Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Cà phê cùng "Vụ án" của KAFKA

03/05/2016, 10:20

Chiều nhạt nắng nhưng cái nóng vẫn hầm hập vẫn tỏa ra trong không gian quán cà phê sách ở góc phố nhỏ. Tôi bắt gặp một cuốn sách nằm im lìm trên kệ sách. Bụi thời gian phủ mờ. Nhấm nháp từng giọt cà phê, tôi như đang sống cùng với Vụ án của Kafka…

Nhà văn Tiệp ở thế kỷ XX Kafka trong tác phẩm Vụ án kể câu chuyện về nhân vật Josef K là người đại diện trong một ngân hàng tại một thành phố. Đúng vào buổi sáng ngày sinh nhật thứ ba mươi, K. vừa thức dậy thì bị bắt. K. bị tuyên bắt bởi tòa án mà anh không thể biết nó nằm ở đâu, anh đã mắc tội gì. Diễn biến của phiên tòa được Kapka miêu tả thể hiện cái phi lí bi kịch. Cái phi lý bi kịch bao phủ, bủa vây khắp không gian và thời gian sống của mỗi con người. Bằng tài năng của mình, Franz Kafka đã làm nổi bật lên một xã hội phi lý và bất an cực độ thời bấy giờ.

Thời đại hiện nay, pháp luật không còn là cái phi lý nữa. Pháp luật thể hiện vừa khái quát vừa cụ thể, phản ánh sâu sắc ý chí và nguyện vọng của nhân dân thông qua Quốc hội, với tư cách  là cơ quan lập pháp. Thế nhưng, cái phi lý lại xuất hiện ở một góc độ khác, đó chính là, pháp luật hiện diện ở khắp mọi nơi nhưng nó lại bị “lờn”, bị xem thường, bị “lách luật”…

Cái phi lý này sinh ra từ đâu? Có nhiều nguyên nhân, nhưng tất nhiên nó sinh ra từ nhận thức và hành động của mỗi công dân, mà căn bản  là tính vô tổ chức trong sinh hoạt đời sống, trong học tập, lao động và công tác. Qua các thời kỳ xây dựng đất nước, nhà nhà, người người đều được nghiên cứu, giáo dục, học tập về pháp luật nhưng những hành vi vi phạm pháp luật ở nhiều mức độ và cấp độ vẫn thường xuyên xảy ra và không ngừng tăng lên hàng ngày. Tính vô tổ chức được dịp bộc phát, lây lan như dịch bệnh ở cả các vùng nông thôn và thành phố, nhất là trong điều kiện đô thị đang phát triển dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật tràn lan.

Cái phi lý này xem ra ai cũng biết, nhưng tất cả đều bàng quan, tất cả đều xem đó như một cái gì tất yếu, không liên quan đến mình. Tinh thần thượng tôn pháp luật, vì vậy vẫn chưa được tuân thủ triệt để trong đời sống pháp luật ở Việt Nam. Không ít người, kể cả những người có chức quyền, khi nói về pháp luật thì đề cao việc chấp hành nghiêm luật pháp nhưng khi hành động thì ngược  lại. Tính vô tổ chức và tính vụ lợi cá nhân, vụ lợi nhóm được dịp tung hoành khiến pháp luật bị xem thường.

Cái phi lý này mất đi thì lại sinh ra cái phi lý khác. Phiên tòa của Kafka là phiên tòa về sự phi lý của pháp luật thời đại ông sống. Sự phi lý trong các hành động vi phạm pháp luật của con người ở xã hội Việt Nam đương thời cần phải được “xử” trong một phiên tòa khác, đó là tòa án lương tâm. Bởi lẽ, khi ý thức thực thi pháp luật được gắn với trách nhiệm công dân và lương tâm của mỗi con người thì việc chấp hành pháp luật sẽ nghiêm, tình trạng vi phạm pháp luật sẽ giảm. Lương tâm con người cần phải được tự tỉnh thức, phải được “lau chùi” sạch sẽ để mỗi người, mỗi ngày biết tự soi vào chính mình. Soi vào lương tâm của chính mình, tức là mỗi con người phải biết tự xấu hổ, tự ý thức để tránh các hành động vi phạm đạo đức và pháp luật.

Phiên tòa trong Vụ án của Kafka đã khép lại… Ngoài phố, nắng hanh vàng rực rỡ. Đâu đây, trong không gian tĩnh lặng chợt vang lên câu hát trong ca khúc Nắng thủy tinh của Trịnh Công Sơn:

“Màu nắng hay là màu mắt em…” 

Võ Tấn Cường

Nhà nghiên cứu – phê bình văn học 

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác