Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Trao đổi nghiệp vụ: các vấn đề về Kinh doanh – Thương mại, Lao động (kỳ 2)

15/09/2016, 00:03

Vấn đề thụ lý vụ án trong trường hợp tranh chấp hợp đồng tín dụng liên quan đến người thứ 3 là bên thế chấp, việc xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp có nhiều tài sản bảo đảm cho một khoản vay… là những nội dung trao đổi, giải đáp về nghiệp vụ trong kỳ này.

Câu hỏi 6. Trong hợp đồng tín dụng, bên thứ 3 dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở để thế chấp (có hợp đồng thế chấp). Đến hạn, bên vay không thực hiện được nghĩa vụ. Ngân hàng không khởi kiện bên vay mà chỉ khởi kiện bên thế chấp. Tòa án có thụ lý không? Nếu thụ lý thì xác định đây là vụ án dân sự hay kinh doanh thương mại?

Trả lời:

Thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp (Khoản 1 Điều 342 BLDS). Bảo lãnh là việc người thứ ba cam kết với bên có quyền sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ, nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ (Điều 361 BLDS). Trường hợp trên là trường hợp bên thứ ba bảo lãnh cho bên vay và dùng tài sản của mình thế chấp để bảo đảm cho việc bảo lãnh. Nghĩa vụ bảo lãnh phát sinh khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Đến hạn, bên vay không trả nợ được, nghĩa vụ bảo lãnh đã phát sinh, bên cho vay (Ngân hàng) có quyền khởi kiện yêu cầu buộc bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Quan hệ bảo lãnh xuất phát từ quan hệ vay và là hợp đồng tín dụng nên vụ kiện về quan hệ bảo lãnh vẫn là vụ án kinh doanh, thương mại.

Khi giải quyết vụ kiện về bảo lãnh, Tòa án phải phán quyết cả về hợp đồng vay (xác định nghĩa vụ của bên vay mà bên bảo lãnh phải thực hiên thay) và cũng là xác định nghĩa vụ hoàn lại sau này của bên vay nên vẫn phải đưa bên vay vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Có rất nhiều trường hợp người vay đã bỏ trốn trước khi bên cho vay khởi kiện người bảo lãnh. Trường hợp này cũng phải xác định địa chỉ của người vay là địa chỉ sau cùng trước khi họ bỏ trốn.

Câu hỏi 7. Trong vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng, có nhiều tài sản bảo đảm cho 1 khoản vay. Khi giải quyết tranh chấp thì xử lý các tài sản bảo đảm này như thế nào? Có cần phân định tài sản A bảo đảm cho số tiền này, tài sản B bảo đảm cho số tiền khác (chia nhỏ khoản vay) hay không? Hay xử lý cùng một lúc tất cả các tài sản?

Trả lời:

Khi giao kết hợp đồng tín dụng có biện pháp bảo đảm bằng tài sản, bên vay có thể dùng một hoặc nhiều tài sản để đảm bảo cho một khoản vay hoặc dùng một tài sản để đảm bảo cho nhiều khoản vay.

Theo quy định tại Điều 334 BLDS thì: “Trong trường hợp cầm cố nhiều tài sản để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ dân sự thì mỗi tài sản được xác định bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận mỗi tài sản bảo đảm thực hiện một phần nghĩa vụ”.

Theo quy định tại Điều 347 BLDS thì: “Trong trường hợp thế chấp nhiều tài sản để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ dân sự thì mỗi tài sản được xác định bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận mỗi tài sản bảo đảm thực hiện một phần nghĩa vụ”.

Theo quy định của pháp luật thì trong hợp đồng tín dụng các bên có thể thỏa thuận mỗi tài sản bảo đảm cho một phần khoản vay nhưng trong tình huống nêu trên thì các bên không có thỏa thuận này nên mỗi tài sản đều bảo đảm cho toàn bộ khoản vay.

Câu hỏi 8. Trong vụ án kinh doanh thương mại về hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng thương mại cổ phần A (nhà nước có cổ phần chi phối) và công ty B, các đương sự thỏa thuận được với nhau về giải quyết toàn bộ vụ án. Tòa án có được ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự hay không? Có thuộc trường hợp những vụ án không được hòa giải quy định tại Điều 181 BLTTDS hay không?

Trả lời:

Điều 181 BLTTDS quy định về những vụ án không được hòa giải, trong đó có vụ án về yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đến tài sản của Nhà nước. Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn cụ thể khi xác định yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đến nhà nước cần phân biệt rõ hai trường hợp:

- Trường hợp tài sản của Nhà nước được giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang quản lý, sử dụng hoặc đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước thực hiện quyền sở hữu thông qua cơ quan có thẩm quyền, thì khi có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đến loại tài sản này, Toà án không được hoà giải để các bên đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.

- Trường hợp tài sản của Nhà nước được Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước, góp vốn trong các doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư của các chủ sở hữu khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mà doanh nghiệp được quyền tự chủ chiếm hữu, sử dụng hoặc định đoạt tài sản và chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với tài sản đó trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thì khi có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đến tài sản đó, Toà án tiến hành hoà giải để các bên đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án theo thủ tục chung.

Vụ án kinh doanh thương mại về hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng thương mại cổ phần A (nhà nước có cổ phần chi phối) và công ty B là thuộc trường hợp thứ hai, Tòa án vẫn tiến hành hòa giải vụ án bình thường; nếu các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án thì Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

Câu hỏi 9. Ngân hàng và doanh nghiệp tranh chấp hợp đồng tín dụng. Trong quá trình giải quyết các bên thỏa thuận được số nợ gốc và lãi và đề nghị Tòa án công nhận sự thỏa thuận về phương thức thanh toán trả làm nhiều đợt và tiếp tục tính lãi trên số nợ gốc kể từ khi thỏa thuận đến khi trả xong nợ theo lãi suất cho vay của Ngân hàng cho vay tại thời điểm thanh toán theo đợt. Ngoài ra các bên còn thỏa thuận phần chậm trả được tính theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước. Tòa án có ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự được không? Nếu được thì phần án phí được tính trên số nợ gốc và lãi phải trả mà đã đã thỏa thuận thống nhất được hay cả phần lãi phát sinh sau cũng phải tính án phí.

Trả lời:

Tòa án không được ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự vì thỏa thuận này là trái pháp luật.

Theo quy định tại Điều 474 BLDS và Điều 13 Quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng được ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (đã được sửa đổi, bổ sung theo quyết định 127/2005/QĐ-NHNN ngày 03/02/2005) đối với khoản nợ vay không trả nợ đúng hạn, được tổ chức tín dụng đánh giá là không có khả năng trả nợ đúng hạn và không chấp thuận cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thì số dư nợ gốc của hợp đồng tín dụng đó là nợ quá hạn và tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp để thu hồi nợ; việc phạt chậm trả đối với nợ quá hạn và nợ lãi vốn vay do hai bên thoả thuận trên cơ sở quy định của pháp luật.

Như vậy, trường hợp doanh nghiệp không trả hoặc trả không đầy đủ khoản nợ đến hạn, thì doanh nghiệp phải trả khoản lãi quá hạn đối với nợ quá hạn và nợ lãi vốn vay. Việc hai bên thỏa thuận bên vay vừa phải tiếp tục trả lãi trên số nợ gốc và vừa phải trả lãi quá hạn trên tổng số nợ gốc và lãi chậm trả, nghĩa là bên vay phải trả hai khoản lãi trong cùng một khoảng thời gian là không đúng với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật ngân hàng.

Nếu thuộc trường hợp có thể ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự, thì phần án phí chỉ được tính trên số nợ phải trả mà các bên đã tính được (cả gốc và lãi). Mức án phí đối với các vụ án về tranh chấp kinh doanh, thương mại có giá ngạch được tính trên cơ sở giá trị tranh chấp mà đương sự yêu cầu Tòa án giải quyết. Giá trị tranh chấp đối với tranh chấp hợp đồng tín dụng này là khoản tiền gốc và lãi mà ngân hàng và doanh nghiệp đã xác định được tại thời điểm đạt được thỏa thuận. Phần lãi phát sinh được tính đến khi bên vay trả hết nợ, Tòa án không xác định được là bao nhiêu tại thời điểm giải quyết, do đó không có căn cứ để tính án phí.

(còn tiếp…)

Nguồn: TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỌC VIỆN TOÀ ÁN

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê