Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Có căn cứ tái thẩm vụ án ly hôn hay không?

22/07/2016, 07:42

 

Ngày nay, kỹ thuật giám định ADN với tỷ lệ chính xác 99,99% góp phần xác định chính xác cha, mẹ đẻ - con đẻ, nhưng lại làm phát sinh tranh chấp tại Tòa án như yêu cầu không công nhận cha đẻ - con đẻ khi các ông bố nhận được kết quả giám định AND cho thấy đứa con từ trước đến nay mình vẫn thực hiện cấp dưỡng nuôi con lại không phải là con đẻ của mình…và cũng nảy sinh nhiều ý kiến khác nhau về áp dụng pháp luật tố tụng khi có tranh chấp dạng này xảy ra, nhất là những vụ án đã hết thời hiệu giám đốc thẩm. Xin đưa ra một vài ví dụ để trao đổi cùng các đồng nghiệp:

Vụ án thứ 1: Ông A và bà B kết hôn năm 1974, có con chung là anh C (sinh năm 1975). Năm 1987, ông bà ly hôn, hai bên thỏa thuận bà trực tiếp nuôi anh C, ông đóng góp hàng tháng cho đến khi anh C đủ 18 tuổi (năm 1993). Năm 2014, ông A có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định anh C không phải là con mình, lý do ông đưa ra là do anh C bất hiếu với ông và cho rằng trước đây ông vẫn nhận anh là con vì ông không có khả năng sinh con. Ông xác định đã thực hiện việc cấp dưỡng nuôi con đến năm 1993 như Bản án đã tuyên và không có yêu cầu gì về việc này, chỉ yêu cầu xác định ông không có quan hệ cha đẻ - con đẻ với anh C. Ông yêu cầu Tòa án buộc anh D thực hiện việc cung cấp mẫu để giám định.

Vụ án thứ 2: Khác với vụ án trên, ngay khi ly hôn năm 1987, ông D đã xác định anh E (sinh năm 1975) không phải là con đẻ của mình và không đồng ý cấp dưỡng nuôi con nhưng ông không có điều kiện để làm giám định ADN. Năm 2014 ông mới có điều kiện kinh tế để thực hiện việc giám định nhưng anh E không chịu đi giám định nên ông yêu cầu Tòa án xác định anh E không phải là con đẻ của ông và Tòa án có quyết định buộc anh E thực hiện việc cung cấp mẫu để giám định. Kết quả giám định cho thấy ông D không phải là cha đẻ của anh. Ông D yêu cầu hoàn trả lại tiền cấp dưỡng  6 năm mà ông đã trả cho vợ cũ là bà G để nuôi anh E.

Vụ án thứ 3: ông N và bà H kết hôn năm 1987; năm 1990, bà H sinh anh L; năm 1997, hai ông bà ly hôn. Ông A đã thực hiện việc cấp dưỡng nuôi con đến năm 2008. Năm 2014, ông yêu cầu Tòa án xác định anh C không phải là con mình và yêu cầu giải quyết trả lại ông tiền cấp dưỡng đã nộp trong 11 năm.

Sau khi thụ lý các vụ án nêu trên, Tòa án đều xác định ông A, ông D, ông N là nguyên đơn; anh C, anh E, anh L là bị đơn; bà B, bà H, bà G là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Cả 3 vụ án trên đều có kết quả giám định cho thấy nguyên đơn và bị đơn không có quan hệ cha đẻ- con đẻ. 

Có rất nhiều quan điểm khác nhau về nhiều vấn đề tố tụng trong các vụ án trên, chủ yếu tập trung vào 2 vấn đề:

Vấn đề thứ nhất: Có cần phải giải quyết lại phần con chung của Bản án ly hôn trước đây theo thủ tục tái thẩm hay không? Tức là Tòa án căn cứ điểm i khoản 1 Điều 192 BLTTDS quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án và có văn bản đề nghị người có thẩm quyền tái thẩm phần giải quyết về con cái của bản án ly hôn trước đây, hay không cần phải giải quyết lại phần con cái của bản án trước đây (theo thủ tục tái thẩm) mà vẫn tiến hành mở phiên tòa xét xử vụ án phát sinh sau này, xác định nguyên đơn không phải là cha đẻ của bị đơn.

Quan điểm cần phải có thủ tục tái thẩm cho rằng: Bản án ly hôn có hiệu lực pháp luật xác định nguyên đơn là cha của bị đơn. Bản án này không bị kháng nghị giám đốc thẩm và đã hết thời hiệu giám đốc thẩm nên cần căn cứ vào kết luận giám định để làm tình tiết tái thẩm phần giải quyết về con cái của bản án ly hôn trước đây. Do đó, sau khi có kết luận giám định là nguyên đơn không phải cha đẻ của bị đơn thì Tòa án không được đưa vụ án mới ra xét xử, mà phải đình chỉ việc giải quyết vụ án; đồng thời hướng dẫn nguyên đơn làm đơn đề nghị kháng nghị bản án trước đây phần giải quyết về con cái theo thủ tục tái thẩm (hoặc Tòa án có văn bản thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị biết để kháng nghị) do có tình tiết mới là kết luận giám định AND.

Quan điểm cho rằng không cần phải tái thẩm bản án giải quyết việc ly hôn trước đây mà Tòa án tiến hành mở phiên tòa xét xử và xác định nguyên đơn không phải là cha đẻ bị đơn với lập luận cho rằng: khi tòa án giải quyết việc ly hôn trước đây thì giấy tờ hộ tịch của bị đơn (Giấy khai sinh,..) đều xác định nguyên đơn là cha đẻ của bị đơn. Bản án ly hôn trước đây chỉ giải quyết về việc giao con chưa thành niên cho ai nuôi và về nghĩa vụ đóng góp phí tổn nuôi con đến khi đủ 18 tuổi, bản án đã được thi hành xong (ngay cả vụ thứ 2 khi Tòa giải quyết việc ly hôn, ông D cũng không chứng minh được anh E không phải con đẻ của mình). Việc các nguyên đơn yêu cầu xác định mình không phải là cha đẻ của bị đơn là quan hệ pháp luật khác, nên việc thụ lý giải quyết chấp nhận yêu cầu của các nguyên đơn là không mâu thuẫn gì với bản án giải quyết việc ly hôn trước đây. Do đó, Tòa án đưa vụ án ra xét xử và xác định nguyên đơn không phải là cha đẻ của bị đơn là đúng.  Căn cứ bản án này, nguyên đơn có quyền yêu cầu cơ quan hộ tịch cải chính các giấy tờ hộ tịch. Tác giả bài viết đồng ý với quan điểm này.

Vấn đề thứ hai: Chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của ông A trả lại ông tiền cấp dưỡng đã nộp để thi hành án phần cấp dưỡng nuôi con? Có 3 quan điểm chính:

Quan điểm thứ nhất: Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Do nguyên đơn không phải là cha đẻ của bị đơn nên không có nghĩa vụ cấp dưỡng cho bị đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (vợ cũ của nguyên đơn) là người được nhận tiền thi hành án phải hoàn trả nguyên đơn số tiền này.

Tuy nhiên, quan điểm này cũng có 2 hướng giải quyết khác nhau:

- Cần giải quyết phần nuôi con của bản án ly hôn trước đây theo thủ tục tái thẩm thì mới giải quyết được yêu cầu này của ông A.

- Không cần giải quyết phần nuôi con của bản án ly hôn trước đây theo thủ tục tái thẩm mà vẫn giải quyết buộc vợ cũ của nguyên đơn hoàn trả số tiền nguyên đơn đã nộp để thi hành án phần cấp dưỡng nuôi con.

Quan điểm thứ hai: căn cứ vào Điều 247 BLDS quy định về “Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu”; Điều 250 BLDS quy định về “Tài sản mà người khác đã được xác lập quyền sở hữu” và Điều 256 BLDS quy định về “Quyền đòi lại tài sản”: nguyên đơn chỉ được đòi lại số tiền đã đóng góp nuôi bị đơn nếu còn thời hiệu 10 năm. Như vậy, vụ án thứ nhất và vụ án thứ hai, từ khi nguyên đơn kết thúc việc cấp dưỡng (năm 1993) đến năm 2014 là đã hết 10 năm nên không  có căn cứ chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trong vụ thứ ba, nguyên đơn đóng góp tiền cấp dưỡng nuôi con từ năm 1998 đến năm 2008 và khởi kiện năm 2014 nên chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, buộc vợ cũ của nguyên đơn trả lại nguyên đơn số tiền đã nhận (từ năm 2004 đến 2008).

Quan điểm thứ ba: Không có căn cứ buộc vợ cũ của nguyên đơn phải hoàn trả nguyên đơn tiền cấp dưỡng đã nộp trong cả 3 vụ án trên vì: Bản án ly hôn đã được thi hành xong, không bị kháng nghị và việc này đã được thực hiện xong; số tiền này không còn (đã được sử dụng hết vào việc nuôi bị đơn đến 18 tuổi) nên không có căn cứ buộc vợ cũ của nguyên đơn hoàn trả. Tác giả đồng tình với quan điểm thứ này.

Thực tế các tranh chấp về hôn nhân gia đình rất phong phú và đa dạng trong khi các quy định pháp luật lại chỉ có tính khái quát. Luật Hôn nhân và Gia đình có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 cũng chưa có các quy định cụ thể để vận dụng giải quyết trong các tình huống trên, còn BLTTDS và BLDS đang trong quá trình sửa đổi để phù hợp với thực tiễn của cuộc sống. Trên đây chỉ là 3 ví dụ nhỏ và các quan điểm giải quyết khác nhau, tác giả đưa ra để trao đổi về luật áp dụng. Rất mong nhận được các ý kiến phản hồi của các đồng nghiệp.

Phan Thị Vân Hương- Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao

Nguồn: Cổng thông tin điện tử TAND Tối cao

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác