Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Yêu cầu hủy việc nuôi con nuôi không phải là vụ án hành chính

02/05/2016, 20:47

Báo Pháp luật Điện tử TP.HCM số ra ngày 17/7/2012 có đăng bài “Nhập án Hành chính vào án Dân sự, được không?”, nêu trường hợp một vụ việc xảy ra tại Thị xã An Khê, Tỉnh Gia Lai, liên quan đến việc hủy thỏa thuận cho và nhận nuôi con nuôi.

Vấn đề bài báo đặt ra là, trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Tòa án có thể nhập vụ án hành chính có liên quan vào vụ án dân sự được không?

Thế nhưng, trong trường hợp cụ thể này, theo quan điểm của chúng tôi, việc nguyên đơn là bà T khởi kiện yêu cầu hủy việc cho và nhận nuôi con nuôi, không phải là vụ án hành chính, nên tòa án không thể thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính, mà cần xác định đây là quan hệ tranh chấp liên quan đến hộ tịch, thuộc lĩnh vực dân sự, nên cần phải áp dụng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự để giải quyết vụ án.

Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) về thẩm quyền của tòa án, thì ngoài những tranh chấp về hôn nhân và gia đình mà điều luật đã liệt kê, Tòa án còn có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự “ các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình mà pháp luật có quy định” (khoản 6 Điều 27 BLTTDS).

“Những tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình” là những tranh chấp mà BLTTDS không có quy định, nhưng được quy định trong các văn bản pháp luật khác, cụ thể trong trường hợp này là Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 và Luật Nuôi Con nuôi năm 2010.

Điều 72 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về đăng ký việc nuôi con nuôi như sau: “ … thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi, giao nhận con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch” (chứ không phải quyết định hành chính)

Khoản 1 Điều 77 Luật Hôn nhân và Gia đình xác định việc chấm dứt việc nuôi con nuôi, sẽ được tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Điều 10 Luật Nuôi con nuôi cũng quy định: “Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”

Như vậy, việc yêu cầu hủy việc cho và nhận nuôi con nuôi, hay yêu cầu Tòa án tuyên bố chấm dứt việc nuôi con nuôi nói chung, là những tranh chấp liên quan đến vấn đề hộ tịch, do tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự chứ không phài là vụ án hành chính như các cấp Tòa án ở tỉnh Gia Lai đã nhầm tưởng.

Trong trường hợp tranh chấp cụ thể này, khi bà O khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của ông T cho con ruột của mình. Về nguyên tắc, bà T có quyền phản tố yêu cầu hủy việc cho và nhận nuôi con nuôi ngay trong vụ án tranh chấp thừa kế. Trường hợp bà T không có yêu cầu phản tố mà khởi kiện thành một vụ án độc lập thì tòa án cần xác định đây là vụ án dân sự và có thể xem xét nhập vụ án để giải quyết theo quy định tại Điều 38 BLTTDS.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác