Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Bàn về xử lý nợ xấu

15/01/2017, 11:16

Mấy năm nay, câu chuyện “nợ xấu” luôn trở thành đề tài nóng bỏng, được đem ra tranh luận sôi nổi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, thậm chí là trên rất nhiều nghị quyết…, và đương nhiên khi nói đến “nợ xấu” là nói đến các giải pháp “mạnh tay” nhằm xử lý “DỨT ĐIỂM” cục máu đông/nợ xấu để giải tỏa đường đi cho những khoản “nợ tốt” ra đời. Đối với các bạn đọc ngoài ngành, cần hiểu rằng: khi ngân hàng cho vay đối với các cá nhân, doanh nghiệp nào đó… thì nó gọi là Nợ.

Trong Nợ, có nợ tốt và nợ xấu. Nợ tốt là bên vay trả nợ sòng phẳng cho ngân hàng 100% cả gốc và lãi khi đến hạn, nợ này giới chuyên môn ngân hàng liệt vào nợ nhóm 1. Ngược lại, nếu bên vay trả nợ không sòng phẳng, không đầy đủ cả gốc và lãi cho ngân hàng khi đến hạn thì nó trở thành nợ xấu. Nợ xấu bao gồm nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5, chưa kể nợ ngoại bảng (nợ đã được ngân hàng xử lý bằng dự phòng rủi ro, bằng tiền tươi thóc thật, và đưa nó ra ngoài bảng cân đối để tiếp tục truy đuổi kẻ đã gây ra nợ xấu bằng nhiều biện pháp khác nhau như thanh lý tài sản thế chấp… nhằm thu về bằng được khoản nợ đã cho vay). Trong đó, nợ nhóm 5 đang trở thành vấn đề được các bên đem ra mổ xẻ và rất muốn “DỨT ĐIỂM” nó. Nhưng “dứt điểm” như thế nào khi mà nó hiển nhiên tồn tại trong hệ thống phân loại nợ của ngân hàng. Điều đó hàm ý rằng, luật cho phép nó tồn tại như một nghiệp vụ hiển nhiên của ngân hàng, hay nói cách khác, đó chính là một thứ «căn bệnh mãn tính” cần phải được điều trị dài hơi hơn. Chính vì vậy, tại phiên chất vấn trước Quốc hội ngày 17/11/2016, Thủ tướng Chính phủ cho biết:”Chúng tôi đang xây dựng đề án toàn diện để xử lý vấn đề nợ xấu ở Việt Nam và sẽ báo cáo với các vị đại biểu Quốc hội trong thời gian tới để làm cục máu đông này nhỏ đi, điều hành nền kinh tế an toàn hơn…”. Như vậy, đây là thông điệp cho thấy vấn đề xử lý nợ xấu theo hướng «nhỏ lại» thay vì lúc nào chúng ta cũng quyết tâm «dứt điểm», nó là hướng đi hoàn toàn đúng đắn.

1. Khoanh vùng để xử lý

Như đã đề cập ở trên, nói đến “nợ xấu” là nói đến một “căn bệnh mãn tính” nào đó. Nói đến mãn tính là nói đến sự tồn tại dai dẳng, khó chịu, làm cho cơ thể của chúng ta mỗi ngày một suy nhược theo, nếu chúng ta không có liệu pháp thích hợp phòng, chống, xử lý và làm cho nó “nhỏ lại” một cách khoa học nhất. Tương tự như vậy, mỗi khi ngân hàng cho vay ra, trong hàng trăm, hàng ngàn món, kiểu gì cũng có món tốt món xấu, bởi thế các nhà hoạch định chính sách mới phân nợ vào 5 nhóm: 1,2,3,4,5… và các biện pháp phòng, chống đi kèm, tương ứng với nó là các mức trích lập dự phòng rủi ro cho mỗi loại nợ (trích thuốc dự phòng để điều trị nếu bệnh xảy ra). Như vậy, chúng ta phải nhận thức đầy đủ rằng: nợ xấu là câu chuyện bình thường của các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, có những thời điểm, nợ xấu bùng phát mạnh theo chu kỳ nhất định của nền kinh tế, chứ không phải lúc nào cũng bùng phát, lúc nào cũng cao… Nếu lúc nào cũng bùng phát, lúc nào cũng cao thì không có bất cứ tổ chức tín dụng nào tồn tại được cả. Cụ thể trong giai đoạn 2005 – 2007, khi xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là cuộc khủng hoảng nhà đất (bất động sản), ngay tức thì nó tác động đến thị trường bất động sản (BĐS) trong nước. Khi cuộc khủng hoảng nhà đất lan truyền, nó kéo theo hàng loạt ngành nghề sản xuất liên quan đến nhà đất như: xi măng, sắt, thép, nhôm, kính, gạch, ngói, thiết bị vệ sinh, ngành sơn, vôi, ve, vận tải, vận chuyển nguyên vật liệu… đều rơi vào vòng xoáy khủng hoảng. Trước khi chưa xảy ra khủng hoảng, phần lớn các ngành nghề này đều được hệ thống ngân hàng tiếp sức, cho vay… và khi thị trường BĐS xảy ra biến cố, nguời vay không trả được nợ, nợ xấu bùng phát, bùng phát theo đúng chu kỳ suy thoái của nền kinh tế. Có lẽ kỳ khủng hoảng này đã đẩy nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng lên mức cao nhất từ trước tới nay. Hơn nữa, khi đã xảy ra khủng hoảng, thì không những lĩnh vực BĐS bị tác động, mà toàn bộ nền kinh tế bị tác động theo. Điều đó có nghĩa là “nợ xấu” không chỉ nằm trong phạm vi lĩnh vực BĐS, mà nó hiện diện ở tất cả mọi ngành, mọi nghề… từ đó, làm cho vấn đề nhận diện nợ xấu, ngăn chặn nợ xấu trở nên hết sức phức tạp. Như vậy, hiện tại, chúng ta đang dồn sức xử lý nợ xấu của giai đoạn trước gây ra, chứ không phải là cho giai đoạn hiện nay? Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là chúng ta nên “khoanh vùng nợ xấu” để xử lý dứt điểm? Hay là, cứ để các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục bán nợ xấu cho VAMC mỗi khi có nợ xấu phát sinh, và các bên cứ tiếp tục “lai rai” xử lý ? Rõ ràng, khi đã nói đến cụm từ “DỨT ĐIỂM” hoặc quyết tâm điều trị cho nó “nhỏ lại” thì nhất định chúng ta phải có địa chỉ rõ ràng và phải có số lượng rõ ràng để xử lý.

2. Luận bàn các giả thuyết về xử lý nợ xấu

Giả sử chúng ta thống nhất “khoanh vùng nợ xấu” của “giai đoạn 2005 – 2007” và tập trung mọi nguồn lực để xử lý “dứt điểm” nó, vậy chúng ta dứt điểm như thế nào khi mà nợ xấu luôn phát sinh và hiện hữu như tôi đã phân tích ở trên (căn bệnh kinh niên). Bởi vì giả thiết là sau khi chúng ta xử lý dứt điểm nợ xấu (ví dụ xử lý dứt điểm 262.054 tỷ đồng) ngay trong năm 2016 và vai trò lịch sử của VAMC tạm bước sang trang mới (chẳng hạn trở thành Trung tâm mua bán nợ quốc gia). Nhưng giả sử bước vào giai đoạn 2017 – 2018, nợ xấu lại bùng phát do thị trường BĐS hoặc một số lĩnh vực nào đó xảy ra thì câu chuyện “dứt điểm” sẽ được tính toán như thế nào đây nếu không khoanh vùng nợ xấu? Và các TCTD cứ bán mãi nợ xấu cho VAMC thì đến khi nào, VAMC mới hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình? Có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau khi bàn về phương án xử lý «dứt điểm nợ xấu», trong nhiều quan điểm và tư tưởng khác nhau, có hai quan điểm được coi là «mạnh tay nhất» nếu được thực hiện. Sau đây xin nêu hai
quan điểm:

Thứ nhất, có một số ý kiến cho rằng, để xử lý dứt điểm nợ xấu hiện nay, chúng ta cần ban hành một “Luật xử lý nợ xấu” riêng và luật này hiệu lực trong một giai đoạn nhất định là 3 năm, sau 3 năm xử lý dứt điểm nợ xấu, luật sẽ hết hiệu lực. Có lẽ đây là liệu thuốc mạnh và mạnh đến mức không có gì mạnh hơn, vì trên thực tế, sẽ không có bất cứ văn bản nào, quy định nào có thể cao hơn và mạnh hơn luật. Hơn nữa, khi đã nói đến luật, thì một cụm từ trong luật này sẽ có liên quan đến hàng loạt các bộ luật khác. Nếu các cụm từ “xử lý nợ xấu” trong luật này buộc phải tương thích với các luật khác thì chắc chắn không cần ban hành luật này, mà chúng ta cứ dùng các luật hiện hành để xử lý là đủ. Ngược lại, nếu các cụm từ xử lý nợ xấu của luật này khác với các luật khác thì cùng một lúc, Quốc hội phải tiến hành rà soát và điều chỉnh lại toàn bộ các bộ luật có liên quan, điều đó khó có khả thi. Hơn nữa, để thông qua một đạo luật, thông thường, phải kéo dài nhiều năm kể từ lúc soạn thảo, xin ý kiến, đến khi Quốc hội họp bàn và thông qua phải mất nhiều năm. Như vậy để có một liều thuốc mạnh, tức là một “Luật” riêng cho xử lý nợ xấu thì VAMC và các TCTD phải đợi nhiều năm nữa. Lúc này, câu chuyện xử lý «dứt điểm» nợ xấu đã chuyển sang hướng khác, đó là, chấp nhận căn bệnh kinh niên để VAMC và các TCTD cùng nhau chung sức xử lý theo hướng làm cho nó “nhỏ lại” từng ngày từng giờ.

Thứ hai, có một số ý kiến cho rằng cần dùng một phần ngân sách nhà nước (NSNN) để xử lý dứt điểm nợ xấu, bởi vì: trong tổng số nợ xấu hiện nay, một phần lớn là nợ do các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gây ra. Đã là DNNN thì toàn bộ nguồn lực hoạt động (vốn, tài sản và con người) đều do Nhà nước cấp, vì vậy, khi DNNN mất khả năng thanh toán, gây ra nợ xấu cho các TCTD thì Nhà nước phải có trách nhiệm xử lý. Theo giải pháp này, nếu được Quốc hội và Chính phủ thông qua, có lẽ đây là biện pháp mạnh nhất để có thể xử lý dứt điểm một phần nợ xấu. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện tại nguồn NSNN thu không đủ chi, phải vay nợ để bù đắp cho những thiếu hụt đó. Việc vay nợ để bù đắp thiếu hụt ngân sách đã đẩy nợ công sắp chạm ngưỡng an toàn 65%/GDP. Như vậy, phương án sử dụng nguồn NSNN lúc này có thể là chưa đúng lúc, khi mà thâm hụt NSNN cũng đang rơi vào bế tắc, hay nói cách khác, “thâm hụt ngân sách” cũng là “căn bệnh kinh niên” trong nhiều năm qua.

Thứ ba, ngoài những giải pháp trên, hầu hết các giải pháp còn lại đều tập trung vào việc kiến nghị tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách xử lý nợ xấu, đặc biệt là xử lý tài sản đảm bảo bằng BĐS với tinh thần xử lý và dứt điểm càng nhanh càng tốt…; Bên cạnh đó, cũng có một số giải pháp mới như chứng khoán hóa nợ xấu thành trái phiếu chính phủ để đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán và sử dụng phiếu nợ chuyển đổi (convertible bonds) của các doanh nghiệp nợ xấu làm tài sản đối ứng cho lượng trái phiếu chính phủ đã phát hành..; tuy nhiên, phương thức này đòi hỏi phải có sự hợp tác nhịp nhàng của cả ba chủ thể là: Nhà nước, doanh nghiệp nợ xấu, và các tổ chức tín dụng. Nếu một trong ba chủ thể này không mặn mà với phương án này thì coi như câu chuyện “dứt điểm” nợ xấu khó có thể “dứt điểm” được. Hoặc giải pháp chuyển đổi nợ xấu thành cổ phần cũng đã được một số ngân hàng thương mại thực hiện như Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội chuyển nợ thành vốn góp vào Công ty cổ phần thủy sản Bình An (Bianfishco), hay Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) tham gia làm cổ đông chiến lược khi cổ phần hóa các cảng thành viên thuộc Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) với số nợ chuyển thành vốn góp là 5.000 tỷ đồng…; hay Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng thực hiện chuyển đổi nợ thành vốn góp với 12,6 triệu cổ phần tại Công ty vận tải biển Việt Nam… Tuy nhiên, xoay quanh giải pháp này, nhiều chuyên gia bình luận rằng: Vietinbank đi làm cầu cảng, ACB đi làm vận tải biển, một số nhà băng lại đi làm xi măng, sắt, thép, thậm chí cả phân bón và cá tra… trong khi ngân hàng là trung gian tài chính, chuyên cung ứng vốn và dịch vụ lại đi sở hữu cổ phần, đầu tư theo kiểu “lẩu thập cẩm” như vậy chắc chắn gặp rất nhiều rủi ro. Hơn nữa, các khoản nợ xấu có nguy cơ mất vốn, không đòi được, mà ngân hàng chuyển hóa thành cổ phần thì lấy tiền đâu ra để tái cấu trúc, để bơm thêm vốn giúp các doanh nghiệp phục hồi. Nếu bơm thêm vốn cũng có nghĩa là các ngân hàng thương mại tiếp tục lấy tiền huy động của dân để hoán đổi thành cổ phần vào các doanh nghiệp làm ăn thất bát, đặt số tiền tích lũy của dân vào một cuộc chơi đầy rủi ro khác… Song, các giải pháp nêu trên cũng là liệu thuốc tích cực, đã và đang góp phần làm cho nợ xấu “nhỏ lại” từng ngày.

3. Suy nghĩ về xử lý nợ xấu

Nếu nhìn nợ xấu từ góc độ các TCTD thì lỗi gây ra nợ xấu thuộc về các TCTD (do yếu kém trong khâu thẩm định dự án và đánh giá khách hàng, yếu kém trong khâu kiểm tra, giám sát, các vấn đề về đạo đức cán bộ…). Ngược lại, nếu nhìn nợ xấu từ góc độ người đi vay thì lỗi gây ra nợ xấu lại thuộc về người đi vay (do đầu tư dự án sai, sử dụng vốn không hiệu quả, đầu ra bế tắc…), hoặc nói rộng ra, nếu chúng ta nhìn nợ xấu từ cuộc khủng hoảng thì lỗi lại thuộc về khủng hoảng đã đẩy các TCTD và người vay rơi vào bế tắc (do thị trường nước ngoài gặp khủng hoảng, dẫn đến cầu hàng hóa giảm, làm cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp bế tắc, từ đó tạo ra nợ xấu…). Như vậy, nhìn nợ xấu từ bất cứ góc độ nào, chúng ta cũng có thể đổ lỗi được cho đối tượng đó. Tuy nhiên, suy cho cùng, nợ xấu là điều mà không ai mong muốn cả. Tổ chức tín dụng hay người đi vay đều mong muốn sử dụng đồng vốn có hiệu quả nhất, sinh lời nhất. Bản thân TCTD, để có một đồng vốn cho vay, họ phải đi huy động vốn từ người khác, người khác có tiền cho ngân hàng vay cũng được hình thành từ các nguồn tiền khác nhau (tiết kiệm, đầu tư, kinh doanh… mà ra), rồi TCTD phải nhận nợ từ người có tiền cho TCTD vay trước khi TCTD chuyển khoản nợ này đến cho người đi vay… Còn bản thân người đi vay do thiếu vốn SXKD buộc phải tìm đến ngân hàng, và để vay được ngân hàng, họ phải có tài sản đảm bảo là BĐS (phần lớn là như vậy) và tài sản này được hình thành từ nhiều chủ sở hữu khác nhau mà tối thiểu là hai người (chẳng hạn như trên sổ đỏ bao giờ cũng có tối thiểu là tên vợ và tên chồng…, đó là chưa kể tài sản thuộc sở hữu tập thể). Như vậy, để có 1 đồng cho vay, chúng đã xuất hiện sự đan xen chằng chịt các mối quan hệ sở hữu giữa các đối tượng khác nhau. “Nợ xấu” chính là một “khoản tiền”, hình thành từ nhiều nguồn, và bị chi phối bởi rất nhiều quy định khác nhau (nói rộng hơn là nhiều đạo luật khác nhau). Điều đó có nghĩa là chúng ta khó có thể dứt điểm nợ xấu nếu xét trên đại cục các mối quan hệ sở hữu đan xen.

Vậy để xử lý “dứt điểm” nợ xấu, chúng ta phải thay đổi quan điểm về xử lý nợ xấu, ví dụ như khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiến hành xử lý các TCTD yếu kém, NHNN chỉ sử dụng một thuật ngữ duy nhất là “mua 0 đồng” (mặc dù khái niệm này có thể hiểu nhiều cách khác nhau). Với cách đặt vấn đề như vậy, NHNN đã “dứt điểm” nhanh chóng một TCTD yếu kém mà không gây ra bất cứ hiệu ứng đô-mi-nô nào khác. Hơn nữa, với cách đặt vấn đề đơn giản như vậy, nó đã tạo ra một hiệu ứng BÌNH YÊN về mặt tâm lý đối với tất các bên có liên quan đến một TCTD bị xử lý. Từ cách xử lý này, chúng ta cũng nên gắn cho việc xử lý nợ xấu bằng một thuật ngữ đơn giản hơn như Thủ tướng Chính phủ đã nói: «làm cục máu đông này nhỏ đi” để tạo ra hiệu ứng đồng thuận của xã hội, không nên nhấn mạnh mãi thuật ngữ “dứt điểm” trong khi chúng ta không thể dứt điểm được, điều đó càng làm cho tâm lý xã hội thêm bức xúc và nặng nề. Xét về bản chất, một ngân hàng thương mại không có nợ xấu mới là một ngân hàng thương mại có vấn đề, đặc biệt là đối với những nước đang phát triển và đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường như Việt Nam. Ngược lại, một ngân hàng thương mại có nợ xấu là một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường, hết sức bình thường, vì nếu nó không bình thường thì các TCTD trên thế giới không cần đến quy trình phân loại nợ từ nhóm A đến nhóm Z để quản lý làm gì? Tuy nhiên, để hạn chế nợ xấu ở mức thấp nhất, các nhà quản trị ngân hàng phải đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm khống chế nợ xấu ở mức cho phép, mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động, đặc biệt là khả năng thanh khoản của ngân hàng.

Từ phân tích trên, đã đến lúc chúng ta nên thay đổi nhận thức và thống nhất cách nói về xử lý nợ xấu như Thủ tướng Chính phủ đã định hướng, đó là làm cho nó «nhỏ lại”, chứ không thể làm cho nó biến mất được.

4. Phân loại nợ để xử lý nợ xấu

Về nguyên tắc xử lý, trước hết, chúng ta cần tiến hành theo các bước cơ bản giống như một Bác sỹ tiến hành khám bệnh cho bệnh nhân vậy: trước hết, là tìm hiểu nguyên nhân, tiến đến làm các xét nghiệm, rồi dựa trên các xét nghiệm để chuẩn đoán bệnh, cuối cùng là kê đơn thuốc điều trị… Đứng về góc độ xử lý nợ xấu cũng vậy, nếu hầu hết các luồng tư tưởng cho rằng cần phải xử lý dứt điểm nợ xấu hiện nay (262.054 tỷ đồng) bằng các biện pháp mạnh, dù mạnh đến đâu, nếu không tuân thủ các bước thăm khám nêu trên thì khó có thể dứt điểm hoặc là cho nó nhỏ lại được. Nghĩa là, trước hết, chúng ta cần phân loại nợ xấu theo các nguyên nhân gây nợ, khoanh vùng nợ và tìm biện pháp giải quyết. Cụ thể:

Thứ nhất, tiến hành khoanh vùng nợ xấu và xây dựng đề án xử lý nợ xấu tổng thể

Như đã trình bày trên, hiện tại, chúng ta đang dồn sức xử lý nợ xấu của giai đoạn trước gây ra, chứ không phải là cho giai đoạn hiện nay? Vậy số lượng nợ xấu của giai đoạn trước là bao nhiêu trong tổng số 262.054 tỷ đồng mà VAMC mua lại của các TCTD tính từ năm 2013 đến nay? Có lẽ, VAMC cần phải khoanh vùng lại (nhằm khống chế dịch bệnh lây lan) để có phương án và lộ trình xử lý thích hợp. Đây là câu chuyện đầu tiên cần phải làm, nếu không làm rõ thì «nợ xấu» sẽ trở thành căn bệnh lây lan từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, và như vậy, khó có thể làm cho nó “nhỏ lại” được. Đặc biệt, không nên biến VAMC thành nơi trú ẩn an toàn cho các TCTD mỗi khi có nợ xấu phát sinh. Đồng thời, VAMC cần tiến hành xây dựng đề án xử lý nợ xấu tổng thể, tránh sự chắp vá, thiếu đồng bộ trong xử lý nợ xấu.

Thứ hai, xác định rõ các nguyên nhân gây ra nợ xấu

Một trong những điểm nhấn cần quan tâm đó là xác định nguyên nhân từng đối tượng gây ra nợ xấu, chẳng hạn: nếu nợ xấu do các DNNN (100% vốn nhà nước) gây ra do làm ăn thua lỗ, do đầu tư sai mục đích… và đã được các cấp có thẩm quyền xử lý (xử lý vi phạm hành chính và xử lý hình sự) thì cần phải áp dụng các biện pháp khác nhau theo luật định để thu hồi nợ, trong đó, cần tính đến phương án “cắt lỗ” cho phá sản, hoặc bán khoán, cho thuê, để tạo nguồn thu trả nợ, góp phần làm cho nợ xấu nhỏ lại.

Thứ ba, rà soát và hoàn chỉnh từng bước các cơ chế chính sách

Nếu các cơ chế, chính sách hiện hành đang gây cản trở cho quá trình xử lý “dứt điểm” nợ xấu, hay các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau chưa chặt chẽ (gồm: VAMC, Bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Ủy ban nhân dân các tỉnh…) thì NHNN Việt Nam (VAMC) cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành tiến hành rà soát lại các cơ chế, chính sách có liên quan và trình Chính phủ thành lập “Tổ liên ngành” bao gồm đại diện các đơn vị nói trên để cùng nhau vào cuộc nhằm tháo gỡ các nút thắt về cơ chế, chính sách cũng như tạo cơ chế phối kết hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành có liên quan trong quá trình xử lý nợ xấu. Nợ xấu chỉ “nhỏ lại” khi chúng ta hình thành được một thị trường mua bán nợ, được vận hành thông suốt dựa trên các cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán và ổn định.

Thứ tư, xử lý bằng nội lực của các bên

Suy cho cùng, gây ra nợ xấu vẫn là các TCTD và người vay. Người hiểu nợ xấu nhất cũng chính là các TCTD và người vay. Không ai có thể làm thay vai trò này bằng chính các TCTD và người vay. Vì vậy, các TCTD và người vay phải có trách nhiệm đến cùng về các khoản nợ xấu đó. Các TCTD và người vay phải tìm mọi biện pháp đề cùng nhau giải quyết khoản nợ xấu trên tinh thần hợp tác và tôn trọng luật pháp trong quá trình xử lý khoản nợ xấu. Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tái cơ cấu các TCTD và tái cơ cấu các DNNN là một trong những giải pháp lâu dài góp phần làm cho nợ xấu “nhỏ lại” trong thời gian tới.

Làm cho nợ xấu “nhỏ lại” là thông điệp của ngành Ngân hàng, là mục tiêu lâu dài của nền kinh tế, mặc dù cuộc chiến làm cho nợ xấu nhỏ lại không hề đơn giản, nhưng nếu chúng ta đồng thuận về cách nghĩ, thống nhất về cách làm thì chắc chắn chúng ta sẽ đưa nợ xấu về dưới mức cho phép.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

– Báo Thanh niên số 286 (7599) ra ngày thứ tư 12/10/2016.

– Thời báo Kinh tế Việt Nam số 258, ra ngày thứ năm 27/10/2016.

– Báo Lao động số 271/2016(10506) ra ngày thứ sáu 18/11/2016.

– Thời báo Ngân hàng số ra trong tháng 10 và tháng 11/2016.

-  Các tài liệu và trang Web tham khảo có liên quan.

TS. TÔN THANH TÂM – BIDV

SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 23 (1.2017).

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác