Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Án lệ 47/2021/AL: Tại anh, tại ả?

29/06/2023, 20:30

Ngày 09 tháng 6 năm 2023, Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm xét xử khu vực miền Trung – Tây nguyên. Một trong những nội dung quan trọng được trao đổi tại hội nghị này là vấn đề áp dụng án lệ 47/2021 hướng dẫn xét xử về tội giết người.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, xuất phát từ việc Toà án cấp sơ thẩm ở một số địa phương áp dụng án lệ 47/2021 một cách máy móc, nên dẫn đến tình trạng các vụ án bị xét xử về tội “Giết người” tăng đột biến và cấp phúc thẩm sau đó phải thay đổi tội danh.

Đánh giá về vấn đề này, một lãnh đạo của Toà án nhân dân Tối cao nêu quan điểm: “Phải áp dụng nguyên tắc chung của pháp luật, sau đó mới đến án lệ trong những tình huống cuối cùng, chứ không phải vụ án nào cũng áp dụng án lệ để xét xử tội giết người”

Vị này cũng cho rằng: “ Không phải lúc nào dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu cũng là giết người. Mà phải đánh vào vùng trọng yếu, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến chết người. Chứ không phải đánh vào vùng trọng yếu mà thương tật có 5% không gây nguy hiểm đến tính mạng mà xét xử giết người là không phù hợp” (*)

Ở đây có hai vấn đề đặt ra liên quan đến việc áp dụng án lệ: (i) Khi nào thì án lệ sẽ được áp dụng; và (ii) Điều kiện để áp dụng án lệ trong xét xử là gì?

Theo tinh thần quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 04/2019/NQ – HĐTP về tiêu chí lựa chọn án lệ, thì: Án lệ được lựa chọn phải có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau...

Điều đó cũng có nghĩa, Toà án tối cao chỉ ban hành án lệ trong các trường hợp pháp luật quy định về một vấn đề nào đó chưa rõ ràng hoặc còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Một điều khoản luật pháp đã minh bạch, rõ ràng thì không có lý do gì để tạo ra án lệ.

Nói khác, khi ban hành án lệ để hướng dẫn một điều khoản hay quy phạm pháp luật nào đó, chính Toà án tối cao đã xác định, điều khoản hay quy phạm pháp luật đó chưa được rõ ràng, có thể dẫn đến những cách hiểu khác nhau, nên mới ban hành án lệ.

Trong trường hợp của tội giết người, do một số hành vi khách quan của tội phạm này, đồng thời cũng là dấu hiệu khách quan của tội phạm khác (tội cố ý gây thương tích) nên để xác định giữa tội giết người và tội cố ý gây thương tích, toà án tối cao đã ban hành án lệ 47/2021 với các dấu hiệu phân biệt như đã mô tả trong phần tình huống và nội dung của án lệ này.   

Vì vậy trên nguyên tắc, án lệ 47/2021 phải được ưu tiên áp dụng để giải quyết đối với các vụ án được xem là “Có tình huống pháp lý tương tự” (chứ không phải áp dụng luật pháp)

Mặt khác, theo tinh thần quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ – HĐTP về áp dụng án lệ trong xét xử thì:

"Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau....”

Một vụ án được xem là có tình huống pháp lý tương tự với một án lệ, khi vụ án đó có những tình tiết, sự kiện pháp lý cơ bản giống với các tình tiết, sự kiện pháp lý đã được mô tả trong phần “Nội dung án lệ” hoặc “Khái quát nội dung án lệ” của án lệ đó.

Tại phần “Khái quát nội dung” của án lệ 47/2021, nêu rõ:

- Tình huống án lệ:

Bị cáo dùng dao là hung khí nguy hiểm đâm vào vùng bụng của bị hại là vùng trọng yếu của cơ thể con người. Bị hại không chết là ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo.

- Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, Tòa án phải xác định bị cáo chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người”.

Trong phần nội dung, án lệ số 47/2021 tiếp tục phân tích và chỉ ra những căn cứ để kết luận bị cáo phạm tội giết người, như sau:

Mặc dù giữa Nguyễn Đình Đ và anh Cao Văn C không có mâu thuẫn trước đó, nhưng từ lời nói của anh C “Tao thích đánh nhau, thích đổ thêm dầu vào lửa đấy. Mày là thằng nào mà đến đây hổ báo”, Đ cầm dao (loại dao dùng làm hàng mây tre đan, chuôi gỗ dài 11 cm, lưỡi bằng sắt dài 13,5cm, đầu mũi dao nhọn hơi cong, bản dao nơi rộng nhất 2,5cm) chỉ vào mặt anh C nói “Mày thích đánh nhau à” rồi dùng dao đâm một nhát vào bụng anh C làm anh C bỏ chạy. Như vậy, chỉ vì lời nói của anh C có tính chất thách thức, kích động mà Đ đã dùng dao nhọn là hung khí nguy hiểm đâm vào vùng bụng (mạn sườn bên trái) của anh C là vùng trọng yếu trên cơ thể con người. Theo kết luận giám định thì anh C bị thương tích 05%, và đây là thương tích ở thời điểm giám định (sau gần 05 tháng vụ án xảy ra), không phải thương tích ở thời điểm xảy ra vụ án, nên không phản ánh đúng thương tích của anh C và tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Việc anh C không chết là ngoài ý muốn chủ quan của Đ. Do đó, hành vi nêu trên của Đ đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người”, thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt và có tính chất côn đồ.”

Như vậy có thể thấy, theo quan điểm của án lệ 47/2021, có hai yếu tố cơ bản làm căn cứ cho việc xác định tội danh giết người: (i) người phạm tội dùng hung khí nguy hiểm tác động vào vùng trọng yếu của cơ thể con người; (ii) tỷ lệ thương tích gây ra cho người bị hại từ 5% trở lên. Ngoài hai yếu tố này ra, án lệ không đề cập một yếu tố nào khác.

Vì vậy trên nguyên tắc, tất cả các vụ án liên quan đến hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của con người (Quy định tại chương XIV của Bộ luật hình sự) nếu có hai yếu tố: Dùng hung khí nguy hiểm tác động vào vùng trọng yếu của cơ thể và tỷ lệ thương tích của nạn nhân từ 5% trở lên, đều phải được xem là “có tình huống pháp lý tương tự” với án lệ 47/2021. Và án lệ này đương nhiên phải được áp dụng để xét xử bị cáo về tội giết người.

Việc lãnh đạo Toà án tối cao cho rằng: Không phải lúc nào dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu cũng là giết người. Mà phải đánh vào vùng trọng yếu, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến chết người. Chứ không phải đánh vào vùng trọng yếu mà thương tật có 5% không gây nguy hiểm đến tính mạng mà xét xử giết người là không phù hợp.

Xin thưa, đó chỉ là sự diễn giải (hay quan điểm cá nhân) của vị lãnh đạo, còn bản thân nội dung án lệ 47/2021 chỉ nêu ra hai tình huống căn bản để tạo nên án lệ, đó là: Dùng hung khí nguy hiểm tác động vào vùng trọng yếu của cơ thể; và tỷ lệ thương tích gây ra từ 5% trở lên. Ngoài ra, án lệ này hoàn toàn không hướng dẫn bất kỳ một tình huống nào liên quan đến yếu tố giả định, như: Nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến chết người; hay liên quan đến mức độ nghiêm trọng của thương tích: có gây nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân hay không?

Như vậy, việc “đổ lỗi” cho Toà án cấp sơ thẩm áp dụng án lệ 47/2021 một cách “máy móc” là không thuyết phục, mà cần phải xem xét lại chính nội dung của án lệ này.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

--------------------

(*) “Án lệ 47 được áp dụng máy móc khi xác định tội giết người” – Báo điện tử Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 6 năm 2023.

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê