Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Những trạng nguyên giỏi nhất đất Việt

13/10/2016, 07:43

Nước ta có hơn 50 vị Trạng nguyên, mỗi người đều có một tài năng, đỗ đạc trong các kỳ thi và được nhà vua trọng dụng. Tài năng, công lao của họ được sử sách lưu danh, người đời nhắc đến.

“Trạng nguyên” là học vị cao nhất trong chế độ thi cử của nước ta ngày trước. Những người được vào thi tiến sĩ tại sân đình của vua, ở trong một cái nhà lớn gọi là “nghè”, nên người ta hay gọi các vị này là “ông nghè.” Người đỗ đầu được gọi là Trạng nguyên, thứ hai là Bảng nhãn, thứ ba là Thám hoa. Tới thời nhà Nguyễn thì vua bỏ, không lấy trạng nguyên nữa.

Nguyễn Hiền

Nguyễn Hiền (1234 - 1255) đỗ trạng nguyên khi 13 tuổi. Ông là người làng Dương A, huyện Thượng Hiền, phủ Thiên Trường (nay là xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).

Ông thi đỗ trạng nguyên khi mới 13 tuổi, trở thành trạng nguyên trẻ nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam, tại khoa thi tháng 2 năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 (1247) thời vua Trần Thái Tông. Cùng năm đó có Lê Văn Hưu 17 tuổi đỗ Bảng nhãn và Đặng Ma La 14 tuổi đỗ Thám hoa.

Đây cũng là khoa thi đầu tiên trong lịch sử đặt ra danh vị Tam khôi, bao gồm trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. Vua Trần phán: “Trạng nguyên niên ấu vị tri lễ hứa hồi gia học lễ đãi tam niên nhi hậu dụng” có nghĩa là Trạng nguyên còn trẻ chưa biết lễ về nhà học lễ ba năm rồi ta dùng.

Vì còn thiếu niên nên vua cho ông về quê 3 năm tu dưỡng, sau ra làm quan đến chức Thượng thư bộ Công. Nguyễn Hiền vào triều, Vua tuyển ông vào học tiếp Tam giáo chủ khoa, tức đạo Lão, đạo Phật, đạo Khổng và bổ nhiệm làm quan đến chức "Thượng thư bộ Công".

Những năm làm quan trong triều, Nguyễn Hiền có nhiều kế sách hay để phò vua giúp nước. Năm Ất Hợi, nước ta lại bị giặc Chiêm Thành xâm lược, nhà vua rất lo bèn giao cho trạng nguyên Nguyễn Hiền đánh giặc giữ nước.

Chỉ ít lâu sau, quân giặc thất bại, trạng Hiền thu quân về Vũ Minh Sơn mở tiệc khao quân và tâu lên vua. Nhà vua vô cùng vui mừng và phong cho ông Trạng chức "Đệ nhất hiển quý quan". Về nông nghiệp, ông cho đắp đê quai vạc sông Hồng, phát triển sản xuất mùa màng thắng lợi. Về quân sự, ông cho mở mang võ đường để rèn quân luyện sĩ.

Ngày 14 tháng 8 năm Bính Tý, trạng nguyên Nguyễn Hiền lâm bệnh nặng và qua đời, thọ 21 tuổi. Nhà vua thương tiếc truy phong ông là "Đại vương thành hoàng" và tôn làm thần ở 32 nơi, trong đó có đình Lại Đà ở xã Đông Hội - huyện Đông Anh, Hà Nội.

Hiện nay, tại đền thờ trạng nguyên Nguyễn Hiền ở quê hương ông, thôn Dương A (Nam Thắng, Nam Trực, Nam Định) còn giữ được nhiều bài vị, sắc phong, câu đối, đại tự, đặc biệt bảo tồn được cuốn Ngọc phả nói về sự nghiệp của ông, trong đó có câu ca ngợi tài năng của Nguyễn Hiền như sau:

"Thập nhị tuế khôi khai lưỡng quốc, Vạn niên thiên tuế lập tam tài"

Tạm dịch là: "Mười hai tuổi khai khoa hai nước Nghìn năm ghi mãi chữ tam tài".

Sau khi ông mất, để tỏ lòng tôn kính một nhân tài mệnh yểu, vua cho đổi tên huyện Thượng Hiền đổi thành Thượng Nguyên để kiêng tên húy của ông.

Mạc Đĩnh Chi

Mạc Đĩnh Chi (1280-1346), tên tự là Tiết Phu, làm quan đời Trần Anh Tông trong lịch sử Việt Nam. Ông là người làng Lũng Động, huyện Chí Linh (nay thuộc xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Là người có tướng mạo xấu xí nhưng trí tuệ thông minh.

Năm 1304 đời vua Trần Anh Tông niên hiệu Hưng Long thứ 12, triều đình mở khoa thi lấy 44 người đỗ Thái học sinh (tiến sĩ). Mạc Đĩnh Chi đỗ đầu, chiếm học vị trạng nguyên. Ông được cử giữ việc coi sóc thư khố của nhà vua, rồi chức Tả bộc xạ (Thượng thư). Đặc biệt hai lần đi sứ Trung Quốc, ông đã dùng tài năng và phẩm chất thông minh của mình khiến người nước ngoài phải khâm phục. Về sau ông được cháu 7 đời là Mạc Đăng Dung truy tôn là Kiến Thủy Khâm Ninh Văn Hoàng Đế.

Trong một lần đi sứ, vua Nguyên bắt sứ thần Đại Việt và sứ thần Triều Tiên đề thơ cho chiếc quạt ông được tặng. Mạc Đĩnh Chi làm xong trước, ý sắc sảo, văn lại hay, nên vua Nguyên xem xong cứ gật gù khen mãi. Vua cảm phục tài và đức của Mạc Đĩnh Chi, và phong "Lưỡng quốc Trạng nguyên" (trạng nguyên hai nước) và chữ do chính tay hoàng đế nhà Nguyên viết.

Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi sống rất liêm khiết, thanh bạch. Vì vậy tuy làm quan to nhưng vẫn nghèo,Vua Trần Minh Tông biết rõ sự tình nên sai người lúc đang đêm đem 10 quan tiền bỏ trước nhà của ông. Sáng sớm khi thức dậy, ông thấy tiền không chủ nên mang vào triều nộp và tâu vua. Vua cười bảo: "Không ai đến nhận, khanh cầm lấy mà tiêu". Vua khen ông trong sạch và tặng ông hai chữ "Lịch sự".

Nguyễn Bỉnh Khiêm

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585), tên huý là Nguyễn Văn Đạt, tên tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân cư sĩ, được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử, là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16. Ông được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Nam-Bắc triều (Lê-Mạc phân tranh) cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam.

Sau khi đậu Trạng nguyên khoa thi Ất Mùi (1535) và làm quan dưới triều Mạc, ông được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi thăng tới Trình Quốc Công mà dân gian quen gọi ông là Trạng Trình. Đạo Cao Đài sau này đã phong thánh cho ông và suy tôn ông là Thanh Sơn Đạo sĩ hay Thanh Sơn chân nhân.

Người đời coi ông là nhà tiên tri số một trong lịch sử Việt Nam đồng thời lưu truyền nhiều câu sấm ký được cho là bắt nguồn từ ông và gọi chung là Sấm Trạng Trình. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng được coi là người đầu tiên trong lịch sử nhắc đến hai chữ Việt Nam một cách có ý thức nhất thông qua các văn tự của ông còn lưu lại đến ngày nay.

Nguyễn Thị Duệ - nữ Trạng nguyên duy nhất

Nữ trạng nguyên duy nhất trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam là bà Nguyễn Thị Duệ, hay còn có tên Nguyễn Thị Du, hiệu là Diệu Huyền, quê ở Kiệt Đặc, Chí Linh, Hải Dương.

Theo tài liệu của ban quản lý di tích văn miếu Mao Điền, năm 1593, tuy nhà Mạc thất thế phải chạy lên Cao Bằng song vẫn cho mở khoa thi để chọn nhân tài. Năm đó, Nguyễn Thị Duệ 20 tuổi đã cùng cha mình chạy lên Cao Bằng theo nhà Mạc và bà đã giả trai đi thi và đỗ đầu kỳ thi.

Đến khi vào cung dự yến tiệc, vua Mạc Kính Cung phát hiện tân trạng nguyên là nữ nhưng bất ngờ, nhà vua không trách tội mà còn khen ngợi bà là phận nữ nhi mà có chí. Sau đó, bà được vời vào cung coi việc dạy học cho cung tần rồi được nhà vua lấy làm phi, ban hiệu cho là Tinh Phi (nghĩa là sao sa). Bởi thế đương thời người ta gọi bà là bà chúa Sao.

Năm 1625, quân Trịnh tiến lên Cao Bằng đánh Mạc đã bắt được bà chúa Sao. Trước quân địch, bà vẫn hiên ngang rút gươm quát bảo bọn lính phải đem giải mình đến gặp chúa Trịnh nếu không bà sẽ tự tử. Đến gặp vua Lê, chúa Trịnh, bà đối đáp thông minh nên lại được nhà chúa trọng dụng cho trông coi việc học của phủ chúa. Sau đó, bà được phong chức Nghi ái quan.

Năm 70 tuổi, bà về quê hương nghỉ ngơi rồi qua đời lúc 80 tuổi. Nhân dân lập đền thờ gọi là đền bà chúa Sao. Trấn Hải Dương xưa (này là tỉnh Hải Dương, thành phố Hải Phòng và huyện Đông Triều của Quảng Ninh) còn được gọi là Xứ Đông. Nơi đây vốn có truyền thống hiếu học.

Khoahocthuvi.net

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê