Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Trao đổi nghiệp vụ: Các vấn đề về hình sự (kỳ 2)

10/08/2016, 08:30

Vấn đề án treo, quy định về hoãn thi hành án, quyền đại diện cho công ty để khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp người đại diện theo pháp luật của công ty đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự… là những vấn đề trao đổi và giải đáp về nghiệp vụ trong kỳ này.

Câu hỏi 6.  Bị cáo bị xử phạt tù cho hưởng án treo thời gian thử thách là 12 tháng. Trường hợp này có được xem xét đề nghị rút ngắn thời gian thử thách trong giai đoạn thi hành án hay không?

Trả lời:

“Rút ngắn thời gian thử thách” được quy định tại Khoản 4 Điều 60 BLHS trong trường hợp người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục, Tòa án có thể rút ngắn thời gian thử thách. Về nguyên tắc, thời gian thử thách là từ một đến năm năm và không được ít hơn hình phạt tù.

Khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 08/TTLT/BCA-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 14/8/2012 quy định về điều kiện rút ngắn thời gian thử thách của án treo như sau: Người được hưởng án treo có thể được Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo khi có đủ các điều kiện sau:

a) Đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách của án treo;

b) Có nhiều tiến bộ, được thể hiện bằng việc trong thời gian thử thách thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ của người được hưởng án treo; chấp hành đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế nơi làm việc; tích cực lao động, học tập và sửa chữa lỗi lầm; thực hiện đầy đủ các hình phạt bổ sung, nghĩa vụ khác theo quyết định của bản án;

c) Được Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát giáo dục người được hưởng án treo đề nghị rút ngắn thời gian thử thách bằng văn bản.

Như vậy, pháp luật hình sự không hạn chế trường hợp được rút ngắn thời gian thử thách, chỉ cần thỏa mãn quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư 08/TTLT/BCA-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 14/8/2012 là đủ điều kiện rút ngắn thời gian thử thách, mà không phụ thuộc vào thời gian thử thách đã được ấn định ở mức thấp nhất là 12 tháng.

Do vậy, bị cáo bị xử phạt tù cho hưởng án treo thời gian thử thách là 12 tháng nếu đáp ứng điều kiện luật định thì cũng thuộc trường hợp được đề nghị rút ngắn thời gian thử thách

Tuy nhiên, mức rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo một năm được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 và 4 Điều 4 Thông tư này như sau:

“Người được hưởng án treo một năm chỉ được rút ngắn thời gian thử thách một lần từ một tháng đến một năm”.

“Trường hợp người được hưởng án treo lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và có đủ các điều kiện được hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, thì Tòa án có thể quyết định rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại”.

Lưu ý: “Người được hưởng án treo một năm” quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư 08/TTLT/BCA-BTP-TANDTC-VKSNDTC là một năm thời gian thử thách (12 tháng thời gian thử thách).

Câu hỏi 7. Khoản 1 Điều 61 BLHS quy định “…bị bệnh nặng thì được hoãn thi hành án cho đến khi sức khỏe hồi phục”. Vậy người bị kết án do tiêm chích ma túy bị hoại tử chi dưới, phải tháo khớp háng, giám định mất 76% sức khỏe vĩnh viễn (1 trường hợp mất 83% sức khỏe vĩnh viễn), vận động khó khăn, phải có dụng cụ hỗ trợ có được coi là bị bệnh nặng không?

Trả lời:

Tiết a điểm 7.1 Mục 7 Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 hướng dẫn về trường hợp bị bệnh nặng quy định tại Điều 61 BLHS thì: “người bị bệnh nặng, tức là bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành hình phạt tù được và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ; do đó, cần thiết phải cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù để họ có điều kiện chữa bệnh; ví dụ: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu... Phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc người bị xử phạt tù bị bệnh nặng và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ”.

Quy định này đã xác định điều kiện được coi là bị bệnh nặng, bao gồm:

- Không thể đi chấp hành hình phạt tù và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng

- Phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc người bị xử phạt tù bị bệnh nặng và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ.

Như vậy, điều kiện quyết định để cho người bị kết án được hoãn chấp hành hình phạt tù là họ phải bị đau ốm tới mức không thể đi chấp hành hình phạt tù được, việc đi chấp hành hình phạt tù sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng của họ. Mục đích của việc hoãn chấp hành hình phạt tù trong các trường hợp này là nhằm tạo cho họ có điều kiện để chữa bệnh.

Người bị mất phần trăm sức khỏe vĩnh viễn vẫn không thuộc trường hợp không thể đi chấp hành hình phạt tù. Do vậy, người bị hoại tử chi dưới, phải tháo khớp háng (giám định mất 76% sức khỏe vĩnh viễn hoặc 83% sức khỏe vĩnh viễn) không được coi là bị bệnh nặng để làm căn cứ hoãn thi hành án.

Tuy nhiên, Cơ quan thi hành án hình sự sẽ có chế độ hợp lý khi thi hành hình phạt tù đối với các trường hợp như thế này.

Câu hỏi 8. Người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH hai thành viên đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự (được tại ngoại) có được quyền đại diện cho Công ty để khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án và tham gia tố tụng giải quyết vụ án không?

Trả lời:

Người bị truy cứu trách nhiệm hình sự không đồng nghĩa với việc bị tước bỏ tất cả các quyền công dân, mà họ chỉ bị hạn chế một số quyền nhất định theo quyết định của Tòa án, ngay cả khi bị áp dụng hình phạt tù, người bị kết án cũng vẫn còn các quyền không bị Tòa án tước bỏ.

Ví dụ người đang bị giam giữ vẫn có quyền xin ly hôn (kể cả trường hợp bị kết án giam).

Vì vậy, Người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH hai thành viên đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự (được tại ngoại) vẫn có quyền đại diện cho Công ty để khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án và tham gia tố tụng giải quyết vụ án nếu tại thời điểm đó họ đang là người đại diện theo quy định của pháp luật mà chưa bị cơ quan có thẩm quyền cách chức, đình chỉ, tạm đình chỉ vv… chức vụ.

Tuy nhiên, trường hợp này Tòa cần giải thích cho người đại diện đó biết họ nên ủy quyền cho người khác vì họ có thể bị giam trong trường hợp cần thiết theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng.

Câu hỏi 9.

A và B bị Viện kiểm sát truy tố về tội cố ý gây thương tích khoản 3 Điều 104 BLHS. Các bên lập xong biên bản về việc bồi thường dân sự, trong đó C (cha của A) bồi thường cho gia đình bị hại E 70 triệu, D (cha của B) bồi thường cho gia đình E 70 triệu. Khi hồ sơ chuyển sang Tòa án, Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì thấy rằng chưa đủ căn cứ để kết tội A. Sau khi nhận lại hồ sơ, Viện kiểm sát đình chỉ vụ án đối với A, chuyển hồ sơ cho Tòa án chỉ truy tố B. Tại phiên tòa C (và A) yêu cầu gia đình E phải trả lại 70.000.000 đồng tiền đã nộp bồi thường.

Hỏi: Tòa án có chấp nhận yêu cầu của C không? Nếu có chấp nhận thì tính án phí thế nào? Gia đình B có phải chịu án phí? Nếu không chấp nhận thì C có phải chịu án phí không?

Trả lời:

Trong trường hợp này, khi xét xử nếu có căn cứ A có liên quan đến hành vi cố ý gây thương tích và có nghĩa vụ liên đới cùng với B bồi thường thiệt hại (nhưng không bị truy tố) thì yêu cầu của A và C (cha của A) không được chấp nhận.

Trường hợp có căn cứ xác định A không có nghĩa vụ bồi thường mà toàn bộ thiệt hại do B bồi thường thì chập nhận yêu cầu của A và C (cha của A) buộc gia đình E phải hoàn trả lại số tiền A (C) đã bồi thường.

Về án phí có hai trường hợp xảy ra sau:

- Nếu A có nghĩa vụ liên đới bồi thường thì về nguyên tắc phải chịu án phí, nhưng do bồi thường trước khi xét xử nên không phải chịu án phí.

- Nếu A không có nghĩa vụ liên đới bồi thường thì buộc E phải trả lại tiền cho A nhưng cũng không tính án phí. Trong trường hợp này, nếu xác định tổng thiệt hại là 140 triệu thì B phải bồi thường thêm cho E 70 triệu nữa và phải chịu án phí trên 70 triệu này.

(còn tiếp)

Nguồn: TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỌC VIỆN TOÀ ÁN

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác