Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Vụ tố thư ký toà chạy án: Khởi tố tại phiên toà là trái luật.

11/08/2016, 21:46

Sau 2 ngày xét xử và nghị án, thật bất ngờ, sáng 10-8, TAND TP HCM đã tuyên xử: sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng tăng hình phạt từ 9 tháng tù thành 4 năm tù đối với bị cáo Mai Thị Ngọc Vân (SN 1980, ngụ quận Tân Bình) về tội “Cố ý gây thương tích”, đồng thời ra quyết định khởi tố tại phiên toà đối với Mai Khải Hoàn về hành vi “ cố ý gây thương tích”.

Khởi tố tại phiên toà trong trường hợp nào ?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 104 BLTTHS thì: HĐXX ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự, nếu qua việc xét xử tại phiên toà mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra.

Khái niệm “người phạm tội” hay “tội phạm mới” theo quy định nói trên, được hiểu là tội phạm khác với tội phạm mà các bị can, bị cáo đã thực hiện và đang bị điều tra, truy tố hay xét xử. Và, tại thời điểm xét xử vụ án, tội phạm hay người phạm tội mới này chưa bị phát hiện.

Ví dụ: Trong quá trình xét xử vụ án Dương Tự Trọng và đồng phạm về hành vi “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”, từ lời khai của Dương Chí Dũng, HĐXX đã khởi tố vụ án “ Tiết lộ bí mật nhà nước”.(*)

Đây được xem là “tội phạm mới” và thuộc thẩm quyền khởi tố của HĐXX, vì nó không liên quan đến tội phạm “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” mà toà đang xét xử.

Tương tự như thế, khái niệm “người phạm tội mới” được hiểu là người đã thực hiện hành vi tội phạm khác với tội phạm mà các cơ quan tiến hành tố tụng đang điều tra, truy tố hay xét xử.

Ví dụ: trong vụ án “Tiết lộ bí mật nhà nước” nói trên, người thực hiện hành vi “tiết lộ bí mật” được xác định là người phạm tội mới, vì hành vi phạm tội này, khác với hành vi phạm tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” mà toà án đang xét xử.

Sở dĩ nhà làm luật quy định, khi phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới, HĐXX có quyền ra quyết định khởi tố vụ án ngay tại phiên toà (chứ không phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung) là vì tội phạm hay người phạm tội mới này hoàn toàn độc lập và không liên quan đến vụ án đang được xét xử. Vì vậy, toà án vừa có thể tiếp tục việc xét xử và tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án đang xét xử, vừa có thể ra quyết định khởi tố đối với tội phạm hoặc người phạm tội mới này để cơ quan điều tra tiến hành việc điều tra bằng một vụ án khác.

Trái lại, nếu tại phiên toà, HĐXX phát hiện có đồng phạm hay người phạm tội khác liên quan đến vụ án, nhưng chưa được khởi tố bị can để điều tra, thì trường hợp này không được xem là “ tội phạm hoặc người phạm tội mới” theo quy định tại khoản 1 Điều 104 BLTTHS để có thể ra quyết định khởi tố vụ án tại phiên toà, mà cần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhằm làm rõ vai trò của từng đồng phạm cũng như hành vi của người phạm tội khác có liên quan đến vụ án nói chung.

Cần huỷ án để điều tra lại.

Theo tinh thần hướng dẫn tại điểm c Thông tư Liên tịch số 01/2010 ngày 27/8/2010 của VKSND Tối cao, Bộ công an và TAND Tối cao về việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì, toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi có căn cứ để cho rằng, ngoài bị can (bị cáo) đã bị truy tố, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có người đồng phạm khác hoặc "có người phạm tội khác" (chứ không phải "người phạm tội mới") liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can.

Ví dụ: Toà án đang xét xử vụ án “ trộm cắp tài sản” trong đó A,B,C được xác định là đồng phạm. Tuy nhiên, ngoài A,B,C ra, chứng cứ trong hồ sơ cho thấy còn có người phạm tội khác là D cũng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của người bị hại, nhưng chưa được khởi tố bị can. Trong trường hợp này, D được xem là người phạm tội khác (không phải là đồng phạm với A,B,C) nhưng có liên quan đến vụ án trộm cắp tài sản mà Toà án đang xét xử.

Trở lại với vụ án " cố ý gây thương tích" nói trên, tại phiên toà, Mai Khải Hoàn được cấp phúc thẩm xác định là có tham gia vào vụ án “Cố ý gây thương tích” và đã gây ra tỷ lệ thương tích 4% cho người bị hại là ông Trịnh Quang Hân.

Như vậy, nếu hành vi của Mai Khải Hoàn được toà án cấp phúc thẩm xác định là có dấu hiệu tội phạm, thì rõ ràng, Hoàn đã tham gia vào vụ án này với tư cách là người đồng phạm, giữ vai trò thực hành, nhưng chưa được cấp sơ thẩm khởi tố bị can, chứ không phải là “tội phạm mới” hay “người phạm tội mới” theo quy định tại khoản 1 Điều 104 BLTTHS.

Vì vậy, toà án cấp phúc thẩm chỉ có thể căn cứ  điểm c Thông tư liên tịch số 01/2010 nói trên để huỷ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm để điều tra lại nhằm tránh việc bỏ lọt tội phạm.

 Ngoài ra, HĐXX hoàn toàn không có thẩm quyền cũng như căn cứ để khởi tố vụ án trong trường hợp này.

 Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

--------------------------------------------

(*) Xem thêm bài " Vụ Dương Chí Dũng và quyết định khởi tố vụ án tại phiên toà" trên mục "Pháp luật - thực tiễn"

                                                      

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê