Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Vụ Dương Chí Dũng và quyết định khởi tố vụ án tại phiên tòa (*)

02/05/2016, 20:34

Tại phiên toà xét xử vụ án Dương Tự Trọng và các đồng phạm can tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài (diễn ra vào ngày 7/1/2014). Từ lời khai của Dương Chí Dũng, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã ra quyết định khởi tố vụ án về hành vi “cố ý làm lộ bí mật nhà nước ” theo quy định tại Điều 263 BLHS.

Có thể nói, đây là một quyết định tố tụng ít khi xảy ra trong thực tiễn xét xử. Chính vì vậy, nó đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Trong đó không ít ý kiến cho rằng, đây là một sự “đột phá”, khác xa với nhiều trường hợp, khi phát hiện tình tiết mới, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, HĐXX thường trả hồ sơ để điều tra bổ sung, chứ không trực tiếp ra quyết định khởi tố vụ án…

Bị cáo Dương Chí Dũng tại phiên toà

Vậy, phải chăng lâu nay HĐXX đã “quên” đi thẩm quyền khởi tố của mình, không phát huy quyền này trên thực tế? hay thực tiễn tố tụng ít khi xảy ra những trường hợp thuộc thẩm quyền khởi tố của Toà?

Để trả lời câu hỏi này, trước hết cần phân biệt rõ những căn cứ pháp lý thuộc trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung và những quy định pháp luật về thẩm quyền khởi tố của HĐXX trong quá trình tố tụng vụ án.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 104 BLTTHS thì: HĐXX ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự, nếu qua việc xét xử tại phiên toà mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra.

Khái niệm “người phạm tội” hay “tội phạm mới” theo quy định nói trên, được hiểu là tội phạm khác với tội phạm mà các bị can, bị cáo đã thực hiện và đang bị điều tra, truy tố hay xét xử. Và tại thời điểm xét xử vụ án, tội phạm hay người phạm tội mới này chưa bị phát hiện.

Như vậy, HĐXX chỉ có quyền khởi tố vụ án trong hai trường hợp. Hoặc là khi phát hiện được “tội phạm mới” hoặc là khi phát hiện được “người phạm tội mới”.

Trong khi đó, theo quy định của pháp luật tố tụng, các căn cứ để HĐXX trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung có phạm vi rộng hơn rất nhiều. Cụ thể, theo quy định tại Điều 179 BLTTHS, Thẩm phán hay HĐXX ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong các trường hợp sau đây:

a/ Khi cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên toà được.

b/ Khi có căn cứ để cho rằng, bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác.

c/ Khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Theo tinh thần hướng dẫn tại Thông tư Liên tịch số 01/2010 ngày 27/8/2010 của VKSND Tối cao, Bộ công an và TAND Tối cao về việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì, có căn cứ để cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a/ Viện kiểm sát truy tố về một hay nhiều tội, nhưng chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy hành vi của bị can (bị cáo) đã thực hiện cấu thành một hay nhiều tội khác

b/ Ngoài tội phạm đã bị truy tố, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy, còn có căn cứ để khởi tố bị can (bị cáo) về một hay nhiều tội khác.

c/ Ngoài bị can (bị cáo) đã bị truy tố, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có người đồng phạm khác hoặc có người phạm tội khác liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can.

...

Như vậy, theo quy định của pháp luật tố tụng, hầu hết các trường hợp “lọt người lọt tội” đều thuộc căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Chỉ duy nhất có hai trường hợp thuộc thẩm quyền khởi tố vụ án của HĐXX là, khi phát hiện tội phạm hoặc người phạm tội mới. Và, tội phạm hay người phạm tội mới này, không liên quan đến vụ án mà toà đang xét xử.

Vậy, thế nào là liên quan và thế nào là không liên quan?

Được xem là “có người phạm tội khác liên quan đến vụ án” và thuộc trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi, hành vi phạm tội của người đó có liên quan đến vụ án đang được điều tra, truy tố hay xét xử.

Ví dụ: Toà án đang xét xử vụ án “ trộm cắp tài sản” trong đó A,B,C được xác định là đồng phạm. Tuy nhiên, ngoài A,B,C ra, chứng cứ trong hồ sơ cho thấy còn có người phạm tội khác là D cũng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của người bị hại, nhưng chưa được khởi tố bị can. Trong trường hợp này, D được xem là người phạm tội khác (không phải là đồng phạm với A,B,C) nhưng có liên quan đến vụ án trộm cắp tài sản mà Toà án đang xét xử.

Hoặc như vụ án “hôi bia” ở Đồng Nai trước đây chẳng hạn. Sau khi khởi tố vụ án, Cơ quan Điều tra đã ra quyết định khởi tố đối với hai bị can. Tuy nhiên, nếu chứng cứ có trong hồ sơ thể hiện, ngoài hai bị can đã được khởi tố, còn có người phạm tội thứ ba, nhưng Cơ quan Điều tra chưa có quyết định khởi tố đối với bị can này.

Trái lại, nếu trong quá trình xét xử vụ án, phát hiện được tội phạm hay người phạm tội mới. Nhưng tội phạm hay người phạm tội mới này, không liên quan đến vụ án đang xét xử, thì không thuộc trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung mà thuộc thẩm quyền khởi tố vụ án của HĐXX.

Trở lại với việc HĐXX trực tiếp ra quyết định khởi tố đối với vụ án “Tiết lộ bí mật nhà nước”.

Trong vụ án này, lời khai của Dương Chí Dũng thực chất là một thông tin tố giác tội phạm. Tuy nhiên, đây là thông tin tố giác về một tội phạm mới thuộc lĩnh vực “tiết lộ bí mật nhà nước”, hành vi phạm tội này (nếu có) cũng hoàn toàn không liên quan đến vụ án tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài mà toà đang xét xử.

Nói cách khác, việc tiết lộ thông tin là một chuyện, còn sau khi tiếp nhận thông tin đó, Dương Tự Trọng và các đồng phạm có thực hiện hành vi tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn hay không, lại là chuyện khác. Vì thông tin tố giác tội phạm mới này, không liên quan đến việc giải quyết vụ án, nên không thuộc trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung, mà HĐXX phải trực tiếp ra quyết định khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 104 BLTTHS.

Như vậy có thể thấy, việc toà án nói chung và HĐXX nói riêng, ít khi trực tiếp ra quyết định khởi tố vụ án, không hẳn vì lâu nay toà án không phát huy thẩm quyền khởi tố của mình. Cũng không hẳn đối với việc khởi tố vụ án, HĐXX không “mặn mà” hay có thái độ thụ động hơn so với việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, mà vấn đề căn bản chính là, thẩm quyền và căn cứ để HĐXX trực tiếp ra quyết định khởi tố vụ án, có phạm vi hẹp hơn rất nhiều so với việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Mặt khác, thực tiễn tố tụng cũng cho thấy, việc phát hiện tội phạm hay người phạm tội mới tại phiên toà rất ít khi xảy ra. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ áp dụng pháp luật, việc HĐXX ra quyết định khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước trong trường hợp này, một lần nữa cho thấy sự áp dụng chính xác pháp luật của HĐXX cũng như sự cần thiết của chế định “khởi tố vụ án tại phiên toà” – một chế định mà lâu nay chúng ta vẫn nghĩ là không khả thi, hay không có tác dụng trên thực tế.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

(*) Bài viết đã đăng trên Báo Điện tử NGƯỜI LAO ĐỘNG dưới tiêu đề “ Khởi tố vụ án tiết lộ bí mật Nhà nước có đúng luật?” 

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác