Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Chế tài dân sự áp dụng cho hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động Ngân hàng (tiếp theo)

28/10/2016, 13:14

3. Biện pháp chế tài phi vật chất áp dụng đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng

Bên cạnh chế tài bồi thường thiệt hại, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp chế tài phi vật chất như buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc chấm dứt hành vi vi phạm và cấm tái phạm.

Biện pháp chế tài xin lỗi và cải chính công khai rất phù hợp với hành vi gièm pha, quảng cáo so sánh, chỉ dẫn gây nhầm lẫn. Theo đó, bên vi phạm bị buộc phải công khai xin lỗi bên bị vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng. Trong trường hợp cần thiết, bên vi phạm buộc phải cải chính lại thông tin không đúng sự thật về đối thủ cạnh tranh, về dịch vụ cũng như nội dung khác.

Biện pháp buộc chấm dứt hành vi vi phạm và cấm tái phạm là lệnh của cơ quan có thẩm quyền được ban hành buộc bên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm không được tái phạm. Biện pháp chế tài này phù hợp với tất cả các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng. Theo nghiên cứu của Lee Chin Yen thì ở Anh: “Khi xem xét áp dụng hoặc từ chối áp dụng lệnh cấm, tòa án sẽ xem xét các yếu tố sau đây: 1) liệu rằng bồi thường thiệt hại có phải là biện pháp chế tài phù hợp; 2) liệu rằng thiệt hại vẫn tiếp tục xảy ra, hoặc thường xuyên xảy ra hoặc rất nghiêm trọng; 3) tổn thất cho bị đơn nếu lệnh cấm được ban hành – tòa án sẽ cân nhắc thiệt hại mà nguyên đơn phải chịu với lệnh cấm không được ban hành với thiệt hại mà bị đơn phải gánh chịu nếu lệnh cấm được ban hành. Kết quả phụ thuộc vào sự cân bằng của lợi ích (the balance of convenience); 4) lợi ích của bên thứ ba cũng phải được xem xét – như khi ban hành lệnh cấm sẽ đẩy số lượng lớn người lao động mất việc làm do hoạt động kinh doanh bị dừng lại; 5) sự chấp nhận (acquiescence) – Sự chấp nhận của nguyên đơn đối với hành vi của bị đơn là một căn cứ ngăn cản việc ra lệnh cấm; và 6) sự trì hoãn của nguyên đơn trong việc khởi kiện.”12

4. Thực trạng về chế tài dân sự cho hành vi cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam và một số kiến nghị hoàn thiện

Pháp luật dân sự Việt Nam đã có nhiều biện pháp chế tài dân sự để có thể áp dụng trong trường hợp có hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Các biện pháp chế tài dân sự bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; xin lỗi, cải chính công khai; buộc chấm dứt hành vi vi phạm các chế tài khác. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định về bồi thường thiệt hại có tính chất phạt. Các quy định về các chế tài phi vật chất cũng chưa được cụ thể hóa.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại chương XX (các Điều từ 584 đến 608) của BLDS năm 2015. Điều 589 BLDS năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm như sau: 1) tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; 2) lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; 3) chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; 4) thiệt hại khác do luật quy định. Quy định tại Điều 589 BLDS năm 2015 phù hợp với các thiệt hại về tài sản hữu hình hoặc vô hình nhưng hiện hữu. Tuy nhiên, thiệt hại chủ yếu do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra là các tổn thất về kinh tế. Các tổn thất này không phát sinh do tài sản bị mất mát, phá hủy hay hư hỏng. Chúng là hậu quả trực tiếp của hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra. Đối với các tổn thất này thì rõ ràng việc vận dụng Điều 589 BLDS năm 2015 để buộc chủ thể vi phạm bồi thường thiệt hại là rất khó thuyết phục. Bởi vì, theo khoản 2 Điều 589 BLDS năm 2015 thì “lợi ích” được bồi thường phải là “lợi ích gắn liền với việc sử dụng hoặc khai tài sản bị mất hoặc bị gảm sút”. Ngoài ra, các quy định còn lại trong phần XXI của BLDS năm 2015 cũng không thể sử dụng để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ thể thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với các tổn thất về kinh tế mà người bị xâm phạm phải gánh chịu. Để khắc phục được hạn chế này, chúng tôi đề xuất:

Phương án 1: Bổ sung thêm điều khoản về “tổn thất về kinh tế” vào trong BLDS năm 2015. Trong đó, xác định rõ tổn thất về kinh tế bao gồm: a) các khoản lợi nhuận, hoa lợi, lợi tức và các khoản thu nhập bị mất hoặc giảm sút; b) các khoản lỗ, các chi phí phát sinh hoặc tăng lên; và c) các thiệt hại về tài chính khác do tòa án xác định theo từng hoàn cảnh cụ thể. Phương án này sẽ khắc phục triệt để hạn chế của Điều 589 của BLDS năm 2015. Tuy nhiên, phương án này lại không khả thi khi mà BLDS năm 2015 mới được ban hành. Vì vậy, chỉ sử dụng phương án này khi Nhà nước tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế BLDS năm 2015.

Phương án 2: Một điều may mắn là các nhà làm luật có vẻ đã mở danh sách thiệt hại về tài sản khi viết rằng “Thiệt hại khác do luật quy định”13. Có lẽ, bằng quy định này, các nhà làm luật muốn luật chuyên ngành quy định về bồi thường thiệt hại về tài sản trong trường hợp đặc thù. Trong hoàn cảnh chưa thể sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế BLDS năm 2015 thì Luật Cạnh tranh có thể quy định tổn thất kinh tế là thiệt hại về tài sản trong trường hợp đặc thù. Tổn thất về kinh tế bao gồm: a) các khoản lợi nhuận, hoa lợi, lợi tức và các khoản thu nhập bị mất hoặc giảm sút; b) các khoản lỗ, các chi phí phát sinh hoặc tăng lên; và c) các thiệt hại về tài chính khác do tòa án xác định theo từng hoàn cảnh cụ thể.

Về trách nhiệm bồi thường do uy tín bị xâm phạm, Điều 592 BLDS năm 2015 khá hợp lý khi buộc chủ thể vi phạm phải bồi thường chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại và thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm. Các chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại có thể bao gồm các chi phí cần thiết cho việc thu hồi tài liệu có nội dung xâm phạm uy tín của tổ chức tín dụng, chi phí thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh sự thật nhằm bảo vệ uy tín của tổ chức tín dụng, chi phí cải chính công khai và các chi phí hợp lý khác. Đối với khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút “được tính toán trên cơ sở khoản chênh lệch giữa thu nhập trước và sau khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Khi tính toán khoản chênh lệch này cần tính đến các yếu tố khác ảnh hưởng đến thu nhập như: thời giá chất lượng hàng hóa, hoặc dịch vụ, quan hệ cung cầu…”14 Tuy nhiên, Điều 592 BLDS năm 2015 vẫn có một điểm hạn chế, đó là, chưa xác định một cách rõ ràng về khoảng thời gian được sử dụng để xác định thu nhập bị mất hoặc giảm sút. Ví dụ, tổ chức tín dụng A bị tung tin thất thiệt làm ảnh hưởng đến uy tín, dẫn đến giảm sút doanh thu. Vậy khoảng thời gian giảm sút doanh thu được xác định như thế nào? Khoảng thời gian đó được tính từ thời điểm tổ chức tín dụng A bị tung tin đồn thất thiệt cho đến thời điểm nào? Hạn chế này cần được khắc phục theo hướng, tòa án thông qua án lệ sẽ đưa ra quy tắc xác định thời gian này theo nguyên tắc công bằng và hợp lý.

Ngoài ra, quy định về giới hạn mức bồi thường tổn thất về tinh thần không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác) tỏ ra không phù hợp trong hoạt động ngân hàng. Các tổ chức tín dụng đều là các tổ chức kinh tế sở hữu khối lượng tài sản hàng nghìn tỷ đồng, một khoản bù đắp tổn thất tinh thần chỉ vọn vẹn mười lần mức lương cơ sở có lẽ không phải là một khoản tiền mà tổ chức tín dụng bị xâm phạm uy tín mong đợi. Hơn nữa, thiệt hại về uy tín không chỉ dẫn đến mất hoặc giảm lợi nhuận, mà còn dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng khác như giá cổ phiếu bị sụt giảm, mất khách hàng tiềm năng, giảm niềm tin từ người lao động, người gửi tiền, người vay tiền, nhà cung cấp và nhiều nhóm lợi ích khác,… Tổn thất về tinh thần của tổ chức tín dụng được biểu hiện ở thái độ làm việc của ban lành đạo, tập thể người lao động, tâm lý của các cổ đông,… Nếu đội ngũ nhân sự của tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng tâm lý sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động của tổ chức tín dụng. Các tổn thất này là rất lớn và đôi khi không xác định được bằng tiền. Như vậy, rõ ràng, khoản tiền bồi thường không quá mười lần mức lương cơ sở không có nhiều ý nghĩa trong việc bù đắp tổn thất về tinh thần cho tổ chức tín dụng bị xâm phạm. Để khắc phục những hạn chế trên, chúng tôi đề xuất:

Phương án 1: Sửa đổi lại Điều 592, khoản 2 BLDS năm 2015 theo hướng mức bồi thường thiệt hại tổn thất về tinh thần sẽ do các bên thỏa thuận. Nếu các bên không thỏa thuận thì mức bồi thường tổn thất về tinh thần sẽ do tòa án xác định tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung BLDS năm 2015 khi nó vừa mới được ban hành là không khả thi. Phương án này chỉ được sử dụng khi Nhà nước tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế BLDS năm 2015.

Phương án 2: Vận dụng Điều 592, khoản 1, tiết c BLDS năm 2015, tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Cạnh tranh theo hướng, ngoài những thiệt hại phải bồi thường theo quy định tại Điều 592 BLDS năm 2015, chủ thể vi phạm còn phải bồi thường các thiệt hại sau: a) giá cổ phiếu bị sụt giảm do uy tín bị xâm phạm; b) chi phí quản lý phát sinh do uy tín bị xâm phạm; c) các thiệt hại khác là hậu quả trực tiếp của hành vi xâm phạm uy tín.

Thông thường, các tổn thất kinh tế rất khó chứng minh hoặc mức tổn thất có thể chứng minh được thường nhỏ hơn so với tổn thất thực tế. Vì vậy, nếu chỉ đơn thuần áp dụng nguyên tắc bồi thường theo tổn thất thực tế sẽ không bảo đảm được lợi ích của bên bị vi phạm. Do đó, chúng đề nghị, cần cho phép tòa án buộc bên vi phạm phải bồi thường cho bên bị vi phạm ở mức cao hơn mức tổn thất được chứng minh.

5. Kết luận

Về bản chất, hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng xâm phạm lợi ích của các tổ chức tín dụng, khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng và lợi ích chung của xã hội. Đặc biệt, trong hoàn cảnh của Việt Nam, ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm. Bất kỳ sự xáo trộn nào trong hoạt động ngân hàng cũng có thể gây ảnh hưởng đến nhiều khu vực của nền kinh tế. Do vậy, hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng cần được coi là hành vi vi phạm cả lĩnh vực công và lĩnh vực tư. Khi có một chủ thể thực hiện một hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng. Chủ thể bị xâm phạm có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án áp dụng một, một số hoặc các chế tài dân sự. Các chế tài dân sự phổ biến được áp dụng cho hành vi cạnh tranh không lành mạnh là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, buộc xin lỗi, cải chính công khai và buộc chấm dứt hành vi vi phạm. Trong đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là biện pháp chế tài quan trọng, vì ngoài mục đích bù đắp những tổn thất mà chủ thể bị xâm phạm phải gánh chịu, nó còn có mục đích ngăn chặn các hành vi vi phạm tiếp theo. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh chủ yếu gây ra các tổn thất kinh tế cho chủ thể bị xâm phạm. Trong khi đó, các quy định hiện hành của pháp luật dân sự Việt Nam chủ yếu phù hợp với các thiệt hại về tài sản. Vì vậy, cần có những sửa đổi, bổ sung pháp luật thực định sao cho các tổn thất về kinh tế không gắn với các thiệt hại tài sản cũng có thể được bồi thường trong trường hợp cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng. Ngoài ra, cũng cần xem xét cho phép tòa án buộc bên vi phạm phải bồi thường cho bên bị vi phạm mức bồi thường cao hơn so với tổn thất được chứng minh.

NGUYỄN LAN ANH – Khoa Luật, Đại học Ngoại thương Hà Nội

CHÚ THÍCH:

1 Xem PGS.TS. Lê Danh Vĩnh (Chủ biên) (2012), Giáo trình Luật Cạnh tranh, Đại học Kinh tế – Luật trực thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, từ tr. 169 – tr. 172

2 Điều 9.2 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 qui định “Nghiêm cấm hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh có nguy cơ gây tổn hại hoặc gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”

3 TS. Nguyễn Kiều Giang (2007), Cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng – Nhìn từ góc độ pháp lý, Tạp chí Luật học số 12/2007

4 TS. Lê Thẩm Dương, Bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính trong bối cảnh hội nhập, http://div.gov.vn/Default.aspx?tabid=120&News=1429&CategoryID=3

5 Steven H. Gifis (2010), Barron’s Law Dictionary – sixth edition, Barron’s, tr. 135

6 Viện Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp, PGS.TS. Hoàng Thế Liên (Chủ biên) (2010), sđd, tr. 35

7 Bryan A. Garner (editor in chief) (2001), Black’s Law Dictionary, Second pocket edition, West Group – A Thompson Company, tr. 170

8 Tổn thất về kinh tế là những tổn thất về lợi nhuận, thu nhập hoặc lợi ích kinh tế hoặc những khoản lỗ hoặc chi phí phát sinh gắn liền hoặc không gắn liền với việc sử dụng tài sản bị mất hoặc hư hỏng hoặc gắn liền hoặc không gắn liền với việc sử dụng sức lao động của người bị tổn thất về tính mạng hoặc sức khỏe.

9 Lee Chin Yen (1970), Civil remedies in some aspects of unfair trade practices, Malaya Law Review, Vol. 12, No. 02, tr. 341 – 342

10 Lee Chin Yen (1970), tlđd, tr. 338

11 Kenneth W. Clarkson, Roger LeRoy Miller and Frank B. Cross (2011), Business Law Text and Cases – Legal, Ethical, Global, and Corporate Environment, twelfth edition, Cengage Learning, tr. 117

12 Lee Chin Yen (1970), tlđd, tr. 345-346

13 Điều 589.4 Bộ luật dân sự năm 2015

14 Viện Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp, PGS.TS. Hoàng Thế Liên (Chủ biên) (2010), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2005 (tập II), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 723.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

– PGS., TS. Lê Danh Vĩnh (Chủ biên) (2012), Giáo trình Luật cạnh tranh, Đại học Kinh tế – Luật trực thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh

– TS. Lê Thẩm Dương, Bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính trong bối cảnh hội nhập, http://div.gov.vn/Default.aspx?tabid=120&News=1429&CategoryID=3

– TS. Nguyễn Kiều Giang (2007), Cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng – Nhìn từ góc độ pháp lý, Tạp chí Luật học số 12/2007

– Viện Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp, PGS.TS. Hoàng Thế Liên (Chủ biên) (2010), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2005 (tập I), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội

– Viện Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp, PGS.TS. Hoàng Thế Liên (Chủ biên) (2010), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2005 (tập II), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội

– Bryan A. Garner (editor in chief) (2001), Black’s Law Dictionary, Second pocket edition, West Group – A Thompson Company

– Kenneth W. Clarkson, Roger LeRoy Miller and Frank B. Cross (2011), Business Law Text and Cases – Legal, Ethical, Global, and Corporate Environment, twelfth edition, Cengage Learning

– Lee Chin Yen (1970), Civil remedies in some aspects of unfair trade practices, Malaya Law Review, Vol. 12, No. 02

– Steven H. Gifis (2010), Barron’s Law Dictionary – sixth edition, Barron’s

SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 15/2016

Trích dẫn từ:  CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM.

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác