Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Giải đáp pháp luật (2)

13/04/2017, 21:25

Luatsuhongocdiep.vn xin giới thiệu đến bạn đọc một số nội dung giải đáp pháp luật, rút từ sách “Tình huống pháp lý và thực tiễn tố tụng” vừa được NXB Phương Đông ấn hành (*)

Chuyển giao quyền đòi nợ cho người khác, được không?

Hỏi: Tôi có cho người quen vay số tiền 500 triệu đồng với lãi suất 1%/tháng, còn hơn 1 tháng nữa mới đến hạn trả tiền gốc và lãi. Tuy nhiên, hiện nay tôi có việc phải đi nước ngoài. Vậy, tôi có thể nhờ con gái tôi (đang ở trong nước) yêu cầu người vay trả nợ gốc và lãi theo hợp đồng vay được không? nếu được thì cần phải làm thủ tục như thế nào? trường hợp người vay không đồng ý trả nợ vay cho con gái tôi thì con gái tôi có quyền đứng đơn khởi kiện để yêu cầu toà án giải quyết không?

(Bùi Thị Hợp, quận Tân Phú – TP.HCM)

Trả lời: Điều 309 BLDS có quy định về việc chuyển giao quyền yêu cầu. Theo đó, bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người khác. Người được chuyển giao quyền yêu cầu gọi là người thế quyền. Kể từ khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền, thì người thế quyền trở thành người có quyền yêu cầu.

Việc chuyển giao quyền yêu cầu không phụ thuộc vào ý chí của bên có nghĩa vụ. Tức là không cần có sự đồng ý của người có nghĩa vụ. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp đều phải thông báo cho họ biết về việc chuyển giao quyền yêu cầu này. Nếu không thông báo thì việc chuyển giao quyền yêu cầu xem như chưa hoàn thành và chưa có hiệu lực pháp lý đối với các bên. Như vậy, bà có thể chuyển giao quyền yêu cầu đòi nợ cho con gái theo quy định của pháp luật.

Về hình thức chuyển giao quyền yêu cầu, theo quy định tại Điều 310 BLDS thì trong trường hợp pháp luật có quy định việc chuyển giao quyền yêu cầu phải được lập thành văn bản, phải công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký, xin phép thì mới phải thực hiện bằng hình thức này. Còn nếu pháp luật không quy định thì bên có quyền, người thế quyền có thể thoả thuận với nhau về hình thức chuyển giao quyền yêu cầu.

Vì vậy, bà có thể tự chọn hình thức chuyển giao quyền yêu cầu. Tuy nhiên, để tránh những thắc mắc từ bên có nghĩa vụ cũng như để người thế quyền xử lý được vấn đề khi có tranh chấp, bà nên chọn hình thức chuyển giao quyền yêu cầu bằng cách lập văn bản có công chứng, chứng thực.

Theo quy định của pháp luật, kể từ khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành người có quyền yêu cầu. Vì vậy, nếu người vay không đồng ý trả nợ cho con gái bà thì con gái bà hoàn toàn có quyền đứng đơn với tư cách nguyên đơn để khởi kiện vụ việc tại Toà án theo quy định của pháp luật.

Người thừa kế chưa thành niên có được miễn trừ thời hiệu khởi kiện?

Hỏi: Tôi và ông A. có một con chung (ngoài giá thú) sinh năm 1996. Năm 2000, ông A. chết không để lại di chúc. Lúc này con tôi chỉ mới 4 tuổi nên không thể khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đối với phần di sản do ông A. để lại. Năm 2015, con tôi đứng đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế thì Toà án lại ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án vì lý do đã quá 10 năm nên thời hiệu khởi kiện về thừa kế đã hết.

Vậy xin hỏi, việc Toà án đình chỉ giải quyết vụ án như vậy có đúng không? Nếu pháp luật quy định, chỉ được khởi kiện về thừa kế trong thời hạn 10 năm thì thời gian này, con tôi chưa thành niên, làm sao thực hiện được quyền khởi kiện?

(Trần Thị Minh Hằng, Châu Thành – Tây Ninh)

Trả lời: Đúng là trong trường hợp này, người con của bà chưa đủ tuổi thành niên nên không thể thực hiện được quyền khởi kiện của mình trong thời hạn 10 năm theo quy định của pháp luật về thừa kế. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 141 BLDS thì cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật đối với con chưa thành niên.

Khoản 2 Điều 73 BLTTDS cũng quy định: người đại diện theo pháp luật được quy định trong BLDS là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự.

Ngoài ra, khoản 1 Điều 74 BLTTDS cũng quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của người đại diện. Theo đó, người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự mà mình đại diện.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, trong trường hợp này, bà là người đại diện theo pháp luật của người con chưa thành niên, nên bản thân bà có toàn quyền thực hiện việc khởi kiện để yêu cầu Toà án xác định và phân chia kỷ phần thừa kế của người con trong khối di sản thừa kế do ông A. để lại.

Vì pháp luật đã có quy định, người đại diện theo pháp luật có quyền thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự đối với người mà mình đại diện nên việc bà không thực hiện quyền khởi kiện vụ án thừa kế trong thời hạn luật định đã làm mất quyền khởi kiện vụ án thừa kế theo quy định của pháp luật. Vì vậy, việc Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do thời hiệu khởi kiện đã hết là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật về thừa kế.

(còn tiếp)

-----------------------------

(*) Tập sách hiện đang được phát hành trên tất cả các nhà sách của hai đơn vị Phahasa và Phương Nam trên phạm vi cả nước.

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác