Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Tranh chấp thực hiện nghĩa vụ: Huỷ án vì tính lãi… Trên trời.

24/06/2016, 16:50

Nguyên đơn căn cứ vào thỏa thuận thanh lý hợp đồng để khởi kiện, yêu cầu bị đơn trả lãi 400.000.000 đồng/ 1lô đất, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì cho rằng, do hợp đồng chuyển nhượng đất giữa các bên bị vô hiệu nên thỏa thuận thanh lý cũng vô hiệu. Thế nhưng, cấp phúc thẩm lại sửa ngược bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải trả với mức lãi … trên trời.

1/ SƠ LƯỢC NỘI DUNG VỤ ÁN.

Trong khoảng thời gian từ tháng 9/2002 đến tháng 01/2003, bà Huỳnh Thị Hậu (tên đương sự trong vụ án đã được thay đổi) có lập hợp đồng (giấy tay) chuyển nhượng 04 lô đất có số hiệu A.37, A.41, A.57, A.58 thuộc dự án khu Chợ đầu mối T.B quận T, Thành phố H. của Công ty cổ phần phát triển nhà T.Đ cho gia đình ông Nguyễn Hoàng Năng.

Bà Hậu có làm 04 hợp đồng chuyển nhượng gồm: Hợp đồng ngày 27/9/2002, bà Hậu sang nhượng cho bà Trần Thị Luyến (vợ ông Năng) lô A.57 diện tích 140m đất với giá là: 817.000.000 đồng, đã đưa trước 500.000.000 đồng ; Hợp đồng ngày 22/10/2002, bà Hậu sang nhượng cho ông Nguyễn Hoàng Năng lô A.58 diện tích 120m đất với giá 820.000.000 đồng, đã đưa trước 500.000.000 đồng; Hợp đồng ngày 9/1/2003, bà Hậu sang nhượng cho ông Năng lô A.41 diện tích 120m đất với giá 720.000.000 đồng, đã đưa trước 470.000.000 đồng; Hợp đồng ngày 26/1/2003 bà Hậu sang nhượng cho anh Nguyễn Hoàng Quang (con trai ông Năng) lô A.37 có diện tích 120m đất với giá 720.000.000 đồng, đã đưa trước 470.000.000 đồng. Tổng số tiền bà Hậu đã nhận của gia đình ông Nguyễn Hoàng Năng là 1.940.000.000 đồng

Ngày 21/5/2003, ông Năng và bà Hậu thỏa thuận làm bản thanh lý 04 hợp đồng nêu trên. Tại bản thanh lý này, hai bên thỏa thuận bà Hậu hoàn trả cho gia đình ông Năng số tiền 1.940.000.000 đồng đã nhận và trả lãi mỗi lô là 400.000.000 đồng, tổng cộng 04 lô là 1.600.000.000 đồng. Tổng số tiền bà Hậu phải trả cho gia đình ông Năng là 3.540.000.000 đồng, và chậm nhất đến ngày 20/6/2003 phải thanh toán xong cho gia đình ông Năng. Nếu quá thời hạn trên thì bà Hậu còn phải chịu phạt tiền lãi 1%/ngày.

Sau khi thanh lý, bà Hậu đã trả cho gia đình ông Năng nhiều lần, cụ thể: ngày 24/6/2003 bà Hậu trả cho gia đình ông Năng 1.000.000.000 đồng; ngày 7/7/2003 trả 300.000.000 đồng; ngày 6/10/2003 trả 700.000.000 đồng. Tổng cộng bà Hậu đã trả cho gia đình ông Năng số tiền là 2.000.000.000 đồng. Sau đó bà Hậu không tiếp tục thanh toán số tiền còn lại theo thoả thuận tại “Bản thanh lý” nên ngày 12/12/2006 ông Nguyễn Hoàng Năng có đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận T.P, Thành phố H. yêu cầu bà Huỳnh Thị Hậu phải thực hiện đúng biên bản thanh lý ngày 21/5/2003, tiếp tục trả số tiền còn lại là 1.540.000.000 đồng cùng lãi suất 1% ngày, tính đến thời điểm xét xử.

2/ NHẬN ĐỊNH VÀ QUYẾT ĐỊNH CỦA ÁN SƠ THẨM

Tại bản án Dân sự sơ thẩm số 132/2007/ DSST ngày 16/5/2007, Tòa án nhân dân quận T.P, Thành phố H. nhận định:

“… căn cứ Quyết định số 1986/QĐ – UB ngày 23/5/2003 của Ủy ban nhân dân Thành phố H. về việc điều chỉnh diện tích giao đất cho Công ty cổ phần Phát triển nhà T.Đ tại phường T.B quận T, Công văn số 4860/KTST – DB2 ngày 24/12/2002 của Văn phòng Kiến trúc sư Trưởng Thành phố về việc điều chỉnh quy hoạch – kiến trúc xây dựng khu dân cư và khu chợ đầu mối phía Đông Thành phố…thì các lô đất mà bà Hậu chuyển nhượng cho ông Năng, bà Luyến, anh Quang là thuộc dự án khu dân cư và khu chợ đầu mối phía Đông Thành phố, do Công ty cổ phần Phát triền nhà T.Đ làm chủ đầu tư. Phía Công ty Phát triển nhà T.Đ khai không biết ai mang tên Huỳnh Thị Hậu và Nguyễn Hoàng Năng và phía công ty không có mối quan hệ nào với bà Hậu, ông NăngBà Hậu cũng chưa có văn bản, quyết định nào của Nhà nước giao đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất đối với các lô đất nói trên. Về mặt pháp lý, bà Huỳnh Thị Hậu không có tư cách pháp lý đứng ra ký chuyển nhượng hoặc thanh lý hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các bên chỉ lập bằng giấy tay với nhau, không có xác nhận của chính quyền địa phương, không tuân thủ về mặt hình thức mà pháp luật quy định. Do đó hợp đồng sang nhượng đất cũng như thanh lý của các bên là vô hiệu. Hậu quả của hợp đồng vô hiệu là các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Do các bên đều có lỗi trong hợp đồng vô hiệu này nên không phải bồi thường cho nhau. Vì vậy, không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Từ nhận định trên, án sơ thẩm đã tuyên xử:

Hủy biên bản thanh lý hợp đồng ngày 21/5/2003 giữa bà Huỳnh Thị Hậu và ông Nguyễn Hoàng Năng. Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông Nguyễn Hoàng Năng về việc yêu cầu bà Huỳnh Thị Hậu phải thanh toán số tiền 1.540.000.000đ và lãi 1% trên số tiền này tính đến thời điểm xét xử là 600.600.000đ (sáu trăm triệu sáu trăm nghìn đồng).

Sau khi xét xử sơ thẩm, ông Nguyễn Hoàng Năng có đơn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp trên xem xét lại vụ án theo trình tự phúc thẩm.

3/ NHẬN ĐỊNH VÀ QUYẾT ĐỊNH CỦA ÁN PHÚC THẨM

Tại bản án dân sự phúc thẩm số 1095/2007/DSPT ngày 18/9/2007, Tòa án nhân dân Thành phố H nhận định:

“…sau khi ký bản thanh lý hợp đồng, bà Hậu hoàn toàn không có khiếu nại gì về việc bị áp lực phải ký bản thanh lý hợp đồng mà trên thực tế bà Hậu đã thực hiện nghĩa vụ trả tiền được 2.000.000.000 đồng cho ông Năng, bà Luyến và anh Quang. Do đó chấp nhận yêu cầu của ông Năng, bà Luyến và anh Quang, xử buộc bà Hậu phải có trách nhiệm thực hiện tiếp biên bản thanh lý hợp đồng ngày 21/5/2003, trả tiếp cho ông Năng, bà Luyến, ông Quang số tiền là 1.540.000.000 đồng.

Xét, theo thỏa thuận tại bản thanh lý hợp đồng ngày 21/5/2003 thì chậm nhất đến ngày 20/6/2003, bà Hậu phải trả xong số tiền 3.540.000.000 đồng (ba tỷ năm trăm bốn mươi triệu đồng) nhưng đến ngày 6/10/2003, bà Hậu mới trả cho ông Năng, bà Luyến, ông Quang tổng số tiền là 2.000.000.000 đồng (hai tỷ đồng) thì ngưng không trả tiếp. Như vậy, từ 6/10/2003 cho đến ngày xét xử sơ thẩm, bà Hậu phải có trách nhiệm trả tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ cho ông Năng, bà Luyến và ông Quang theo biên bản thanh lý hợp đồng ngày 21/5/2003. Tuy nhiên với mức lãi suất hai bên thỏa thuận 1%/ngày là quá cao so với quy định của pháp luật. Nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện của gia đình ông Năng yêu cầu tính lãi suất chậm trả theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tính từ ngày 6/10/2003 đến 6/10/2007, nên cần điều chỉnh lại tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm xét xử sơ thẩm…để buộc bà Hậu phải trả cho ông Năng, bà Luyến và ông Quang

Từ nhận định trên, Tòa án nhân dân Thành phố H quyết định:

Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Nguyễn Hoàng Năng.

Buộc bà Huỳnh Thị Hậu có trách nhiệm trả cho ông Nguyễn Hoàng Năng, bà Trần Thị Luyến  và ông Nguyễn Hoàng Quang số tiền thanh lý hợp đồng ngày 21/5/2003 còn thiếu là 1.540.000.000 đồng và tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ từ ngày 06/10/2003 đến ngày 06/1/2007 là 412.912.500 đồng. Tổng cộng là 1.952.912.500 đồng (một tỷ chín trăm năm mươi hai triệu chín trăm mười hai ngàn năm trăm đồng) ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.

….

Sau khi xét xử phúc thẩm, bà Hậu có đơn khiếu nại.

Tại Quyết định Giám đốc thẩm số 49/2008/DS – GĐT ngày 25/3/2008 Tòa Dân sự - Tòa án nhân dân Tối cao nhận định:

Theo biên bản thanh lý ngày 21/5/2003, các bên có thỏa thuận về bồi thường “trả lãi” (400.000.000đồng/lô đất), nhưng nội dung của các bên thỏa thuận là không rõ ràng; bởi vì nếu tính theo lãi suất ngân hàng là không thỏa mãn với số tiền nêu trên (vì số tiền quá lớn), còn nếu là bồi thường thiệt hại thì cũng không xác định được các đương sự thỏa thuận bồi thường trên cơ sở nào?

Tòa án cấp phúc thẩm buộc bà Hậu phải thanh toán cho gia đình ông Năng 1.540.000.000đồng là số tiền lãi các bên thỏa thuận tại biên bản ngày 21/5/2003 là không đúng, ngoài ra Tòa án cấp phúc thẩm lại buộc bà Hậu phải thanh toán 412.912.500 đồng là số tiền lãi của số tiền lãi nêu trên cũng là không đúng pháp luật.

Do các bên thỏa thuận chưa rõ ràng về nghĩa vụ phải thanh toán do hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (thực tế là thỏa thuận tính theo lãi suất ngân hàng hay tính giá trị chênh lệch theo giá thị trường) nên cần thu thập xác minh về sự thỏa thuận của các bên; nếu các bên thống nhất thỏa thuận về việc thanh toán nghĩa vụ giải quyết hậu quả của việc hủy các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì Tòa án giải quyết theo sự thỏa thuận của các bên. Nếu các bên không thống nhất về việc giải quyết hậu quả của việc hủy các hợp đồng nêu trên thì Tòa án căn cứ vào các quy định của pháp luật để giải quyết hậu quả của việc hủy các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, xác định lỗi của mỗi bên để giải quyết bồi thường thiệt hại.

Từ nhận định trên, Hội đồng Giám đốc thẩm Tòa Dân sự - Tòa án nhân dân Tối cao đã quyết định:

Hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm.

Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân quận T.P xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục chung.

4/ BÌNH LUẬN.

Để giải quyết đúng đắn quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án này, trước hết cần phải làm rõ các vấn đề sau đây:

a/ Hiệu lực của Biên bản thanh lý.

Khoản 1, Điều 146 BLDS năm 1995 cũng như Điều 137 BLDS năm 2005 đều quy định “Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên từ thời điểm xác lập”. Điều đó cũng có nghĩa, khi một giao dịch dân sự bị xem là vô hiệu thì mọi thoả thuận về quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch đó đương nhiên bị xem là vô hiệu. 

Trong vụ án này, số tiền mà phía nguyên đơn yêu cầu bị đơn hoàn trả cũng như việc trả lãi 400.000.000đồng/1 lô đất theo “Biên bản thanh lý” ngày 21/5/2003 là các thỏa thuận trên cơ sở của những cam kết tại các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được các bên ký kết trước đó. Do vậy, về nguyên tắc khi xem xét giá trị pháp lý của “Biên bản thanh lý”, trước hết cần phải xác định tính hợp pháp của các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Theo đó, thỏa thuận thanh lý giữa các bên chỉ có hiệu lực khi các hợp đồng chuyển nhượng được xem là hợp pháp.

Một hợp đồng mua bán “hàng cấm” bị vô hiệu thì thỏa thuận thanh lý giữa các bên (về việc trả lãi hay phân chia lợi nhuận) từ hợp đồng này cũng sẽ đương nhiên bị xem là vô hiệu.

Trong trường hợp này, các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Huỳnh Thị Hậu và gia đình ông Nguyễn Hoàng Năng đều bị vô hiệu do vi phạm các quy định của pháp luật (vi phạm cả về hình thức lẫn tư cách chủ thể của hợp đồng). Do đó, mọi thỏa thuận liên quan đến các hợp đồng này (kể cả thỏa thuận thanh lý hợp đồng) đều bị xem là vô hiệu.

Mặt khác, khái niệm “Thanh lý hợp đồng” trên thực tế chỉ được áp dụng đối với những hợp đồng được xem là hợp pháp, và khi các bên đã thực hiện xong các quyền, nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ hợp đồng. Trong trường hợp này, các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Hậu và gia đình ông Năng là những hợp đồng vô hiệu, và các bên cũng chưa thực hiện xong các quyền, nghĩa vụ phát sinh từ các quan hệ hợp đồng này. Do vậy, việc thỏa thuận của các bên tại biên bản ngày 21/5/2003 thực chất là sự thỏa thuận “hủy bỏ hợp đồng” theo quy định tại các Điều 418, 419 BLDS năm 1995 chứ không phải là hành vi “thanh lý hợp đồng” như bản án phúc thẩm đã nhầm tưởng.

Khoản 3, khoản 4 Điều 419 BLDS năm 1995 quy định về việc hủy bỏ hợp đồng như sau:

Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận…

Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị hủy bỏ phải bồi thường thiệt hại”

Như vậy, do thỏa thuận của các bên trong trường hợp này là sự thống nhất hủy bỏ hợp đồng, nên khi xảy ra tranh chấp cần phải áp dụng các quy định pháp luật về việc  “Hủy bỏ hợp đồng” để giải quyết vụ án. Theo đó, nếu có thiệt hại thực tế xảy ra thì bên có lỗi trong việc hợp đồng bị hủy bỏ phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế, chứ không  thể căn cứ vào nội dung “trả lãi” của bản thanh lý ngày 21/5/2003 để buộc bị đơn phải trả lãi theo bản thanh lý này. 

b/ Tính hợp pháp của các khoản lãi.

Theo nội dung của biên bản thanh lý ngày 21/5/2003 thì có hai khoản lãi mà phía bị đơn phải trả là: 1.540.000.000 đồng, đây là khoản lãi từ số tiền 1.940.000.000đồng đưa trước của việc mua bán đất. Ngoài ra, bị đơn còn phải chịu phạt lãi suất 1%/ ngày trên tổng số tiền 3.540.000.000 đồng,  nếu quá hạn thanh toán mà vẫn chưa thanh toán.

Các thỏa thuận trả lãi nêu trên, đều bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật.

Việc Tòa án cấp phúc thẩm công nhận khoản lãi 1.540.000.000 đồng theo biên bản thanh lý ngày 21/5/2003 đã là trái pháp luật; nhưng lại càng sai lầm hơn khi buộc bà Hậu phải tiếp tục trả số tiền 412.912.500 đồng là khoản lãi của số tiền lãi 1.540.000.000 đồng nêu trên. Bởi vì, khoản tiền lãi 1.540.000.000 đồng đã không được xem là hợp pháp thì làm gì có số tiền 412.912.500 đồng tính lãi từ khoản tiền này?

Hơn nữa, nguồn gốc của khoản tiền lãi này là xuất phát từ biên bản thanh lý được ông Năng tính theo mức lãi suất 1%/ngày (tức 30%/tháng). Nội dung của giao dịch này rõ ràng đã vi phạm điều cấm của pháp luật. Lẽ ra khi xét xử, Tòa án phải tuyên hủy toàn bộ giao dịch, nhưng cấp phúc thẩm lại biến một giao dịch vi phạm điều cấm, trở thành một thỏa thuận hợp pháp và có hiệu lực bằng cách giảm mức lãi từ 1% / ngày (tức 30% /tháng) xuống ngang với mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, để từ đó buộc bị đơn phải trả theo mức lãi này.

Ở đây cần hiểu rằng, về nguyên tắc, khi một giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật thì giao dịch đó đương nhiên bị xem là vô hiệu toàn bộ ngay từ thời điểm xác lập. Mọi sự điều chỉnh liên quan đến nội dung của giao dịch nhằm làm cho giao dịch có hiệu lực một phần (hay toàn bộ) đều bị xem là trái pháp luật. Nhất là trong trường hợp này, mức lãi 30%/ tháng vượt rất nhiều lần mức lãi suất pháp luật cho phép. Và, về mặt định lượng, mức lãi này đã vi phạm Điều 163 Bộ luật Hình sự về “Tội cho vay lãi nặng”.

 

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP

      (Rút từ sách BÌNH LUẬN ÁN)

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê