Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Trao đổi nghiệp vụ: Các vấn đề về Hành chính (kỳ 1)

06/10/2016, 08:20

Luatsuhongocdiep.vn tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc những nội dung trao đổi nghiệp vụ của Học viện Toà án liên quan đến các vấn đề về Hành chính.

Câu hỏi 1. Đối thoại có phải là thủ tục tố tụng hành chính bắt buộc trong quá trình giải quyết vụ án hành chính không?

Trả lời:

Tại Điều 12 của Luật Tố tụng hành chính (Luật TTHC) quy định: “Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Tòa án tạo điều kiện để các đương sự đối thoại về việc giải quyết vụ án hành chính”.

Và tại khoản 4 Điều 36 của Luật TTHC quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán như sau: “Tổ chức việc đối thoại giữa các đương sự khi có yêu cầu”.

Căn cứ vào những quy định nêu trên thì đối thoại không phải là thủ tục mang tính bắt buộc trong quá trình giải quyết vụ án hành chính mà chỉ mang tính chất khuyến khích đối thoại giữa các bên trong quá trình giải quyết vụ án theo yêu cầu của các bên đương sự để tạo sự đồng thuận và niềm tin của nhân dân đối với cơ quan quản lý nhà nước và để việc giải quyết vụ án hành chính được nhanh chóng, triệt để.

Câu hỏi 2. Đương sự khởi kiện đối với quyết định hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận về xử lý vi phạn hành chính, đồng thời có yêu cầu bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính đó gây ra. Trường hợp này có phải triệu tập Ủy ban nhân dân quận tham gia tố tụng không?

Trả lời:

Quyết định hành chính (QĐHC) hoặc hành vi hành chính do người có thẩm quyền ký hoặc thực hiện và nếu quyết định hành chính, hành vi hành chính đó gây ra thiệt hại thì cơ quan của người có thẩm quyền có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Do đó trong trường hợp nêu trên Tòa án cần phải triệu tập Ủy ban nhân dân quận tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Lưu ý xác định người bị kiện là Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận.

Câu hỏi 3. Theo quy định của pháp luật thì người yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính không phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm. Vậy đương sự kháng cáo phần quyết định của bản án hành chính về bồi thường thiệt hại có phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm không?

Trả lời:

Tại khoản 3 Điều 35 của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án quy định về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm trong vụ án hành chính như sau: “Các đương sự trong vụ án hành chính kháng cáo về bồi thường thiệt hại phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của Pháp lệnh này…”.

Như vậy, đương sự kháng cáo phần quyết định của bản án hành chính về bồi thường thiệt hại phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm, trừ trường hợp họ thuộc đối tượng không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của pháp luật thì không phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm.

Câu hỏi 4. Luật TTHC không quy định thời hạn có hiệu lực của quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Vậy khi nào thì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hết hiệu lực thi hành?

Trả lời:

Luật TTHC chỉ quy định thời điểm bắt đầu có hiệu lực của quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (khoản 1 Điều 69) mà không quy định thời điểm kết thúc hiệu lực của quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Do đó, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chỉ hết hiệu lực khi có Quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Câu hỏi 5. Sau khi có Quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm thì người khởi kiện rút đơn khởi kiện. Trong trường hợp này thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án hay Hội đồng xét xử có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án hành chính?

Trả lời:

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công làm Chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định sau: Đưa vụ án ra xét xử, tạm đình chỉ giải quyết vụ án, đình chỉ việc giải quyết vụ án (Khoản 2 Điều 117 Luật TTHC). Do vậy, sau khi Thẩm phán đã ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm mà người khởi kiện rút đơn khởi kiện thì thẩm quyền xem xét việc rút đơn khởi kiện thuộc Hội đồng xét xử.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử vận dụng khoản 2 Điều 139 của Luật TTHC ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án.

Câu hỏi 6. Trường hợp đã có Quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm mà người khởi kiện đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do có thời gian thỏa thuận với người bị kiện về việc giải quyết vụ án thì Tòa án có ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án không? Nếu có thì Thẩm phán hay Hội đồng xét xử ra quyết định?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 118 của Luật TTHC quy định:

“Tòa án quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án hành chính trong các trường hợp sau đây:

a) Đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã giải thể mà chưa có cá nhân, cơ quan, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng;

b) Đương sự là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật;

c) Đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử mà một trong các đương sự không thể có mặt vì lý do chính đáng, trừ trường hợp có thể xét xử vắng mặt các đương sự;

d) Cần đợi kết quả giải quyết của cơ quan khác hoặc vụ việc khác có liên quan”.

Như vậy, lý do mà người khởi kiện đề nghị không thuộc một trong các trường hợp nêu trên, nên Thẩm phán không được ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án hành chính.

Tuy nhiên, trước khi mở phiên tòa mà người khởi kiện có yêu cầu được đối thoại với người bị kiện về việc giải quyết vụ án thì Thẩm phán tổ chức để các bên đương sự đối thoại về việc giải quyết vụ án. Nếu tại phiên tòa đương sự có yêu cầu thì Hội đồng xét xử sẽ tạo điều kiện để các đương sự đối thoại về việc giải quyết vụ án hành chính. Nếu các bên đương sự đối thoại với nhau và đi đến nhất trí tạm ngừng phiên tòa để người bị kiện sửa đổi, bổ sung, thay thế hay hủy bỏ quyết định hành chính, dừng hay khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện hoặc để người khởi kiện xem xét việc rút yêu cầu khởi kiện và có đề nghị tạm ngừng phiên tòa thì Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa nhưng không quá 05 ngày làm việc.

Câu hỏi 7. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có phải đóng tiền tạm ứng án phí không?

Trả lời:

Điều 52 Luật TTHC quy định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì có các quyền, nghĩa vụ của người khởi kiện.

Theo quy định của Luật TTHC và Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án thì người khởi kiện có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, trừ trường hợp họ không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí.

Do vậy, nếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì họ phải nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp họ không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí.

Câu hỏi 8. Theo quy định tại Điều 207 của Luật TTHC thì Viện kiểm sát cùng cấp tham gia phiên họp phúc thẩm đối với các quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị. Như vậy, Tòa án sẽ chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát theo thủ tục như thế nào?

Trả lời:

Theo hướng dẫn tại điểm d khoản 1 Điều 2 của Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 01/8/2012 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao thì trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên họp xét kháng cáo quá hạn, xét kháng cáo, kháng nghị về phần án phí và phiên họp phúc thẩm đối với quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án cấp phúc thẩm gửi đơn kháng cáo quá hạn, tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho lý do nộp đơn kháng cáo quá hạn (nếu có) hoặc hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp sau khi Tòa án nhận được đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu kèm theo hoặc sau khi Tòa án thụ lý để giải quyết việc kháng cáo, kháng nghị. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, tài liệu, chứng cứ, Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ, tài liệu, chứng cứ cho Tòa án để mở phiên họp theo đúng thời hạn quy định tại Điều 207 của Luật TTHC.

(còn tiếp)

Nguồn: TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỌC VIỆN TOÀ ÁN

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác