Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Khủng hoảng nhân văn?

24/07/2016, 17:23

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, dư luận liên tiếp rung động vì rải rác trên khắp cả nước đã diễn ra hàng loạt vụ cướp bóc, thảm sát man rợ. Nếu không tính riêng lẻ từng vụ án mà gộp chung lại, các vụ thảm sát ấy có thể chẳng kém gì những vụ xả súng giết người hàng loạt ở nước Mỹ. Điều gì đang ngấm ngầm diễn ra?

Dậy giặc cướp

Chưa hết bàng hoàng vì những vụ chặt tay cướp xe, cướp điện thoại, người dân lại kinh hoảng vì mức độ tàn bạo của các vụ cướp đã được đẩy lên ở mức cắt cổ, đập đầu đến chết toàn bộ thành viên của một gia đình thuần lương… Sự bất an của người dân cả nước dường như đã lên đến đỉnh điểm, ai cũng nơm nớp lo sợ khi đi ra đường buổi tối.

Qua hàng loạt vụ án từ TP.HCM đến Bình Dương, Gia Lai, Hà Nội, Thái Bình… người ta có thể lấy ra một mẫu số chung: các tên tội phạm mới này không liên kết thành băng đảng, và các vụ án không được thực hiện bởi những tên tướng cướp hay những tội phạm chuyên nghiệp như thời trước, mà hầu hết là do bột phát; nhưng với thủ đoạn vô cùng tàn độc, mất hẳn nhân tính… Một điểm chung nữa giữa nhiều vụ án gần đây là kẻ thủ ác thường lạm dụng lòng tin yêu của nạn nhân để gây tội. Trong vụ án ở TP.HCM và Thái Bình, hung thủ đã giết chết người yêu và cả gia đình của người tình. Còn trong vụ thảm sát ở Gia Lai, một trong hai thủ phạm chính là con nuôi một người thân trong gia đình bị hại.

Do khủng hoảng kinh tế?

Vụ án dùng chân tủ đánh chết cả nhà người bạn gái mới quen của kẻ thủ ác Lê Thanh Đại ở Thái Bình có nét gợi nhớ đến một vụ án nổi tiếng trên văn đàn thế giới, vụ chàng sinh viên Raskolnikov giết chết hai chị em bà già cho vay nặng lãi trong tác phẩm Tội ác và hình phạt. Bối cảnh để văn hào Dostoievski lấy chất liệu viết nên tiểu thuyết đó, theo các nhà phân tích, chính là những điều kiện kinh hoàng của cuộc khủng kinh tế tiền tệ của Nga vào năm 1865. Trong tác phẩm, giải thích về nguyên nhân sa đoạ của “một bộ phận văn minh nhất của chúng ta”, một nhân vật đã nói: “Đó là do những thay đổi về kinh tế”.

Những cuộc bạo hành và trộm cướp trong xã hội ta cũng đã từng nổi lên nhiều ở thời bao cấp. Lúc đó, sự đói kém, nghèo túng và “những cơn điên tự nguyện” xuất phát từ những chai rượu cây lý hay cuốc lủi rẻ tiền đã là những nguyên nhân chủ yếu của các cuộc bạo hành, trộm cướp.

So sánh với các vụ án của thời bây giờ thì đói nghèo không còn là nguyên nhân của cướp bóc. Đa phần, các hung thủ gây án để lấy tiền lao vào ăn chơi sa đoạ. Vàng bạc, điện thoại, xe máy đời mới, ma tuý, hàng đá… chính là những vật phẩm “cám dỗ chết chóc” gây ra hàng loạt vụ cướp tàn bạo ghê rợn hơn phim ảnh…

Do khủng hoảng giá trị?

Trước sự du nhập ào ạt của văn minh phương Tây, xã hội Nga giữa thế kỷ 19 thời Dostoievski khủng hoảng nặng nề các giá trị. Nhiều chuẩn mực luân lý, đạo đức và tôn giáo có truyền thống hàng trăm, hàng ngàn năm đã từng bước bị phá vỡ và con người dần mất đi những chuẩn tắc để bấu víu. Lý giải sự khác biệt giữa những tội phạm của thời trước đó với những tội phạm thời Dostoievski, một nhân vật của ông cho rằng tội phạm mới thường không thấy rõ cái ác, cái sai của mình như trước mà hay đổ lỗi cho hoàn cảnh xã hội.

Tuy nhiên, một số nhà xã hội học và tội phạm học nổi tiếng đã liên hệ tình trạng xã hội với tình trạng phạm tội. Nhà tội phạm học M. Fouccuolt cho rằng tội phạm là một chỉ báo xã hội giữa những chỉ báo khác, một chỉ báo về trật tự xã hội. Nhà xã hội học E. Durkheim đưa ra nhận định: “Tội phạm là kết quả tổng hợp của cấu trúc xã hội nơi nó đang hoành hành, có quan hệ thường trực với toàn bộ cấu trúc xã hội”.

Những con số GDP hay chỉ số kinh tế được các xã hội chú tâm phát triển không hẳn giảm thiểu được tình trạng phạm tội, mà có thể còn ngược lại. Nhà tội phạm học người Ý E. Ferri đã nhấn mạnh nhiều đến mối quan hệ giữa tình trạng phạm tội với văn minh hiện đại. Ông cho rằng điều kiện kinh tế và xã hội ngày nay là mảnh đất thuận lợi cho sự phát triển tội phạm.

Sự khủng hoảng nhân văn ấy bắt đầu từ đâu? Phải chăng, như J. Picat đã nói, “chính hệ thống kinh tế dựa trên khẩu hiệu kiếm lợi là trên hết, siêu đầu tư vào bộ máy nhà nước và phi cá nhân hoá lao động” là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng phạm tội trong thời đại ngày nay?

ĐOÀN ĐẠT

SOURCE: SÀI GÒN TIẾP THỊ ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ: http://sgtt.vn/Goc-nhin/173691/Khung-hoang-nhan-van.html

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê