an phường để nhờ cơ quan này thông báo cho chủ sở hữu đến nhận lại tài sản. Khi có người đến nhận, cơ quan công an phải thông báo cho tài xế taxi đến để xác định, người đến nhận tài sản có phải là người đã bỏ quên túi xách trên xe anh ta hay không.
Như vậy, chỉ khi nào người nhặt được tài sản có sự xác tín hay đồng ý người đến nhận tài sản, chính là chủ sở hữu của tài sản mà họ đã nhặt được, thì cơ quan tiếp nhận, quản lý tài sản mới có thể hoàn trả lại cho chủ sở hữu tài sản.
Trái lại, nếu họ khẳng định, đó không phải là người đã bỏ quên tài sản, không phải là chủ sở hữu của tài sản bị đánh rơi, bỏ quên mà họ đã nhặt được; hoặc trong những trường hợp, bản thân người nhặt được tài sản cũng không biết ai là chủ sở hữu (như hai trường hợp nêu trên chẳng hạn) và họ không đồng ý trả lại tài sản cho người đến nhận, thì về nguyên tắc, UBND cấp xã hay cơ quan công an không có thẩm quyền tự mình xác định quyền sở hữu tài sản thuộc về ai, để giao trả lại tài sản đó cho họ.
Còn tiếp…
Luật sư HỒ NGỌC DIỆP